Ngày nay trong nhiều gia đình Việt Nam đều treo chữ “Phúc” hay dán chữ “Phúc” trong phòng khách để cầu mong những điều may mắn, tốt đẹp đến. Vậy chữ “Phúc” ấy có ý nghĩa là gì và phong tục treo chữ “Phúc” trong nhà bắt nguồn từ đâu?

Phong tục treo chữ “Phúc” trong nhà khá phổ biến ở Việt Nam ngày nay được du nhập từ văn hóa Trung Hoa xưa. Thời đó, mỗi khi Tết đến, báo hiệu một năm mới về, người ta lại dán chữ “Phúc” lên cổng nhà, trên vách tường, cửa phòng lớn nhỏ.

Chữ Phúc được dán ngược trên cửa nhà (Ảnh: Internet)

Ngày nay, chữ “Phúc” được nhiều người hiểu là “hạnh phúc”, “phúc báo”, nhưng trong quá khứ chữ “Phúc” là dùng để chỉ “phúc phận” và “phúc khí”. Dẫu sao thì việc người ta dán chữ “Phúc” trong nhà đều là để gửi gắm mong muốn có được một cuộc sống hạnh phúc, một tương lai tốt đẹp. Nhưng người xưa thường dán ngược chữ “Phúc” trước cổng nhà mình nhân dịp năm mới…

Tương truyền, việc dán chữ “Phúc” là có liên quan đến Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương. Vào một đêm Tết Nguyên Tiêu, Chu Nguyên Chương đã cởi áo long bào giả trang làm một ông chủ, đi dạo trên đường Nam Kinh ngắm hoa đăng.

Minh Thái Tổ thấy dân chúng trong kinh thành nhà nào nhà nấy đều cắt hoa giấy, treo đèn lồng, dán câu đối, tất cả đều là cảnh tượng ăn mừng vui vẻ nên trong lòng rất vui. Nhưng sau khi đi qua vài dãy phố, ông phát hiện thấy trên cổng của một nhà có dán bức tranh một người phụ nữ ngồi trên lưng ngựa, ôm trái dưa hấu lớn.

Nhìn bức tranh, Chu Nguyên Chương giận tím mặt. Ông cho rằng đây là bức tranh châm chọc xuất thân bần hàn của Mẫu nghi thiên hạ – Mã Hoàng hậu. Chu Nguyên Chương liền hạ lệnh cho kẻ dưới dán một chữ “Phúc” lên cổng của nhà kia để làm dấu hiệu, ngày hôm sau trừng trị.

Minh Thái Tổ và Mã Hoàng Hậu (Ảnh: Wikipedia)

Nhưng đêm đó, Mã Hoàng hậu biết chuyện. Bà nhanh chóng lệnh cho tất cả các nhà trong thành đều phải dán một chữ “Phúc” trên cổng trước khi bình minh đến. Tuy nhiên trong lúc vội vã, một gia đình không biết chữ đã đem chữ “Phúc” dán ngược.

Ngày hôm sau, người của Chu Nguyên Chương phát hiện ra nhà nào trong thành cũng dán chữ “Phúc”. Giận cá chém thớt, họ lệnh cho cấm quân tịch thu hết tài sản của nhà dán chữ “Phúc” ngược và bắt giữ  “kẻ phạm tội”.

Mã Hoàng hậu thấy sự tình không hay liền vội vàng nói với Chu Nguyên Chương: “Người nhà kia biết hôm nay Hoàng Thượng tới chơi, nên đã cố ý dán ngược chữ ‘Phúc’ để tỏ ý tứ là ‘Phúc đến’.” (Chữ “Phúc” dán ngược có nghĩa là nó bị “đảo”, mà âm “phúc” và âm “đảo” đọc liền nhau sẽ trở thành “phúc đáo”, tức là phúc đến, chữ đáo nghĩa là đến.)

Hoàng đế Chu Nguyên Chương vừa nghe thì liền thấy có đạo lý nên lập tức hạ lệnh thả người. Một trận đại họa bởi vậy mà cuối cùng đã được tiêu trừ.

Minh Thái Tổ rất thương yêu Mã Hoàng Hậu, nên khi bà mất, ông không lập thêm một hoàng hậu nào nữa (Ảnh: Internet)

Từ đó về sau, để tưởng nhớ đến tấm lòng nhân từ của Mã hoàng hậu, và cũng là để hướng đến những điều tốt lành trong năm mới, người ta đã dán ngược chữ “Phúc” ở ngoài cổng nhà mình.