Trong tất cả các bài viết về boxing trên Mann up, tôi không thường nói về Muhammad Ali. Từ khi sinh ra cho đến lúc tiếp xúc với boxing, tôi chỉ biết được Ali qua những thước phim trên Youtube từ rất xưa, những năm 1970 trở lại. Những năm mà boxing vẫn còn có gì đó hơi thô sơ, vẫn rườm rà, và các công nghệ khoa học chưa áp dụng nhiều như sau những năm 1980.

Tôi chỉ xem khoảng 6 đến 7 trận đấu của Ali, tất nhiên không thể không thiếu 2 trận đấu lịch sử: The Rumble in the jungle, Thrilla in Manila. Dù không tìm hiểu về Ali như Mike Tyson, không hâm mộ Ali bằng Pacquiao hay Floyd Mayweather. Và với riêng cá nhân, tôi cho rằng lối đánh của Ali không toàn diện như Evander Holyfiel và sự hủy diệt đối thủ cũng không bằng Lennox Lewis. Nhưng có một điều chắc chắn: Muhammad Ali là người vĩ đại nhất.

13330898_10153685470237379_7068731592071603862_n

Thể thao cách nhau gần 30 năm không thể đem ra so sánh ai hơn ai, cái cũ không thể thắng lại được những thứ hiện đại, nhưng tất cả điều đó cũng không thể phủ nhận sự vĩ đại từ Ali. Trong hơn 10 năm trở lại đây, hàng trăm tờ báo thể thao uy tín của thế giới đã công bố danh sách 10 tay đấm xuất sắc nhất lịch sử Quyền Anh. Thứ tự từ 2 đến 9 luôn thay đổi, nhưng chỉ duy nhất, vị trí số 1 trong lịch sử Quyền Anh không bao giờ có cái tên nào khác, ngoài ông vua Muhammad Ali. Sự vĩ đại của Ali không chỉ đến từ những thứ ông dành được trên sàn đấu, nó đến từ chính cá tính có một không hai của Ali.

Các bạn đều có thể tìm những câu chuyện về Ali trên internet, chuyện chống đi lính chiến tranh Việt Nam, chuyện đấu tranh cho người da màu…Tất cả đều từ cá tính của Ali. Nó thật sự là một điều gì khác, khác biệt hoàn toàn so với tất cả các nhà vô địch mà tôi từng biết. Nó làm cho Ali trở thành một biểu tượng, một vị vua, một điều gì đó không thể thay thế trong Quyền Anh. Nhắc đến Quyền Anh, người ta sẽ nói đến Muhammad Ali đầu tiên.

Thi thoảng vào buổi đêm tôi xem TV chiếu những trận đấu Quyền Anh khi mất ngủ. Các BLV hay gọi Quyền Anh cũng là một môn nghệ thuật. Tôi phản đối điều đó. Boxing không phải là nghệ thuật, nó là đấu trường, võ sĩ boxing không phải là một người nghệ sĩ, trên đó không có chỗ cho biểu diễn văn nghệ, mà là máu và mồ hôi của sự khổ luyện để chiến thắng. Chỉ cần không tập trung 1 giây thôi là gãy mũi, dập môi, sưng mắt, vỡ xương quai hàm. Boxing là môn thể thao tàn bạo và người võ sĩ là một chiến binh. Ấy vậy mà có vẻ với Ali thì khác.

Ông thực sự là một nghệ sĩ.

Điều này trái ngược hoàn toàn với phần còn lại của Quyền Anh. Lối đánh của Ali thì chắc ai xem cũng biết rồi, nhiều khi tôi tưởng ông đang múa, thân người dẻo như những tấm lụa cuốn theo gió, lướt đi nhẹ nhàng trên mặt võ đài. Tất cả đối thủ của Ali đều bị cuốn theo lối đánh mềm mại uyển chuyển mà thật sự, đến bây giờ tôi vẫn không hiểu Ali làm thế nào để tập được một thân người mềm dẻo, di chuyển linh hoạt nhưng vẫn tải đòn cực tốt như thế. Nếu ai chưa xem trận đấu giữa Muhammad Ali vs George Foreman (The Rumble in the jungle) thì tôi nghĩ các bạn đang bỏ quên một trong những trận quyền anh hay nhất trong lịch sử thế giới rồi đó, trận đấu mà Ali thể hiện được tất cả các kĩ năng kinh điển của mình. Nếu Quyền Anh là nghệ thuật, thì duy nhất Muhammad Ali là nghệ sĩ.

0,,18027366_303,00

Muhammad Ali vs George Foreman (The Rumble in the jungle, 1974)

‘Cuối đời nằm đất, chào đời nằm nôi’. Ai sinh ra rồi cũng lớn lên, rồi trở về với cát bụi. Thứ còn sống, còn bất tử duy nhất đó là tên tuổi. Muhammad Ali đã làm được điều vĩ đại đó, vượt xa ngoài tầm của một môn thể thao. Những thứ ông làm đã truyền cảm hứng cho hàng ngàn người sau này. 100 năm, 1000 năm, và còn lâu thế, chừng nào thế giới còn boxing, chừng nào còn những nạn phân biệt chủng tộc, còn chiến tranh bắt con người phải giết lẫn nhau, chừng đó người ta còn gọi tên của người vĩ đại nhất: Muhammad Ali.

12249857_10153668377372822_7201242666810219578_n

Muhammad Ali (1942-2016).