Trên Thế giới mới, số 193, trong bài “Một số sai lệch về tên thật các vua, chúa Nguyễn” (tr. 12 – 14), tác giả Nguyễn Tâm đã đính chính một số trường hợp bị xem là đọc sai vì lầm lẫn mặt chữ hoặc đọc chệch vì kỵ huý. Xin cho biết có phải tất cả các trường hợp đã nêu trong bài đó đều được phân tích đúng hay không. Tác giả còn gợi ý rằng nên đọc đúng với tên “khai sinh” của các vị vua chúa nhà Nguyễn (như Nguyễn Kim đọc đúng thành “Nguyễn Cam”, Nguyễn Ánh thành “Nguyễn Anh”,…) chứ không nên phát âm theo lối kiêng huý xưa nay để đỡ “rắc rối cho hậu thể”. Như vậy có nên hay không?

Chúng tôi cho rằng ghi tên các vua chúa nhà Nguyễn, và của cả các triều đại khác, đúng với cách phiên thiết trong từ điển là một việc làm hợp lý. Riêng về triều Nguyễn thì, đúng như Nguyễn Tâm đã nói, chính Ban soạn thảo quyển Nguyễn Phúc tộc thế phả (Nxb. Thuận Hoá, Huế, 1995) cũng đã nói ở điều 6 của “Phàm lệ” (tr. 11) rằng “về cách chép từng người thì trước tiên chép tên huý, cố gắng chép đúng âm theo tự điển, có kèm chữ Hán ở bên cạnh, không chép theo âm đọc trại đi vì kiêng kỵ (Hai chỗ nhấn mạnh là do chúng tôi – AC)”. Chúng tôi hiểu rằng ông đã đặt vấn đề như trên có lẽ là xuất phát từ tình cảm chân thành và sâu sắc về tộc họ của mình nhưng khi Ban soạn thảo Nguyễn Phúc tộc thế phả quyết định chọn cách đọc đã nói thì chắc chắn là các vị này đã nhận được sự chấp thuận của Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc. Ngay việc tiếng “Phúc” trong tên của hội đồng này không bị đọc chệch thành “Phước” cũng đủ chứng tỏ rằng những người đại diện có uy tín và có thẩm quyền của dòng họ Nguyễn Phúc đã không còn chọn lựa lối phát âm mang tính chất kiêng kỵ nữa rồi.

Dưới đây xin nhận xét về các trường hợp cụ thể được phân tích trong bài của Nguyễn Tâm.

Trước hết là tên của Nguyễn Kim mà chữ sau cùng này trong Hán tự là 淦. Nguyễn Tâm đã viết: “Đúng ra phải là Nguyễn Cam, theo phiên thiết “Cổ + Ám = Cam” (Thế giới mới, số 193, tr. 12). Ở đây Nguyễn Tâm đã đọc sai phiên thiết vì “cổ ám” phải cho ra “cám” chứ không phải là “cam”. Theo Khang Hy tự điển thì chữ đang xét thật ra có đến 3 âm:

– cổ ám thiết = cám;

– cổ nam thiết = cam;

– hồ nam thiết = hàm.

Vậy nếu muốn đọc nó theo âm “cam” thì phải dựa theo phiên thiết là “cổ nam”.

Thứ đến là tên vị chúa thứ 8 của họ Nguyễn ở Đàng Trong mà chữ Hán viết là . Về tên của ông này thì Nguyễn Tâm đã khẳng định rằng đó là “Thụ chứ quyết chẳng phải là Trú hoặc Chứ” (Thế giới mới, số 193, tr. 13). Nguyễn Tâm còn viện dẫn rằng “Nguyễn Phúc tộc thế phả cũng khẳng định như vậy” (tr. 13). Nhưng Ban soạn thảo Nguyễn Phúc tộc thế phả đã không đọc kỹ nên không đọc hết các phiên thiết trong Khang Hy tự điển. Quyển tự thư này dẫn Đường vận thì cho “thường cú thiết” (= thụ) nhưng dẫn Tập vận và Vận hội thì lại cho “chu thú thiết, âm chú” (= chú). Vậy ngay trong Khang Hy tự điển thì chữ đó cũng đã có hai âm. Còn trong Quảng vận thì nó cũng vừa thuộc tiểu vận “thụ” vừa thuộc tiểu vận “chú” trong vận mẫu “ngự” là vận bộ thứ 10 của các vận thuộc khứ thanh. Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh, Hán-Việt tự điển của Thiều Chửu và Việt Hán thông thoại tự vị của Đỗ Văn Đáp cũng đều phiên chữ đó là chủ. Đã rõ là chữ đang xét, ngoài âm “thụ”, còn có cả âm chú. Vậy không thể khẳng định rằng cách phiên âm chữ đó thành “chú” của Nguyễn Khắc Thuần trong Thế thứ các triều vua Việt Nam (Nxb. Giáo dục, Thành phố Hồ Chí Minh, 1993) hoặc của Vụ Bảo tồn bảo tàng trong Niên biểu Việt Nam (Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1984) là sai. Huống chi đối với chữ đó, âm “chú” lại là một âm được biết đến nhiều hơn. Chỉ có âm “Trú” thì mới rõ ràng là hoàn toàn sai mà thôi.

Cuối cùng xin bàn về tên của người đã khai sáng đế hệ của dòng họ Nguyễn mà xưa nay vẫn gọi là Nguyễn (Phúc) Ánh. Nguyễn Tâm đã căn cứ vào Nguyễn Phúc tộc thế phả mà viết như sau: “Ở phần “Đế phả” trong Nguyễn Phúc tộc thế phả đã chú giải rõ ràng: “Đức Thế tổ lúc còn nhỏ vốn có tên Chủng, sau đức Hưng tổ (…) chọn một chữ trong bộ nhật để đặt tên cho ngài, gồm bên trái là chữ Nhật (日), bên phải là chữ Anh (英) (…). Bản dịch Đại Nam thực lục chính biên của Viện Sử học Hà Nội thì chép bên trái chữ Nhật (日) bên phải chữ Ương (央). Nguyên hai chữ trên đều có cùng nghĩa cùng âm. Theo phiên thiết của Khang Hy tự điển đọc là ánh nhưng âm anh nên ngày trước đọc là Anh. Vì thế trong dòng họ đều kiêng và đọc trại chữ Anh thành Yên, anh em thì đọc thành yên em (tr. 14). Và tác giả Nguyễn Tâm đặt câu hỏi: “Chưa rõ vì sao hầu như mọi tài liệu Việt ngữ đều cứ ghi Nguyễn Anh?” (tr. 14).

Thật ra, trừ Nguyễn Phúc tộc thế phả và bài của Nguyễn Tâm, tất cả các tài liệu tiếng Việt khác đều ghi Nguyễn (Phước/ Phúc) Ánh. Ngay cả Le Viet-Nam. Histoire et civilisation của Lê Thành Khôi (Les Editions de Minuit, Paris, 1955) tuy chép Nguyên Anh hoặc Nguyên Phươc Anh ở tất cả những chỗ có nhắc đến tên của vị vua này (Xem trang 296, 298 – 301, 311 – 22, 332 – 4, 336, 348) nhưng ở phần sách dẫn (index) cuối sách thì vẫn ghi rõ là Nguyễn Phước Ánh và Nguyễn Ánh. Sở dĩ như thế là vì xưa nay, chữ 蝮映 chỉ có âm ánh chứ không hề đọc là “anh”. Rất tiếc là quý ông Vĩnh Cao và Vĩnh Quả, phụ trách phần “Đế phả” trong Nguyễn Phúc tộc thế phả đã không đọc kỹ phần phiên thiết cho hai chữ đó trong Khang Hy tự điển.

Về chữ 映, quyển từ điển này đã cho rõ ràng như sau: “Quảng vận: ư cánh thiết. Tập vận, Vận hội: ư khánh thiết. Chính vận: ư mạnh thiết, tịnh anh (英) khứ thanh”, nghĩa là “theo Quảng vận thì thiết âm là “ư cánh”, theo Tập vậnVận hội là “ư khánh”, theo Chính vận là “ư mạnh”, đều đọc theo thanh khử của tiếng anh”. Vậy hoàn toàn rõ ràng là:

ư cánh = ư khánh = ư mạnh = anh khử thanh = ánh.

Các nhà biên soạn phần “Đế phả” trong Nguyễn Phúc tộc thế phả đã rất sơ sót vì không đọc đến hai chữ “khứ thanh” liền ngay sau chữ “anh”: đây là điều chỉ dẫn quan trọng để nhấn mạnh vào thanh khứ mà thực tế đã có chú rõ trong ba chỗ thiết âm ở trên (ư cánh, ư khánh, và ư mạnh). Về nguyên tắc, khi người ta chú âm theo công thức “A, x thanh” thì dù chữ A có thanh nào, cũng phải chuyển nó sang thanh x mà đọc để có được đúng âm cho chữ cần tra cứu. Thí dụ: “anh khứ thanh” là ánh, “ánh thượng thanh” là ảnh, “ảnh nhập thanh” là ách. Chính vì chữ 映 có âm là ánh cho nên trong Quảng vận nó mới ứng với vận mục thứ 10 của bình thanh (phần 2) là canh, với vận mục thứ 38 của thượng thanh là cảnh (vẫn bị đọc thành “ngạnh”) và vận mục thứ 20 của nhập thanh là mạch, tạo ra một sự tương ứng chặt chẽ giữa bình, thượng, khứ, nhập như sau: (c) anh – (c) ảnh – ánh – (m) ạch.

Còn về chữ 英 thì Khang Hy tự điển cho như sau: “Tập vận: ư khánh thiết, Chính vận: ư mạnh thiết, tịnh dữ ánh 映 đồng” nghĩa là “theo Tập vận thì thiết âm là “ư khánh”, theo Chính vận là “ư mạnh”, theo cả hai quyển (thì chữ này) là một với chữ ánh 映”.

Tóm lại, dù viết bằng chữ nào thì tên huý của Thế tổ Cao Hoàng Đế triều Nguyễn vẫn cứ là Ánh chứ không thể là “Anh” như các nhà biên soạn Nguyễn Phúc tộc thế phả muốn thay đổi. Các nhà biên soạn Nguyễn Phúc tộc thế phả có nói rằng “trong dòng họ đều kiêng âm “anh” nên mới đọc thành “yên, thí dụ “anh em” thì nói thành “yên em” (Xem sđd, tr. 215, chth. 1), ý muốn nói rằng xưa nay dòng họ vẫn nhận tên huý vua Gia Long là “Anh”. Chúng tôi hoàn toàn không tin ở lời khẳng định trên đây vì họ Nguyễn Phúc không thiếu những người văn hay chữ giỏi, là vua thì nổi tiếng như Minh Mạng Tự Đức, là thân vương như Tùng Thiện, Tuy Lý, v.v., những người đó lẽ nào lại chịu thừa nhận rằng âm chính xác của hai chữ đang xét lại là “anh”!

Nếu hoàn toàn đúng sự thật là xưa nay trong dòng họ vẫn gọi tên huý của Gia Long là Anh thì đó chỉ có thể là do kiêng kỵ nên mới không dám gọi Anh mà thôi. Thực ra, phương ngữ Nam Bộ vẫn còn lưu giữ lại dấu vết của việc kiêng huý của Gia Long là ánh nên mới đổi mà đọc thành yếng. Cái âm đã nói trại mà các nhà biên soạn Nguyễn Phúc tộc thế phả muốn nói đến thực ra là “yêng” chứ không phải “yên”. Tiếc rằng tác giả Nguyễn Tâm lại dựa vào lời cước chú sai lệch của Nguyễn Phúc tộc thế phả để suy luận thêm mà nói rằng “Nguyễn Phúc Anh, ví như có thể rút gọn thì ra Nguyễn Anh, nếu kỵ huý thì đọc là Nguyễn Yên..”. Thế là đã thừa nhận đến hai cái sai: Ánh thành “Anh” và yêng thành “yên”. Chúng tôi xin nhấn mạnh rằng sự chuyển hoá phụ âm cuối ng ~ nh đã được dân gian thực hiện từ lâu:

hoàng ~ huỳnh;

thành ~ thiềng;

mạnh (mệnh) ~ mạng

bánh (bính) ~ báng (súng)

vinh (danh) ~ vang (danh)

Vậy anh ~ yêng cũng nằm trong lệ tương ứng đó. Từ điển tiếng Việt do Văn Tân chủ biên, Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên, Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức đều ghi nhận yêng hùng là “anh hùng”. Riêng Từ điển tiếng Việt do Văn Tần chủ biên còn ghi: “yêng” là tiếng địa phương và có nghĩa là “anh”. Vậy nếu “anh” có bị nói trại thì chỉ có thể thành “yêng” chứ không thể là “yên”. Và tên của vị hoàng đế đã khai sáng triều Nguyễn thì dứt khoát là Nguyễn (Phúc/Phước) Ánh chứ chắc chắn không phải là Nguyễn (Phúc/Phước) “Anh”.