Là 1 trong 7 hổ tướng nhà Tây Sơn, Võ Đình Tú thông thạo đủ mọi loại: kiếm, thương, quyền…, đặc biệt là thiết côn. Nữ tướng Bùi Thị Xuân dành tặng ông mỹ từ: “Thiết côn tướng quân”.
Tướng Võ Đình Tú là người thôn Phú Phong, huyện Tuy Viễn, tỉnh Bình Định. Ông xuất thân trong gia đình giàu có nên tính tình hào phóng, can đảm.
Tướng Võ Đình Tú là một trong 7 hổ tướng nhà Tây Sơn. Tuy nhiên, nguồn tư liệu viết về ông khá ít ỏi. Thứ nhất bởi ông không có con cháu. Thứ hai, do cuộc trả thù đẫm máu của nhà Nguyễn nên những tư liệu về ông cũng bị đốt hết.
Cho đến nay, Võ Đình Tú sinh năm bao nhiêu không rõ, chỉ biết ông tử trận vào năm 1799 trong cuộc tử chiến bảo vệ thành Quy Nhơn. Trong các hổ tướng Tây Sơn, cuộc đời Võ Đình Tú có nhiều câu chuyện ly kỳ, bí ẩn nhất.
Sách “Võ nhân Bình Định” chép rằng năm Võ Đình Tú 14 tuổi, ông được một vị tu sĩ bí ẩn bắt cóc, 10 năm sau ông trở về với cơ bắp vạm vỡ, võ nghệ cao cường.
Ông binh pháp tinh thông với tài bắn cung, nhảy cao, cưỡi ngựa. Đặc biệt, ngoài cưỡi ngựa bắn cung, ông còn nổi danh về sử dụng thiết côn.
Khi múa côn giữa trời mưa, người ông không hề dính một hạt nước, một mình có khả năng đánh nhiều người. Khâm phục trước tài năng của ông, nữ tướng Bùi Thị Xuân tặng Võ Đình Tú lá cờ đào thêu bốn chữ vàng “Thiết côn tướng quân”.
Tương truyền, cây ngân côn của tướng Võ Đình Tú có màu trắng sáng bởi được rèn bằng bạch thiết, rất chắc và khá nặng, phải đến 2 người mới khiêng nổi.
Theo Địa chí Bình Định, sau khi tham gia khởi nghĩa Tây Sơn, Võ Đình Tú được Nguyễn Huệ tin yêu như ruột thịt, hay bàn chuyện quân cơ. Có lần, Nguyễn Huệ nói với các tướng: “Đình Tú có tài văn, võ; ngày sau sẽ là bề tôi rường cột”.
Cùng với nữ tướng Bùi Thị Xuân, tướng Võ Đình Tú quản lý và phòng thủ doanh trại ở vùng Tây Sơn.
Khi Quang Trung mất, nội bộ nhà Tây Sơn lục đục. Võ Văn Dũng diệt trừ gian thần Bùi Đắc Tuyên nên giữa tướng Dũng và Trần Quang Diệu có nhiều nghi kỵ (Bùi Thị Xuân, vợ tướng Diệu là cháu Bùi Đắc Tuyên). Để tránh “nồi da xáo thịt”, Võ Đình Tú là người đứng ra hòa giải mối hiềm khích giữa hai vị tướng này.
Đặc biệt, trước sự suy yếu của nhà Tây Sơn, Võ Đình Tú vẫn hết mình cống hiến tài lực cho triều đình cho đến khi ông bị phục kích trong một trận đánh với quân nhà Nguyễn và mất vào cuối tháng 4 năm Kỷ Mùi (1799).
Theo sách Nhà Tây Sơn, trong trận chiến, Võ Ðình Tú tả xung hữu đột, cây thiết côn gạt phăng bao nhiêu mũi tên bắn vun vút vào người và ngựa. Nhưng không thể tránh khỏi đạn đồng. Bị thương nặng, máu chảy đầm mình, đuối sức ngã gục trên lưng ngựa. Ngựa hí một tiếng dài, nhảy ra khỏi trận tuyến, chạy một mạch về Phú Phong.
Về đến nhà, ngựa ngã lăn ra chết, Võ Đình Tú cũng mất ngay khi đó. Đó là vào cuối tháng 4 năm Kỷ Mùi (1799).