Sau khi liên quân Pháp – Tây Ban Nha chiếm được Sài Gòn – Chợ Lớn thì có 4 ngôi chùa được trưng dụng làm đồn quân sự và trang bị vũ khí hạng nặng, lập nên một phòng tuyến kiên cố mà giới sử học gọi là ‘phòng tuyến chùa’. Chùa Cây Mai, chùa Kiểng Phước, chùa Ao và chùa Khải Tường trở thành ‘phòng tuyến’ có một không hai tại Nam kỳ ngày ấy…

Đổ bộ vào vịnh Đà Nẵng năm 1858, liên quân Pháp – Tây Ban Nha kéo thuyền xuôi về phía nam tấn công và hạ thành Gia Định (Sài Gòn) ngày 17.2.1859. Kể từ đó, quân dân Nam kỳ trải qua cuộc trường kỳ kháng Pháp.

Hòng chống trả các cuộc đột kích của quân dân Nam kỳ và để bao vây đánh đại đồn Chí Hòa (Pháp gọi là Kỳ Hòa), Đề đốc Page đã chỉ đạo quân Pháp chiếm 4 ngôi chùa: Cây Mai (nay là Doanh trại Quân đội nhân dân VN ở đường Hồng Bàng, Q.11), Kiểng Phước (gần góc đường Lý Thường Kiệt – Nguyễn Chí Thanh, Q.5 bây giờ), Ao (nay là khu đất Bộ Công an phía nam góc Nguyễn Trãi – Nguyễn Văn Cừ) và Khải Tường (nay là Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Q.3) để biến những ngôi chùa này thành đồn lũy bao quát Sài Gòn – Chợ Lớn. Sau khi chiếm đóng, quân Pháp gia cố tường, dựng thêm các bệ bắn, chuyển các trọng pháo từ chiến hạm đến.

Ngày 16.2.1860, Phó đô đốc Charner cho hạ cờ hiệu, chuyển tổng hành dinh từ chiến hạm về công sự mới nằm phía sau chùa Khải Tường bấy giờ được trưng dụng làm đồn quân sự. Người Pháp đã dựng lên một “phòng tuyến chùa” (tiếng Pháp: lignes des pagodes) vững chắc, trong đó chùa Cây Mai được xem là cơ sở tác chiến quan trọng nhất.

Kế hoạch cô lập đại đồn Chí Hòa

Theo miêu tả của Léopold Pallu trong sách Nam kỳ viễn chinh ký 1861 (Thanh Thư dịch, NXB Hồng Đức, 2018), kênh Tàu Hủ đoạn ra khỏi Sài Gòn, bờ bên phải cây cối thưa thớt, “thấp thoáng đây đó một ngôi đền, một miếu thờ thành hoàng làng, và những ngôi nhà nghỉ dưỡng An Nam xinh xắn, kiên cố” (tr.46). Có một con đường rợp bóng cây chạy song song rộng như tỉnh lộ, nằm cách bờ phải kênh chừng 200 m, trên đường có các đồn chùa Khải Tường, Ao, Kiểng Phước và Cây Mai trải dài từ Sài Gòn đến Chợ Lớn. “Qua khỏi con đường, địa hình dâng cao một chút và mở rộng tới tận chân trời. […] Mọi thứ đều cằn cỗi và buồn tẻ, quắt queo dưới ánh mặt trời; chỉ còn những nấm mồ, những bia mộ được sơn phết và chói chang thu hút ánh nhìn. Cánh đồng nghĩa địa rộng lớn này là bình nguyên Chí Hòa. Xa hơn nữa là phòng tuyến An Nam” (tr.46).

Họa đồ “phòng tuyến chùa” (4 ô vàng nhỏ) nằm trên trục đường Sài Gòn đi Mỹ Tho, chạy song song với kênh Tàu Hủ. Cách đó không xa là đại đồn Chí Hòa (fort de Ki-hoa), ô vàng lớn

Ảnh: Mạnh Hải Flickr

Một mặt quân Pháp cho chiến hạm ngược sông Đồng Nai, nhằm phá đập chắn và chiếm thượng nguồn. “Phòng tuyến chùa” được trang bị đại pháo dã chiến hạng nặng, dựa vào công sự mới và vành đai tàu chiến đậu trước mặt Sài Gòn, họ có nhiệm vụ cầm chân quân An Nam. Cuối cùng, đội quân viễn chinh xuất phát từ cơ sở tác chiến là đồn Cây Mai nhằm cắt đứt các phòng tuyến của quân An Nam, sau đó đánh úp từ phía sau thành Chí Hòa, cùng với hạm đội trên sông Đồng Nai tạo thành thế gọng kìm. Với kế hoạch này, quân An Nam sẽ bị chặn ở kho lương Thuận Kiều và bị vây hãm.

Trong cuốn sách đã dẫn, Pallu cho biết tháng 6.1860, quân Pháp tiến hành gia cố 2 ngôi chùa Ao và Kiểng Phước, mang bao bố đi lấy đất về đắp tường đồn. Vì đây là 2 địa điểm có vị trí chiến lược: “Chùa Ao [nguyên văn: pagode des Mares] có một sân bao quanh là tường gạch, khá tốt cho phòng thủ, nằm cách xa phòng tuyến của quân An Nam. Chùa Kiểng Phước [nguyên văn: pagode des Clochetons, hoặc chùa Chuông] thì hoàn toàn sơ hở, chỉ cách đầu đường hầm của địch [quân An Nam] 400 m. Quân ta [Pháp] lập tức dùng đất mồ mả để đắp tường phòng thủ” (tr.36), nên quân Pháp phải giữ cho được 2 ngôi chùa này.

Từ đêm 3.7 tới sáng 4.7.1860, có ít nhất 2.000 quân An Nam lặng lẽ bao vây ngôi chùa lúc đó hẵng còn chưa phải là một đồn lũy. “Họ hò hét, lao vào chùa [Kiểng Phước]. Pháo binh An Nam đã chiếm những chùa khác để nghi binh […]. Trong một giờ đồng hồ, hai bên giết chóc lẫn nhau” (tr.36 – 37). Pallu viết tiếp: “Người An Nam không mở cuộc tấn công mới vào chùa Kiểng Phước; nhưng từ đường hầm kép [từ góc phía nam đại đồn Chí Hòa], họ đã đào một con hào song song với phòng tuyến của ta [nhằm chia cắt đồn Cây Mai với phố Tàu]. Như vậy, họ bao vây quân đồn trú Tây Ban Nha [100 lính] – Pháp [60 lính] bằng phòng tuyến của họ và ngăn ta thâm nhập cánh đồng trải dài phía sau đại đồn Chí Hòa” (tr.37).

Theo kết quả thăm dò ngày 16.10.1860 và bản vẽ mà người Pháp thực hiện sau đó, chỗ nào có đường đi hoặc kênh rạch thì quân An Nam sẽ dựng đồn. Họ đánh giá hậu tuyến của đại đồn Chí Hòa vững chắc không kém so với tiền tuyến và mặt hông. Sau khi được xây dựng và gia cố, thành lũy lớn này kiểm soát những con đường về Mỹ Tho, ra Huế và sang Cao Miên.

Mặt khác, Chợ Lớn đóng vai trò then chốt trong mọi hoạt động thương mại ở Nam kỳ, quân An Nam tìm mọi cách cô lập người Pháp với phố Tàu, nơi gạo được nhập kho và cung ứng cho Sài Gòn. Pallu nhận định bên nào “nắm được nó [Chợ Lớn] là sở hữu được phương tiện huy động dân chúng trong vùng hữu hiệu nhất” (tr.47).

4 đồn chùa này liên kết Sài Gòn và Chợ Lớn với nhau, vì vậy “phòng tuyến chùa” được cả quân An Nam và quân Pháp xem là tuyến đường huyết mạch. Chưa kể, chùa Kiểng Phước và chùa Khải Tường còn giúp đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt giữa Sài Gòn và Chợ Lớn của quân Pháp.