“Lộc có được là do nhân duyên nghiệp báo, không phải giành giật mà được. Người thiếu hiểu biết về đạo Phật mới hành động vậy”, nhiều độc giả nhận định trước cảnh cướp lộc đầu xuân.

Hình ảnh hàng trăm du khách, phật tử chen lấn, giành lộc gây hỗn loạn tại lễ hội đền Gióng hay lễ chùa Thiên Trù (chùa Hương, Hà Nội) khiến nhiều người bức xúc.

Nhiều ý kiến cho rằng lộc có được là do nhân duyên nghiệp báo, không phải đi giành giật mà có. Những hành động cướp giật, tranh giành thể hiện sự thiếu hiểu biết của nhiều người.

Tâm tốt ắt có lộc

Sáng 2/2 (tức mùng 6 Tết), lễ khai hội chùa Hương diễn ra tại chùa Thiên Trù thu hút hàng trăm tăng ni phật tử. Theo thông lệ, thầy Trụ sẽ phát tặng lộc cho phật tử và du khách có mặt tại sân chùa ngay khi khai hội kết thúc.

Tuy nhiên, trái với việc đón nhận lộc một cách bình thường, nhiều người vì bất chấp mọi hành động chen lấn, xô đẩy, thậm chí giày xéo, giẫm đạp lên nhau chỉ với mong muốn cướp được một phần lộc. Những hình ảnh tưởng chừng chỉ có ở những khu chợ búa nay diễn ra ngay tại các sân chùa.

Không chỉ thanh niên, trung niên mà người già, trẻ nhỏ cũng chen lấn, tranh giành vòng lộc. Ảnh: Tiến Tuấn.

Cũng trong sáng nay, hàng trăm thanh niên lao vào tranh cướp hoa tre tại lễ hội đền Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội). Có những người thậm chí giẫm đạp, đè lên nhau để lấy bằng được lộc may mắn khiến cảnh hỗn loạn diễn ra trên sân đền.

Trước hành động này, nhiều độc giả tỏ rõ bức xúc khi cho rằng người có tâm tốt, hành động đẹp ắt sẽ gặp được nhiều may mắn. Lộc do bản thân tu dưỡng đạo đức, tâm địa lương thiện, sống tốt những người xung quanh, không phải ở chiếc vòng mà sư thầy ban phát.

“Phản cảm quá! Lộc Phật là ở trong tâm, đâu phải ở vài ba cái vòng kia mà giành giật làm mất hết hình tượng. Việc tranh cướp vòng lộc mong có sự may mắn trong năm chỉ thể hiện tính tham lam, ham của…”, độc giả Anh Trần phê phán.

Nhiều ý kiến cũng nhận định hình ảnh trên thể hiện rõ sự phản cảm, vô văn hóa, thiếu tôn nghiêm tại nơi cửa Phật.

Thành viên Long Thành bày tỏ: “Hành động bất lịch sự trên xảy ra ở rất nhiều lễ hội đầu năm. Điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh nước ta trong mắt du khách nước ngoài. Tôi mong rằng nhà chùa có biện pháp nào đó để tránh tình trạng này xảy ra”.

Cướp lộc có thể gây họa

Nhiều bạn đọc nhận định việc tranh giành, bất chấp mọi thứ để lấy bằng được vòng lộc có thể gây hoạ, đặc biệt với trẻ nhỏ.

“Hành động nhảy lên, bất chấp để giành lộc không chỉ làm náo loạn chùa mà còn nguy hại đến những người xung quanh. Việc dẫm đạp lên nhau để lấy bằng được vòng lộc có thể khiến những đứa trẻ bị chèn ép trong dòng người…”, một độc giả nhận định.

Lý giải sự thật về phong tục cướp lộc chúng sinh trong ngày cúng ...

Thay vì tặng tận tay từng du khách, phật tử, sư thầy lại tung lộc lên không trung để ban phát khi người đến xin lộc quá đông. Ảnh: Tiến Tuấn

Bên cạnh đó, một số người tỏ ý không hài lòng với hành động ném lộc của thầy Trụ bởi cho rằng đây là nguyên nhân gây ra sự tranh cướp, náo loạn trong chùa.

Đáp lại những ý kiến trái chiều, nhiều bạn đọc lập luận việc ban phát bằng cách tung lộc của nhà chùa không có gì sai, là thông lệ đã có từ rất nhiều năm.

“Vòng lộc có ít mà người muốn nhận lại nhiều thì xảy ra tình trạng giành giật là điều hiển nhiên. Hành động vô văn hoá làm mất trật tự an toàn tại chùa Hương”, tài khoản Trần Trung nêu quan điểm.