Fort Worth – 05/2020

Mỗi buổi sáng ở đây thật lạ, không phải bởi ta thấy mọi thứ chốn này quá mới mẻ hay hiếm hoi mà lạ bởi… trong cảm nhận mơ hồ của lòng người. Thật vậy! ngót nghét cũng trọn năm trên đất này mà cũng chẳng được mấy khi bước chân ra khỏi cửa, cứ ru rú mãi ở trong nhà… chi vậy?

Trước nhà có mấy cái cây hạt dẻ mà mấy con thú trong phim Kỷ Băng Hà đòi sống đòi chết để sở hữu nó, thì ở đây nó rụng trắng đường cũng chả có con nào ăn. Mấy con sóc trên cây thì mập “thù lù” ra, cái điệu bộ nó đi còn không nổi nên chắc cũng không tới nỗi đói khát mà bò xuống lượm ba cái hạt “xui xẻo” đó. Quạ thì thỉnh thoảng cũng có một vài con xuống sân mổ mổ nhìn nhìn gì đó trông có vẻ bí hiểm lắm. Nói chung mấy con thú bên này thật hạnh phúc; vì hầu như chúng nó không bị săn bắt bừa bãi và ăn uống no đủ nên những người mới qua như tại hạ nhìn thấy hoảng lắm, bởi lẽ con gì nó cũng bự chảng nhìn khiếp lắm. Thành ra nhiều khi về Việt Nam cũng chẳng dám kể cho người thân nghe là chuột bên này có con bự cỡ 5kg – vì người ta sẽ nghĩ mình nói xạo…

Rồi lạ hơn là những lối đi, cách nghĩ có vẻ “trái ngược” nhiều so với những gì quen thuộc của chính mình trước kia. Lấy ví dụ như nếu mình từng hiểu biết rằng mỗi cây xăng ở VN đều có nhân viên phục vụ và ai muốn đổ bao nhiêu thì đổ thì ở đây “hông” có vụ đó, mình phải tự đổ lấy và cái máy chỉ ngừng bơm khi bình xăng đầy mà thôi (thật ra mình cũng dừng được nhưng chẳng ai làm vậy). Hay người đi bộ thì lại hay đi ngược chiều và đi bên tay phải???, còn leo lên cao tốc rồi nếu muốn an toàn thì cứ phang ra làn đường ngoài cùng mà chạy, những làn “sát lề” coi vậy mà không có safety cho lắm.

Nhiều thứ và nhiều thứ nữa lạ lắm, lạ đến nỗi khi còn ở VN mình cũng thuộc trong tuýt người có hiểu biết và “hiểu biết” Mỹ qua sách báo-phim ảnh như những kẻ “tận tường-thông thái”…. để rồi khi sống đủ để hiểu và đủ để cảm nhận thì thấy rằng không chỉ riêng mình mà đại đa số người Việt nhìn về nước Mỹ như một chốn hung hăng-loạn lạc, trai gái chỉ biết nô đùa và quậy phá, một xứ sở đầy ắp sự nhàn rỗi và cô đơn….mà quên mất rằng những chốn trụy lạc như vậy chỉ có ở những nước nghèo mà thôi…. Thành thử, những lúc mới qua còn có ý định quay này + chụp nọ để kể cho bạn bè nghe, và rồi cảm thấy nó nhiều quá thể, hơn nữa nếu nói nhiều quá thì cũng tạo nên sự ngờ vực từ phía người nghe, đành thôi vậy!

Cứ quan sát, rồi cảm nhận, và đơn côi… Cũng không phải ta ái ngại đón nhận những thứ xung quanh hay tự muốn thu mình trong góc phòng chật hẹp với dàn máy tính cũ kỹ-chán ngán ra, mà có lẽ những sự thay đổi bất chợt quá khiến ta chưa thể kịp thích nghi chăng? Nếu hồi ở Việt Nam mỗi sáng tại hạ đều thức dậy từ rất sớm; rồi thong thả đánh xe qua tuốt quận một phụ chủ quán cafe 59 dọn quán; để nhàn nhã tận hưởng cái hơi sương của buổi sớm Sài Gòn bên tách cafe lề lối… thì tại xứ này 10 giờ sáng ta vẫn còn chương thây chương xác trên giường mà chẳng màng đến điểm tâm hay cafe sáng là gì cả. Những thói quen không thể thiếu ngày trước đâu rồi nhỉ?

Cái ăn lẩn quẩn

Nếu nói về lương thực, gia vị hay phong phú trong ẩm thực thì rõ là Hoa Kỳ có đủ cả, người ta lắm tiền thừa của nên có thể nói không có chi là không có, mặt khác Mỹ là nơi giao thoa và hòa hợp của hàng trăm dân tộc thì đâu đâu cũng đa dạng và trù phú về món ăn-thức uống cả. OK! muốn ăn Phở thì cứ nhào ra mấy chợ Việt Nam hay muốn ăn Vằn Thắn thì dạo mấy khu người Hoa thì kiểu gì cũng không lo thiếu, bánh mì thịt thì ổ nào ổ nấy to như thằng Mỹ vậy, ăn “lòi họng” cũng chưa hết.

Ở đây “cái ăn có là cái tồi tàn” đâu nhưng do chính cộng đồng thưa thớt (người việt chiếm chỉ 0.6% dân Mỹ) và ít có sự cạnh tranh, nên hầu hếu những quán ăn Việt (restaurant) bên này nấu ngon cũng đông khách mà nấu dở cũng rần rần người ăn, nhất là mấy anh chị Mỹ Đen khoái ăn Phở lắm… nhiều lúc tưởng tượng nếu mình lấy nước lèo của canh bún mà đổ vào tô Phở dám cũng khen ngon. Họ không ngu! chỉ là cái vị lạ và trong tiềm thức họ không có nhiều dữ liệu về mùi vị món Việt để so sánh, nhưng những người sành ăn thì khỏi nói nhé.

Nói vậy để đủ hiểu người Việt bên này năm khi mười thuở mới ra quán-tiệm ăn một lần, người ta tự nấu là chính. Nên ở đây mỗi sáng không có cảnh ông đẩy xe, bà gánh giỏ đi khắp nơi rao bán; và mình cũng không thể trên đường hễ thấy tiệm-quán hợp ý là tấp vô mua; trái lại mọi business đều có những khu riêng biệt. Vậy thì vô tình ta lại tạo ra một cách thay đổi nhật trình của chính mình, sáng nào siêng thì dậy nấu món này món nọ còn làm biếng thì cứ mì tôm, cá mồi mà thẳng tiến… dần đà hầu hết mọi bữa sáng đều vậy! Có những người trẻ qua này sớm hơn họ quen dần với những món Mỹ món Mễ hay món Ấn… nên trong thực đơn của họ phong phú món ăn lắm; trái với khẩu vị của những người Việt vốn đã quen với nước mắm, cá kho mà cho rằng đồ ăn bên Mỹ tệ. Công bằng mà nói, nó không tệ! chỉ là do ta khó và không chịu thay đổi nên cứ lẩn quẩn trong những món ăn bản xứ đó, rồi chán ngán ra.

Cái sợ bủa vây

Hồi còn làm việc tại Sài Gòn tại hạ cũng có dịp nhận được một lời mời ra làm tận Hà Nội, sau quá trình cân nhắc nào là lo lắng xứ lạ quê người hay thân cô thế cô không biết sẽ phải bắt đầu cái ăn cái ở thế nào, lỡ may có ốm đau bất chợt cũng không biết phải làm sao… đành thôi vậy. Có khi tại hạ cũng tự tưởng tượng rằng lỡ cuộc sống đẩy đưa ta phải lặn lội qua nước láng giềng như Cam như Thái mần ăn thì những ngày đầu lo lắng và căng thẳng đến mức nào, quả thật khó mà hình dung cho nổi lắm.

Và Mỹ, một đất nước hội tụ đủ mọi dân tộc đủ mọi màu da, bước ra đường là gặp cả ngàn người lạ lẫm, mọi người giao tiếp với nhau bằng đủ mọi ngôn ngữ đủ mọi văn hóa… không phải nếu lỡ may cảm sốt là có ngay tiệm thuốc Tây người Việt gần đó, hay những chỗ sửa xe, làm răng, khai thuế đâu phải chỗ nào cũng rần rần người Việt cho mình trình bày, tâm sự đâu.

Ở cái xứ mà quyền con người được đặt lên cao nhất và con người trong một xã hội dù tranh đua ganh ghét nhau nhưng phải cư xử văn minh đúng mực hạn chế bôi nhọ, phỉ báng và gian lận… Nên chuyện thưa gửi kiện tụng xảy ra như cơm bữa, làm gì cũng phải cân nhắc cẩn trọng, nói cái gì cũng phải có tiết độ và phải biết dìu dắt sự nóng nảy.

Công việc bên này thì nhiều vô kể nhưng không phải là không có sự lo lắng, ở Mỹ không có chuyện sợ đói vì dù cho khổ tới độ phải “ăn mày” thì cũng sẽ có tiền mua thực phẩm dư dả của chính phủ cho hàng tháng, an tâm nhé. Nhưng nếu đã ổn định công việc thì sẽ bắt đầu ngán ngẩm với mớ tiền bills đủ thứ ra: nào là tiền xe, tiền xăng, tiền bảo hiểm, tiền nhà, tiền chợ…. Ở đây cũng nói thêm về sự đặc thù của nền kinh tế Mỹ. Vì là nước duy nhất trên thế giới có chuẩn nghèo là cao nhất (hay nói cách khách người nghèo ở Mỹ có thể coi là khá hoặc giàu ở những nước khác) nên đó là điều kiện để tạo ra một xã hội mà hầu hết ai cũng sẽ có nhà, có xe, tivi, máy giặt, thực phẩm đầy đủ cả…. Chính vì thế khi sống người Mỹ luôn làm việc để đảm bảo thu nhập hàng tháng vì nếu lười nhác có thể mình sẽ không có khả năng chi trả những khoản phí hàng tháng và hậu quả là mất cả xe và nhà cửa do quá hạn thanh toán với nhà băng.

Tránh xa cộng đồng?

Trước khi nói tiếp về người Việt tại Mỹ thì cũng xin suy ngẫm về đất nước Việt Nam ruột thịt của mình trước, nếu ta chịu khó ngồi xuống lắng đọng và nhìn nhận khách quan; bỏ qua những ngôn từ hoa mỹ, tung hô sáo rỗng về Việt Nam thì ta phải thừa nhận rằng cả bao ngàn năm nay Việt Nam luôn là một nước bé và số mệnh dân tộc này luôn nằm trong quyền quyết định của những quốc gia khác, hay nói đúng hơn trên bàn cờ chính trị Việt Nam chỉ là con chốt của những toan tính tồi bại. Trên sự tự do dân tộc thì Việt Nam cũng chẳng có được bao lâu là yên bình, bằng chứng là hàng ngàn năm trôi qua chúng ta nếu hết là thuộc địa của nước này thì cũng là tỉnh lẻ của nước khác, đó là những sự thật đáng buồn và sẽ mãi còn tiếp diễn không lối thoát. Nhưng còn đáng buồn hơn là tinh thần đoàn kết của người Việt, người Việt hay hơn thua, hay so sánh và nghi kỵ nhau cho dù ở bất cứ đâu và làm bất cứ thứ gì. Người Việt ít có sự động viên trân quý nhau nhưng có thừa sự mỉa mai và chê trách, người Việt dễ coi trọng nhau qua cái áo lông thú đắt tiền hay con xe bảnh tỏn và sẽ dễ dành cho nhau cái trề môi nếu bạn nghèo khó hay thất bại trong cuộc sống. Cũng có người sẽ bao biện cho chính mình, nhưng xin hãy lắng đọng và suy ngẫm … quả thật chúng ta vẫn còn vẫn còn xác thịt và hơn thua với đời lắm lắm.

Những ngày đầu trên đất Mỹ tại hạ làm việc với những con người trong cộng đồng Việt là không ít, ngán ngẩm lắm… Có lần đứng trong góc phòng nhỏ hẹp nhìn ra hướng những tốp người Việt thưa thớt đang chuyện trò trong sự phân hóa và chia rẽ về trình độ, đẳng cấp không khỏi xót xa và tiếc nuối.

  • Có những người bạn cũng lân la chuyện trò-hỏi han cũng như dạy mình học thêm những từ tiếng Anh mỗi ngày, chỉ có điều họ không là người Việt, họ là người Mỹ.
  • Có những người lạ họ giúp tại hạ thay vỏ xe bị xì lốp và họ là người Mỹ dù rằng cũng có nhiều người Việt đứng gần đấy.
  • Có khi cùng làm những việc cần nhiều công sức và tiền bạc nhưng đi được khoảng một đoạn thì người Việt buông xuôi và rời xa, chỉ còn vài người bạn ngoại quốc cùng lê lếch động viên nhau.

Ngày qua ngày trong đầu chúng ta sẽ có sự so sánh và chọn lựa đó là lẽ tất nhiên.

Cái lạnh mùa đông bên này thật khắc nghiệt nó có thể làm đông cứng mọi thứ và tuốt sạch những lá cây ven đường, mọi thứ sẽ trở nên trơ trọi-ảm đạm. Nhưng cái lạnh trong lòng người sẽ còn tệ hơn nhiều như thế và không có gì có thể sưởi ấm cái lạnh của con tim ngoại trừ hơi ấm từ con tim. Tôi lại bật bài hát “Một Chút Quà Cho Quê Hương” ngân nga vậy