Tác giả của những tác phẩm văn học sử dụng chữ quốc ngữ đầu tiên là các ông Trương Vĩnh Ký (1837-1898), Huỳnh Tịnh Của (1834-1907) và Trương Minh Ký (1855-1900) – những danh nhân văn hóa nổi tiếng của vùng đất Nam Bộ .
Tác giả Trương Vĩnh Ký có các truyện: Chuyện đời xưa và Chuyện khôi hài. Trong đó, Chuyện đời xưa là những chuyện được tác giả viết cho người mới học chữ quốc ngữ làm quen với mặt chữ, tập đọc và có chút hiểu biết về cách viết, cách trình bày, đồng thời nội dung là một bài học luân lý nho nhỏ. Truyện được in lần đầu năm 1866 và là tác phẩm được tái bản nhiều lần nhất của Trương Vĩnh Ký. Đây cũng là một trong những cuốn sách được chọn dịch ra tiếng Pháp do Abel des Michels thực hiện, được nhà Ernest Leroux in tại Paris năm 1888. Trong phần mở đầu Chuyện đời xưa, tác giả viết
“Ý sách Chuyện đời xưa:
Kêu rằng Chuyện đời xưa, vì nó là chuyện những kẻ lớn trước ta bày ra để mà khen sự tốt, chê sự xấu cho người ta sửa cách ăn, nết ở cho tử tế.
Ta cũng thêm một hai chuyện thiệt tích mà có ý nhị, vui, dễ tức cười, cũng để cho người ta thấy khen mà bắt chước, thấy chê mà lánh.
Góp nhặt, trộn trạo chuyện kia chuyện nọ, in ra để cho con nít tập đọc chữ quốc ngữ, cũng là có ý cho người ngoại quốc muốn học tiếng Annam, coi mà hiểu cho quen.
Nay ta in sách nầy lại nữa: vì đã hết đi, cũng vì người ta dùng sách nầy mà học tiếng, thì lấy làm có ích. Vì trong ấy cách nói là chính cách nói tiếng Annam ròng; có nhiều tiếng nhiều câu thường dùng lắm. P.J.B TRƯƠNG VĨNH KÝ”
Các nhân vật, con vật trong truyện khá gần gũi với mọi người như: Con chồn với con cọp, Chàng rể bắt chước cha vợ, Con cóc tía với con cọp và con khỉ… .Tuy đã được viết cách đây hơn 150 năm nhưng những câu chuyện trong sách vẫn còn những giá trị nhất định. Chẳng hạn câu chuyện Con chồn với con cọp dưới đây:
“Ngày kia con chồn đi kiếm ăn trong rừng, mắc hơ-hỏng vô ý sẩy chân sụp xuống dưới hầm ; chẳng biết làm làm sao mà lên cho được. Hết sức tính nữa. Than vắn thở dài, không bề tấn thối, như cá mắc lờ. Tưởng đã xong đời đi rồi. May đâu nghe đi thịch-thịch trên đất, mới lo mưu định kế, rồi lên tiếng hỏi rằng : – Ai đi đó ? Chẳng ngờ là con cọp, thì làm bộ mừng rỡ, mới hỏi : – Chớ anh đi đâu ? Đi có việc chi ? Anh cọp nói : – Tôi đi dạo kiếm chác ăn ; mà anh xuống mà làm chi đó vậy ? Thì anh chồn ta lại trở cách, mà nói rằng : – Ủa ! vậy anh không có nghe đi gì sao ? Người ta đồn đến mai nầy trời sập.
– Cơ khổ thôi ! nhưng tôi không hay một đều ? Mà có thật như vậy, hay là người ta đồn huyễn vậy anh ? – Ấy, không thật làm sao ? Bởi thật tôi mới xuống đây mà núp, kẻo đến nữa, mà chạy không kịp, trời đè giập xương chết đi uổng mạng ; mà anh, chẳng qua là nghĩ tình cũ ngãi xưa, tôi mới nói ; chớ như không, thì ai lo phận nấy, tôi có nói làm chi. – Thôi, vậy thì xin anh cho tôi xuống đó với anh cho có bạn. – Ừ, mặc ý xuống, thì xuống.
Anh cọp mới nhảy xuống, chuyện vãn một hồi, rồi anh chồn mới theo chọc lét anh cọp hoài. Cọp la không đặng. Cứ lẽo-đẽo theo khuấy luôn. Con cọp nổi giận mới hăm : Chọc, tôi xách cẳng, tôi ném lên cho trời sập đè giẹp ruột đi giờ. Anh chồn cũng không nao ; càng ngăm , lại càng chọc hoài. Anh cọp hết sức nhịn, mới dồi quách anh chồn lên : Rắn mắt, nói không đặng, lên trển trời đè cho bõ ghét. Anh chồn mừng quá bội mừng, thấy mình gạt được anh cọp mắc-mớp. Mới chạy kêu người ta tới đâm cọp sa hầm.
Thường kẻ xấu lâm nạn, thì lo phương gỡ mình dầu phải làm mưu cho kẻ khác mắc vòng lao-lý cực-khổ ; miễn là cho mình khỏi thì thôi. Lại đôi khi cũng kiếm thế mà làm hại nó nữa.”
Tập Chuyện khôi hài của Trương Vĩnh Ký là những truyện cười ý nhị và có tính hướng thiện cao, gom góp từ các sách vở cũ và trong dân gian. Sách in lần đầu vào năm 1882, sau đó được tái bản nhiều lần. Một số chuyện có tính hài hước cao như: Câu đối có chí khí, Bẻ cau, Cá rô cây, Thầy kiện… hay khôi hài như câu chuyện Cũng vậy :
“Gần tới ba bữa Tết ai nấy rộn ràng sắm sửa dọn nhà dọn cửa lăng xăng viết liễn viết đối rực rỡ trong ngoài . Có một người kia kì cào, ai làm gì mặc ai, cứ thường.
Tới ba mươi lấy tờ giấy quyến đem ra viết hai chữ “Cũng vậy” , treo lên đó.
Anh em chúng bạn tới thăm đầu năm, hỏi làm gì bầy hầy vậy, không dọn dẹp một chút một đỉnh đỏ đen ba bữa với người ta cho vui?
Anh ta chỉ tấm liễn ấy mà nói rằng: “Ai sao tôi cũng vậy, ai có giống gì tôi cũng có giống nầy, có thua ai đâu nào?”
Tác giả thứ hai sử dụng quốc ngữ trong tác phẩm của mình là Huỳnh Tịnh Của với Chuyện giải buồn và Chuyện giải buồn “cuốn sau” . Như nội dung ghi trên bìa của “cuốn sau”, tác giả cho biết đây là những truyện dịch trong các sách hay, phần lớn là của Trung Quốc nhằm “giúp trong các trường học cùng giúp cho các người học tiếng Annam”. Do những người mới học chữ quốc ngữ ít ai đọc được những truyện quá dài, quá trúc trắc về từ ngữ; do đó từ ngữ trong Chuyện giải buồn đơn giản, gần với ngôn ngữ đời sống thường ngày, chẳng hạn như các truyện: Chí khí cao. Ăn mày xin vàng nén, Chuyện Ký Viên, Thanh dạ văn chung… Chuyện giải buồn gồm 2 cuốn in lần lượt vào năm 1880 và 1885, lúc chữ quốc ngữ còn phôi thai nên có nhiều từ cổ, câu chữ khác nghĩa so với hiện nay. Đọc lại vào thời điểm này ta thấy lời văn có vẻ “quê kệch”, song ở vào thời điểm chữ quốc ngữ mới phổ biến, chưa thực sự thông dụng mà người viết đã biết sử dụng để bày tỏ ý định của mình thì đó là một cái gì rất mới mẻ, đáng trân trọng. Xin ghi lại câu chuyện Thợ may trong Chuyện giải buồn với nhiều hàm ý hay:
“Đời vua Gia Tịnh đất Kinh sư có một tên thợ may khéo có danh trong thuở ấy; áo nào tới tay y cắt thì dài vắn rộng hẹp, mặc vào làm sao cũng vừa. Có quan Ngự sử đòi tới cắt áo viên lãnh, tên thợ may quì hỏi quan Ngự sử nhập đài đã bao lâu. Quan Ngự sử nói: “Thợ may hỏi làm chi tới điều ấy.”
Tên thợ may thưa rằng: “Các ông mới làm quan đắc ý mặt ngửa, ức cao, hồi đó áo phải sau vắn trước dài; làm quan đặng nửa chừng, ý khí hoà bình, thì vật trước vạt sau phải bằng nhau một cỡ; đến khi làm quan lâu, muốn thiên nhậm, thì trong lòng có điều muốn cầu, mặt mày ngó xuống, áo phải trước vắn sau dài. Nếu kẻ tiểu nhơn không biết các ông làm quan lâu mới, thì chẳng lẽ may cho xứng.”
Fables de la Fontaine -Truyện Phansa diễn ra quốc ngữ của Trương Minh Ký thường được thấy dưới tên Chuyện Langsa diễn ra quốc ngữ cũng là một tác phẩm quốc ngữ đầu tiên được viết lại từ nội dung truyện ngụ ngôn của La Fontain (Pháp). Toàn bộ nội dung được Trương Minh Ký đăng lần lượt trên Gia Định báo từ ngày 1-12-1881 đến năm 1884. Và sau đó được in thành sách cho thấy sức hút của truyện này đối với độc giả “mới học chữ” thuở ấy. Đặc biệt, đây là những truyện phương Tây lần đầu tiên xuất hiện trên văn đàn Việt Nam, trước đó chỉ có truyện của Trung Quốc. Đáng tiếc là cho đến nay, các nhà nghiên cứu văn học vẫn chưa ra công đánh giá đúng mức tập truyện này của Trương Minh Ký để tham khảo, biên tập và sử dụng trong các sách giáo khoa. Mong rằng, thời gian sắp tới, sẽ được nghiên cứu kỹ hơn, đánh giá đúng mức hơn về những đóng góp của ông trong báo chí, cũng như trong văn học quốc ngữ nước nhà.
Khi xuất bản, tác phẩm bao gồm 17 bài thơ dịch Thơ ngụ ngôn của La Fontaine; phần sau là diễn dịch bằng văn xuôi, bao gồm 150 câu chuyện ngụ ngôn. Bản dịch thơ và truyện ngụ ngôn của Trương Minh Ký đã đi trước bản dịch của Nguyễn Văn Vĩnh 30 năm. Dưới đây là hai truyện được tác giả dịch thơ và văn xuôi:
– Ngụ ngôn dịch thơ: Con quạ và con chồn;
Quạ kia đang đậu trên cây,
Mỏ tha bánh sữa hơi này bay xa.
Đánh mùi chồn đến dỉ ra:
“Xem qua hình cụ, thì là quá xinh!
Lông đà tốt cả và mình,
Giọng kia được tốt thiệt tình vô song.”
Quạ nghe chẳng xiết vui lòng,
Muốn khoe tiếng tốt quên phòng miếng ăn.
Chồn ăn đặng của cười rân:
“Cụ ôi! Nghe lấy lời răn sửa mình:
Kẻ dua người nịnh đừng tin,
Đã ăn của cải lại khinh dại khờ.
Lời đây bánh đấy cũng vừa,
Thôi đà biết lỗi dốc chừa thì thôi.”
Ăn năn thì sự đã rồi,
Mới thề chẳng để gạt đôi ba lần.
– Ngụ ngôn dịch bằng văn xuôi: Nhện với tằm”:
“ Nhện nhạo cười tằm như vầy: Trời ôi! Mầy làm chậm lụt quá! Coi, không bao lâu tao dăn (giăng) chỉ vô số nơi vách nhà. – Tằm đáp rằng: Phải, mà điều chỉ của mầy bở rệt: lại chẳng dùng làm chi hết. Chớ đồ của tao làm ra là có ích lợi. Tao làm ít, song tao làm nên việc.”