Đã rất lâu, bên cạnh chiếc áo dài ngũ thân trang trọng của phụ nữ thì đã tồn tại một thứ áo dài cho đàn ông để cân xứng. Chiếc áo dài ngũ thân, đi đôi với quần hai ống và khăn đội đầu được coi là quốc phục của người Việt xưa. Trong khi áo dài phụ nữ dùng màu sắc óng ả, dịu mát thì đàn ông chỉ dùng màu đen, trắng, hoặc lam thẫm.Theo một sắc dụ ban hành từ thời Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765) thì sự quy định trang phục cho nam giới ít gò bó và thoáng hơn: “Thường phục thì đàn ông, đàn bà dùng áo cổ đứng ngắn tay, cửa ống tay hoặc rộng hoặc hẹp tùy tiện. Áo thì hai bên nách trở xuống phải khâu kín liền không cho xẻ mớ. Duy đàn ông không muốn mặc áo cổ tròn và hẹp tay cho tiện làm việc thì cũng được”.[1]

Ao dai becomes uniform of state employees in Thua Thien Hue

Về cách mặc áo dài, học giả Đào Duy Anh cho biết trong cuốn Việt Nam văn hóa sử cương là: “Theo sách Sử ký chép thì người Văn Lang xưa, tức là tổ tiên ta, mặc áo dài về bên tả (hình thức tả nhiệm). Sử lại chép rằng ở thế kỷ thứ nhất, Nhâm Diên dạy cho dân quận Cửu Chân dùng kiểu quần áo theo người Tàu. Theo những lời sách đó chép thì ta có thể suy luận rằng trước hồi Bắc thuộc thì người Việt gài áo về tay trái, mà sau bắt chước người Trung Quốc mới mặc áo gài về tay phải”.[2]

Từ việc công chức Huế mặc áo dài truyền thống, nghĩ đến lễ phục Việt Nam -  Báo Gia Lai điện tử - Tin nhanh - Chính xác

Thuở trước, các cụ đi đâu cũng thường mặc áo dài the đen, quần ống sớ (ống thẳng, đũng cao). Nói chung, chỉ các nhà Nho và những người có chức vị trong xã hội mới có áo dài. Đã mặc áo dài, thường phải đội khăn lượt hay còn gọi là khăn đóng.

Tác giả Đoàn Thị Tình trong tác phẩm Tìm hiểu trang phục Việt Nam cho biết ở miền Bắc và miền Trung thường mặc quần là tọa, áo năm thân ngắn bằng vải màu trắng. Người giàu hơn mặc lụa tơ tằm màu vàng hoặc đũi màu ngà, thắt lưng nhiễu tím tam giang, hồng điều hay xanh lục…ở trong áo, giải thắt lưng buông rủ một đọan ngắn ở phía trước. Nếu mặc áo dài the thâm thì thường mặc thêm áo dài trắng bên trong. Thỉnh thoảng có khi mặc áo the màu nâu hay màu xanh lam, cổ áo cao, đứng, vuông góc. Áo the được may năm tà, khi cài cúc, vạt trước đè lên vạt nhỏ bên trong, tạo nên màu sẩm nửa làm thành hai mảng, đậm nhạt khác nhau. Điều đó cho ta thấy con mắt thẩm mỹ pha màu ở áo the thâm rất gần gũi với cách đổi vai ở tầm áo dài phụ nữ.

Mỗi khi đi rước, đi hội có kiểu buộc thắt lưng màu ra ngoài áo the, bỏ giọt bên cạnh sườn. Các loại áo dài bằng vải quý như gấm có hoa văn chữ Thọ, vóc, đoạn, sa tanh, sa trơn…dành cho những người có chức tước hoặc địa vị trong xã hội.

Precious photos of Vietnam's iconic Ao Dai in the old time | Vietnam Times

Từ năm 1925 trở về sau, vào mùa nắng nhiều người chỉ mặc một áo dài trắng. Về mùa lạnh, có người mặc loại áo dài bằng dạ khoác ngoài, kiểu của người Châu u gọi là ba-dơ-xuy (pardessus) và quấn phu-la (foulard) quanh cổ. Những người chức sắc ở nông thôn như Chánh tổng, Lý trưởng…thường mặc áo the đen dài, nhưng có khi lại khoát thêm vét-tông (veston) ra ngoài ! Chân thường mang văn hài tức là loại giày đế cao bằng giấy bồi cứng, phần mui giày bằng vải nhung hay bằng vóc màu đen, hoặc màu lam khum kín các ngón chân và hai cạnh bàn chân, có thêu hình rồng hoặc hình hoa lá, bướm nhiều màu. Ngoài ra còn có loại giày da dê núi, hài bịt gót, giày hạ là loại giày bằng da, có mui che phần trên các ngón chân; ủng là loại giày cổ cao…những thứ này chủ yếu của tầng lớp trên.

Ngày phụ nữ Việt Nam 20/10/2020, ngắm vẻ đẹp phụ nữ Việt qua tà áo dài xưa  và nay

Đàn ông miền Nam mặc quần áo bà ba trắng. Người lớn tuổi cũng mặc áo dài trắng bên trong, áo dài đen bên ngoài, cổ đứng vuông góc. Chân thường mang giày da láng, giày guốc đế bằng gỗ, mui trên bằng da, hay giày cóc, giày Gia Định, guốc gỗ một quai…

Những người còn giữ búi tóc, trên đầu quấn khăn lượt đen. Gọi là khăn lượt vì chất liệu thường là loại vải lượt, về sau thay bằng loại vải mềm khác như nhiễu, là…có màu tím tam giang, dài trên 2m, rộng 30cm, gập đôi, có khi gập ba theo chiều dài, cuốn nhiều vòng trên đầu. Kiểu chít khăn ở miền Nam có hơi khác, hai nếp khăn đầu trong cùng xếp chéo lên nhau, chữ Nhân được tách cách xa những nếp vòng cuốn lên cao sau đó; trong khi ở miền Bắc và miền Trung nếp khăn cuốn lại cách đều nhau, từ dưới lên trên . Cũng có kiểu khăn quấn nhiều vòng, khi gần hết khăn lại quấn bè ra và cao lên làm thành một tầng khác. Mùa lạnh, các cụ đội mũ ni có hai miếng vải che kín cả hai tai cho đỡ lạnh.

Những năm 1930 có phong trào cắt tóc ngắn, rẽ ngôi lệch, những người đứng tuổi mặc áo dài đội khăn xếp, khăn xếp hình thức cũng như khăn quấn, nhưng được làm sẳn, khi cần chỉ chụp lên đầu như đội mũ nên rất tiện lợi. Khăn xếp ở miền Bắc vẫn còn hình chữ Nhân ở trước trán. Ở miền Trung có khi lại sáng tạo ra hình lưỡi trai.[3]

Ngày nay, áo dài nam chỉ xuất hiện tại những buổi cúng tế hay lễ hội mang tính truyền thống dân tộc hay truyền thống gia đình. Trước đây, có nhiều vị lãnh đạo ở miền Nam cũng thường mặc quốc phục để chúc Tết đồng bào trong đêm giao thừa chuyển sang năm mới…

Tài liệu tham khảo:

[1] Đại Nam thực lục, Q1, Nxb Giáo Dục, 2007, tr. 231.
[2] Việt Nam văn hóa sử cương, Đào Duy Anh, Nxb Bốn Phương, 1951, tr. 172.
[3] Tìm hiểu trang phục Việt Nam, Bùi Thị Tình, NxbVăn Hóa, 1988, tr. 84.