Truyện truyền kỳ Việt Nam dù được vay mượn đề tài, thi pháp… từ Trung Quốc, đặc biệt là các tác giả trong văn học trung đại, nhưng đã sáng tạo nên các đặc điểm riêng biệt dựa trên những yếu tố văn hóa, lịch sử và quan niệm thẩm mỹ. Ở bài viết này, người viết sẽ trình bày đặc trưng nội dung truyện truyền kỳ tại Việt Nam qua hai phương diện: giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo, thông qua hai tác phẩm tiêu biểu: Truyền kỳ Mạn lục của Nguyễn Dữ và Thánh Tông di thảo tương truyền của Lê Thánh Tông

  1. Khái quát nội dung Truyền kỳ mạn lụcThánh Tông di thảo

Văn học trung đại Việt Nam đã trải qua ngàn năm hình thành và phát triển. Làm  phong phú cho nền văn học dân tộc là sự góp mặt của nhiều thể loại có giá trị đến tận ngày nay như chiếu, cáo, hịch, thơ, phú, … Và đặc biệt, ta không thể không nhắc tới thể loại truyền kỳ. Tên gọi này chỉ xuất hiện trong văn học viết Trung đại. Các tác phẩm truyền kỳ nổi tiếng bao gồm: Thánh Tông di thảo (tương truyền của Lê Thánh Tông), Truyền kỳ mạn lục (Nguyễn Dữ), Truyền kỳ Tân Phả (Đoàn Thị Điểm)…

  1. Khái quát Thánh Tông di thảo

Thánh Tông di thảo (tương truyền là của Lê Thánh Tông) là tác phẩm quan trọng đánh dấu mốc trưởng thành của truyện truyền kỳ. Tác phẩm được viết bằng chữ Hán. Thánh Tông di thảo là tên do người đời sau đặt, được hiểu là những bản thảo của Lê Thánh Tông truyền lại. Tác phẩm gồm 19 truyện. Đến nay, bản gốc đã thất lạc, hiện chỉ còn lưu giữ hai bản chép tay do người thời Nguyễn sửa chữa và viết thêm mang ký hiệu A.202 tại thư viện Khoa học xã hội (Hà Nội). Quyển thượng gồm 13 truyện: Yêu nữ Châu Mai; Bài ký dòng dõi con thiềm thừ; Hai Phật cãi nhau; Người hành khất giàu; Hai gái thần; Phả ký sơn quân; Bức thư của con muỗi; Duyên lại nước Hoa; Lời phán xử cho anh điếc và anh mù; Ngọc nữ về tay chân chủ; Hai thần hiếu đễ. Quyển hạ gồm 6 truyện: Chồng dê; Người trần ở thủy phủ; Gặp tiên ở hồ Lãng Bạc; Bài ký một giấc mộng; Truyện tinh chuột; Một dòng chữ lấy được gái thần.

Nội dung của tác phẩm Thánh Tông di thảo là những câu chuyện, sự vật, sự việc xảy ra trong thời kì đó, được tác giả phản ánh bằng hình tượng thông qua sự lựa chọn, đánh giá chủ quan của người nghệ sĩ, tức là tiếng nói riêng của nhà văn bao gồm những cảm xúc, tâm trạng, lý tưởng, khát vọng của tác giả về hiện thực đó. Nội dung của tập Thánh Tông di thảo, tác giả tập trung phản ánh về thời đại của mình, chân dung của mình và những vấn đề xã hội.

  1. Khái quát Truyền kỳ mạn lục

Các thông tin về tác giả, tác phẩm trong thời kỳ văn học trung đại đa số là được truyền miệng, nghe kể lại, hoặc được ghi chép trong văn bản sử liệu nên các thông tin của các tác giả, tác phẩm không rõ ràng, và rất ít ỏi. Nguyễn Dữ cũng không ngoại lệ, các thông tin về ông rất là ít ỏi. Trong truyền kỳ mạn lục, do Trúc Khê dịch, Nhà xuất bản Hội nhà văn – 2022, dịch giả cho  rằng: Nguyễn Dữ là người làng Đỗ Tùng, huyện Trường Tân thuộc về thừa tuyên Hải Dương, con ông Nguyễn Tường Phiếu, Tiến sĩ khoa Bính Dần niên hiệu Hồng Đức thứ 27 (1496) nhà Lê, làm quan đến Thượng thư, khi mất được thờ làm phúc thần. Và ở phần chú thích, các tác giả có giải thích về nơi sinh của Nguyễn Dữ rằng: “Nay là làng Đỗ Lâm, phủ Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Vua Lê Thánh Tông chia trong nước làm 12 thừa tuyên. Huyện Trường Lân sau đổi là Gia Phúc, lại đổi thành Gia Lộc”.

Cũng chưa rõ là Truyền kỳ mạn lục được viết chính xác vào năm nào. Nhưng theo những tư liệu ghi chép, và sản phẩm của các nhà nghiên cứu thì truyền kỳ mạn lục là tác phẩm duy nhất trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Dữ. Trong sách Kiến văn tiểu lục  của Lê Quý Đôn, ông có viết thế này: “Vì ngụy Mạc cướp ngôi, ông thề không ra làm quan, ở thôn quê dạy học trò, không bao giờ đặt chân đến chốn thị thành, viết Truyền kỳ mạn lục….” Căn cứ vào ghi chép của Lê Quý Đôn thì  Nguyễn Dữ từ quan về ẩn dật chủ yếu là do bất mãn với kẻ cầm quyền, tâm trạng tư tưởng này được thể hiện rất rõ trong Truyền kỳ mạn lục.

Truyền kỳ mạn lục có giá trị hiện thực và nhân đạo rất lớn. Có truyện phê phán đả kích chế độ phong kiến thối nát, lên án những hôn quân, bạo chúa; có truyện viết về tình yêu nam nữ, hạnh phúc lứa đôi, tình nghĩa vợ chồng; có truyện thể hiện chí khí của kẻ sĩ, quan niệm sống lánh đục về trong của sĩ phu ẩn dật; có truyện thể hiện tinh thần dân tộc mạnh mẽ khi đối tượng phê phán là bọn giặc ngoại xâm. Truyền kỳ mạn lục vì vậy không chỉ giàu giá trị hiện thực mà còn giàu giá trị nhân văn. Tác giả, thông qua những câu chuyện mang màu sắc truyền kỳ đã thể hiện sự đồng cảm với nỗi khổ đau của nhân dân, đặc biệt là người phụ nữ; ca ngợi những phẩm chất đẹp và tài năng của con người, thông cảm với những khát vọng tình yêu của tuổi trẻ….

 

  1. Đặc trưng nội dung trong truyện truyền kỳ (trong hai tác phẩm Truyền kỳ mạn lục và Thánh Tông di thảo)
  2. Giá trị hiện thực trong truyện truyền kỳ qua hai tác phẩm truyền kỳ mạn lụcThánh Tông di thảo

Truyện truyền kỳ mượn yếu tố kỳ ảo để phản ánh hiện thực, lên án những vấn đề xã hội. Vì lý do thời đại nên các tác giả thời phong kiến không thể lên án trực tiếp các vấn đề xã hội, bất mãn của mình với xã hội phong kiến, vì gây ảnh hưởng tới giai cấp thống trị. Nên các tác giả phải mượn yếu tố hoang đường kỳ ảo để nói lên tâm tư của mình.

Giá trị hiện thực của truyện truyền kỳ Việt Nam được thể hiện ngay ở những mốc thời gian, địa điểm phần mở đầu tác phẩm. Trong Truyện yêu nữ ở Châu Mai (Thánh Tông di thảo)  tác giả viết: “Cuối niên hiệu Nguyên Phong đời nhà Trần, ở châu Mai có một nữ yêu tinh biến hiện nhiều hình quái gở”. Dù xuất hiện các yếu tố kỳ ảo đan xen như yêu tinh, nhưng những địa danh, thời gian hoàn toàn có thật trong lịch sử. Câu chuyện trên có thể được viết, được tác giả sáng tạo vào khoảng những năm Nguyên Phong thứ 7 hoặc 8, tức năm 1258.

Không chỉ riêng xuất hiện các mốc thời gian địa điểm có thật, mà truyện truyền kỳ còn có “tính thời sự” rất lớn, khi mà tác phản ánh được hiện thực cuộc sống của nhân dân thời kỳ ấy như những khó khăn do thiên tai lũ lụt, chẳng hạn: “Năm Quý Tỵ lụt to. Những nơi nước đến, rắn rết bò lên ngọn cây, người ta phải nuôi gà chó trên cành. Đến chùa phần nhiều bị nước cuốn đi hay là đổ nát” (Truyện hai Phật cãi nhau – Thánh Tông di thảo) hoặc những niềm vui khi đất nước thái bình thịnh trị: “Hồi ấy là năm thứ tư niên hiệu Thuận Thiên (1431). Sau khi đại định, khách bộ hành sung sướng được đi trên đường sá của ta, người buôn bán vui mừng được bày hàng hóa ở chợ của ta” (Truyện hai thần nữ – Thánh Tông di thảo).

Đến tác phẩm Truyền kỳ mạn lục thì những hiện thực tốt đẹp, sự hưng thịnh của đất nước được phản ánh trong Thánh Tông di thảo dường như không còn nữa mà thay vào đó là một xã hội rối ren, suy thoái trầm trọng từ vua chúa, quan lại cho đến một số tầng lớp trí thức. Những vấn đề đó đã khiến cho nhân dân vô cùng khổ cực.

Nói về sự suy thoái của vua chúa được phản ánh trong Truyền kỳ mạn lục thì truyện Câu chuyện đối đáp của người tiều phu ở núi Na là rõ nhất. Mượn lời của người tiều phu: “Ta tuy chân không bước đến thị thành, mình không vào đến cung đình, nhưng vẫn thường được nghe tiếng ông vua bây giờ là người thế nào. Ông ấy thường dối trá, tính nhiều tham dục…”,  Nguyễn Dữ đã đả kích, phê phán triều đại nhà dối trá, hoang phí, tham lam, để dân tình phải khổ sở, lầm than.

Trong Truyện bữa tiệc đêm ở Đà Giang, Nguyễn Dữ đã mượn lời người họ Hồ để phê phán vua chúa không lo việc nước việc nhà, mà chỉ mở tiệc, đi săn bắn để thỏa mãn niềm vui của mình: “Hiện nay thánh hóa chưa khắp, bờ cõi chưa yên: Bồng Nga là con chó dại, cắn càn ở Nam phương, Lý Anh là con hổ đói gầm thét ở tây bắc. Ngô Bệ  ngông cuồng, tuy đã tắt, Đường Lang lấm lét vẫn còn kia, sao không giương cái cung thánh nhân, tuốt lưỡi gươm thiên tử, lấy nhân làm yên khấu, lấy nghĩa làm chèo lái, lấy hào kiệt làm nanh vuốt, lấy trung tín làm giáp trụ, cẩn thận lồng cũi để giá ngự những tướng khó trị, sửa chuốt cung tên để dọa nạt những nước bất phục, tóm bắt giặc giã, đóng cũi về, khiến cho gần xa quang sạch. Cớ sao bỏ những việc ấy không làm, lại đi lẩn quẩn ở công việc săn bắn dù được chim muông như núi, chúng tôi cũng lấy làm không phục.”

Có thể thấy, trong mỗi truyện, Nguyễn Dữ không trực tiếp phê phán hiện thực xã hội mà thường mượn lời các nhân vật để nói lên sự phẫn uất của mình trước giai cấp thống trị từ vua chúa cho tới quan lại: “Bấy giờ có quan Trụ quốc họ Thân ngầm đi chơi phố, trông thấy Túy Tiêu đẹp, bắt, cướp đem về làm của mình. Sinh làm đơn kiện tận triều đình, nhưng vì họ Thân uy thế rất lớn, các tòa các sở đều tránh kẻ quyền hào, gác bút không dám xét xử. Sinh đau buồn lắm bèn chẳng thiết gì thi cử nữa” (Truyện nàng Túy Tiêu). Ông không chỉ phê phán bộ mặt quan lại bỉ ổi, ngang nhiên cướp vợ giữa ban ngày, mà còn lên án pháp luật thời kỳ ấy không biết phân biệt chính tà, trắng đen, mà bị đồng tiền che mắt, chi phối.

Trong Truyện Lý tướng quân, Nguyễn Dữ cũng đã vạch mặt chỉ ra bộ, mặt xảo trá, háo sắc, bỉ ổi của Lý Tướng Quân:“Lý bèn làm những việc trái phép, dựa lũ trộm cướp như lòng ruột, coi người nho sĩ như cừu thù, thích sắc đẹp, ham tiền tài, tham lam không chán, lại tậu ruộng vườn, dựng nhiều nhà cửa, khai đào đồng nội để làm ao, dồn đuổi xóm giềng cho rộng đất, đi kiếm những hoa kỳ đá lạ từ bên huyện khác đem về”. Qua những chi tiết trên ta đã thấy được bộ máy triều đình trong thời kỳ đó thối nát ra sao, từ vua chúa cho đến quan lại, đều háo danh, sắc dục, tiền tài, không chịu lo nghĩ chăm sóc cho dân. Chính những điều đó đã tạo ra một xã hội vô cùng đen tối.

Bên cạnh việc phản ánh hiện thực về tầng lớp thống trị tối cao như vua chúa, quan lại, các đối tượng khác cũng được Nguyễn Dữ phản ánh khá rõ nét trong Truyền kỳ mạn lục như tầng lớp trí thức Nho học. Thông qua các đối tượng này Nguyễn Dữ phần nào đã sự biến động về tư tưởng xã hội đương thời.

Trong Truyện kỳ ngộ ở Trại Tây, Hà Nhân mượn tiếng đi du học, nhưng thực ra là lừa cha dối mẹ, bỏ học, đắm chìm trong hương hoa sắc dục. Nguyễn Dữ đã phê phán tầng lớp trí thức trong thời kỳ này, được coi là người am hiểu sâu rộng, nhưng vì tình mà đánh mất tất cả “Sinh tuy mượn tiếng du học, nhưng bút nghiên chí nản, son phấn tình nồng.”

Không chỉ tầng lớp trí thức mà những nhà sư trong chùa cũng bị Nguyễn Dữ lên án gắt gao. Hàn Than tuy đã cạo đầu quy y cửa Phật, nhưng vẫn ham mê sắc dục, nếp cũ vẫn không từ bỏ:“Hàn Than tuy ở chốn thanh tịnh nhưng nết cũ vẫn chưa từ bỏ. Mỗi lúc ở nhà dưới đi lên mặc áo lụa, mang quần là, điểm môi son, tô má  phấn. Cõi dục đã gần, máy thiền dễ chạm, bèn cùng Vô Kỷ tư thông. Hai người đã yêu nhau, mê đắm say sưa, chẳng khác nào con bướm gặp xuân, trận mưa cửu hạn, chẳng còn để ý gì đến kinh kệ nữa.”

Chính những vấn đề rối ren đó, đã tạo nên một xã hội đầy rối loạn và một cuộc sống đầy khổ cực cho nhân dân. Họ chết bởi đói khát, bệnh tật, chiến tranh như đã được mô tả trong Truyện tướng Dạ Xoa: “Cuối đời Trùng Quang nhà Trần, người chết chóc nhiều, những oan hồn không chỗ nựa tương, thường họp lại thành đàn lũ, hoặc gõ cửa hàng cơm để kiếm miếng ăn, hoặc đón cô gái chơi để kết duyên tạm, ai va chạm thì bệnh nguy khốn, ai cầu cúng thì thấy phép hay, hoành hành ở đồng nội không biết sợ là gì cả”.

Có thể nói qua Truyền kỳ mạn lục, Nguyễn Dữ đã giúp người đọc tái hiện lại cuộc sống, xã hội trong thời kỳ ông đang sống, vua chúa, quan lại tham lam, kẻ quyền cao chức trọng thả sức vơ vét của cải, sách nhiễu dân lành. Trong một xã hội rối ren như thế, nhiều tệ nạn tất sẽ nảy sinh: cờ bạc, trộm cắp, tật dịch, ma quỷ hoành hành, cuộc sống nhân dân rơi vào tăm tối.

  1. Giá trị nhân đạo trong hai tác phẩm Truyền kỳ mạn lụcThánh Tông di thảo.

Truyện truyền kỳ không chỉ phản ánh hiện thực xã hội phong kiến, mà trong những câu chuyện đó tác giả còn truyền tải những thông điệp vô cùng sâu sắc, những truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta.

Truyền truyền kỳ ca ngợi vẻ đẹp, phẩm chất tốt đẹp của con người, đồng cảm sâu sắc với những số phận đáng thương; ngợi ca, khẳng định những con người có khát vọng tình yêu, hạnh phúc mãnh liệt.

* Khẳng định sức mạnh tình yêu đôi lứa

Tình yêu đôi lứa là một hình ảnh đẹp trong văn học Việt Nam. Trong truyện truyền kỳ,  tình yêu xuất hiện ở rất nhiều các tác phẩm. Trong Thánh Tông di thảo như Truyện yêu nữ Châu Mai, nàng Châu Mai tuy là yêu quái nhưng có tấm lòng rất thủy chung, nàng biến thành nhiều hình ngợm kỳ cục, đáng sợ để chờ đợi người tri kỷ đó là chàng Lương Nhân.

Hoặc trong Truyện chồng dê, chúng ta không khỏi xúc động tình cảm giữa người con gái và chàng trai dê (vốn là vật cưỡi của Ngọc Hoàng) khi nghe tin sắp rời xa nhau, cô gái sẵn sàng chết để hóa hồn đi theo người mình thương:“Thiếp nghe chàng nói đến tiền duyên nên cam chịu tiếng bất chính. Đến nay ba năm rồi, thiếp vẫn một lòng một dạ mong được ở với nhau trăm năm, trên báo ơn sinh dục, giữa kết nghĩa gối chăn. Nếu chàng bỏ thiếp mà đi, thiếp tái giá thì mang điều thất tiết, ở vậy thì khó giữ được mình. Đã không giữ được trọn đời thì thà đem hồn đi cùng chàng.”

Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ cũng thể hiện tình yêu thủy chung sắt son, thậm chí còn táo bạo, mang màu sắc nhục dục. Theo quan điểm Nho giáo cũng như lời bình ở cuối truyện thì sự tha hoa ham mê sắc dục của Hà Nhân (Tây viên kỳ ngộ ký) là sai, nhưng đằng sau đó là sự khát khao yêu đương mạnh mẽ, muôn giải thoát bản thân của con người. Tình yêu họ vượt qua cả không gian thời gian. Không yêu nhau được kiếp này ta yêu kiếp khác. Đặc biệt hình ảnh hai hồn ma khỏa thân đi bên nhau trong đêm thanh vắng (Mộc miên thụ truyện) hay mối tình vượt lễ giáo của sư Vô Kỷ và nàng Đào Hàn Than (Truyện nghiệp oan của Đào Thị) là minh chứng tiêu biểu cho tình yêu tự do, vượt qua những lề thói khắt khe của lễ giáo phong kiến.

Tóm lại, trong truyện truyền kỳ Việt Nam, các tác giả đã mô tả những câu chuyện tình yêu tự do, say đắm, táo bạo và thủy chung. Dưới màu sắc hoang đường kỳ ảo, những cặp tình nhân trong truyện bước đầu dường như đã vượt thoát được khỏi những ràng buộc của lễ giáo phong kiến để theo đuổi tình yêu một cách cuồng nhiệt. Điều này đã gây được ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc, đánh dấu sự phát triển nhảy vọt của công cuộc giải phóng con người với những nhu cầu chính đáng của họ.

* Ca ngợi phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ 

Có thể nói, trong những tác phẩm văn học trung đại Việt Nam, người phụ nữ thường hiện lên rất đẹp, hội tụ đủ phẩm chất “công, dung, ngôn, hạnh”. Song trái ngược với vẻ đẹp ấy họ lại thường chịu một số phận bất hạnh, hẩm hiu bởi sự chèn ép, chà đạp của lễ giáo phong kiến. Vậy nên ngoài việc ngợi ca vẻ đẹp người phụ nữ, các tác giả còn lên án, phê phán xã hội phong kiến với nhiều quy định khắt khe đã vùi dập cuộc đời của nhiều người phụ nữ.

Trong những tác phẩm mang yếu tố, đặc điểm truyền kỳ như: Việt điện u linh tập, Lĩnh Nam chích quái lục… những người phụ nữ xuất hiện không nhiều và thường là những nhân vật lịch sử như Hai Bà Trưng, công chúa Mị Châu… Tuy nhiên từ Thánh Tông di thảo trở đi, người phụ nữ với những phẩm chất tốt đẹp xuất hiện ngày càng nhiều, đặc biệt các tác giả chú trọng hơn đến những nhân vật phụ nữ của đời sống thường nhật chứ không phải là những nhân vật mang tầm vóc lịch sử lớn lao.

Trong Thánh Tông di thảo, người phụ nữ hiện lên với nhiều vẻ đẹp khác nhau, chẳng hạn như vẻ đẹp thủy chung, son sắt của người con gái. Trong Truyện lấy chồng dê, tác giả viết: “Làng Thanh Khê có người đàn bà góa chồng, sinh được hai con gái. Người em đã đi lấy chồng. Người chị ở nhà, đến năm mười chín tuổi thì mẹ mất. Tin nhạn rất nhiều nhưng cô ta đều khước từ, vì nhà không có ai trông coi và không thể đội tang phục đi lấy chồng được, phải đợi ba năm hết tang phục mới dám nói đến chuyện hôn thú”. Hoặc là hình ảnh người phụ nữ sẵn sàng hy sinh, tận tụy trong Truyện tinh chuột, người vợ xinh đẹp sẵn sàng hy sinh tất cả để chồng ra đi học hành, nàng một mình ở nhà chăm lo phụng dưỡng cha mẹ, nàng từng nói:“Vợ chồng là duyên trăm năm, không phải duyên sớm tối. Chàng đi học xa, may ra đỗ đạt, trên thì cha mẹ vẻ vang, dưới thì vợ con sung sướng, sau này hưởng thụ còn nhiều. Mong chàng hãy tạm gác tình yêu thương thiếp, ra sức học hành; còn như việc phụng thờ cha mẹ, miếng ngon miếng ngọt, sớm hỏi, tối chào, thiếp xin đảm đương, mong chàng chớ ngại.” nhưng khốn khổ thay nàng lại bị chuột tinh biến giả thành chồng và về hãm hại.

Bên cạnh những phẩm chất tốt đẹp mang tính truyền thống như đảm đang, thủy chung hay giàu đức hy sinh, các tác giả còn chú ý phản ánh những phẩm chất mới của người phụ nữ như bản lĩnh, trí tuệ, dám thể hiện khao khát tình yêu và hạnh phúc như: Nhị Khanh (Truyện cây gạo), Đào Hàn Than (Nghiệp oan của Đào Thị), Liễu Nhu Nương và Đào Hồng Nương (Truyện kỳ ngộ ở Trại Tây),…. trong Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ. Còn trong tác phẩm Truyền kỳ tân phả của Đoàn Thị Điểm dù đến nay được nhìn nhận chỉ có ba truyện, nhưng cả ba truyện này đều thể hiện cách nhìn mới mẻ về người phụ nữ. Bích Châu, Đinh phu nhân, Liễu Hạnh đều là người có bản lĩnh, tài năng kiệt xuất. Điển hình như trong truyện Hải khẩu linh từ, Bích Châu hiện lên là một cô gái đẹp, đa tài. Cái tên  Bích Châu được ví là quý giá sánh với ngọc châu và lưu ly ở trên đời. Nàng sớm nổi tiếng thông tuệ, hiểu văn chương, biết thi phú, thạo âm luật, lại có dung mạo xinh đẹp. Nàng tự nguyện chết để bảo vệ vận mệnh đất nước. Cái chết của nàng còn tố cáo chiến tranh phi nghĩa khiến bao mảnh đời, gia đình tan nát.

Qua đó ta thấy được điểm mới của truyện truyền kỳ giai đoạn về sau: Nếu như trong Thánh Tông di thảo, Truyền kỳ mạn lục, vận mệnh số phận phụ nữ chỉ bó hẹp trong gia đình, thì các nhân vật nữ trong Truyền kỳ tân phả còn mở rộng ra tới vận mệnh quốc gia.

Quay trở lại với Truyền kỳ mạn lục, ta nhận thấy điểm chung rằng: những người phụ nữ trong truyện của ông hầu như đều hiện lên là người “hồng nhan bạc mệnh”. Họ xinh đẹp, nết na, chung thủy, nhưng có kết cục rất bi đát. Vũ Nương một lòng đợi chồng chinh chiến trở về, nhưng chỉ vì ghen tuông mù quáng của chồng mà chết. Nhị Khanh khi chồng ham mê cờ bạc, mắc mưu Đỗ Tam đến nỗi phải gán cả vợ thì nàng đã thắt cổ tự chứ không bán thân mình cho kẻ khác. Đó chính là những vẻ đẹp của người phụ nữ trong truyện truyền kỳ. Thông qua hình ảnh người phụ nữ, các tác giả còn phê lên án những vấn đề xảy ra trong xã hội như chiến tranh, lễ giáo phong kiến…

* Nói lên khát khao người phụ nữ thời xưa

Tuy bạc mệnh là thế, nhưng những người phụ nữ vẫn mang trong mình những ước mơ khát khao cháy bỏng. Cái chết của Bích Châu không chỉ tố cáo chiến tranh phi nghĩa, mà còn thể hiện sự khát khao về vận mệnh đất nước.. Vũ Thị Thiết, lúc chồng ra trận đã nói: “Lang quân đi chuyến này, thiếp chẳng dám mong được đeo ấn hầu, mặc áo gấm trở về quê cũ, chỉ xin ngày về mang theo được hai chữ bình yên, thế là đủ rồi”,  đó là ước mơ mong muốn có một gia đình hạnh phúc bình yên. Hoặc mối tình giữa sư bác Vô Kỷ và Hàn Than đó là những khát khao dục vọng, được yêu mãnh liệt của người phụ nữ, họ bất chấp vượt qua giới hạn để được yêu.

Và rõ ràng nhất câu nói của Nhị Khanh (Truyện cây gạo) bày tỏ ước vọng với Trình Trung Ngộ: “Nghĩ đời người ta, thật chẳng khác gì giấc chiêm bao. Chi bằng trời để sống ngày nào, nên tìm lấy những thú vui, kẻo một sớm chết đi, sẽ thành người của suối vàng, dù có muốn tìm cuộc hoan lạc ái ân, cũng không thể được nữa”.

Vậy ta có thể nói rằng truyện truyền kỳ không chỉ nói lên vẻ đẹp của người phụ nữ mà còn thể hiện sự khát khao, ước mơ cháy bỏng của họ về tình yêu và  hạnh phúc. Hiếm khi có truyện truyền kỳ có cái đẹp, mà cái kết thường rất bi thương và nhiều trắc trở và bị dập tắt bởi nhiều nguyên nhân như: chiến tranh phi nghĩa, hoặc lễ giáo phong kiến khắc nghiệt, đầy sự áp đặt.

Truyện truyền kỳ thể hiện sự đồng cảm của tác giả đối với thân phận của những người phụ nữ. Họ có thể là con người, yêu ma quỷ quái, có thể là người vợ bình thường, hoặc cung phi nhưng nhìn chung họ đều có số phận bất hạnh. Bích Châu là nạn nhân của chiến tranh phi nghĩa. Vũ Thị Thiết, Nhị Khanh là nạn nhân của bi kịch về lòng chung thủy và chiến tranh ác liệt; nàng Túy Tiêu, Lệ Nương rơi vào tình yêu đầy trắc trở, tình yêu tan vỡ; còn Đào Hàn Than, Thị Nghi rơi vào bi kịch bị chà đạp về nhân phẩm. Tác giả luôn thể hiện tấm lòng thương cảm, xót xa cho số phận bi thảm của những người phụ nữ xấu số đó.

Có thể kết luận rằng những người phụ nữ xuất hiện trong truyền kỳ, đều hiện lên với nhiều hình ảnh khác nhau. Họ có thân phận khác nhau, có nhiều ước mơ, khát khao cháy bỏng mãnh liệt. Truyện truyền kỳ truyền tải được đầy đủ những cung bậc cảm xúc trong tình yêu, ước mơ của con người, nhưng trong tình yêu hoặc cuộc đời họ đều gặp nhiều biến cố trắc trở . Không ít người trong số họ đã tìm đến cái chết. Những cái chết đó đã giúp tác giả truyền những thông điệp đầy nhân văn tới người đọc, lên án những góc tối trong xã hội phong kiến.

Tài liệu tham khảo

  1. Lã Nhâm Thìn (chủ biên), Đinh Thị Khang, Vũ Thanh (2017), Giáo trình văn học trung đại Việt Nam tập 1, Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam, Hà Nội.
  2. Nguyễn Dữ, Trúc khê dịch (2020), Truyền kỳ Mạn Lục, Nhà xuất bản Hội nhà văn, Hà Nội.
  3. Nguyễn Bích Ngô dịch (2001), Thánh Tông di thảo, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội.