Để tiết kiệm tiền điện, nước trong việc sử dụng chiếc máy giặt tại gia đình, bạn cần tuân thủ một vài nguyên tắc thiết yếu.

Chọn chu trình giặt phù hợp với khối lượng quần áo

Bí quyết dùng máy giặt ít tốn điện, nước nhất - Ảnh 1.

Thường để cho tiện, mọi người chỉ sử dụng một chế độ cho tất cả những lần giặt quần áo của mình mà không biết rằng nó sẽ khiến bạn phải chi trả nhiều tiền điện, nước hơn.
Một số loại máy giặt đời mới có chức năng tiên đoán mức nước phù hợp với khối lượng giặt để cho ra chu trình giặt thích hợp nhất.
Tuy nhiên, chức năng tiên đoán của máy giặt sẽ cho ra chu trình tốn nhiều điện, nước hơn thực tế. Vì vậy, cách tốt nhất là người dùng vẫn nên tự chọn chế độ giặt để tiết kiệm năng lượng.
Với quần áo thường ngày, khối lượng ít, bạn nên chọn chu trình giặt nhẹ với mực nước ít. Riêng đối với các loại chăn, ga, gối v.v… người dùng nên chọn chu trình kéo dài để làm sạch chúng hiệu quả.
Chọn mực nước phù hợp
Đa số các loại máy giặt hiện nay có 3 mực nước tương ứng với từng chu trình giặt. Cần chọn mực nước phù hợp với lượng quần áo cần giặt.
Nếu quần áo ít thì chỉ nên chọn mức nước thấp. Việc này không chỉ giúp tiết kiệm nước mà còn giúp giặt nhanh hơn, kéo theo việc tiết kiệm điện hơn.
Chọn loại bột/nước giặt phù hợp

Bí quyết dùng máy giặt ít tốn điện, nước nhất - Ảnh 2.

Nên chọn loại bột giặt, nước giặt dành riêng cho máy giặt. Loại bột giặt này không chỉ mang lại hiệu quả giặt tẩy cao hơn những loại bột giặt thông thường khác, mà còn hạn chế hư hỏng máy, kéo dài tuổi thọ của máy đáng kể.
Bột giặt này tạo ít bọt nên sẽ không để lại nhiều cặn bột giặt trên quần áo.
Nên sử dụng bột giặt với lượng vừa đủ, tương ứng với lượng quần áo cần giặt. Việc sử dụng lượng bột giặt vừa phải sẽ giúp tăng hiệu quả giặt, tiết kiệm điện và nước.
Với những chiếc quần áo quá bẩn, bạn nên vò trước rồi mới cho vào máy giặt, đừng nên giải quyết bằng việc cho quá nhiều bột giặt vì sẽ không có tác dụng.
Không giặt quần áo quá nhiều hoặc quá ít

Bí quyết dùng máy giặt ít tốn điện, nước nhất - Ảnh 3.

Việc giặt quần áo quá tải hoặc chỉ cho 1, 2 chiếc quần áo vào máy vừa khiến máy giặt tốn hao nhiều điện, nước để làm sạch, vừa khiến máy nhanh bị hư hỏng. Nếu có quá nhiều đồ cần giặt, bạn hãy chia chúng thành 2, 3 lần giặt.
Người dùng thường lầm tưởng biện pháp này làm cho máy tốn điện nước hơn, nhưng thực tế việc chia quần áo như vậy giúp tránh cho máy hư hỏng và làm sạch quần áo hơn, thậm chí là giúp máy giặt tiết kiệm điện nước đáng kể.
Chỉ giặt ở nhiệt độ bình thường
Một số máy giặt có chế độ điều chỉnh nhiệt độ của nước tùy theo từng chương trình giặt để giúp cho quá trình giặt đạt hiệu quả cao hơn.
Tuy nhiên, việc làm cho nước nóng hơn trong từng chu trình giặt đó vô hình chung làm tăng lượng tiêu thụ điện năng trong quá trình giặt.
Để đảm bảo việc giặt được hiệu quả, hãy luôn điều chỉnh nhiệt độ nước ở mức bình thường, sử dụng các loại bột giặt dễ hòa tan trong nước lạnh (tốt nhất là sử dụng nước giặt), vừa đảm bảo hiệu quả tẩy rửa, vừa không lo bị cặn bám trên quần áo trong quá trình giặt.
Đối với chăn, mền, ga trải giường… những đồ mà buộc phải giặt với nước nóng, thì bạn có thể để chế độ nước nóng trong chu trình giặt ban đầu và những chu trình còn lại cài đặt về chế độ nước bình thường để tiết kiệm điện hơn.
Chọn chế độ vắt thích hợp
Ở máy giặt, chế độ vắt thường đi kèm với chương trình giặt đã được cài đặt. Nhưng nếu muốn quần áo khô nhanh hơn, bạn nên chọn chế độ vắt hợp lý.
Chẳng hạn, đối với những loại quần áo mỏng nhẹ, bạn nên chọn chế độ vắt thấp. Với những đồ dày như chăn, ga, gối, bạn nên chọn chương trình vắt cực khô để tiết kiệm điện cho việc dùng thêm máy sấy.
Để máy giặt được bền bạn cần lưu ý những điểm sau:
1. Kiểm tra quần áo trước khi cho vào giặt: Những vật dụng còn sót lại trong túi quần, túi áo có thể làm hỏng lồng giặt khi máy hoạt động.
Vì vậy, trước khi cho quần áo vào máy giặt hãy kiểm tra các túi quần, túi áo và loại bỏ các vật dụng có nguy cơ gây hại cho máy.

Bí quyết dùng máy giặt ít tốn điện, nước nhất - Ảnh 4.

Những vật dụng còn sót lại trong túi quần, túi áo có thể làm hỏng lồng giặt khi máy hoạt động.

Với những món đồ có khóa kéo và cúc cài, bạn nên kéo hết khóa, cài hết cúc và lộn trái quần áo lại. Bởi các loại khóa kéo của quần áo có thể bị gãy, kẹt bên trong lồng giặt, gây xước lồng giặt.
Ngoài ra, với máy giặt lồng ngang, móc khóa quần áo có thể va đập lên tấm kính cửa máy giặt và gây xước, thậm chí nứt vỡ kính.
2. Thường xuyên vệ sinh, bảo trì máy giặt: Sau một thời gian dài sử dụng máy giặt mà không vệ sinh thì máy sẽ xuất hiện những chỗ ẩm mốc, vi khuẩn.
Những vi khuẩn này sẽ bám vào quần áo trong quá trình giặt làm ảnh hưởng đến sức khỏe của các thành viên trong gia đình.
Vậy nên, bạn cần vệ sinh máy giặt thường xuyên sẽ giúp tăng tuổi thọ cho máy, giúp máy vận hành an toàn và ổn định hơn, quần áo được giặt sạch hơn.