Tại sao ngày xưa cứ đến Tết người ta thường dán hình Thần Đồ Uất Luỹ trước cửa nhà? Tại sao Thần Đồ cũng gọi là Thần Trà?

“Thần Đồ Uất Luỹ” là một cách đọc sai của Thân Thư Uất Luật (sẽ nói rõ bên dưới). Trước hết xin trả lời câu hỏi tại sao Thần Đồ cũng gọi là Thần Trà. Nhiều người đã cho rằng sở dĩ Đồ bị đọc thành Trà là do kiêng kỵ để tránh thô tục vì đồ là một tiếng lóng dùng để chỉ… của phụ nữ. Chúng tôi không nghĩ như thế. Vì nếu tránh thô tục là lý do đích thực của việc đọc trại Đồ thành Trà thì trước khi kiêng kỵ cho ông Thần Đồ của Tàu, lẽ ra người ta đã phải kiêng kỵ giùm cho các ông “đồ” Nho mà gọi họ là ông “trà” chứ có đâu vẫn cứ báng bổ mà dùng cái tiếng “đồ” để gọi họ. Thật ra, đây chẳng qua chỉ là chuyện tác đánh tộ, ngộ đánh quá mà thôi vì chữ đồ và chữ trà chỉ khác nhau có một nét. Thần Đồ bị đọc thành Thần Trà cũng cùng một lẽ với việc cao hoàn bị đọc thành dịch hoàn, như chúng tôi đã trình bày trên Kiến thức ngày nay, số 114. Vậy đó chẳng qua là do nhầm lẫn mà ra. Vả lại, tại sao để tránh thô tục, người ta không chọn tiếng nào gần âm với tiếng đồ hơn (chẳng hạn: đô, độ, đà, v.v.) mà cứ phải chọn trà?

Nhưng đọc thành Đồ cũng vẫn là sai vì chữ có hai âm: đồthư. Ở đây nó phải được đọc là thư, nghĩa là đọc theo âm thứ hai mà Từ hải đã cho: thúc ư thiết, âm thư. Chính là với âm này mà Từ hải, và cả Từ nguyên cùng những từ điển khác nữa, đã ghi nhận tên của vị thần đang nói. Vậy đó phải là Thần Thư chứ không phải Thần Đồ. Nhưng đọc thành Thần Thư vẫn cứ còn sai vì chữ cũng có hai âm: thầnthân. Ở đây nó phải được đọc là thân, nghĩa là đọc theo âm thứ hai mà Từ hải đã cho: thi ân thiết, âm thân. Chính là với âm này mà Từ hải, và cả Từ nguyên cùng những từ điển khác, đã ghi nhận tên của vị thần nói trên. Vậy tên của vị thần đó là Thân Thư chứ không phải Thần Đồ, càng không phải là Thần Trà!

Tên của vị thần thứ hai cũng đã bị đọc sai thành Uất Luỹ. Thực ra, chữ có đến năm âm: luỹ, đội, luỵ, lội và luật. Ở đây nó phải được đọc là luật, nghĩa là đọc theo âm thứ năm mà Từ hải đã cho: lư truật thiết, âm luật. Chính là với âm này mà Từ hải và cả Từ nguyên cùng những từ điển khác, đã ghi nhận tên của vị thần thứ hai. Vậy tên của vị này là Uất Luật chứ không phải là Uất Luỹ. Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức đã ghi nhận đúng là Uất Luật (Xem quyển hạ, phần II, tr. 333).

Tóm lại, Thần Trà Uất Luỹ hoặc Thần Đồ Uất Luỹ cũng đều là những cách đọc sai của Thân Thư Uất Luật. Ở từng chữ riêng, Từ hải đã cho thiết âm như chúng tôi vừa dẫn. Rồi ở thành ngữ vẫn bị đọc sai thành Thần Đô (Trà) Uất Luỹ, Từ hải lại chú thêm một cách rõ ràng: “Độc như thân thư uất luật”. Người Trung Hoa đã cố ý dùng song thanh điệp vận liên để đặt tên cho hai vị thần trên đây: Thân Thư là song thanh, tức là cái mà tiếng Việt gọi là từ láy phụ âm đầu còn Uất Luật là điệp vận, tức là cái mà tiếng Việt gọi là từ láy vần. Nhớ rằng âm Hán Việt theo rất sát âm Hán thời xưa cho nên bốn tiếng Thân Thư Uất Luật trong trạng thái cổ xưa của tiếng Hán vẫn đúng là song thanh điệp vận.

Bây giờ xin nói về sự tích của hai vị Thân ThưUất Luật. Theo Từ hải thì sách Độc đoán chép rằng ở giữa biển có núi Độ Sóc, trên núi có cây đào cành nhánh mọc quanh co lan ra đến ba ngàn dặm. Nơi các nhánh cành thấp bé phía Đông Bắc có cửa Ma (Quỷ môn) là nơi họ nhà ma ra vào. Hai vị thần là Thân Thư và Uất Luật ở cửa này để đảm trách việc giám sát ma quỷ. Những con ma hung dữ nguy hiểm thì sẽ bị hai vị thần bắt trói bằng dây cỏ lau mà đem cho hổ ăn. Vì vậy, khi tháng mười hai chấm dứt, người ta mới vẽ hình Thân Thư và Uất Luật rồi dùng cọng lau mà treo hai bên cửa để trừ tà ma. Thiên Lễ nghi chí trong Hậu Hán thư cũng chép rằng giữa biển Đông có núi Độ Sóc, trên núi có hai vị thần, một là Thân Thư, một là Uất Luật, lo việc theo dõi những con ma hay làm hại người. Hai vị bắt chúng rồi dùng cây lau mà trói lại để đem cho hổ ăn. Sách Kinh Sở tuế thời ký chép rằng ngày mồng một tháng Giêng, người ta vẽ hình hai vị thần mà dán hai bên cửa, bên trái là Thân Thư, bên phải là Uất Luật, tục gọi là thần giữ cửa. Nhiều sách khác cũng có chép chuyện Thân Thư Uất Luật với cá biệt một vài chỗ tiểu dị. Phong tục thông chép rằng hai vị vốn là hai anh em. Sách Ấu học chép rằng Thân Thư Uất Luật là hai vị thần ăn ma (đạm quỷ chi thần).

Tóm lại đặc điểm nổi tiếng của Thân Thư và Uất Luật là diệt trừ ma ác, do đó mà ngay từ đầu năm người ta thường vẽ hình hai vị, có khi chỉ là viết tên, mà dán hai bên cửa với hy vọng rằng tà ma sẽ không ám hại nhà mình và chuyện dữ cũng không xảy ra cho nhà mình trong suốt một năm.