Đây là bộ chính sử Việt Nam xưa nhất còn tồn tại nguyên vẹn đến nay, di sản vô giá của văn hóa dân tộc Việt Nam, kho tư liệu phong phú không những cần thiết cho ngành sử học mà còn giúp ích cho nhiều ngành khoa học xã hội khác và cũng là một bộ sử có giá trị văn học.

“Đại Việt sử ký toàn thư” là bộ chính sử lớn bậc nhất của nước ta trong suốt chiều dài lịch sử với những tư liệu quý, tạo cơ sở cho việc nghiên cứu lịch sử dân tộc sau này. Để hoàn thành bộ sách này, các tác giả phải trải quan quãng thời gian hơn 200 năm biên soạn, chính sửa.

Bộ sử này được hoàn thành bởi các sử gia của nhà Lê gồm: Ngô Sĩ Liên, Vũ Quỳnh, Lê Hy, Phạm Công Trứ. Trong đó, Ngô Sỹ Liên là người đầu tiên chấp bút biên soạn, Lê Hy, Vũ Quỳnh, Phạm Công Trứ là những người tiếp theo chỉnh sửa, bổ sung để có được bộ sử hoàn chỉnh như ngày nay.

“Đại Việt sử ký toàn thư” lần đầu được hoàn thành năm 1479, thời vua Lê Thánh Tông của nhà Hậu Lê, bao gồm 15 quyển, do một mình sử thần Ngô Sĩ Liên biên soạn. Sau khi hoàn thành, bộ sử lại không được khắc in ban hành rộng rãi, tiếp tục được nhiều đời sử quan trong Quốc sử quán sửa đổi, bổ sung, phát triển thêm.

Dưới thời vua Lê Huyền Tông, chúa Trịnh Tạc hạ lệnh cho nhóm văn quan, đứng đầu là Tham tụng Phạm Công Trứ sửa chữa bộ quốc sử của Ngô Sĩ Liên, đồng thời sai biên soạn tiếp lịch sử Việt Nam từ năm 1428 đến năm 1662. Bộ sử của nhóm Phạm Công Trứ, gồm 23 quyển, được đem khắc in để phát hành nhưng công việc chưa xong, phải bỏ dở.

Khoảng niên hiệu Chính Hòa (1680-1705) đời vua Lê Hy Tông, chúa Trịnh Căn hạ lệnh cho một nhóm văn quan, đứng đầu là Tham tụng Lê Hy, tiếp tục khảo đính bộ sử của nhóm Phạm Công Trứ, đồng thời biên soạn tiếp lịch sử Việt Nam từ năm 1663 đời vua Lê Huyền Tông đến năm 1675 đời vua Lê Gia Tông. Bộ quốc sử này lấy tên “Đại Việt sử ký toàn thư”, theo đúng tên mà sử gia Ngô Sĩ Liên cách đó gần 200 năm đã đặt cho bộ sử của ông, gồm 25 quyển, được khắc in toàn bộ và phát hành thành công vào năm Chính Hòa năm thứ 18 đời vua Lê Hy Tông (1697). Như vậy, tính từ khi Ngô Sĩ Liên hoàn thành năm 1479 đến khi được in khắc lần đầu năm 1697, bộ quốc sử này được hoàn thành trong 218 năm.

Bộ “Đại Việt sử ký toàn thư” của Ngô Sĩ Liên được viết trên cơ sở kế thừa bộ “Đại Việt sử ký” của Lê Văn Hưu thời Trần. Trong cuốn sách của mình, Ngô Sĩ Liên đã tham khảo, trích dẫn rất nhiều câu nhận xét của Lê Văn Hưu trong “Đại Việt sử ký”. Chính nhờ trích dẫn này, hậu thế mới phần nào hiểu được nội dung của bộ “Đại Việt sử ký” do Lê Văn Hưu biên soạn đã bị thất lạc.

“Đại Việt sử ký toàn thư” được chép bằng Hán văn theo thể Biên niên. Bộ sử bắt đầu bằng Kỷ Hồng Bàng, chép từ thời vua Kinh Dương Vương (1789 TCN đến năm 1675 đời vua Lê Gia Tông). Đây là bộ chính sử Việt Nam xưa nhất còn tồn tại nguyên vẹn đến nay, di sản vô giá của văn hóa dân tộc Việt Nam, kho tư liệu phong phú không những cần thiết cho ngành sử học mà còn giúp ích cho nhiều ngành khoa học xã hội khác và cũng là một bộ sử có giá trị văn học. Những bộ sử về sau của nước Việt đều được biên soạn dựa trên cơ sở của Đại Việt sử ký toàn thư.