Giữa thành phố Sài Gòn hiện đại náo nhiệt và nhộn nhịp, ít ai còn để ý đến một làng nghề truyền thống hàng đêm vẫn bập bùng ánh lửa hồng. Đó là làng nghề đúc đồng An Hội với lịch sử gần 200 năm tuổi. Làng nằm khuất cuối con đường Nguyễn Duy Cung quận Gò Vấp, nổi tiếng với sản phẩm lư hương truyền thống.

Trong tín ngưỡng văn hóa tâm linh của người việt xưa, thì lư hương là một đồ thờ cúng không thể thiếu ở những ban thờ tổ hay dòng họ. Lư hương trong bộ Tam Sự hay Ngũ Sự là khí cụ được dùng để thờ cúng đại diện cho yếu tố kim. Những chiếc lư hương truyền thống chính là từ khuôn đất mà đúc thành, cũng là hợp với thuyết âm dương ngũ hành, từ thổ sinh ra kim. Vậy nên lư hương tự nó mang trong mình triết lý nhân sinh và yếu tố tâm linh trong đó.

Nghề đúc đồng An Hội: Lửa nghề bập bùng hàng đêm
Lư hương truyềnthống An Hội. (Ảnh theo vietnamvnanet.vn)

Nghề đúc đồng nói chung và lư hương nói riêng ở An Hội trải qua rất nhiều công đoạn, bắt đầu từ khâu làm đất tạo khuôn. Phải đặt mua đúng loại đất khô, thường là mua đất từ Cần Thơ hoặc Đồng Nai. Đất được đem về giã nhuyễn nhào trộn với nước cho thật dẻo rồi mới cho vào khuôn đã được đúc sẵn từ thạch cao.

Khuôn là yếu tố quyết định thành công của đúc đồng. Nghe thì có vẻ nặng nhưng đây vẫn còn là khâu nhẹ, được ưu tiên dành cho những người phụ nữ. Còn những việc nặng nhọc hơn như nấu đồng thì người đàn ông An Hội đảm trách. Cốt lư tức là khuôn ruột trong cùng để tạo hình lư được đắp bởi hai lớp đất. Lớp đất thứ nhất gồm có đất nhuyễn trộn với tro hay còn gọi là lớp đất đen. Lớp đất thứ hai là lớp đất không pha cát trộn với trấu được gọi là lớp áo.

Khi đã hoàn thiện khâu trộn các lớp đất, người thợ nhanh chóng giáp cốt vào khuôn thạch cao đã sẵn có từ trước để định hình. Khâu định hình cốt này cũng phải tỉ mỉ và cẩn thận để tạo được cốt lư đẹp đều và mịn. Tiếp đến  là đem ra phơi khô, sau đó tách cốt lư đất ra khỏi khuôn thạch cao để tỉ mỉ mài giũa cho nhẵn mịn, rồi vào sáp.

Nghề đúc đồng An Hội: Lửa nghề bập bùng hàng đêm
Sau khi chuẩn bị xong đất, người thợ giáp đất vào khuôn thạch cao để tạo cốt lư. (Ảnh qua vtv.vn)

Vào khuôn sáp hay còn gọi là bít sáp quyết định độ dày mỏng và hoa văn nổi của lư đồng. Khuôn sáp gồm hỗn hợp trộn lẫn giữa sáp ong và sáp nến. Vào khuôn sáp xong, người thợ đắp thêm lớp đất bên ngoài phủ kín lớp sáp, còn gọi là lớp đất cháy. Lớp đất này chịu trực tiếp sức nóng của lò nung. Khi nung khuôn nóng, sáp chảy ra các lỗ đã được định sẵn và để lại khoảng trống  để người thợ đổ đồng chảy vào giữa hai lớp đất.

Bên cạnh đó một số chi tiết khác của lư như tượng con rồng con lân hay nắp lư thì được làm bằng khuôn nhựa thay cho khuôn đất.

Nghề đúc đồng An Hội: Lửa nghề bập bùng hàng đêm
Khi cốt lư đã được hoàn thiện thì người thợ vào lớp sáp. (Ảnh qua vietnam.vnanet.vn)

Công đoạn nung khuôn, nấu đồng và  đổ vào khuôn đòi hỏi những người thợ không chỉ có sức khỏe mà còn phải có kinh nghiệm với thâm niên lâu năm trong nghề. Những chiếc khuôn được sắp sếp ngay ngắn trong lò, để cho lửa củi cháy và tỏa nhiệt đều đến các khuôn.

Khi nhiệt độ khuôn đã được nung nóng đến độ cần thiết, người thợ nấu đồng nóng chảy và tiến hành đổ đồng vào khuôn. Việc móc khuôn từ hầm nung và múc đồng từ trảo đổ vào khuôn phải chính xác và đều tay. Trong khi rót đồng vào cũng phải khéo để không bị lỗi hay có bọt khí, vì như thế sẽ làm lư bị rỗ.

Nghề đúc đồng An Hội: Lửa nghề bập bùng hàng đêm
Khi vào sáp xong thì đắp một lớp đất phủ kín sáp và phơi khô rồi cho vào lò. (Ảnh qua vietnam.vnanet.vn)

Sau khi làm nguội, người thợ đập bỏ hai lớp đất để tiến hành hàn, gắn các chi tiết  như chân lư, trái đào, tay lư. Chạm trổ là khâu đòi hỏi sự khéo léo, tạo nên những chiếc lư truyền thống. Thường thì những chiếc lư công nghiệp khi ra lò, các hoa văn nổi đều như nhau, còn những chiếc lư thủ công thì được trạm trổ tùy theo mẫu hay yêu cầu của gia chủ. Cuối cùng là đem đánh bóng hoàn thiện sản phẩm.

Nghề đúc đồng An Hội: Lửa nghề bập bùng hàng đêm
Sau khi đập bỏ khuôn đất tiến hành làm nguội, như Chạm khắc, hàn, đánh bóng. (Ảnh qua baomoi.com)

Để cho ra đời được một chiếc lư hương hoàn chỉnh người thợ phải vận dụng các kỹ thuật, đúc nổi, đúc chìm và chạm khắc. Lư truyền thống không chỉ mang vẻ đẹp trang nghiêm mà còn thể hiện cái tâm người thợ trong tín ngưỡng tâm linh thờ cúng tổ tiên người Việt. Đó chính là đạo lý uống nước nhớ nguồn.

Không biết từ khi nào người thợ làng An Hội vẫn theo quy định nấu đồng vào ban đêm. Cũng có người lý giải theo thuyết âm dương thì ngày là dương đêm là âm và nóng là dương và lạnh là âm. Như vậy đêm là âm và  lửa nóng là dương, vậy nấu đồng vào ban đêm khiến âm dương hòa hợp, sản phẩm đúc sẽ mang theo sự hài hòa âm dương và cái tâm của người thợ.

Nghề đúc đồng An Hội: Lửa nghề bập bùng hàng đêm
Nét tinh hoa của lư đồng An Hội. (Ảnh qua vietnamvnanet.vn)

Từ hàng trăm năm trước, khi mang nghề về cho dân làng, các cụ tổ nghề đúc đồng An Hội đã mong mỏi lửa nghề sẽ sáng mãi, đem lại sự trù phú ấm no cho vùng đất này. Trải qua bao thăng trầm, dẫu nghề có vất vả nhưng những người con An Hội luôn đau đáu tâm huyết giữ nghề, giữ tinh hoa truyền thống. Ngày nào khói hương trầm còn ấm những chiếc lư An Hội thì chúng vẫn sẽ còn đứng vững trong lòng người Việt

Lê Nguyên