Phố là nét đẹp làm nên một Hà Nội dịu dàng, ngõ là những đường chỉ tay ngoằn ngoèo khiến Hà Nội trở thành một người phụ nữ quyến rũ nhưng vô cùng bí ẩn và phức tạp. Ngõ bé nhỏ, hiền hòa; phố ồn ào, tấp nập. Chính những thứ đối lập đó lại là thứ làm nên bộ mặt có hồn cho đất Hà thành ngàn năm văn hiến. Có lẽ vì thế mà những cung đường, góc phố hay những con ngõ dài tít tắp không ít lần in bóng xuống những trang văn.

Bắt đầu bằng việc giới thiệu các tấm biển ở các cửa hàng đất Thủ đô, Thạch Lam cho rằng chúng là một bộ phận gắn liền với cơ nghiệp và số phận của người buôn, bởi nó là hiện hữu của sự cố gắng, nhẫn nại cũng như đức tính ngay thật của họ.

Tiếp đó, nhà văn nói về lối kiến trúc của những ngôi nhà cũ – nét riêng khác biệt của các khu phố cổ Hà thành. Ông miêu tả: “Giữa nhà là mảng sân vuông lộ thiên, có bể non bộ và cá vàng, có chậu lan, có bể đựng nước và trên tường có câu đối chữ Nho. Đôi khi đi qua, một cánh cửa hé mở, thoáng qua nhìn vào có thể thấy bóng dáng một thiếu nữ nhẹ qua sân…”. Không chỉ vậy, nhà văn còn viết: “tất cả cuộc đời của những kẻ bên trong, cuộc đời xưa, những hy vọng và mong ước khác bây giờ dường như đang hiển hiện trong khung cảnh ấy”.

Thạch Lam với Hà Nội

Văn hóa ẩm thực cũng được Thạch Lam chắt lọc đưa vào sáng tác của mình, đặc biệt là những thức quà có mặt trên mọi nẻo đường, góc phố. Không phải ngẫu nhiên mà ngòi bút của ông miêu tả thật kỹ lưỡng cách mà người Hà Nội làm và thưởng thức chúng. Bởi “quà Hà Nội, xưa nay vẫn nổi tiếng là ngon lành và lịch sự”, thêm nữa, quà… “còn tức là người”. Có lẽ, đây là những trang viết đặc sắc nhất, vì rằng “Bao nhiêu ý tốt, tình hay gửi vào trong một chút quà nơi đô hội.” Riêng một thức quà của lúa non, ông viết: “Cốm là thứ quà riêng biệt của đất nước, là thức dâng của những cánh đồng lúa bát ngát xanh, mang trong hương vị tất cả cái mộc mạc, giản dị và thanh khiết của đồng quê, nội cỏ Việt Nam“.

Hay thậm chí về cách thưởng thức cốm, ông cũng miêu tả rất chi tiết: “Cốm không phải là thức quà của người ăn vội, ăn cốm phải ăn từng chút ít, thong thả và ngẫm nghĩ…” để có thể cảm nhận được “cái mùi thơm phức của lúa mới, của hoa cỏ dại ven bờ…”

Thạch Lam với Hà Nội

Hà Nội băm sáu phố phường là tất cả những tinh hoa, vẻ đẹp, những thứ đang trôi qua, những gì đang dần mai một được nhà văn chắt lọc lại. Ông yêu và trân trọng những con phố dài với những gánh hàng hoa hay những cô gái làng Vòng gánh cốm bán rong trên phố… Có thể thấy, khó ai có khả năng lưu giữ tài tình như Thạch Lam.

Thạch Lam với Hà Nội

Giữa chốn thị thành đông đúc, phố xá ồn ào, nhưng đâu đó vẫn còn tiếng rao dài của những gánh hàng rong, vẫn những ngõ nhỏ sáng đèn điểm xuyết làm tôn lên vẻ đẹp cho những con phố thân yêu. Hà Nội băm sáu phố phường, không gì khác, chính là bức thư tình của chàng trai đa cảm dành tặng cho mảnh đất xinh đẹp này, “…để cho những người mong ước kinh kỳ ấy, và để cho những người Hà Nội chúng ta yêu mến Hà Nội hơn” – Thạch Lam.

Theo Hồng Thúy