Con về quê hương, giữa chiều tháng năm nắng đổ bên đường, cái nắng muôn thuở của miền Trung vẫn chát đắng như ngày đầu con biết, nắng ươm vàng những cánh đồng bát ngát, nắng nung sôi dòng kênh be bé ngang qua nhà bà, nắng hong khô cả mái ngói của ngôi cổ tự đầu ngõ. Quê đón con về bằng những hàng tre biêng biếc, cong cong, cái sắc xanh bấy lâu vẫn thường trực trong tâm trí con dù đã đi qua bao nhiêu mùa rụng lá, quê đón con bằng câu à ơi thân thuộc của cụ bà xế chiều bên cánh võng đung đưa, quê đón con bằng cả một trời hoa gạo rực cháy vương đỏ trong tiềm thức, hoài niệm.
Quê hương xa nhớ, dẫu đôi chân này của con đã đi gần hết phân nửa tuổi trẻ nhưng ngày về con vẫn thấy cái triền đê cỏ non ngập đầy. Trái tim con hằn in cái cung đường ngắt xanh nõn biếc ấy, mỗi ngày đến trường, đạp ngang ngọn cỏ mà tới, con đường đất sỏi mài sắc cả bản lĩnh, tâm can. Con đến trường với bầy trâu nhộng nghênh ngang, tham lam tranh nhau phần cỏ sương đêm vẫn còn đẫm ướt và nao nức nghe mùi nắng vương vẩn trong cái hương sen hồng ngan ngát, khiết thuần.
Những đêm trăng xa, buồn đầy trong đôi mắt ngấn nước vì đòn roi của tuổi lên năm, đôi lần con trèo một mình lên triền đê vắng ấy.
Trời nhá nhem, bỏ quên tiếng mẹ í ới gọi bữa cơm chiều, một mình nơi ấy, con ru lòng trong một khoảng thênh thang với mùi hương ngai ngái của bụi cỏ dại vừa qua vết răng trâu nham nhở, nồng hăng. Chiều quê gọi gió cho con, để thay câu vỗ về mà hôn tha thiết lên mái tóc và khe khẽ lau hạt tròn nơi sống mũi. Phía dưới triền đê, ngôi làng nhỏ khuất lấp, cơ hồ chỉ còn là một mô hình nhỏ trong lòng tay con, một mô hình ngập vương ánh bạc của sông trăng tràn đổ giữa lưng trời.
Chiều này cũng thế, đứng một mình trên con đê ngược sáng, vẫn câu hò tha thiết ai ngân giữa dương tà chập choạng, nó vuốt ve trong từng mạch máu, nơ-ron, con bổi hổi với những hoài niệm đã nhạt màu. Xa xăm nheo đôi mắt nhìn theo dĩ vãng như đang cố xem một bộ phim từ thuở thập niên, ảnh phim nhoè màu, vỡ nét mà xúc cảm thì cứ như lần đầu. Phải chăng từ khi còn là một bọc tròn mong manh nương nơi lòng mẹ mười ngày chín tháng, con đã da diết thương luôn câu hò đơn sơ ấy hay sao lòng con cứ cồn cào và trái tim con lại thổn thức đến thế, như thể đời này con chưa từng được nghe những thanh âm trong trẻo bao giờ. Điệu dân ca xứ Nghệ có phải ru yên đôi mắt lặng nhắm của những người có vết chân chim nơi khoé mắt hay chính đang ru hồn con về miền xưa bay lả cánh cò, ầu ơ cánh én?
Miền ấy xa xôi, con có những chiều hè vội vã, đứa bé gầy đen loắt choắt theo bóng mẹ mót lạc ở đồng xa. Tháng năm đổ lửa trên chiếc vai gầy của mẹ còn tiếng cười con nô nức đánh vọng chân đê, con đã gói niềm vui nhỏ bé ấy trong khoảnh khắc nhặt được cho mẹ một củ lạc to, mập ú, tuổi bé đơn sơ và bình yên như thế, lặng lẽ hòa vào cõi lòng con, âm ỉ, nồng nàn. Quê nghèo đỏ hoe cả đôi mắt tròn xoe của tuổi con ưu tư, của tuổi mẹ ưu sầu. Đồng xa một vạt vàng nắng, chuyến tàu sắt đôi lần ghé qua, mang trĩu nặng âm thanh còi hú, dợn cả tâm can, kèm làn khói trắng vẽ một vết loang tan dần trên nền xanh thiên thanh của bầu trời những ngày đổ lửa.
Con nhớ mẹ những chiều gánh lúa về sân, nhớ bóng cha với bao xi quen thuộc trĩu nặng trên đôi vai gầy, con nhớ con của tuổi nhỏ xấu tính, thích làm nũng và được nuông chiều, con thấy chính con của những tháng năm chỉ biết nghĩ cho hạnh phúc của mình mà chẳng thiết nghĩ suy để yêu thương người khác, con nhớ con của cái tuổi vô tâm nhất trên đời… Ngày ấy với con là ba bữa cơm no, hai buổi sáng chiều tới lớp, nhà của con là một góc nhỏ xanh xanh giàn gấc dẫn vào, với hai con cún đen sì xấu xí mà với con là hai con gấu của rừng già. Cha mẹ còng lưng, còn hai chị em lười biếng, ham chơi và chí choé đánh nhau đã hoá chuyện cơm bữa thường tình. Nơi căn nhà nhỏ xinh ấy, con đã lớn lên từ hình hài đến tâm hồn, quê nuôi con từ màu da, đôi mắt đến bản lĩnh bên trong. Con không chắc con là đứa con quê mạnh mẽ nhất, con chỉ biết mình mãi mãi là một chiến binh trong trái tim ai đó. Và cũng với con, chỉ vậy thôi là đủ.
Con về ngóng cả ngôi trường làng, nơi đầu tiên khơi cho con niềm vui câu chữ, con mơ thấy mình ngủ gục trên tấm bàn gỗ đã in khắc nét chữ của biết bao người, vẫn là con lì lợm và ương bướng đuổi bắt ong, ve, chuồn chuồn, vẫn là con cái hồi tóc tém đen nhẻm và thèm được lớn. Tuổi hồng của con đã hằn in như thế, với lũ bạn nghèo cũng nghịch chẳng thua con, với cả người thầy đầu tiên có dáng người đậm nét bước đi giữa cái hành lang sóng sánh nắng chảy.
Thương là thế nhưng con không chắc đâu rằng con sẽ nhớ hết, vì rời cánh cổng trường con ném chiếc hộp tuổi con cho mùa cà chua tàn lá, con ném nó lại cho một đứa trẻ là con giữa lập lờ tuổi to tuổi bé. Con rời đi như cánh ve sầu cũng biến mất khi mùa phượng vĩ thôi nồng, con rời đi như nhánh bồ công anh dứt nhụy theo gió về phương xa, để viết tiếp sự sinh cho một cuộc đời khác nữa. Nhưng quê, dẫu thế, bài toán của một nguyên hàm bao giờ cũng chính là tìm về một hàm số đã khai sinh ra nó, nơi đã đạo hàm nên nó; thực chất con, cũng chỉ là một nguyên hàm nhỏ bé được sinh ra giữa nghìn trùng những ẩn số x, y của cuộc đời. Và quê, mãi mãi là một chốn tìm về của con như thế, là nơi đã đạo hàm nên trái tim, bản lĩnh con bây giờ.
Tựa như một cây xanh nhỏ bé lúc ấy, nơi mảnh đất ấy, nhựa sống con vẫn thăm thẳm cuộn trào. Con vẫn thèm làm đứa trẻ nằm mơ hạnh phúc bên gốc đa già bóng rũ, rượi mát trái tim, con vẫn thèm kéo lê một cánh diều giấy bằng đôi chân be bé trên đồng cỏ thôn quê ngan ngát tàn dư hương thảo mộc bao đời và thèm được say cái chất nắng gió chát đắng trong câu hò tiếng hát của bà của mẹ, của cả đất trời, của tuổi thơ tháng năm tóc xém tiếng cười hồn nhiên.
Và từ những điều nhỏ nhất đến những điều phi thường nhất, thương quê!