Mấy chữ kiến trúc sư ở trên, tôi phải bỏ trong ngoặc kép, bởi linh mục thừa sai thuộc Hội truyền Giáo Hải ngoại Paris ( Missions Etrangeres de Paris) LOUIS VALLET NGÂN (1869-1945), chưa hề được đào tạo qua trường lớp kiến trúc nào.

Nhưng trong thực tế, cha là một “kiến trúc sư” kỳ tài, thể hiện qua các công trình kiến trúc và xây dựng nhà thờ không chỉ đẹp đẽ mà còn vô cùng độc đáo như nhà thờ Kim Châu (ở Bình Định-giáo phận Qui Nhơn), nhà thờ chính tòa Đà Nẵng, nhà thờ chính tòa Nha Trang, đồi La San Nha Trang, dòng Phan Sinh Nha Trang…

LOUIS VALLET NGÂN. MEP. LINH MỤC THỪA SAI PARIS. NHÀ KIẾN TRÚC ĐẠI TÀI. | Antontruongthang's Blog

Cha Louis Agrève Célestin Vallet sinh ngày 21 tháng sáu năm 1869 tại Marcol-Les-Eaux, Giáo phận Viviers, thuộc tỉnh Ardèche. Cha đã học tập trong giáo phận của mình và đã trải qua một thời gian ở đại chủng viện Viviers. Cha nhập chủng viện thừa sai M.E.P ngày 6 tháng 10 năm 1891, nhận chức phụ phó tế ngày 23 tháng 9 năm 1893, phó tế ngày 17 tháng 2 năm 1894 và được phong linh mục ngày 1 tháng 7 năm 1894.

Sau đó, cha nhận bài sai truyền giáo ở Đông Đàng Trong (Qui Nhơn). Cha lên đường vào ngày 29 tháng 9 năm 1894 và đến nơi vào cuối tháng 12 năm 1894.

Theo truyền thống, cha được cải tên Việt là Ngân, “cố Ngân”. Cha bắt đầu học tiếng Việt tại Làng Sông, năm 1896,  được chỉ định làm cha sở Thác Đá. Năm 1898, cha được giao cơ sở Quản lí hội thừa sai, lúc đó ở gần Tòa giám mục và chủng viện Làng Sông, cách Qui Nhơn mươi cây số.

Vào tháng 4 năm 1904, Cha được chuyển về nhà Quản Lí ở cảng Qui Nhơn, cơ sở nhà chung đầu tiên được xây trên vùng đất mà cha đã đứng tên. Ở đó, cha đã bộc lộ tài năng trong việc tổ chức và xây dựng.

Năm 1908, cha làm cha sở Kim Châu. Tại đó, cha đã xây nhà thờ với tháp chuông bằng gỗ được chạm khắc rất đẹp.

Năm 1911, cha về quản xứ Phú Thượng, tại đây cha cũng trùng tu  nhà thờ và nhà xứ. Cha đã cho mở con đường lớn Tourane (Đà Nẵng) – Bà Nà đi qua trước nhà thờ An Ngãi.

Năm 1922, cha chuyển về quản xứ nhà thờ chính tòa Đà Nẵng. Tại đây, năm 1923, cha đã cho xây dựng nhà thờ chính tòa hiện tại đẹp và một nhà xứ 2 tầng (nay là tòa giám mục Đà Nẵng). Chi phí xây dựng rất lớn, nhưng cũng hoàn thành  nhờ lòng hảo tâm tài trợ của nhiều ân nhân.

Năm 1927, vào tuổi 58, cha được thuyên chuyển về xứ Chợ Mới (Lâm Tuyền thời xưa), cách thành phố Nha Trang 2km. Sau đó, được cấp  cho một ngọn đồi, ngài đã xây dựng thánh đường , ngày nay là nhà thờ chính tòa Nha Trang. Cha cũng tìm đất dành cho các nữ tu Phaolô, dưới chân đồi. Cha cũng gợi ý cho  các sư huynh Lasan và dòng Phanxicô hai ngọn đồi ở hướng bắc ngoại ô Nha Trang để xây nhà đào tạo và tu viện. Mơ ước của cha là thành lập dòng Carmel tại Nha Trang nhưng không  thành vì  chiến tranh.

Tháng 8 năm 1945, Việt Minh nổi dậy, tháng 9 năm 1945, cha đến trú ngụ tại dòng Phanxicô, mà sau đó thành bệnh viện. Ngày 30 tháng 10 năm 1945, cha qua đời ở bệnh viện Nha Trang. Theo ước nguyện, cha đã được chôn trong nghĩa trang mà cha đã qui hoạch dưới chân núi nhà thờ đá Nha Trang.

Hai công trình nổi tiếng của cha Vallet :

1. Nhà thờ chính tòa Đà Nẵng

Khởi công từ tháng 2/1923 do cha Vallet chủ công xây dựng và phác thảo phối cảnh tổng thể, trên khoảng đất trống đường Rue du Musée (nay là đường Trần Phú). Nhà thờ Con Gà được xây dựng với tốc độ chóng mặt. Tháng 2/1923: khởi công; tháng 9/1923: đã xong mặt tiền; ngày 10/3/1924: làm lễ khánh thành. Theo tư liệu của nhà thờ và gia phả tộc Võ ở làng Kim Bồng, Hội An, với phác thảo tổng thể của Cha cố Vallet, nhiều chủ thầu xây dựng đến rồi đi. Cuối cùng, giữa năm 1922, ba anh em nhà họ Võ ở Kim Bồng đã nhận thầu xây dựng với giá 20.000 đồng. Họ huy động cật lực nhân công và nghệ nhân Kim Bồng, có lúc công trường có tới 300 người, hơn 5.000 cây tre để làm giàn giáo – làm tới đâu thiết kế kết cấu tới đó.

Nhà thờ chính toà Ðà Nẵng còn được gọi là nhà thờ Con Gà, bởi trên nóc nhà thờ (cách mặt đất 27m) có biểu tượng con gà màu xám làm bằng hợp kim nhẹ rỗng bên trong được tráng phủ một lớp hoá chất đặc biệt, hơn 70 năm chưa được sơn phủ bảo vệ, mà vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt.

So sánh hình ảnh còn lại, ta có thể thấy kiến trúc bên ngoài nhà thờ con gà cho đến ngày nay, hầu như không có thay đổi gì nhiều. Còn bên trong, so với trước đây thì hiện nay không còn hàng rào ngăn cách phần cung thánh nữa mà thôi-có lẽ là bỏ đi từ sau công đồng Vaticano II.

Chỉ có cột thu lôi, đế bầu tròn đỡ con gà và chữ thập chỉ bốn hướng Đông-Tây-Nam-Bắc được sửa chữa, thay mới vài lần. Con gà xoay theo hướng gió trên một vòng bạc rất nhẹ. Tại sao lại là con gà? Theo giải thích của Cha xứ, con gà này không phải là biểu tượng của nước Pháp, mà là biểu tượng của sự sám hối, theo Thánh kinh giảng: Chúa quở trách Phê-rô: “Ðêm nay gà chưa gáy, con sẽ chối Ta ba lần…”

2. Nhà thờ chính tòa Nha Trang (nhà thờ Đá hay nhà thờ Núi):

Ngày 03/09/1928, dự án xây dựng nhà thờ được khởi công trên một mõm núi nhỏ, có tên là núi Bông. Khoảng 500 trái mìn đã được sử dụng để tạo mặt bằng trên đỉnh núi. Ngày lễ Phục Sinh 1929, khai trương con đường xe chạy lên núi. Ðến tháng 6/1929, một lối đi tắt lên núi, dành cho người đi bộ, gồm 53 bậc cấp, nằm về hướng Bắc (phía đường Thái Nguyên hiện nay) được hoàn thành. Ngày 08/09/1929, các công trình phụ: nhà bếp, nhà ở cho người giúp việc, nhà kho, các bậc thang, từ đường chính lên… được đưa vào sử dụng. Ðến tháng 3/1930, khu vực Nhà Xứ hoàn thành với đầy đủ hệ thống điện nước. Phần công trình chính của nhà thờ được tiếp tục xây dựng. Ngày 12/02/1933, Vua Bảo Ðại viếng thăm công trình kiến thiết nhà thờ, lúc ấy đã cơ bản hoàn thành. Ngày 14/05/1933, lễ Thánh Jeanne d’Arc, nhà thờ được long trọng khánh thành với sự có mặt của đông đảo quan khách. Cha Louis Vallet đã chọn Chúa Kitô Vua làm Bổn Mạng Nhà Thờ. Toàn bộ ý tưởng và kiểu dáng công trình xây dựng đều do chính Linh Mục Louis Vallet thực hiện, dưới sự cố vấn kỹ thuật của kiến trúc sư Nesty, người Pháp và với sự cộng tác của ông biện Tế làm cai thầu, người thuộc Giáo Xứ Chợ Mới.

So sánh với hình ảnh tư liệu còn lại, có thể thấy nhà thờ dường như không thay đổi so với trước kia. Theo tài liệu ghi lại thì vào khoảng năm 1969 đồng hồ trên tháp bị hư, không hoạt động. Mãi tới năm 1978, Linh Mục Giuse Nguyễn Công Nghị đã cho sửa chữa (Ông Nguyễn Văn Rồng trực tiếp làm) và đồng hồ đã hoạt động lại cho đến nay.

Ta có thể thấy, cấu trúc mái vòm đặc trưng làm nên nhà thờ từ xưa vẫn còn vững chắc theo thời gian. Đặc điểm nổi bật nhất của kiến trúc Gothic chính là các vòm cuốn hình múi uốn cong, rộng, hướng lên bầu trời. Hoa văn trang trí sử dụng những đoạn thẳng, được bố trí hài hòa, tạo nên vẻ đẹp giản dị nhưng không kém phần trang nghiêm. Bên cạnh đó, để khai thác hiệu quả ánh nắng mặt trời của hai hướng đông và tây, nhà thiết kế đã cho lắp nhiều loại kính màu xanh, đỏ vào các cửa vòm, cửa hoa hồng. Tất cả đã tạo nên một cảnh sắc tuyệt đẹp và nhẹ nhàng, làm dịu đi bầu không khí trang nghiêm vốn có thường thấy ở những nơi thờ phụng. Khu Cung thánh là một không gian mở, những bức tranh Thánh bằng kính màu ở đây tạo nên vẻ đẹp rực rỡ và sang trọng.

*

Cố linh mục Louis Agrève Vallet Célestin, một vị thừa sai M.E.P đã đến sống và làm việc tại Việt Nam trong thời gian 51 năm. Ngài đã có nhiều đóng góp cho giáo phận Đàng Trong nói riêng và giáo hội Việt Nam nói chung, đặc biệt là các công trình mà ngài đã xây dựng như các nhà thờ, nhà xứ và nổi bật là hai nhà thờ chính tòa Đà Nẵng và Nha Trang.

(Theo luận văn của tu sinh Giuse Nguyễn Đình Thiên Ân-môn Lịch sử Truyền giáo tại Việt Nam, lớp Triết 1, niên khoá 2012-2013, Đại chủng viện Huế)