Bài nói của tác giả (TG) được giới hạn ở một vài suy xét có tính chất giai thoại về lịch sử nghề làm giấy, cụ thể hơn, là về vai trò của Việt Nam trong lịch sử nghề làm giấy ở những thế kỷ đầu sau công nguyên.
Ai cũng biết rằng, từ lâu nghề làm giấy được coi là một trong những phát minh lớn của Trung Quốc cổ đại, cùng với nghề in, la bàn, thuốc súng. Tuy nhiên, nguồn gốc của nghề giấy vẫn còn nhiều chỗ mơ hồ. Theo các tài liệu lịch sử và truyền thuyết thì viên quan Sái Luân (Thái Luân), phụ trách xưởng chế tác hoàng cung dưới thời Hậu Hán đã xin Hoàng đế cho phép làm giấy vào năm 105 sau công nguyên (CN). Sách Hậu Hán thư có ghi: “Từ thời cổ đại, sách và tài liệu phần lớn được chép trên thẻ tre, rồi sau đó chép trên lụa, gọi là chỉ. Lụa thì đắt tiền, thẻ tre thì nặng, cả hai đều không thuận tiện. Bấy giờ Sái Luân bèn có ý định dùng vỏ cây, sợi gai, vải cũ và lưới đánh cá để làm giấy. Năm Nguyên Hưng thứ nhất, ông trình với Hoàng đế và được chấp thuận. Từ đấy, giấy bắt đầu được dùng khắp nơi và vì vậy mà trong toàn cõi đế chế, người ta gọi nó là giấy Sái Hầu”.
Từ vài chục năm nay, nhờ các phát hiện khảo cổ học, người ta nhận thấy đoạn dẫn trên nói về việc phát minh nghề làm giấy được ghi trong Hậu Hán Thư, soạn vào thế kỷ thứ 5 sau CN, có lẽ không đúng với sự thật, và giấy bắt đầu ra đời có thể lùi về Thế Kỷ thứ 1 trước CN và thậm chí là TK 2 trước CN.
Việc phát hiện những mẫu giấy có hoặc không ghi chữ đã trở thành đề tài thảo luận sôi nổi về niên đại ra đời của giấy và cả về nguồn gốc Trung Hoa của giấy nữa. Vì vậy, ta phải xác định giấy là gì, thành phần, cách chế tạo, tính chất của nó.
Dựa trên từ nguyên của tên gọi chỉ, ta thấy giấy đầu tiên được phát minh nhằm thay thế lụa, có thể lúc đầu dùng vào việc khác chứ không phải để viết, ví dụ để gói đồ, làm thuốc… Chữ Nho, từ chỉ gồm có bộ ti (lụa) là dấu hiệu của nguồn gốc này. Vấn đề là, chữ ti trước hết có thể dùng để chỉ một tấm lụa cho phép người ta nghĩ rằng những tờ giấy đầu tiên được làm từ sợi tơ.
Đọc bảng phân tích những mẫu giấy xưa nhất phát hiện được, ta không thấy có tơ. Mà giấy đó có thể được làm bằng sợi gai. Trong điều kiện đó, vai trò của Sái Luân chỉ là dùng một vật liệu khác để thay thế cho sợi gai, như vỏ cây, trong đó có vỏ cây dâu.
Ta cũng có thể nghĩ rằng, chính ông đã phát triển công dụng của giấy dùng để viết sổ sách, nghĩa là xác định công dụng chính thức. Ta lại có thể đặt câu hỏi rằng, phải chăng ông đã làm một cuộc cách mạng trong việc chế tạo giấy, bằng một khung có thể nới rộng, thu hẹp, gồm khung gỗ có thanh ngang, trên lắp một cái liềm bằng tre vót mỏng, liên kết bằng lông đuôi ngựa. Ưu điểm của cách này là có thể tách rời giấy ra khỏi khung trước khi đem phơi, trong khi cách trước là phải để giấy khô trên khung, cách mới này cho phép làm ra nhiều loại giấy có khuôn khổ khác nhau. Tuy nhiên đây chỉ là một giả thiết.
Sự phát triển của việc sử dụng giấy có thể tương đối chậm, bởi lẽ, cho đến TK 3 sau CN, người ta vẫn dùng các loại thẻ gỗ, thẻ tre để viết. Suốt TK thứ 2, giấy chỉ được dùng đến khi không có lụa để ghi chép. Sang TK 3, tình hình đã thay đổi và giấy được dùng rộng rãi. Nó có mặt ở vùng phía Tây như Lân Lan gần hồ Lobnor, trên sa mạc Taklamakan hay ở bồn địa Thổ Phồn, cách Urumxi 100km, tại vùng Tân Cương. Việc sử dùng giấy được truyền bá lên cả vùng Đông Bắc, ở Triều Tiên, và sau đó sang Nhật Bản (vì tại đây mãi cho đến TK thứ 7 mới có nghề sản xuất giấy). Nó cũng lan xuống phía Nam, ở những vùng chịu ảnh hưởng của Trung Hoa, tuy nhiên cho đến nay, không còn dấu vết nào của thời đó còn lưu lại.
Ngược lại, người ta cũng biết đến hai đoạn tài liệu lý thú nói đến việc du nhập vào Trung Quốc một số loại giấy đến từ phương Nam vào TK thứ 3.
Giấy Hương Mật Ong
Giai thoại thứ nhất được kể trong sách Nam Phương Thảo Mộc Trạng của Kê Hàm, soạn năm 304.
“Mật hương chỉ làm bằng vỏ và lá của thứ cây có mùi mật. Giấy màu nâu. Nó có những vân hình trứng cá. Giấy rất thơm, bền và mềm. Khi thấm mực nó không bị mủn. Năm Thái Khang thứ 5 (đời Tấn, năm 284) sứ bộ La Mã dâng đến 30.000 tờ. Hoàng đế ban cho Đỗ Dự là Bình Nam tướng quân và Đan Dương hầu 10.000 tờ để viết Xuân thu thích lệ và Kinh truyện tập giải dâng lên vua. Nhưng Đỗ dự chết trước khi giấy được gởi đến. Theo chỉ dụ, giấy đó được ban cho gia đình”.
Lễ vật của sứ bộ và nhà buôn La Mã đem đến không phải xuất xứ từ đế quốc La Mã mà đến từ bán đảo Đông Dương (Hậu Hán thư nói rõ, phái bộ đến từ Nhật Nam, tức là Việt Nam khi bị nhà Hán chiếm và chia tách thành Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam)
Vậy giấy Mật Hương làm bằng cái gì ?
Rõ ràng tên gọi cây hương mật đó là để chỉ cây Aquilaire Agalloche (tên tiếng Pháp), mà người ta vẫn thường sử dụng cả vỏ cây. Bản thảo cương mục của Lý Thời Trân (1518 – 1593) gọi cây này là cây Trầm Hương, được biết nó có mọc ở Việt Nam và Ấn Độ .
Giấy Gân Nghiêng:
Một giai thoại thứ hai nói về việc du nhập giấy vào Trung Quốc từ Nam Việt. Nguồn trích dẫn từ sách Thập Di Ký của Vương Gia ( TK thứ 4 ), được Tiêu Ỷ san nhuận vào TK thứ 6.
Chuyện kể rằng, Trương Hoa (232-300) đã soạn cuốn Bác Vật Chí dâng lên Vũ Đế. Công trình gồm 400 quyển được rút lại còn 10 quyển. Hoàng đế ban cho Trương Hoa đồ dùng để chép lại công trình: một thỏi mực bằng đá Khotan, một cây bút cán bằng sừng kỳ lân (đến từ nước Liêu Tây) và một vạn tờ giấy Trắc Ly Chỉ (giấy Gân Nghiêng) đến từ Nam Việt. Tài liệu còn viết thêm rằng các từ ngữ Chỉ Lý và Trắc Lý có thể đổi chỗ cho nhau. Người phương Nam làm giấy bằng rong. Gân của nó dọc và ngang đều chạy nghiêng, vì vậy mà có tên đó.
Giai thoại này không được sách cũ nào nhắc lại, nhưng đến TK thứ 10, nó được nhắc lại trong chương nói về giấy của cuốn Văn Phòng Tứ Phả do Tôn Dị Giản biên soạn. Ông này có thêm lời giải thích lấy từ sách Bản Thảo (659) như sau:
“Cây Chỉ Lý có vị ngọt, rất mát, không độc. Trị cảm hàn ở tâm và phúc, làm tăng nhiệt trung bình và tiêu hoá ngũ cốc. Làm tằng khí của dạ dày và ngăn tiêu chảy. Nó mọc trong hồ đầm phía Nam Trường Giang (sông Dương Tử: Yangtze river).
Đào Hoàng Cảnh (451-536) tác giả Thần Nông Bản Thảo Kinh, nói rằng:
“Người phương Nam dùng cây đó làm giấy”.
Như vậy, nhờ vào một số ghi chép và giai thoại, chúng ta có thể ghi nhận những loại giấy cổ đã đến từ Việt Nam, được truyền sang Nam TQ và tiếp nhận vào lưu vực Trường Giang…