Đó là một người đàn bà tuổi đã gần tám mươi, mái đầu đã ngả sang màu bạc trắng. Mọi người trong xóm đều gọi là bà Tư. Trước sự tàn nhẫn của thời gian, gương mặt bà nhăn nhúm những nếp nhăn. Bây giờ bà đã trở nên già yếu. Đôi chân từ lúc nào đã không thể bước ra khỏi cái sân trước nhà.

Mấy lũ trẻ con trong xóm thường gọi bà Tư là người đàn bà cô đơn vì bà sống một mình trong căn nhà gỗ cũ kĩ, dần mục nát theo năm tháng. Còn người lớn thì lại gọi bà là người đàn bà điên.
Ngày xưa nghe nói bà Tư đẹp lắm nên được nhiều người theo đuổi. Trai trong lẫn ngoài xóm đều mê đắm vẻ đẹp của bà. Hơn thế nữa bà Tư còn có tài ca múa. Anh nào mà nghe bà hát, xem bà múa thì coi như đều bị làm cho mê mẩn. Cũng bởi thế mà đám đàn bà, con gái trong xóm nảy sinh lòng đố kị ghen ghét. Bọn họ đua nhau nói xấu, rêu rao những tin thất thiệt về bà. Nào là bà lẳng lơ, là hồ ly dụ dỗ đàn ông,… Thế là mấy cánh phụ huynh liền thủ thỉ với con họ việc cấm theo đuổi bà để tránh tiếng xấu.

Cho đến bây giờ, bà Tư dường như vẫn không tiếp xúc với ai cả. Mọi người thì vẫn lánh bà như trước kia. Có lẽ cũng bởi vậy mà bà trở thành một con người cộc tính, nóng nảy và hay gắt gỏng. Chỉ cần không ưa chuyện gì thì sẽ lớn tiếng chửi bới mặc dù không một ai để tâm đến những lời đó cả. Còn đám trẻ con thì lại biến bà thành trò tiêu khiển của chúng. Chúng thường hay tìm cách chọc bà giận đến mức phải chửi bới lung tung, sau đó thì sẽ cười hả hê như được mùa.

Hoàng còn nhớ năm mình mười tuổi, cậu cùng vài đứa bạn lẻn vào trong vườn bà Tư hái trộm xoài và bị bắt tại trận. Thế là đứa nào đứa nấy bị bà chửi cho tối tăm mặt mũi.

– Lũ quỷ này… Ai dạy cho chúng mày làm phường trộm cướp hả?

Vừa nghe thấy giọng bà, cả đám liền cong đít chạy như ma đuổi. Đứa nào đứa nấy cũng sợ bị bà bắt lại được thì sẽ no đòn. Còn Hoàng vì nhỏ con, sức chạy lại không bằng mấy đứa còn lại nên bị bắt lại. Sợ quá, cậu òa lên khóc. Kết quả không những không bị ăn đòn mà cậu được bà Tư dỗ dành để nín khóc. Từ đó, trừ cậu ra, không còn đứa nào dám bén mảng đến gần khu vườn của bà nữa. Cậu còn nhớ gương mặt bà khi đó, sự giận dữ toát lên từ gương mặt xinh đẹp. Vừa giống một thiên thần, lại vừa giống mụ phù thủy xấu xa trong chuyện cổ tích. Nhưng phải công nhận là từ ngày đó mà cậu được ăn xoài miễn phí cho đến những năm về sau.

Mơ thấy ảnh bà cụ đánh số gì? - Xổ số - KQXS - Kết quả xổ số

Kể ra thì bà cũng là một người thiện lương, giàu lòng trắc ẩn. Nhiều lần Hoàng bắt gặp bà cho mấy con mèo hoang ăn, đó là việc mà chẳng mấy ai trong xóm này làm cả. Kể cả bố mẹ cậu, nếu thấy mèo hoang đến nhà chắc chắn sẽ lấy cành cây hay cục đá ném vào chúng để đuổi đi. Vì có nhiều người quan niệm mèo hoang đến nhà là điều xui xẻo.

Hoàng không hiểu vì sao mọi người lại xa lánh bà Tư. Nếu là người khác, bị xa lánh như bà chắc sẽ phát điên mất. Ngày ngày sống trong ngôi nhà trống hoác, quay đi quẩn lại chỉ có một mình, có mà chết vì cô đơn. Nhưng bà Tư đã sống như vậy đến lúc gần đất xa trời, ngày ngày lủi thủi một mình quanh vườn, làm bạn với lũ mèo hoang.

Sau khi lên học Đại học, Hoàng không còn gặp bà Tư nữa. Lần này về quê, cậu định sẽ đến thăm bà và dành nguyên ngày để hàn huyên tâm sự. Cậu có rất nhiều chuyện muốn kể với bà Tư, nhất là về những trải nghiệm mà bản thân đã trải qua trong môi trường Đại học. Đồng thời Hoàng cũng định giới thiệu cho bà người mà cậu rất yêu quý. Có lẽ khi nghe kể về những câu chuyện đó, bà sẽ vô cùng thích thú.

Tiếng gà gáy kéo theo ánh bình minh ghé đến xóm. Hoàng ngáp dài một cái rồi bước ra khỏi giường. Bữa sáng đã được dọn sẵn, việc của Hoàng lúc này là đi đánh răng rửa mặt rồi ngồi vào bàn ăn.

– Anh dậy rồi đó à? – Thùy từ ngoài nói vọng vào. Trên tay nàng cầm một rổ đựng rau muống, Hoàng thầm đoán chắc nàng mới đi rửa rau xong.

– Sao em dậy sớm thế? – Hoàng hỏi.

– Giờ này mà sớm thì đúng là em phục anh thật đấy.

Thùy cong khóe môi cười, để lộ lúm đồng tiền xinh xắn ở hai bên má. Tóc nàng cột đuôi ngựa, mỗi lần nói cảm giác như tóc cũng đung đưa theo.

– Thùy nói đúng đấy! – Mẹ của Hoàng lúc này đang đứng cạnh Thùy nói.

– Chưa đến một ngày mà mẹ đã thiên vị cô ấy hơn con rồi. – Cậu bĩu môi tỏ vẻ giận dỗi.

Vừa nhìn thấy biểu cảm đó của Hoàng, cả nhà liền khanh khách cười. Có vẻ như biểu tình đó của cậu trông rất ngộ nghĩnh. Và theo như Thùy từng nói thì chẳng có người đàn ông trưởng thành nào trưng ra cái biểu tình đó cả.

Thùy là một cô gái dễ mến, Hoàng quen nàng trong một lần đi cắm trại. Nàng sở hữu một gương mặt đáng yêu, lại được tô điểm thêm bằng lúm đồng tiền hai bên má. Chất giọng ngọt ngào của Thùy khiến người ngoài rất có cảm tình. Bây giờ nàng và Hoàng đang là người yêu của nhau. Trong vài năm tới có lẽ cả hai sẽ tiến xa hơn nữa.

Bữa sáng kết thúc, Hoàng dẫn Thùy sang nhà bà Tư. Có lẽ hơn ai hết bà Tư là người khiến Hoàng muốn gặp nhất khi trở về quê. Đồng thời cũng muốn giới thiệu Thùy cho bà ấy. Hoàng nghĩ bà cũng sẽ thích Thùy như Hoàng.

Nghe mọi người trong xóm nói bà Tư bây giờ đã trở nên ốm yếu. Nghe đâu bà bị bệnh gì đó và không đủ điều kiện để chữa trị.

Vừa mới bước đến cổng, Hoàng đã nghe thấy tiếng ho của bà Tư. Tiếng ho dữ dội như đang muốn cướp dần đi sinh mệnh của bà. Trên sân lá rơi vương vãi, có những chiếc đã mục nát thành một đống hoang tàn. Cây cối xung quanh cũng dần héo úa đi vì đã lâu không có ai chăm sóc. Vài đứa trẻ trong xóm đã gọi bà Tư là người đàn bà cô đơn, mọi người trong xóm xa lánh nên chẳng ai quan tâm mà đến đây chăm sóc bà hay đám cây trong vườn. Hoàng thật sự không hiểu vì sao cả xóm lại nhẫn tâm với bà đến như thế.
Hoàng và Thùy bước đến cánh cửa, cửa bà không khóa.

– Bà Tư ơi! Con là Hoàng đây! – Hoàng gọi vọng vào, không biết bên trong có người không đây

– Hoàng đấy à. Con vào đi! – Bà nói kèm theo tiếng ho một cách khó khăn.

Hoàng bước vào trước, Thùy theo sau. Cậu nhanh chân chạy vào trong. Bà Tư đang nằm trong buồng ngủ, thân thể gầy nhom, gương mặt nhăn nheo, da dẻ thì nhợt nhạt không có lấy sức sống. Mái tóc đã mỏng đi, miệng móm mém vì răng đã rụng hết. Người bà chỉ còn da bọc xương, đôi mắt cũng đã mờ dần đi. Hơi thở nặng nhọc như đang chờ đợi một kết thúc chậm rãi.

Hoàng ngồi trên chiếc giường bà Tư đang nằm, đưa tay ra để nắm lấy bàn tay của bà. Nước mắt cậu không kìm nổi và rơi xuống. Chỉ có vài năm thôi mà bà thay đổi nhiều quá, bà gầy đi nhiều quá.

– Bà… Giọng Hoàng nghẹn lại.

– Bà cứ mong con về mãi. Bà cứ sợ là mình sẽ không thấy được mặt con trước lúc… – Bà nói một cách khó nhọc.

– Bà sẽ khỏe lại mà, bà hãy còn sống được lâu lắm, ít ra… ít ra bà cũng phải chờ đến lúc con lấy vợ chứ.
Bà Tư cười, hai mắt bà nhíu lại.

– Mà bà ăn gì chưa? – Thùy ghé vào tai bà hỏi.

Bà Tư lắc đầu:

– Bà chưa ăn gì cả sao bà? Hoàng hỏi nhưng bà Tư chỉ im lặng rồi ho khụ khụ vài tiếng. Hoàng quay sang Thùy: Thùy này! Em ra ngoài chợ mua mấy thứ bổ dưỡng đem về nấu cháo cho bà ăn đi em. Chắc tại không ai nấu cho bà, mà bà lại không có sức mà tự nấu. Mau lên em!

Hoàng định rút ví đưa tiền cho Thùy thì nàng đã chạy vọt ra ngoài từ lúc nào không hay. Thùy là thế, cái gì cũng nhanh nhẹn tháo vát.
Bà Tư ra hiệu cho Hoàng ghé sát lại vào người bà.

– Bức ảnh. – Bà vừa nói vừa chỉ tay về phía hòm tủ bên cạnh giường. Hoàng thầm đoán là bà muốn Hoàng tìm bức ảnh trong đó. Cậu bèn mở hòm tủ ra, lục lọi thật kỹ nhưng vẫn không thấy đâu. Chỉ còn một cuốn sổ, cậu lấy ra rồi lật từng trang mong là có thể thấy ở đó. Quả nhiên có một tấm ảnh được kẹp trong cuốn sổ.

Hoàng mang theo cả tấm ảnh lẫn cuốn sổ đưa cho bà Tư. Bà cầm lấy tấm ảnh, nước mắt bà tuôn xuống.

– Con gái. – Mắt bà ngấn lệ, bà khóc. Thú thật đây là lần đầu tiên Hoàng thấy bà khóc. Bà nhìn tấm ảnh rồi cứ luôn miệng gọi con gái. Có chăng người trong tấm ảnh là con bà? Phải chăng bà Tư có con gái?

– Bà có con gái sao? – Cậu hỏi.

Bà Tư ừ một tiếng, trong tâm trí bà hiện lên hình ảnh của một cô gái đang độ tuổi mười tám căng tràn nhựa sống. Cô gái ấy tên là Hằng, cô có một gương mặt trái xoan với đôi mắt to tròn long lanh như viên ngọc và cảm giác như lúc nào cũng đang ngấn lệ. Mái tóc đen óng dài đến hông tạo cảm giác như dòng suối êm ả. Giọng hát ngọt ngào vang lên khiến cho bao chàng trai mê mẩn. Cũng bởi vậy mà mấy cánh đàn bà, mấy cô gái đang độ xuân xanh thường có thái độ ghen ghét. Mà Hằng nào để tâm, vẫn vô ưu vô lo sống cuộc đời của chính mình. Miệng lưỡi thiên hạ ai mà quản cho nổi.
Hồi đó có anh chàng nọ trong xóm thích Hằng, ngày ngày đều ghé hàng rau của cô để mua. Người thì có ý mà hoàn cảnh thì không cho phép, có lần trong lúc tán tỉnh cô thì mẹ chàng ta đến.

– Mày có bị gì không mà thích con đó? Nó là ma, là quỷ, là hồ ly tinh.

Bà ta vừa nói vừa xách tai anh ta, mắt thì liếc sang Hằng.

– Ui da…Mẹ nhẹ tay thôi. – Chàng ta mặt mày nhăn nhó kêu đau, hai tay đưa lên vành tai nhằm gỡ tay mẹ mình xuống.

Hằng thấy thế thì không nhịn được cười. Mẹ của chàng ta thấy vậy lòng càng thêm bực tức, lớn miệng quát:

– Cười cái gì mà cười? Mày mà còn bén mảng trước mặt con trai tao thì tao không để yên đâu.

– Nói xong bà ta quay người bỏ đi và vẫn không quên xách tai đứa con không nghe lời của mình.

Anh chàng này sau đó có lẽ vì sợ mà không bao giờ xuất hiện trước mặt Hằng nữa. Cô không thấy buồn vì đã quen với cảnh như thế này rồi. Mấy anh con trai trong xóm lúc đầu cũng vây quanh mình, kết quả sau đó cũng đều không xuất hiện nữa.

Ngày nọ, trong tiết trời thu dịu mát, lá vàng khẽ khàng đung đưa rồi rơi rụng khỏi cành cây, nhẹ nhàng bay theo chiều gió rồi đáp xuống mặt đất. Hằng ngân vang giọng ca ngọt ngào của mình. Cô lúc này như đang lạc vào cõi mơ, chẳng quan tâm xung quanh làm gì.

Không biết từ lúc nào, có một chàng trai đứng dưới gốc bây bàng gần đó, ánh mắt lưu luyến nhìn cô. Đến khi cô thôi hát, anh mới dám lại gần, bày tỏ sự mến mộ.

– Cô hát hay quá! – Anh reo lên, cười tít cả mắt.

– Tôi nào có hát hay gì đâu.

Hằng ngại ngùng trả lời. Đây không phải lần đầu tiên Hằng nhận được lời khen như vậy. Cô đỏ hết cả mặt mày. Cô vén mái tóc ra sau vành tai, nở nụ cười gượng gạo.

– Cô khiêm tốn quá đấy thôi! Giọng cô hát trong veo như sơn ca vậy đó. Tôi đứng nghe mà cả trái tim cũng nhảy múa theo.

– Anh quá lời rồi!

– Không đâu, cô hát hay thật. Hay hơn mấy cô bạn tôi ở trên phố.

– Ồ, vậy hóa ra anh từ trên phố xuống đây à?

– Vâng, tôi được điều đến đây công tác một thời gian. Mà cô cho tôi hỏi trường Tiểu học X mình ở đâu nhỉ?

– À… Anh cứ đi thẳng rồi rẽ trái. Trường Tiểu học X nó ngay cạnh cái gốc cây phượng to to ấy.

– Vâng, tôi cảm ơn! Tôi còn có việc, chào cô, tôi đi nhé! – Anh cười thân thiện, không quên cảm ơn rồi mới đi.

Lúc này Hằng thấy lòng mình như rạo rực hẳn lên, nụ cười của chàng trai vừa nãy như đã mang theo cả trái tim của cô. Vài ngày sau cô và anh lại gặp nhau, lúc này mới biết được tên tuổi thật của anh.

Anh là Thành, là một cán bộ trẻ được điều về xã công tác. Cả hai nhanh chóng phải lòng nhau. Cuối cùng vào một đêm cuối thu, trước men tình mặn nồng, cả hai đã ôm ấp rồi trao hết yêu thương dành cho nhau. Và rồi tháng sau, Thành được gọi về thành phố. Dù không đành lòng nhưng hai người vẫn phải nói lời từ biệt.

– Anh nhất định sẽ quay lại. Em phải chờ anh đấy nhé!

Hằng gật đầu, đem nỗi buồn giấu vào trong góc tim. Kể từ ngày ấy cô cứ mong ngóng người trong lòng quay trở lại. Nào đâu ngờ mãi mà không hề thấy người ta quay trở lại.
Thành đi chưa được bao lâu thì Hằng hay mình có thai. Cô mới chỉ mười tám, vẫn còn quá trẻ để có thể làm mẹ. Chưa kể cha đứa bé còn không hay biết chuyện này. Những người trong xóm vốn đã không ưa gì cô này lại càng có dịp bàn tán, xỉ vả.

– Cái đồ chửa hoang, con điếm,…

Gần như ngày nào cô cũng phải nghe những lời đó. Dù khó nghe đến đâu cũng đều phải nhẫn nhịn. Bản thân chỉ có một mình, sao có thể đọ lại với cả xóm?

Mỗi sáng cô ra chợ bán rau, sau đó thì ra đồng làm ruộng. Thân mang bụng chửa, mỏi mệt vẫn phải gắng gượng. Tất cả cũng chỉ vì miếng cơm manh áo, vì để lo cho đứa con trong bụng. Chín tháng ròng rã trôi qua, tiếng khóc oe oe vang bên tai, đứa bé được chào đời khi nắng chiều đã hạ xuống. Cô đặt tên cho con là Thương, Thương trong tình thương.

Một thân nuôi con, bao chuyện đổ lên vai. Hằng cũng vậy mà dần đổi tính, từ cô nàng dịu dàng, hiền lành, phút chốc hóa thành bà cô cộc tính, hay chửi đổng.

Từ năm lên sáu, Thương đã theo mẹ ra đồng, lên tám đã cầm cuốc làm lụng. Tính nết của con bé cũng cộc cằn giống cô, bất bình chuyện gì cũng ngửa cổ ra cãi lại. Sáng sớm mà có tiếng chửi bới, y như rằng ai cũng biết là Hằng đang chửi con mình.

– Cái con ranh này. Mày dậy cho tao! Vì mày mà đời tao mới khổ thế này! Dậy mau để còn ra đồng làm. Tao tốn tiền nuôi mày ăn học không phải để mày nằm ngủ đến trưa đâu. – Hằng lật tung tấm mền mà Thương đang đắp lên người.

– Mẹ để con ngủ thêm chút nữa đi! Tối qua ngủ muộn học bài, có được ngủ mấy đâu. – Thương ngồi dậy, vẻ mặt khó chịu.

– Thế thì đừng có mà ăn cơm! – Hằng lườm một cái rồi bỏ đi. Cũng không muốn nói thêm gì nữa. Cô biết nó đã thức đến nửa đêm để học bài, tất cả cũng vì muốn cô nở mày nở mặt. Thương tuổi tuy còn nhỏ, nhưng lại rất hiểu chuyện. Nó chỉ cộc cằn, xấu tính với những ai nó ghét.

Đến năm mười ba, Thương chơi chung với suốt ngày lêu lổng, không đâu vào đâu. Với người trong xóm chúng là cái bọn vô học, cái lũ quỷ sứ phá làng phá xóm.
Hôm nọ không biết đi chơi ở đâu mà hơn mười một giờ khuya mới về tới nhà. Hằng lo lắng không ngủ được, đứng ngồi không yên.

– Sao mày lại có thể hư đốn vậy chứ? Học không lo học suốt ngày đi chơi, mày muốn tao tức chết phải không? – Hằng vừa quát, vừa giáng những đòn roi vào chân con gái mình.

– Mẹ tưởng mẹ sinh và nuôi tôi là tôi cảm kích lắm sao? Tôi thà mẹ đừng sinh tôi ra còn hơn, chứ sống mà thua kém bạn bè tôi nhục lắm. – Cái Thương cũng chẳng vừa, không những không khóc, không kêu đau mà còn dám trừng mắt lớn giọng với mẹ của nó nữa.

– Mày giỏi lắm! Có giỏi thì mày cút khỏi nhà cho tao. Mất công tao nuôi mày, vậy mà mày có thể nói được những lời này. – Mặt Hằng phút chốc biến sắc, trong ánh mắt toát lên vẻ giận dữ. Cô vứt cây thước xuống đất, hậm hực bỏ vào trong buồng. – Tối này mày đừng có mà ăn cơm.

Thương tức giận, không nói không rằng bỏ về buồng ngủ của mình, trùm chăn khóc thút thít. Nó cảm thấy uất ức khi bị chửi là hư đốn chỉ vì chơi với thành phần mà mọi người thường cho là xấu. Rõ ràng không thể nhận xét ai đó qua vẻ bề ngoài, người lớn vẫn thường hay nói như vậy, thế mà chính họ lại làm những điều đó. Nó đưa tay vào túi quần, lấy ra vài tờ tiền lẻ. Đây là công sức nó rửa bát cả buổi tối nay, cũng vì thế mà mới về muộn.

Con bé chui ra khỏi chăn, từ trong cặp sách lấy ra một quyển vở rồi kẹp mấy tờ tiền lẻ vào trong đó. Sau đó lại nghĩ ngợi về mấy người bạn kia của mình. Tất cả bọn họ tuy chỉ mười mấy tuổi nhưng đều đã tự làm ra tiền, cũng chẳng trộm cắp của ai cả. Người phụ quán, người nhặt ve chai, gom góp từng đồng một mới có cái để ăn. Bọn họ không đi học ấy cũng vì không đủ điều kiện.
Thương còn đang mải suy nghĩ thì giọng nói của Hằng lại vang lên bên tai. Nó quay đầu ngẩng đầu nhìn lên thì đã thấy cô đang đứng lù lù trước mắt.

– Con kia… Tao bảo mày cút ra khỏi nhà chứ có vào buồng ngủ à?

– Mẹ thật sự muốn tôi đi phải không? Được rồi, tôi đi cho vừa lòng mẹ. Sau này tôi không có về nữa đâu, mắc mớ mẹ lại bảo tôi làm khổ mẹ. Chút tiền kẹp trong vở, là tiền tôi rửa chén bát ngoài quán với nhặt ve chai đó. Tôi đi rồi mẹ đừng có mà hối hận rồi đi tìm.

Thương đưa tay lau đi nước mắt, vừa nói vừa khóc. Sau đó lách qua người Hằng lao ra khỏi phòng. Cô như bị sốc nên phút chốc ngẩn người, đến lúc tỉnh lại thì không còn thấy bóng dáng của nó nữa.

***

– Vậy sau đó bà có đi tìm con gái của bà không? – Hoàng ngồi bên cạnh bà Tư nhỏ giọng hỏi.

– Có chứ! Bà đã đi tìm nó khắp cả xóm này, cả những xóm lân cận nhưng đều không thấy. Mỗi ngày bà đều mong nó về nhưng mãi vẫn không thấy đâu cả.

Bà Tư nói trong tiếng nấc nghẹn, nước mắt lăn dài trên má. Bàn tay cầm chặt tấm ảnh đã phai màu, nước mắt vẫn không ngừng rơi. Trái tim như bị vỡ vụn thành từng mảnh.

– Thương ơi… Mẹ sai rồi… Con về đi!

Hoàng cảm giác như có gì đó đè nén trong lòng mình, nặng nề vô cùng. Mắt Hoàng ngấn ngấn nước. Nơi cổ họng như ứ nghẹn lại, khô rát đến khó chịu.

Lát sau Thùy bước vào cùng với chiếc túi ni lông đựng những gì mà mình mới mua. Nhìn thấy có gì đó là lạ nên lại gần hỏi xem có chuyện gì.

– Có chuyện gì sao?

Hoàng lấy tấm ảnh từ trong tay đưa cho Thùy xem. Vừa mới thấy nàng đã la lên:

– Ô! Đây chẳng phải hình mẹ em lúc còn nhỏ sao? – Ngữ điệu đầy sự bất ngờ, nàng mở to mắt nhìn tấm hình rồi lại đưa mắt nhìn Hoàng.

– Mẹ em sao?

– Mẹ con sao?

Cả bà Tư lẫn Hoàng nói cùng lúc, cả hai dường như không thể tin nổi những gì mình vừa nghe thấy. Nếu Thương là mẹ của Thùy há chẳng phải là chuyện tốt? Như vậy bà Tư có thể dễ dàng gặp lại con gái mình rồi.

– Thùy này! Anh hỏi em, mẹ em có bao giờ nhắc về bà ngoại em không? – Hoàng đưa hai tay giữ vai Thùy, vẻ nghiêm trọng nói.

– Bà ngoại em ư? Mẹ em bảo ngoại em mất từ khi mẹ còn nhỏ rồi. Mẹ chỉ nói với em có vậy thôi.

Thoáng chốc Hoàng thấy mắt bà Tư ướm lệ. Trên nét mặt bà hiện rõ vẻ đau khổ đến cùng cực. Bà gắng gượng ngồi dậy, cơn họ vẫn cứ kéo đến một cách dồn dập. Hoàng và Thùy vội đỡ lấy bà.

– Kìa! Bà đang còn yếu, bà hãy cứ nằm đi ạ! – Hoàng nói với bà Tư, giọng điệu vô cùng lo lắng.

– Thương nó chắc giận bà lắm nên mới nói vậy. Chẳng thể trách nó, chỉ trách bà trước kia quá nông nổi. – Bà Tư đưa tay lên lau nước, xúc động nói tiếp. – Là tại bà nên nó mới bỏ nhà đi, bao năm vẫn không chịu quay về. Nó chắc trách bà nhiều lắm!

– Vậy bà chính là bà ngoại ruột con? – Thùy nói.

– Anh thấy chuyện này khó sai được đây Thùy à.

– Bà ơi! – Thùy xúc động ôm lấy bà khóc trong nghẹn ngào.

Trước kia mẹ nàng thường rất ít kể về bà ngoại của mình. Thậm chí còn lảng tránh việc nhắc về bà nữa. Người mà nàng vẫn hay gọi là ông bà ngoại từ trước đến nay thật ra chỉ là cha mẹ nuôi của mẹ nàng. Đến tận bây giờ nàng mới có thể biết được sự thật trớ trêu.

Cảm ơn các con đã chăm sóc mẹ, nhưng mẹ hối hận vì đã sinh ra các con”

***

Thùy quyết định trở về Hà Nội để tìm mẹ mình, khuyên bà đến thăm bà Tư lần cuối. Chiều ngày nàng đi, trời chẳng hiểu sao lại nổi mưa lớn. Gió cứ gào thét khiến lòng người thấy thấp thỏm không yên. Nỗi bất an trong Hoàng càng lúc càng lớn, dường như sắp có chuyện gì đó không hay xảy ra.

Cậu vội vàng cầm lấy cái ô rồi chạy qua nhà bà Tư.

– Con chạy đi đâu thế?

Mẹ cậu từ trong nhà nói vọng ra. Nhưng cậu lúc này nào còn tâm trí để tâm đến câu hỏi của mẹ. Mưa tuôn xối xả như thể muốn cuốn sạch mọi thứ nơi trần gian. Gió tốc lên cái ô khiến nó bị lật ngược. Chẳng còn tâm trí mà sửa lại, cậu vứt phăng chiếc ô đi, cố gắng tăng tốc chạy về phía trước.

Căn nhà của bà Tư im lìm như chẳng có sinh linh nào tồn tại trong đó. Hoàng nhẹ nhàng đẩy cửa vào, ngoài tiếng mưa rơi thì không còn nghe được bất cứ âm thanh nào nữa. Không có tiếng ho khó nhọc, không còn hơi thở mệt nhoài nào được phát ra. Cậu như nghe thấy tiếng trống ngực đập dồn dập hòa cùng với tiếng mưa hối hả.

Đi vào buồng ngủ của bà, cảm giác bất an như xâm chiếm cả tâm trí. Bà Tư vẫn nằm trên giường, hơi thở yếu ớt. Miệng há ra như để hớp lấy từng chút không khí.

– Bà Tư! – Cậu vừa gọi vừa tiến sát về phía giường. Bà Tư nghe thấy thì nghiêng đầu nhìn cậu. Cố gắng mở mắt để nhìn rõ hơn.

– Thương… Con đến rồi. – Miệng mấp máy, bà nói bằng chất giọng yếu ớt. Hoàng lắng tai nghe nhưng vẫn không rõ được. Cậu tiến lại gần, ngồi lên giường của bà.

– Bà Tư… Con là Hoàng đây. Bà cố lên, con sẽ đưa bà đến bệnh viện.

– Thương con… Con đến… rồi. – Bà Tư đưa tay sờ lên má Hoàng, miệng mỉm cười. Lúc này bà đã không còn nhận ra được ai với ai nữa. Trước mắt bà chỉ có hình bóng của đứa con gái của mình.

Hoàng không nghe rõ được bà Tư nói gì nên đành áp tai lại gần bà hơn. Chất giọng yếu đuối vang lên:

– Mẹ xin lỗi con! Mẹ sai rồi… Nếu có thể đừng xa mẹ nữa có được không?

– Bà Tư… – Hoàng nghẹn ngào, không kìm nổi dòng nước mắt.

– Mẹ nhớ con lắm! Xin con… Đừng xa mẹ nữa.

Hoàng không biết phải đáp lại như thế nào. Trái tim cậu như có ai đó bóp nghẹt, cảm giác toàn thân thể mình đang chìm trong hố đen.

Bà Tư gắng gượng nói thêm mấy câu nữa. Bà nói đứt quãng, rất khó khăn mới thành lời. Hoàng lắng tai nghe, ghi nhớ từng câu chữ để đến khi hai mẹ con Thương đến thì có thể truyền đạt lại. Cuối cùng cậu không còn nghe thấy gì nữa. Hoàng lặng người, cảm giác bất an dâng lên.

Hơi thở của bà Tư không còn nữa, hai mắt đã nhắm nghiền. Vậy là bà Tư đi rồi, bà đi đến một thế giới tươi đẹp hơn. Chỉ tiếc trước lúc nhắm mắt xuôi tay, bà vẫn không thể nhìn mặt con gái lần cuối.

– Bà Tư! – Giọng cậu có chút run rẩy. Bà Tư đi thật rồi! Khi còn sống chỉ cô quạnh một mình, đến khi mất cũng không có con cái ở bên.

Mọi người trong xóm tổ chức tang lễ và chôn cất bà Tư ngay ngày hôm sau. Mọi chuyện diễn ra thật nhanh, nhanh đến mức khi Thùy cùng bà Thương – mẹ của nàng trở lại xóm thì bà Tư đã nằm yên trong lòng đất.

Biết tin bà Tư đã mất, hai mẹ con đều không giấu được những giọt nước mắt. Bình thường bà Thương không nhắc về bà, thậm chí còn nói rằng bà đã mất. Nhưng từ sâu trong ánh mắt, Hoàng nhận ra bà Thương vẫn còn yêu mẹ mình lắm.

Hoàng đưa hai mẹ con đến mộ phần của bà Tư. Ngày cả khi đã rời khỏi thế gian này, sự lạnh lẽo dường như vẫn cứ đeo đuổi bà Tư khi mà người ta lại chọn chôn cất bà trên một đồng cỏ hoang vu, cạnh một con sông nhỏ. Kể ra thì người dân ở đây vẫn kỵ bà lắm, vì vậy họ đã cố gắng mai táng bà sao cho nhanh nhất có thể.

Hoàng đi trước dẫn đường, hai mẹ con Thùy theo sau. Trong suốt cả quãng đường khó ai nói với nhau câu nào cả. Đến nơi bà Thương liền ngồi khuỵu xuống trên mặt đất, đôi vai run run, đôi mắt ướm lệ, bàn tay vuốt lên tấm bia mộ lạnh lẽo.

– Mẹ ơi!

Tiếng gọi như muốn xé tan cả không gian, đem hết thảy bi thương cùng thống khổ tuôn ra. Thật ra bà Thương vốn đã từng trở lại quê thăm bà Tư, nhưng chỉ dám đứng nhìn từ xa rồi rời đi. Sau này khi đã chồng con đề huề, công việc bộn bề thì không còn quay trở lại nữa.

– Mẹ! Con xin lỗi! Con sai rồi! Đáng lẽ ra không nên bỏ đi, không nên rời xa mẹ. Đáng lẽ ra mấy năm qua con nên về thăm mẹ. Con hết giận mẹ rồi mẹ ơi! Con thật sự rất nhớ mẹ!
Thùy đứng bên cạnh mẹ cũng thút thít khóc theo. Hoàng thấy lòng mình nhói đau, nỗi đau như ấy chạy khắp mọi tế bào. Thật tình giờ đây cậu không biết mình phải nói gì. Có lẽ im lặng là tốt nhất và cứ để khoảng trời này cho những nỗi đau, cho những tiếng khóc thương muộn màng.

Hoàng nhìn ra sự hối hận trong từng câu nói, trong từng nét mặt của bà Thương. Cậu tự hỏi sao trước kia lại không sớm về thăm bà. Nếu vậy thì đâu có đến mức phải như thế này. Mẹ ra đi mà chẳng kịp nhìn mặt con gái, còn đứa con khi quay về thì không còn được gặp lại mẹ mình nữa. Tại sao người ta cứ thích làm khổ nhau để rồi phải tự dằn vặt chính mình?
Cậu đưa mắt nhìn dòng sông đang chảy êm ru, trong lòng mơ hồ có gì đó nhức nhối. Nơi này vốn đã mang trong mình vẻ tịch liêu, bây giờ mọc thêm một nấm mồ càng thêm hiu quạnh. Chẳng biết sau này hương khói có đều đặn, người ta có nhớ trên đời này từng có một người như bà Tư không?

Đôi mắt cay xè, nơi cổ họng ứ nghẹn lại, những xúc cảm rối rắm tựa như những con sóng lăn tăn, không thể nói rõ thành lời. Dường như nước mắt cậu cũng sắp tuôn xuống theo những tiếng nức nở của hai mẹ con Thùy.

Ánh nắng dần gay gắt, tựa như muốn thiêu cháy cả đồng cỏ xanh rờn quanh nấm mồ. Ba người không lâu sau đó cũng rời đi. Ánh mắt tuy còn vương vấn nhưng bước chân thì không thể ngừng lại. Đời người đến cuối cùng cũng hóa thành hư không, chỉ mong khi còn sống người ta biết trân trọng những người bên cạnh mình. Đừng để người đi rồi mới cảm thấy hối tiếc, mới tuôn ra những giọt nước mắt muộn màng.