Nói đến làng quê Việt Nam không thể không nhắc đến hình ảnh cây đa đầu làng. Cách đây gần 70 năm (1952), khi sáng tác nhạc phẩm Làng tôi, nhạc sĩ Chung Quân đã mở đầu bài hát bằng hình ảnh thân thương của cây đa cao ngất tầng xanh: Làng tôi có cây đa cao ngất tầng xanh / Có sông sâu lơ lững vờn quanh / Êm xuôi về Nam…

Không biết từ bao giờ, cây đa là hình ảnh hết sức thân thiết, gần như là thâm tình sâu nặng của người dân quê Việt Nam. Có thể nói, cùng với mái đình, ngôi chùa làng, cây đa là một biểu tượng của làng quê truyền thống…

Trải qua bao bão táp phong ba, qua bao năm tháng, cây đa vẫn sừng sững toả bóng mát giữa trời. Cành đa vươn đến đâu buông rễ chùm, rễ nổi đến đó. Từ rễ hoá thành thân, để cây đa có thêm nhiều gốc. Có cây có tới cả chục gốc lừng lững uy nghiêm cả một góc làng. Những gốc đa đó như những cánh tay khổng lồ, cơ bắp cuồn cuộn nâng cả tán cây lên giữa trời xanh. Ngoài những gốc chính, đa còn có bao nhiêu là rễ chùm rễ phụ buông lơ lửng bay lòa xòa trong gió. Dưới gốc cây rễ bò lổm ngổm, khi nổi trên mặt đất, khi lửng lơ nửa chìm nửa nổi tạo nên những cái hốc ăn sâu vào rễ cây, hoặc ăn sâu xuống mặt đất. Các cụ bảo rằng trong các hốc đó có ngựa ngài ở, và các cụ giải thích ngựa ngài là những cặp rắn có mào, có khi là những cặp rắn trắng toát với mào đỏ chót. Không biết các cụ có đã trông thấy ngựa ngài thật không nhưng nghe lời các cụ tả, khi thế này, khi thế khác, và các cụ bảo ngựa ngài có phép biến hóa, muôn hình vạn trạng…!

Cây đa được trồng ở nhiều nơi trong làng, có thể ngay cổng làng hay lẻ loi ngoài làng. Nó có mặt ở đình làng, cạnh mái chùa cổ kính, nhưng cũng có khi đơn độc giữa đồng giữa bãi. Đây là nơi người nông dân một nắng hai sương, cấy cày lam lũ tạm nghỉ ngơi giữa một buổi cấy buổi cày. Dưới gốc đa im mát, họ trò chuyện cùng nhau, chia sẻ bát nước miếng trầu. Bóng mát cây đa như bàn tay vươn ra che chở cho những con người vất vả đổi bát mồ hôi lấy bát cơm. Cây đa bên đường cũng là nơi nghỉ chân của các mẹ, các thôn nữ trên đường về, từ những phiên chợ quê tấp nập vào những buổi trưa hè chói nắng. Tiếng lá rì rào trong gió như muốn chia sẻ những câu chuyện muôn đời không bao giờ cũ của những người dân quê hiền lành và nhân hậu. Biết bao chuyện cổ tích thần tiên, và cũng biết bao chuyện vui buồn được kể từ đời này sang đời khác cũng dưới gốc đa làng.

Gốc đa là nơi trẻ nhỏ nô đùa thỏa thích. Ở đây, chúng cùng chơi những trò chơi dân gian như bịt mắt bắt dê, nhảy dây, đánh đáo…Tiếng cười nói, hát hò vang rộn ở một góc làng. Rồi những đêm trăng thanh gió mát, gốc đa lại là nơi trai gái trong làng hẹn hò đối đáp hát ca, trong đó cũng có cả hình bóng cây đa:

Đầu làng có con chim xanh,
Ăn no tắm mát đậu cành cây đa,
Mình về bên ấy bao xa,
Nhờ mình làm mối cho ta một người…

Cây đa đã chứng kiến biết bao đêm trăng như thế. Biết bao câu hò câu hát được cất lên dưới gốc đa, và có biết bao mối tình nảy sinh ở đó.
Ở nhiều nơi, cây đa làng còn là nơi diễn ra ngày hội làng. Vào mỗi dịp tháng Giêng, khi đó cả làng nghỉ làm đồng, tập trung dưới gốc đa để làm lễ rước thánh, rước thành hoàng làng. Nhiều trò chơi dân gian như chọi gà, đấu vật, cờ người được tổ chức. Những lá cờ hội rực rỡ sắc màu, khói hương nghi ngút, tiếng trống tiếng chiêng vang lên dưới tán đa cổ thụ xanh tốt căng đầy sức sống.

Giữ cây đa là cứu hồn làng

Không chỉ có vậy, theo quan niệm dân gian; cây đa được coi là nơi ngự trị của thần linh dân dã và các linh hồn bơ vơ. Cây càng già cỗi xù xì thì càng gắn kết với thần linh hơn. Gốc đa ở các di tích thường được người dân thắp hương để tỏ lòng tôn kính. Người dân có lệ mỗi năm khi thay ba ông đầu rau (ông Táo), hay khi chiếc bình vôi không dùng nữa, thay vì vất bỏ thì đem để ở gốc cây đa.

Ngoài sức sống mãnh liệt và tạo bóng mát, cây đa dường như không có giá trị gì về chất lượng gỗ, về quả. Có lẽ vì vậy mà cây đa là tài sản được ở yên với dân làng nhiều đời, không bị kẻ quyền thế cưa chặt hoặc bứng đi. Bở vì “ít giá trị nên cây đa trở thành rất có giá trị” đối với những người dân quê chất phác hiền lành.

Có thể nói cây đa luôn là biểu tượng đẹp với hầu hết các ý nghĩa chuẩn mực: vừa hiện hữu, vừa tiềm ẩn huyền bí, vừa mang đậm yếu tố tâm linh. Có lẽ nhờ sự kết hợp đó đã tạo nên biểu tượng cây đa có sức sống lâu bền trong trong tâm hồn mỗi con người Việt Nam. Cây đa đã xuất hiện trong văn học dân gian như một nhân chứng của thời gian, chứng kiến những sự đổi thay của con người, của đất trời, đôi khi là cả một vòng đời người. Hình ảnh cây đa muôn thuởi là hình ảnh của làng quê Việt Nam như “cây đa, giếng nước, sân đình” hay “cây đa, bến nước, con đò”, qua điệu dân ca lý cây đa, trong sự tích “Chú Cuội ngồi gốc cây đa” và qua câu tục ngữ “Thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề”…

Người dân quê không trồng đa ở vườn nhà. Đa thường hiện diện ở đầu làng hay bên những chốn linh thiêng. Cây xanh tốt tỏa bóng làm cho các di tích trở nên linh thiêng hơn, con người khi bước đến di tích cũng cảm thấy được thư thái hòa đồng với cảnh vật xung quanh. Đa bao giờ cũng là cây to lớn nhất làng, có khi khắp cả vùng. Do cao lớn, vì thế cây đa là cây cột mốc, cột tiêu để những người đi xa khi về đến gần làng, có thể nhận biết đâu là làng xã quê mình, bởi ngòai nó thì không có vật gì vươn cao hơn nữa

Không biết tự khi nào, cây đa được coi là biểu tượng của sự trường tồn, sức sống dẻo dai. Không phải ngẫu nhiên mà những bậc cao niên, những người đã có nhiều thành tựu ở một lĩnh vực nào đó thường được đồng nghiệp và xã hội coi là “cây đa, cây đề”, biểu tượng cho sức làm việc quên mình, dẻo dai, cho sự tích lũy kiến thức phong phú.

Linh thiêng và uy nghiêm như vậy, nhưng cây đa cũng thật chan hòa gần gũi, gần gũi đến mức người ta dốc cả tâm tình mà thổ lộ với:

Trăm năm vì lỗi hẹn hò
Cây đa bến cộ con đò khác đưa
Cây đa bến cộ còn lưa
Con đò đã thác năm xưa tê rồi…