Sau mỗi tai nạn máy bay, hộp đen là một trong số những vật quan trọng mà đội cứu hộ cần tìm thấy bởi nó nắm giữ đầu mối về nguyên nhân gây ra thảm kịch hàng không.
Hộp đen là thiết bị quan trọng nhất có thể điều tra nguyên nhân tai nạn của các máy bay. Ảnh: Pixgood |
Hộp đen là thiết bị lưu trữ thông tin liên lạc từ buồng lái cũng như âm thanh phía trước của máy bay và các dữ liệu quan trọng khác. Trong vụ máy bay của hãng AirAsia chở 162 người rơi xuống biển Java trong hành trình từ Surabaya tới Singapore hôm 28/12/2014, nó sẽ làm sáng tỏ những phút giây cuối cùng của phi cơ. Theo Strait Times, đội cứu hộ sẽ tập trung vào việc tìm kiếm hộp đen máy bay của hãng AirAsia khi các mảnh vỡ và nhiều thi thể đã được tìm thấy trong eo biển Karimata, ngoài khơi bờ biển Borneo, Indonesa.
Các chuyên gia hy vọng rằng, đội cứu hộ sẽ sớm định vị hộp đen trong vòng hai tới ba ngày tại vùng nước nông của biển Java, với độ sâu trung bình khoảng 46 m, theo Washington Post.
Dưới đây là 7 điều cần biết về thiết bị quan trọng này:
1. Bên trong hộp đen có gì?
Hộp đen có một máy ghi dữ liệu chuyến bay và một máy ghi âm buồng lái. Trong đó, máy ghi dữ liệu là một thiết bị độc lập, lưu trữ toàn bộ thông tin gần nhất về chuyến bay, thông qua việc ghi lại hàng chục thông số, tập hợp thông tin nhiều lần mỗi giây. Máy ghi âm buồng lái lưu giữ các âm thanh trong buồng lái, gồm các cuộc trò chuyện của các phi công.
2. Hộp đen có màu cam
Dù có tên gọi là hộp đen, thiết bị này có màu cam sáng, để dễ nhận biết so với các vật khác. Hộp đen không thấm nước và gần như không thể phá hỏng. Nó có thể chịu lực tác động lên tới 3.400 lần so với khối lượng, nghĩa là nó có thể chịu mọi sự phá hủy của máy bay, theo Bloomberg. Ngoài ra, hộp đen có cấu tạo hình tròn hoặc hình trụ nhằm làm giảm tối đa thiệt hại khi máy bay gặp nạn và phải có khả năng an toàn khi bị đốt cháy liên tục trong 30 phút.
3. Vị trí của hộp đen trên máy bay?
Nó thường được đặt ở đuôi máy bay, phần ít chịu ảnh hưởng nhất khi tai nạn xảy ra. Vị trí lắp đặt chính xác hộp đen phụ thuộc vào từng loại máy bay.
Cấu tạo hộp đen và vị trí đặt hộp đen trên máy bay. Ảnh: BBC |
4. Đội tìm kiếm định vị hộp đen bằng cách nào?
Hộp đen có một hệ thống định vị âm thanh dưới nước (ULB). Nó chỉ hoạt động khi bị ngâm dưới nước và phát ra tiếng “ping”. Các tiếng “ping” sẽ phát ra trong 30 ngày cho tới khi nguồn điện cạn kiệt.
Khi máy bay rơi xuống biển, người ta sẽ sử dụng các hệ thống định vị thủy âm (sonar) lắp trên các tàu ngầm, tàu cứu hộ hoặc các tàu khác để dò tìm.
Các sonar có thể nghe tín hiệu “ping” của ULB ở khoảng cách từ 1 đến 22 km, tùy thuộc vào độ ồn của tín hiệu siêu âm và điều kiện thời tiết trên biển.
5. Tìm hộp đen trong bao lâu?
Hộp đen của phi cơ Air France 477 chỉ được tìm thấy gần hai năm sau vụ tai nạn, khi nguồn pin cho bộ phận phát tín hiệu ping đã cạn kiệt. Ảnh: Reuters |
Trong một số trường hợp, việc tìm kiếm hộp đen có thể mất vài tháng hoặc thậm chí nhiều năm.
Chuyến bay AF447 của hãng Air France với 228 người trên máy bay mất tích vào năm 2009 khi đang bay qua Đại Tây Dương. Đội tìm kiếm đã thấy mảnh vỡ và một số thi thể nhiều tuần sau vụ tai nạn. Nhưng họ phải mất gần hai năm để tìm thấy những mảnh vỡ quan trọng và hộp đen, nằm sâu dưới đại dương. Trong khi đó, cho tới nay, đội tìm kiếm vẫn chưa thể xác định vị trí các đống đổ nát và hộp đen của máy bay hãng Malaysia Airlines mã hiệu MH370, biến mất ngày 8/3/2014 khi đang di chuyển từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh.
6. Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo sau khi tìm thấy hộp đen?
Các nhà điều tra sẽ phải phân tích các bản ghi âm. Quá trình này có thể sẽ mất hai hoặc ba ngày, theo Washington Post. Chỉ vài quốc gia trên thế giới có trình độ công nghệ để thực hiện việc này, gồm Mỹ, Canada, Australia, Anh và Pháp.
7. Có thiết bị nào khác thay thể hộp đen hay không?
Hàng loạt vụ tai nạn hàng không trong năm 2014 đã dấy lên cuộc tranh luận về việc liệu có nên thay thế hộp đen bằng một hệ thống thông tin trực tuyến về chuyến bay thông qua vệ tinh hay không.
Trên thực tế, một hệ thống như vậy đã tồn tại. Theo The Wall Street Journal, hàng trăm máy bay trên toàn thế giới đã được trang bị hệ thống truyền dữ liệu trực tiếp qua vệ tinh. Tuy nhiên, không nhiều hãng hàng không sử dụng dịch vụ này bởi những vụ tai nạn máy bay hiếm khi xảy ra và chi phí cho hệ thống rất cao, liên quan tới việc nâng cấp thiết bị và đường truyền vệ tinh.
Tờ Businessweek dẫn một nghiên cứu năm 2002 của L-3 Aviation Recorders và một nhà cung cấp vệ tinh cho hay, một hãng hàng không Mỹ sẽ phải chi 300 triệu USD mỗi năm để duy trì mạng lưới truyền tải dữ liệu toàn cầu