Trong quốc âm Việt Nam ta có nhiều tiếng người đời xưa hay dùng đến mà người đời nay bỏ đi không dùng, hoặc có dùng đến mà rất ít. Sự ấy trong tiếng nói các nước thường thấy, chẳng một mình nước ta. Bởi vì tiếng nói phải theo thời đại mà thay đổi: hễ thời đại nầy đã có những tiếng mới sản sanh ra, thì trong những tiếng cũ của thời đợi trước cũng phải có tiếng chết đi. Đây chúng tôi không xét đến cái cớ tại sao mà nó chết, chỉ do theo kinh nghiệm của lịch sử mà rao ra sự nó chết.

Một điều nên biết là bởi sự thay đổi đó mà những sách đời xưa mới cần có chú thích. Thật thế, nếu tiếng nói đời xưa và đời nay không có biến dịch chút nào hết, thì bất kỳ một cuốn sách nào của người xưa để lại, chúng ta đều có thể đọc và hiểu hết, có cần sự huấn hộ (1) làm chi? Nay chúng ta phải cần có huấn hộ mới hiểu sách xưa được, là bởi những tiếng đã chết ấy ngày nay không dùng nữa, chúng ta không có thể hiểu được, phải cần có cắt nghĩa mới hiểu.

Sự khác nhau của tiếng nói như trên đây là bởi thời gian cách trở mà ra, cũng như bởi không gian cách trở vậy. Một tiếng nào đó, hồi đời vua Gia Long người ta thường dùng mà đời nay không dùng, thì cũng chẳng khác một tiếng nào đó ở Hà Nội người ta có nói mà ở Sài Gòn không nói.

Như vậy, hễ người đời nay phải cần có huấn hộ để hiểu được tiếng của đời Gia Long thì người Sài Gòn cũng phải cần có cách gì đó để hiểu được tiếng của Hà Nội. Sự lý rành rành như vậy đó; thế mà nhiều người dám chống lại với cái sự lý ấy, hễ thấy ai dùng tiếng gì lạ thì đã nói đó là tiếng Bắc, rồi hết sức tránh đi không dùng và cũng không khứng dụng công mà hiểu nữa, là nghĩa làm sao?

Nhân tiện nói luôn sự kỳ cục ấy mà nghe, chớ cốt ý bài nầy chúng tôi định tìm kiếm một ít tiếng ta đã chết rồi. Mà sự tìm kiếm nầy, chúng tôi chẳng phải dư công mà làm một việc khảo cổ.

Ngoài sự cắt nghĩa cho những tiếng đã chết ấy ra, chúng tôi còn mong một điều hơi ngộ nghĩnh một chút, là mong cho những tiếng ấy sống lại. Bởi vì tiếng nói của ta còn kém thiếu, ngày nay phải mượn tiếng ngoại quốc mà dùng, vậy thì có hời hợt gì đâu mà lại để cho những tiếng ấy chết đi? Trừ ra những tiếng đáng chết – sẽ nói ở sau – nên để cho nó chết luôn; còn tiếng nào đã chết rồi, mà liệu có thể dùng được thì tưởng ta nên dùng nó, hầu cho giàu tiếng mà trong khi hành văn sẽ được thêm tiện lợi.

Vừa rồi chúng tôi nói trong những tiếng đã chết ấy có tiếng đáng chết, ấy là như tiếng lời. Tiếng lời nầy thấy chỉ có trong sách đạo Thiên Chúa có dùng mà thôi, nghĩa nó là trời. Nhưng hiện nay thì tiếng ấy cũng chết đi trong hội Công giáo nữa, vì ngày nay trong sách vở họ cũng nói là Đức Chúa Trời mà không nói Đức Chúa Lời như trước.

Chúng tôi không có thể truy nguyên ra cho biết tại sao bên Đạo lại kêu Trời bằng Lời. Ngoài Bắc, ở tỉnh Nam Định có một vài làng nói vần tr và n thành ra l, ấy là họ nói đớt. Hoặc giả hồi đó ông cố đạo nào bắt đầu làm ra sách Quốc ngữ là nói theo giọng miền ấy chăng. Nhưng, nghĩ cho kỹ thì thật không có lẽ nào như vậy. Bấy giờ đạo Thiên Chúa truyền khắp cả nước, mà cả nước nơi nào cũng đều nói trời hết, các cố đều có học có biết, há lại chịu theo cái giọng đớt của miền ấy?

Chúng tôi có một điều ngờ như vầy:
Trước hết ta nên nhìn nhận rằng thuở xưa người Việt Nam đều nói trời hết; nhưng cũng có một miền ở Bắc đó nói trời ra lời. Đáng lẽ bên Đạo phải theo phần đông mà nói Đức Chúa Trời; song họ không nói thế, mà lại nói Đức Chúa Lời, là bởi có lẽ khác.

Chúng tôi đọc kinh Tân Ước sách Tin lành của ông thánh Jean, mở đầu ra nói rằng: Ban đầu có Ngôi Lời. Ngôi Lời ở cùng Đức Chúa Trời, và Ngôi Lời là Đức Chúa Trời (1). Chúng tôi ngờ cho trong sách Đạo nói Lời thay cho trời có lẽ là bởi đoạn sách đó.

Chữ Ngôi Lời đó nguyên văn bằng Hê-bơ-rơ thế nào thì không biết, nhưng theo tiếng Pháp thì có kẻ dịch là Verbe, có kẻ dịch là Parole. Parole hay Verbe cũng đều là lời trong tiếng ta cả; chữ ngôi đó là người ta thêm vào để tỏ ra cho chắc chắn là một danh từ và một thiệt thể đó thôi. Kinh văn đã nói hẳn rằng Ngôi Lời là Đức Chúa Trời, và trong tiếng Việt Nam cũng có kêu trời bằng lời, thình lình hai đàng phù hiệp với nhau, chắc các cố thấy mà thích lắm, cho nên bỏ tiếng trời là tiếng thông dụng đi, mà xưng hẳn là lời vậy.

Ấy là chúng tôi đề chừng mà nói, chớ không dám chắc. Ước gì trong các Cố, có Cố nào rõ cái lịch sử nầy, làm ơn cho chúng tôi biết với, thì hân hạnh cho chúng tôi là dường nào!

Nhưng chữ Đức Chúa Lời, cũng chỉ thấy trong các sách Đạo xưa lắm mà thôi. Về sau nầy thì thấy đã bỏ cách xưng ấy đi mà theo như thông thường, xưng là Đức Chúa Trời.

Sự đề chừng của chúng tôi trên đó, như cũng có lẽ đôi chút; song lại có điều khác làm cho cái có lẽ ấy trở nên yếu bớt đi, bởi vậy chúng tôi chẳng cho sự đề chừng của mình là có giá trị.

Cứ như những sách Đạo xưa thì không những một chữ trời nói ra lời thôi đâu, mà có nhiều chữ bởi vần tr đều nói ra l hết. ấy là như câu: Đức chúa Lời dựng nên mặt lời mặt lăng. Lại như câu: ở trong vườn ấy có đủ các giống cây cối lái lăng(1). Chữ mặt lăng đó tức là mặt trăng và chữ lái lăng đó tức là trái trăng (fruits). Lại như chữ trọn lành thì cũng nói là lọn lành. Nếu vậy thì chữ trời mà nói ra lời kia hoặc cũng theo một luật với mấy chữ trên nầy – tr đổi ra l – chớ không phải bởi lẽ gì khác.

Dầu thế nào nữa, những chữ ấy quả là ngọng nghịu mà không phải chính tiếng Việt Nam, không thông hành được, cho nên nó phải chết, thì ta cứ để cho nó chết.

Ngang hồi Nguyễn Trịnh và Tây Sơn, bờ (*) một trăm rưỡi năm nay, bấy giờ những công văn qua lại, Bắc gởi vào Nam, hay Nam gởi ra Bắc, hay dùng chữ Nôm mà đặt bằng thể tứ lục. Trong những bài tứ lục ấy, tác giả hay theo lối chữ Nho mà mở đầu dùng hai chữ tượng máng. Nói như vậy, nghĩa là trong những bài chiếu chữ nho hay mở đầu bằng chữ Cái văn, mà tượng máng tức là cái văn.

Chữ cái có nghĩa hồ nghi là hình như chớ không chắc; chữ văn là nghe. Vậy hai chữ cái văn có ý như vầy: Hình như có nghe. Nói thế là tỏ ý tự khiêm cho sự nghe của mình là không được đích xác lắm, không dám tự cho là phải.

Vietnam Future: Những từ dùng sai trong ngôn ngữ tiếng Việt

Trong tiếng ta thật chẳng có tiếng gì để dịch chữ cái ấy cho thật đúng, nếu theo tiếng nói của chúng ta ngày nay. Tuy vậy, đời xưa thì lại có, tức là tiếng tượng ấy hoặc tiếng dáng.

Có một điều rất lạ là có nhiều tiếng ngày xưa, lúc ta giảng sách chữ Nho thì dùng nó mà cắt nghĩa, nhưng đến khi nói chuyện thường hoặc làm văn nôm lại không đem mà dùng. Như tiếng tượng và dáng nói đây là một vậy.

Trước kia, khi ta cắt nghĩa sách Tàu, gặp chữ cái ấy thì cắt nghĩa là tượng hay là dáng. Tượng đây có ý là mường tượng như, còn dáng có ý là dáng như tức là hình như, đều là ý không chắc hết, cho nên mới dùng mà dịch chữ Cái của Hán văn. Thế mà sao khi nói chuyện thường, chẳng ai hề dùng chữ tượng chữ dáng ấy mà nói bao giờ. Điều ấy có hơi khó hiểu.

Máng là nghe. Sao không nói nghe mà lại nói máng? Bởi vì nghe thì chắc quá, mà máng thì là nghe mang máng, không được chắc, nó hiệp với chữ cái mà nó đi theo, cho nên người đời xưa mới dùng chữ máng thay vì chữ nghe.

Như vậy có phải chữ tượng máng là một chữ có ý nghĩa hay không? Song trong văn Quốc ngữ ta bây giờ lại không dùng nó? Vậy bây giờ ta có nên dựng hai chữ tượng máng cho nó sống dậy mà dùng nó không? ấy là điều muốn hỏi nhà làm văn.

Có nhiều khi dịch chữ Nho hoặc chữ Pháp, rồi mới thấy tiếng ta là nghèo, là kém thiếu. Duy có người nào cả đời không làm việc ấy, hay là làm mà làm những việc tầm thường, không có sâu xa mắc mỏ gì, thì mới dám la lên om sòm tiếng An Nam phong phú nọ kia!

Un là một. Unique cũng là một. Nhứt là một. Độc cũng là một. Thế mà dám la lên om sòm rằng tiếng mẹ đẻ giàu! cha chả giàu lung! Làm sao tiếng của người ta: Un. Unique, nhứt, độc, mỗi chữ có một nghĩa khác, một ý khác, mà tiếng mình thì lại là một hết, là sao?

Ecouter, Entendre, văn, thính, mỗi chữ cũng đều có một nghĩa một ý khác nhau, sao trong tiếng ta nói là nghe hết thảy?

Vậy cho biết hễ dân nào trình độ văn hoá cao, tư tưởng của họ phiền phức thì chữ của họ cũng phải phân biệt, bởi phân biệt cho nên mới nhiều, mới giàu. Còn dân nào đầu óc còn giản đơn quá, tư tưởng lù mù không biết phân biệt, cũng nỏ cần phân biệt làm chi, thì ít chữ, nghèo, thiếu, là sự tự nhiên.

Nay ta muốn tấn tới mọi đường, thì phải trước hết tấn tới về tư tưởng. Tư tưởng của ta từ rày về sau phải cầu cho phiền phức. Như thế thì ta phải làm cho tiếng và chữ ta càng nẩy nở thêm ra để mà phân biệt tư tưởng của ta.

Có lần chúng tôi muốn dịch chữ fils unique ra tiếng ta mà không biết dịch chữ gì. Thôi đi! Xin ai chớ có dạy cho chúng tôi dùng chữ con một mà dịch nó, vì chữ ” con một ” không đúng với chữ fils unique đâu, hai chữ không tương đương đâu.

Fils unique là con mà đẻ ra độc một mình nó, nghĩa là có một lần đẻ, chỉ có một đứa con ấy mà thôi. Còn con một trong tiếng ta thì không chắc nghĩa như vậy. Hoặc là đã đẻ nhiều lần mà bị nó ranh, nó lộn hay là quan sát chụp chết đi, chỉ còn một đứa cũng kêu là con một được vậy chớ. Bởi vậy không có thể dùng chữ con một để dịch chữ fils unique.

Coi vầy cho thấy cái đầu óc người Tàu ngày nay cũng tỷ mỷ lắm, không có hổ lốn như ta đâu. Khi họ dịch chữ fils unique họ phải dịch là độc sanh tử mà không dám dịch là độc tử.

Vậy thì nếu dùng rặt tiếng Việt Nam mà dịch chữ ” fils unique ” cho thật đúng nên dùng chữ gì?

Có một tiếng, nếu dùng nó để phục vụ cho chữ một đặng nẩy nghĩa unique ra, thì hình như có thể được lắm, nhưng vì chữ ấy chết đã lâu rồi, bây giờ dựng nó dậy mà dùng thì nghe khí lạ tai.
Ấy là chữ buôi, hay là vuôi.

Ngày trước ta học chữ Nho, hễ gặp chữ duy thì cắt nghĩa là vuôi hoặc buôi. Trong chữ ấy gồm có hai ý: có khi là seulement, có khi là uniquement.
Trong tiếng Tàu có chữ duy nhứt, nếu ta dùng rặt tiếng Nôm mà cắt nghĩa nó thì chỉ có thể nói rằng buôi một hoặc vuôi một.
Vậy thì fils unique, ta dịch là con buôi một, chỉ nghĩa là đẻ ra duy có một mình nó, không còn đứa nào nữa, nghe có được không? Lỗ tai người ta có cho phép nó chăng?
Tôi tưởng thế nào cũng phải có chữ cho thật sát nghĩa để mà dịch những chữ ngoại quốc nào rộn nghĩa như chữ fils unique ấy. Nếu chỉ dịch qua loa là con một cho xong việc thì thôi, thì khó mà mong sự tấn bộ về tư tưởng.
Bởi vậy, chữ nào đã chết lâu nay mà nay ta cần dùng nó thì tôi muốn dựng ngược nó dậy mà dùng.

P. K.
Trung lập, Sài Gòn, s.6596 (Phụ trương văn chương, số 30, thứ bảy 21.11.1931);
s.6608 (Phụ trương văn chương, số 32, thứ bảy 5.12.1931).

_______________
Trích trong “PHAN KHÔI Tác phẩm đăng báo 1931”.
Lại Nguyên Ân sưu tầm, biên soạn. Nhà xuất bản Hội Nhà Văn – 2005.
Chú thích:
(1) Huấn hộ là chú thích mà cắt nghĩa từng tiếng một. Riêng chữ hộ có nghĩa là lấy tiếng đời nay mà cắt nghĩa tiếng đời xưa (nguyên chú của PK).
(1) Theo bổn dịch của Hội Tin Lành (nguyên chú của PK).
(1) Hai câu nầy ở trong sách Sấm truyền của Hội Công giáo (nguyên chú của PK).
(*) từ ” bờ ” ở chỗ này rõ ràng không có nghĩa, chắc do in sai, chưa đoán từ đúng là gì.