Mỗi lần đi du lịch một nước nào đó, tôi thích thử những món ăn của nước đó, nhất là những món ăn được bày bán trên đường phố. Thật thú vị khi những lúc nghỉ chân giữa những cuộc rong chơi, khám phá, lại được thử nghiệm đủ thứ món ăn phong phú, ngon, và giá tất nhiên luôn luôn rẻ hơn bước chân vào các nhà hàng.


Xe lưu động bán thức ăn nhanh

Vài nét về thức ăn vặt, ăn nhanh ở Na Uy

Ðáng tiếc là Na Uy, quốc gia nơi tôi đang sinh sống và các nước Bắc Âu nói chung gần như không có ẩm thực đường phố. Tuy nhiên vào những dịp hội chợ, lễ hội thì có những quầy, xe lưu động bán thức ăn nhanh cho người vừa đi chơi, vừa xem lễ hội vừa ăn. Hoặc vào mùa hè nắng ấm, các xe lưu động bán thức ăn cũng xuất hiện, ở những khu trung tâm đông người.

Nhưng phải nói thật là ẩm thực đường phố của Na Uy không phong phú lắm, ngoài các loại bánh ngọt, bánh bích quy (cookies), kẹo, kem, yogurt… thì phổ biến nhất chỉ là bánh waffle (bánh tổ ong) nóng đổ ngay tại chỗ, ăn với các loại mứt dâu, mứt cam; hot dog-bánh mì dài nhỏ kẹp xúc xích các loại, ăn với tương ớt, ketchup, mù tạt, xốt bơ tỏi…; các loại sandwich, các loại fiskekaker (bánh cá), giống như các loại chả cá ở VN, ăn nóng với bánh mì hoặc ăn không, có kèm các loại nước xốt…; còn với trẻ con thì là kem, hạnh nhân bọc đường nướng thơm điếc mũi, bắp rang bơ hoặc kẹo bông gòn ở VN cũng có đầy, chỉ là đường cho vào máy đánh tan như bông gòn quấn vào cái que cầm trên tay, bỏ thêm chút bột màu hồng, màu xanh… ăn xong cả môi, lưỡi, răng đều nhuộm hồng, nhuộm xanh.

Những năm sau này dân nhập cư từ rất nhiều quốc gia trên thế giới đến Na Uy sinh sống, bổ sung thêm vào nghệ thuật ẩm thực nói chung và ẩm thực đường phố nói riêng của Na Uy những món ăn của các dân tộc khác nhau. Nhưng vì lý do thời tiết, các quầy, xe bán thức ăn đường phố chỉ có thể bán vào mùa hè, còn lại vẫn phải thuê mặt bằng nên gọi là thức ăn đường phố thì cũng không hẳn là đúng ở xứ này. Gọi là thức ăn vặt, thức ăn nhanh vậy.

Phổ biến là món kebab của các nước ở vùng Trung Ðông, Nam Á. Các món ăn truyền thống của người Mexico như món taco, nachos, burrito… Món pizza của người Ý. Món bánh crêpe của người Pháp, ăn với sô cô la lỏng. Món chả giò, bánh mì thịt, gỏi cuốn… của người Việt…

thucan1
Những món ăn phổ biến trên đường phố

Người Việt ở Na Uy mở nhà hàng thì từ lâu rồi, nhưng chỉ mới một vài năm gần đây mới có những cửa hàng nhỏ xíu chỉ bán bánh mì thịt hoặc thức ăn đường phố, nhưng cũng chỉ trên dưới chừng hai, ba chục món khác nhau, từ bánh bao, bánh mì thịt, bánh mì trứng ốp-la, bánh mì xíu mại, bánh ít trần, chả giò, gỏi cuốn, cơm chiên Dương Châu… vài loại chè như chè đậu đỏ nước dừa, chè bắp, chè trôi nước…

Có thể thấy chả giò, bánh mì và gỏi cuốn là những món ăn nhanh của người Việt mà nhiều người nước ngoài và người Na Uy nói riêng rất thích. Còn nước uống thì lắm người nước ngoài rất chuộng cà phê sữa nóng, cà phê sữa đá. Hay món trà sữa trân châu, dù không phải xuất xứ của người Việt nhưng khá phổ biến ở VN, và ở Oslo này cũng có mấy tiệm, gọi là bubble tea.

Người Na Uy rất chịu khó thử các món ăn mới của các nước khác.

Nhưng đối với một người Việt thuộc loại chuộng ăn và từng lê la thử rất nhiều món ăn Việt nói chung và thức ăn đường phố nói riêng của VN từ Nam ra Bắc như tôi thì những thứ gọi là thức ăn đường phố ở đây không thể so một góc với ở nhà. Ngay cả nhà hàng cũng thế, điều đó dễ hiểu vì số lượng người Việt riêng ở Oslo là khoảng hơn 6,000 người, nhà hàng Việt có khoảng trên dưới hai chục cái, làm sao so bì với hàng chục vạn cho tới hàng triệu nhà hàng, quán xá ở VN. Chưa kể số đầu bếp chuyên nghiệp, được học hành bài bản càng hiếm. Ăn uống ở VN chỉ sợ mỗi chuyện bẩn, ngộ độc, chứ còn quán xá ngon thì vô số kể.

thucan2
Tiệm ăn Việt tại Na Uy

Trở lại chuyện thức ăn vặt, ăn nhanh, cứ mỗi lần đang dạo phố hoặc đi công việc, đói bụng, muốn ăn nhẹ, đành phải ghé vào MacDonald, KFC, Max burgers, Burger King, hay tạt vào đâu đó ăn một chiếc bánh ngọt, sandwich của Na Uy hoặc bánh mì thịt, gỏi cuốn, bánh ít trần… của VN, là tôi lại nhớ, lại thèm những món ăn đường phố ở nhà. Lướt qua trong ký ức tôi vô số những món ăn ngon, từ Nam ra Bắc. Nếu mà kể ra cho hết phải bao nhiêu bài báo cho đủ, nhưng vì dung lượng có hạn, bài viết này chỉ xin nói về thức ăn đường phố ở Sài Gòn.

Sài Gòn – thiên đường ẩm thực đường phố và các món ăn vặt của VN

Nhớ một thời tuổi thơ xa ngái, thời những năm Sài Gòn mới “đổi chủ”, cả nước nghèo, Sài Gòn cũng bị “nghèo hóa” đi một cách nhanh chóng, làm gì đã có lắm món ngon, những món ăn vặt với bọn trẻ con chúng tôi chỉ là kẹo bông gòn vừa kể ở trên; kem mút do những người bán dạo đi xe đạp chở những thùng xốp bên trong là đá và những que kem có mùi vị trái cây; kẹo kéo, xi rô bịch, sữa chua bịch, hay những gói bò khô, xí muội… Quà vặt chung cho cả người lớn và trẻ con thì có các loại bánh dày, bánh giò, bánh gai, bánh ít, bánh tiêu, bánh bò, bánh cam, bánh cay… Cho tới bây giờ, dù Sài Gòn có hàng vạn món ăn đường phố, từ bình dân đến cầu kỳ, thì có những món vẫn tồn tại qua thời gian, được bày bán trên những gánh, xe hàng rong ngay giữa những đường phố lớn của Sài Gòn như bánh cay, chuối chiên, bánh tằm ngọt với đủ màu trắng xanh hồng xinh xắn, bánh bông lan nhỏ xíu hình thuẫn thơm lừng…

Hoặc món hoa quả tươi, hoa quả dầm là từ bao đời nay, vẫn luôn đắt hàng. Sài Gòn quanh năm nắng nóng, những xe trái cây với đủ loại hoa quả tươi xứ nhiệt đới như thơm, xoài, dưa hấu, mận, mít, thanh long… được gọt cắt sẵn, xếp trong những chiếc tủ kính nhỏ trông rắt bắt mắt người qua đường, khiến người ta phải dừng xe ghé mua. Còn hoa quả từ cóc, ổi, thơm, xoài tượng… dầm muối ớt, muối tôm, nước mắm ớt… chua cay ngọt là món ăn vặt gây nghiền của chị em phụ nữ. Ngoài những xe trái cây bán dạo, món hoa quả cũng được nâng cấp, đưa vào quán, bán từng đĩa hoặc từng xô nhỏ trái cây thập cẩm, giới trẻ rất chuộng.

Món bánh mì thịt, nếu tôi nhớ không lầm đã nhiều lần được nêu tên như là một trong những món ăn đường phố ngon nhất của VN. Trên các đường phố của các thành phố lớn nhỏ ở VN đâu đâu cũng có thể tìm thấy những xe, quầy bán bánh mì, nếu bán ngon thì có thể bán hàng ngàn ổ bánh mì mỗi ngày, nuôi sống cả một gia đình. Với ổ bánh mì, người Việt có thể sáng tạo vô số món để kẹp bên trong: bánh mì chả lụa, chả quế, chả bò, bánh mì pa tê, bánh mì thịt, bánh mì thịt quay, bánh mì xíu mại, bánh mì trứng ốp la, bánh mì thịt nướng, bánh mì nem nướng, bánh mì thịt bò bít tết, bánh mì cá hộp, bánh mì que phô mai… Trong đó đáng chú ý là bánh mì bì ăn kèm nước mắm chua ngọt hình như chỉ có ở Sài Gòn và bánh mì phá lấu ăn với phá lấu nấu theo kiểu của người Hoa…

Người Việt có thể ăn bánh mì kẹp vào bất cứ lúc nào trong ngày, ăn sáng, ăn trưa, ăn giữa buổi chiều hay ăn khuya. Một thức ăn đường phố khác cũng phổ biến và ăn được bất cứ lúc nào trong ngày là xôi. Ðủ loại xôi: xôi gà, xôi thập cẩm, xôi vò, xôi đậu xanh, xôi đậu đen, đậu đỏ, xôi bắp, xôi khúc (bánh khúc), xôi gấc, xôi lạp xưởng, xôi xéo, xôi xị, xôi đường… Xôi được ủ trong lớp lá chuối, lá sen, bỏ trong những cái mẹt được các bà các chị cắp đi bán dạo hoặc gánh đi bán hàng rong, hoặc được đưa vào quán sang trọng, chỉ chuyên bán xôi chè các loại. Nhiều khi chỉ một gói xôi đậu phọng ăn với muối mè, muối vừng ủ trong lá sen của một chị bán xôi hàng rong, ăn vào buổi sáng sớm một ngày cuối năm trời lành lạnh mà ngon lạ lùng, hạt xôi dẻo, đậu phọng bùi, muối vừng thơm ngát…

Hay một tô cháo trắng đêm khuya đi công việc đói bụng, tấp vào một quán bán cháo bên đường. Có đủ thứ để ăn với cháo trắng tha hồ cho khách lựa chọn: hột vịt muối, dưa mắm, thịt chà bông, tép rang, tôm kho, cá bống kho tiêu, cá cơm kho khô, ba khía trộn tỏi ớt… Còn không muốn ăn cháo trắng thì có hai món cháo ngon nổi tiếng của Sài Gòn là cháo lòng và cháo mực. Cháo lòng ăn với dồi trường nhồi, phèo, phổi, gan…, sang hơn có thể thêm bao tử, tim, cật; cháo mực khô, xé miếng to vừa ăn, ninh mềm. Cả hai loại cháo này ăn nóng, cháo lòng thì bỏ tiêu ớt, cháo mực cho tiêu và gừng, vừa ăn vừa thổi vừa hít hà vì cay mới ngon.

thucan3

Ðôi khi nhớ, thèm những món ăn đường phố cực kỳ bình dân như món gỏi khô bò, bò bía, bắp nướng mỡ hành, bắp xào, bột chiên… quanh khu vực Hồ Con Rùa; những món hột vịt lộn luộc, hột vịt lộn xào me, trứng cút lộn xào me hay các món ốc, món nướng ở khu phố Tây Bùi Viện-Phạm Ngũ Lão. Ốc Sài Gòn đa dạng về chủng loại: ốc móng tay, ốc gạo, ốc len, sò lông, sò huyết, sò lụa… và phong phú cách chế biến, từ luộc, hấp, xào tỏi, xào me, nướng muối ớt, nướng mỡ hành… Ăn ốc với nước mắm chua ngọt hay muối tiêu chanh.

Hoặc nhớ món bánh đúc nóng hổi, rất dẻo, gồm có thịt bằm, hành phi, nấm, có thêm đậu xanh phía trên… và ăn cùng với nước mắm ngọt ở đường Phan Ðăng Lưu; các món há cảo, sủi cảo, hàu chiên… đến các loại chè như chè trứng, chè đen… ở khu phố Hùng Vương Quận 5, chè Thái các loại ở phố Nguyễn Tri Phương quận 10; bánh tráng nướng, bánh tráng trộn, gỏi cuốn, phô mai que, bắp xào… ở bờ kè Thanh Ða (Quận Bình Thạnh)…

Trên đường Tôn Ðức Thắng, quận 1 tức đường Cường Ðể cũ-một trong những con đường đẹp nhất Sài Gòn với những hàng cây cổ thụ trăm năm tuổi vừa bị bứng hạ đi khá nhiều, có những quán bò nướng lá lốt ngoài vỉa hè, buổi chiều đi ngang mùi thơm điếc mũi. Món ăn hấp dẫn với vị ngon của thịt bò nướng lá lốt ăn kèm các loại rau tươi mát, chuối chát, khế chua, chấm với mắm nêm đậm đà cay chua ngọt.

Ở trên người viết có nhắc đến món gỏi cuốn đang khá thịnh hành ở Na Uy. Gỏi cuốn cũng thường xuyên nằm trong danh sách những món ăn ngon được người nước ngoài ưa thích và gây thương nhớ cho người đi xa của Sài Gòn. Gỏi cuốn bình dân thường có bún, thịt heo, tôm hấp, rau sống, rau thơm, hẹ cuốn trong một chiếc bánh tráng mỏng. Nước chấm thì hoặc là nước mắm chua ngọt, hoặc tương ăn kèm đồ chua. Ăn ngon, no nhưng ít bị ngán.

thucan4
Món ăn Việt trên đường phố Na Uy – ảnh tác giả

Một món ăn đường phố khác cũng rất đặc trưng của Sài Gòn là hủ tiếu gõ. Ở những khu phố bình dân hay các con hẻm, cứ vào buổi chiều tối cho đến đêm khuya, lại vang lên tiếng gõ lách cách mời gọi từ hai thanh gỗ hay hai thanh kim loại đập vào nhau, của những xe hủ tiếu dạo. Một tô hủ tiếu gõ với những sợi hủ tiếu trắng mịn, ít cọng giá, vài lát thịt thăn thái mỏng hoặc bò viên, hẹ, hành khô, tóp mỡ, giá bình dân mà ngon lành, ấm bụng khi đói lòng đêm khuya, cũng có khi có hoành thánh, trứng cút… với giá cao hơn.

Ðó là chưa nói đến các món ăn vặt dành cho những kẻ hảo ngọt như chè, kem, bánh ngọt, sương sa sương sáo, thạch… Chè Việt vốn đã phong phú đủ loại, Sài Gòn còn có những khu phố bán chè Thái, chè Tàu và bây giờ là chè Ðài Loan, kết hợp giữa các loại đậu xanh, đậu đỏ, khoai môn ninh nhừ, thạch sương sáo, hạt trân châu đen…. ăn kèm với đá bào thật nhuyễn.

Ẩm thực nói chung và nhất là những món ăn vặt cũng thay đổi theo thời gian, mỗi ngày thêm nhiều món mới lạ. Cứ một thời gian lại thấy những món mới xuất hiện, có những món gây “sốt” xình xịch, người đi xa chừng vài năm trở về đã thấy mình quá lạc hậu. Trong danh sách vô vàn những món ăn đường phố mới, có những món “muốn ăn phải lắc” như xoài lắc, khoai tây lắc, gà lắc… Ví dụ, xoài lắc là xoài cắt miếng vừa ăn, trộn với đường, nước mắm, ớt bột, muối tôm trộn riêng cho vào một hộp nhựa lớn, xóc đều một lúc rồi đổ ra ly đưa cho khách. Ăn miếng xoài lắc muối tôm có vị ngọt, chua, mặn hòa quyện vào nhau rất dễ “gây nghiện”. Còn khoai tây lắc là khoai tây chiên, rắc thêm một lớp bột phô mai thơm thơm, mặn mặn rồi lắc đều lên ăn không hoặc chấm với tương ớt, mayonnaise. Có những xe chỉ bán xoài lắc, khoai lắc mà khách đông đứng chờ tràn ra cả ngoài đường.

Hay món bánh mì nướng muối ớt cũng đang rất hot. Bánh mì được ép dẹp lại, đường, muối, ớt bột, sa tế, tương ớt chưng sền sệt quết lên bánh mì, và một lớp bơ, đem nướng trên bếp than củi, sau đó cắt nhỏ bánh mì ra, cho thêm chà bông, tôm khô, mỡ hành, tương ớt hoặc sốt mayonnaise, ăn rất đậm đà. Và còn vô số những món ăn vặt mới khác luôn được giới trẻ lùng tìm, check-in và truyền tai nhau…

Ðó là mới  nói tới Sài Gòn, còn Hà Nội, Huế, Ðà Nẵng, Hải Phòng, Ðà Lạt, Nha Trang… tất cả các thành phố lớn nhỏ của VN cho tới những vùng quê xa xôi đều có những món ăn vặt độc đáo riêng bên cạnh những món ăn vặt phổ biến của cả nước.

thucan5
Món ăn đường phố tại Hồ Con Rùa – nguồn youtube.com

Kỷ niệm làm cho hương vị những món ăn thêm ngọt ngào

Trong nỗi nhớ VN, tôi thường nhớ về những món ăn nói chung và những món ăn đường phố nói riêng. Mỗi món ăn gắn với một giai đoạn, một địa điểm, những kỷ niệm, những khuôn mặt bạn bè, người thân cùng ngồi ăn với nhau.

Từ thanh kẹo kéo, kẹo bông gòn thời tuổi thơ. Dĩa gỏi khô bò những buổi chiều mát trời ở công viên Lê Văn Tám. Món bắp xào bình dân ở Hồ Con Rùa, dừng chân mua về làm quà ăn vặt cho mẹ cho con gái, vừa nghe người bán kể chuyện chồng chết, chị bỏ đàn con ở ngoài Bắc cho ông bà nội nuôi, vào Sài Gòn đi bán bắp xào, lắm lúc nhớ con kinh khủng mà đành chịu, chỉ mơ đến ngày dành dụm đủ để trở về và sửa sang cơi nới lại cái nhà ở quê. Câu chuyện của chị cũng là câu chuyện của hàng ngàn hàng vạn người dân miền Tây, miền Trung, miền Bắc bỏ lại quê nhà, gia đình, vào Sài Gòn mưu sinh-cái thành phố hào phóng luôn mở rộng vòng tay với tất cả mọi người.

Cái quán vỉa hè góc đường Nguyễn Ðình Chiểu-Pasteur có hai món ruột của người bạn lấy chồng bên Mỹ, hồi đó lần nào về VN chị cũng đòi ghé ăn, là món hột vịt lộn, hàu sống chấm mù tạt… Những món ăn bình dân như đậu hủ nước dừa, chè trôi nước… những buổi trưa nào xa xôi đang ngồi trong nhà làm việc, nghe tiếng rao kéo dài mời gọi của chị bán hàng rong mà phải mở cửa, mua một chén đậu hủ, húp từng miếng đậu hủ trắng mịn, mát, trôi rất nhanh trong cổ họng, để lại vị ngọt thanh của đường phèn, mùi thơm thơm của nước gừng, vị béo của nước dừa… Những ngày đi làm báo làm phim buổi tối về ngồi cùng với bạn bè, với đoàn làm phim ở nơi này nơi khác, bao nhiêu món ngon làm sao nhớ cho hết.

Kỷ niệm làm cho hương vị của những món ăn càng thêm ngọt ngào, lung linh.

Cái ngọt ngào ấy những người xa quê trong đó có tôi, khó mà tìm lại được, cho dù cũng ăn những món ăn Việt trên xứ người.

thucan6
Món ăn đường phố Sài Gòn – nguồn m.yeah1.com