Chuồng cọp trại 7 Côn Đảo thuộc dạng “chuồng cọp kiểu Mỹ”, mới xây sau năm Mậu Thân (cűng với trại 6).
“Chuồng cọp kiểu Mỹ” được xây quãng cuối những năm 1960 bằng bê-tông cốt thép, lợp mái tôn – để phân biệt với chuồng cọp kiểu Pháp ở các trại 2, 3, 4 với vách đá dầy, âm u.
Thời gian ấy, Mỹ xây hai trại giam ở Côn Đảo: trại 6 dành cho tù nhân nữ, và trại 7 dành cho tù nhân nam.
Trại 7 gồm có tám khu, được đặt tên theo các chữ cái A-B, C-D, E-F và G-H. Cứ hai khu nằm kề nhau, có tường bao quanh, cửa qua lại thường xuyên bị khóa. Tất cả các khu tuy nằm chung trong một khuôn viên lớn, thực ra mỗi khu đều biệt lập: Có giám thị riêng, ban trật tự riêng, sân tắm nắng riêng, giếng nước riêng…
Mỗi khu gồm khoảng 40 phòng, mỗi phòng diện tích đều bằng nhau, dài rộng cỡ 2,5 x 2 m, bình thường nhốt hai người, nhưng cüng có lúc nhồi nhét ba, bốn, thậm chí năm người.
Trại 7 dùng để nhốt số can phạm chính trị, chống chào cờ, chống kỷ luật.
Riêng khu C chủ yếu dùng nhốt tội phạm hình sự từng có nhiều thành tích.
Khu kỷ luật của Chuồng cọp
Nói chủ yếu vì tại khu này trên 90% là tù thường phạm du đãng nổi tiếng đâm thuê chém mướn từng thành danh trong xã hội đen và khi vô tù lại tiếp tục đánh lộn, gây rối, thậm chí giết người, mà theo “dân chơi” là toán “thú dữ” và “có vằn có vện”. Thêm vào đó là số ít tù thường phạm được làm an ninh, trật tự… tại đảo nếu vi phạm nội qui, kỷ luật cűng bị nhốt vào khu C, thường chỉ trong một thời gian ngắn, gọi là để trừng trị.
Ngoài ra, còn có nhiều tù chính trị mới từ đất liền ra đảo chống chào cờ bị đưa vào khu C coi như một hình thức “dằn mặt” cho sợ. Ai chịu nổi sẽ được chuyển qua các khu khác, ai chịu không nổi sẽ phân phối về các trại khổ sai – thường anh em tù chính trị bị tạm nhốt tại khu C chỉ trong thời gian trên dưới một tháng sẽ được phân loại để dời khỏi nơi đây.
Riêng tôi và anh bạn cùng bị bắt chung một vụ, anh Lê Văn Châu, được “chiếu cố” nhốt luôn tại khu C từ khi mới bước chân ra Côn Đảo từ giữa năm 1973 cho đến ngày được giải phóng (Có lẽ vì anh Châu khi trước là sĩ quan quân đội nguỵ đóng tại Côn Đảo sau lại theo cách mạng, còn tôi do lần ở tù trước bị giam tại đảo khi được thả về viết nhiều bài đăng trên báo Tin Sáng lên án chuyện nhà tù Côn Đảo; hơn nữa vụ án của chúng tôi cűng khá đặc biệt).
Cần nói thêm, mãi về sau, đâu khoảng đầu năm 1975, có thêm hai người tù chính trị nữa cũng “thường trú” luôn tại khu C.
Người thứ nhất là ông Trịnh Văn Cẩn tức Tư Cẩn (sau 30-4-75 làm Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Cửu Long), khi ở tù lấy bí danh Tám Lô. Khi đó ông làm Bí thư của số tù nhân ngoài Côn Đảo, được anh em lén lắp ráp cho một radio để nắm tình hình, chẳng may bị lộ, bọn giám thị tống ông vô khu C.
Người thứ nhì là anh Võ Văn Giáo. Anh làm y tá chăm sóc tù nhân tại các khu chuồng cọp – thực ra anh được phân công làm nhiệm vụ này để nắm tình hình, trao đổi liên lạc giữa anh em tù nhân. Nhưng anh bị bọn cai tù phát hiện, và cüng bị đưa luôn vào khu C trại 7.
Đến tận bây giờ tôi vẫn còn nhớ rất rành những tù hình sự vốn nổi tiếng bị nhốt tại khu C cùng với tôi.
Trước hết phải kể đến Biện Thành Huệ tức Huệ Râu, vốn là trung sĩ quân cảnh (nguỵ), bảo kê cho các bar và vũ trường quanh khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, đã bắn chết một lính Mỹ say rượu. Huệ lớn tuổi nhất trong đám, lại nhờ “thành tích” bắn chết Mỹ nên được cả đám nể vì. Rồi Tuấn Đả, tay anh chị nổi đình đám nhất tại các tỉnh Nam Trung Phần (từ Qui Nhơn đến Phan Thiết) dám đâm lòi ruột Sơn trắng ở quân lao Nha Trang để giành chức “đại ca”; Lâm Chín ngón với hai án tù chung thân (do giết hai “đại ca” trong tù là võ sĩ quyền anh Vũ Đình Cường và Hoàng Đầu lâu), Khương Đại, Hải Méo, Hùng Be… Cư ngụ ngắn ngày tại khu C có “tướng cướp cô độc” Điền Khắc Kim, và Nam Lương vốn thuộc đảng cướp “Con Cua Vàng” miền Tây Nam Bộ, sau làm “quân sư” cho Đại Cathay (Điền Khắc Kim trở về đất liền để ra toà xử án, còn Nam Lương hình như được thả).
Có điều lạ là trong khi những tù hình sự “thường thường bậc trung” hay gây sự, chửi bới tù chính trị thì số “đại ca” lại có phần vị nể chúng tôi, giao hảo khá thân mật, đối xử rất phải đạo, tư cách đàng hoàng.
Coi khu đặc biệt này tất nhiên củng phải là những nhân vật đặc biệt. Ngoài giám thị (thường chỉ loáng thoáng có mặt trong giờ hành chính), người trực tiếp chỉ huy khu C từ việc nhỏ tới việc lớn (như mở cửa đóng cửa các phòng để tù nhân luân phiên ra tắm nắng và đổ thùng cầu, chửi mắng và đánh đập tù nhân, đi tuần trên các song sắt vốn là trần cúa chuồng cọp…) là một tù hình sự quân phạm (quân đội nguỵ phạm tội hình sự) tên Kim Sang. Ai củng gọi hắn là Sang lai, bởi hắn lai Miên, da như đồng hun, cao lớn, vạm vỡ. Đặc biệt Sang lai có đôi mắt vàng ệch, mà hắn thường khoe nhờ ăn nhiều gan “Việt Cộng” mắt mới ngả màu như vậy (!). Sang lai hễ mở miệng là chửi bới văng tục, kể cả với tù hình sự. Riêng đối với các “đại ca” cỡ Huế Râu, Lâm Chín ngón, Tuấn Đả hắn tuy có đôi chút nể nang nhưng khi nổi nóng lên cüng chửi thề tuốt luốt.
Các phòng trong khu chuồng cọp được bố trí thành hai dãy đối diện nhau, cửa bằng sắt, chỉ có lỗ thông gió nhỏ bỏ vừa chiếc dĩa để đưa cơm và thức ăn ra vào mỗi bữa. Phía sau phòng, trên cao, có một khoảng trống song sắt hết sức kiên cố để phòng bớt ngột ngạt. Trên phòng không xây kín mà là song sắt chạy dài, có lối đi: Khi nào cần đàn áp, giám thị và an ninh trật tự chỉ việc từ phía trên rải vôi bột xuống, đố tù nhân tránh thoát. Cách lớp song sắt phía trên này khoảng 1,5-2 mét là mái tôn.
Tù nhân ở trong phòng bị đóng cửa suốt ngày đêm, chỉ được mở khóa ra sân mỗi ngày khoảng một giờ để “tắm nắng” theo từng nhóm phòng.
Điều cần tranh thủ làm chính trong khoảng thời gian “tắm nắng” này là rửa thùng cầu – mỗi phòng đều có một thùng cầu đóng bằng gỗ, trét nhựa đường; tù nhân đi cầu, đi tiêu trong đó để giờ tắm nắng mang ra đổ, rửa, úp phơi khô – và tắm, giặt. Với các “đại ca”, có khi được bọn trật tự khu cho ưu tiên, tắm nắng khoảng 1g30-2 giờ, đi qua đi lại, vung tay vung chân cho dãn gân cốt.
Cũng như những khu khác trong trại 7, mỗi “chuồng cọp” tại đây gồm một bể xi-măng chiếm phân nửa diện tích. Mỗi phòng thường nhốt hai người, một nam trên bể, một nằm dưới sàn. Các phòng thường uyên bị xáo trộn, đổi người qua lại (có lẽ để tránh bàn chuyện vượt ngục), cho nên trong suốt khoảng hai năm nằm tại khu C, tôi gần như ở chung với tất cả số tội phạm hình sự. Cũng nhờ đó, tôi nắm được khá nhiều tư liệu về anh em giang hồ hồi trước 1975 để sau này có nhiều dịp thể hiện trên mặt báo.
Với khoảng 40 phòng, khu C thường giam giữ trên dưới 80 tù nhân. Như trên đã nói, trần các phòng, ngay phía dưới mái tôn là hàng song sắt để bọn trật tự coi khu có thể đi lại trên đó. Cũng vì vậy, người ở trong phòng nếu nói lớn tiếng, các phòng chung quanh và đối diện (tổng cộng khoảng 12-15 phòng) đều có thể nghe được.
Không rõ tại các chuồng cọp khác, anh em tù học và dạy học những gì, riêng tại khu C, thời gian tôi ở chung với anh Giáo, anh dạy tôi chữ Hán (anh vốn làm nghề thấy thuốc Bắc, viết chữ Hán rất đẹp, biết cả kiểu chữ thảo) và châm cứu. Còn tôi dạy anh tiếng Pháp và toán trung học đệ nhị cấp. Tôi tự học tiếng Anh và tiếng Pháp, thời gian này học từ vựng trong tự điển là chính. Chúng tôi cũng dạy nhau những bài thơ, bài hát về cách mạng hoặc những bài thơ hay mà mới chỉ một trong hai người thuộc.
Còn khi bị nhốt chung phòng với anh em tù thường phạm, anh em dạy tôi… đánh lộn. Đúng là đánh lộn chớ không phải võ, vì hầu hết anh em không phải võ sư hay võ sĩ gì cả, mà chỉ chuyên đánh lộn với các thế võ “sát thủ” theo kiểu học mót, miễn sao thắng được đối thủ. Thôi thì đủ cả: bẻ tay, bẻ chân, khóa cổ, giật cùi chỏ, lên đầu gối, móc mắt, vặn tóc… Và lại muốn học bài bản củng không thể vì không gian chuồng cọp quá hẹp không thể đi quyền hoặc tung những đòn cước liên hoàn. Thực ra tôi học đánh lộn cho qua thời gian, vận động thân thể và để “ông thấy vui” là chính.
Phần tôi, tôi củng dạy anh em học văn hóa: tiếng Pháp, tiếng Anh tuỳ người muốn học; nếu không, tôi đọc truyện Kiều, kể chuyện võ hiệp, qua đó phân tích cho anh em nghe cái hay cái đẹp của văn chương; những hành động trọng nghĩa khinh tài, đối xử phải đạo của giới võ lâm. Được cái trí nhớ tôi cũng khá tốt, tôi kể tương đối hấp dẫn nên anh em rất thích nghe. Vả lại trong tù vốn chẳng có gì để giải trí nên kể chuyện dài nhiều tập được coi là một thú tiêu khiển “giết thời gian” mà ai nấy đều thích và gọi là “quay phim”.
Tôi còn nhớ những bộ truyện dài như Tam Quốc Diễn Nghĩa, Thuỷ Hử, nhất là các tập võ hiệp của Kim Dung như Cô gái Đồ Long, Anh hùng xạ điêu, Thần điêu đại hiệp, Tiếu ngạo giang hồ, Lục mạch thần kiếm, Lộc đỉnh ký… tôi đều phải kể trên dưới một tháng mới xong. Mà thời gian kể mỗi ngày hầu như cố định: Sau khi đóng của phòng biệt giam buổi tối túc 6 giờ, đến khi giới nghiêm túc 9 giờ.
Cứ sau khi ăn cơm chiều xong được một lát, các phòng biệt giam bị khóa hết, tôi nằm ngửa, vận “nội công” vào ngực, bắt đầu “quay phim” – nếu không, các phòng gần đó thế nào cüng nhắc nhở, thúc giục cho bằng được.
Thực ra, không cần nhớ nguyên văn 100% câu chuyện, chỉ cần trên 50% là được rồi. Tả tình, tả cảnh, tả người tôi tha hồ thêm thắt, dậm mắm dậm muối, thậm chí… bịa đại. Các thế võ cũng vậy: Đố ai phân biệt được Võ Tòng đã “Ngọc hoàn bộ uyên ương cước”, “liên hoàn tam cước” hay “kim kê độc lập cước” khi nghe kể “Võ Tòng nhảy vọt lên, vung hai chân liên tục vun vút tung đòn chân nọ chưa kịp thu về chân kia đã đá ra, chỉ nghe tiếng gió rít lên cũng đủ biết công lực mạnh biết chừng nào, tốc độ đã nhanh biết chừng nào và trước khi Võ Tòng hạ thân mình xuống đất trở lại đã đá tổng cộng chân phải 7 cước còn chân trái 6 cước”. Và họa có trời mới kiểm chứng nổi có đúng là Trương Vô Kỵ sử dụng thế võ phi thân đẹp mặt chân truyền của phái Võ Đang “thế vân tung” hay đã biến thành “vân long tam hiện” khi nghe lời kể “Vô Kỵ lập tức dậm chân, thân hình bay bổng, lộn ba vòng trên không trông không khác nào con rồng bay trong đám mây ẩn ẩn hiện hiện, thân pháp khinh linh khiến ai nấy đều lắc đầu lè lưỡi khâm phục, đến nỗi có người lè lưỡi quá dài hai ngày sau mới rụt vô lại được”.
Có khi nghe bịa đại vậy rồi tưởng tượng ra còn sướng hơn cả đọc sách, nhất là khi ngồi một mình giữa bốn bức tường trong biệt giam chuồng cọp.
Giữa giờ, tôi tự cho mình được quyền “nghỉ giải lao” tuỳ ý, khi nào cảm thấy mệt, thường là lúc câu chuyện đang hấp dẫn. Thế là anh em tù nhân nào có quà do người nhà gởi thăm nuôi đều nhờ số tù trật tự (không bị giam vô biệt giam mà tự do đi lại phía bên trong trại) mang qua “bồi dưỡng” cho tôi. Số tù trật tự này cũng rất khoái nghe tôi kể chuyện.
Tôi còn nhớ, sau khi kể xong Lộc đỉnh ký, tôi bỏ ra nguyên một buổi tối phân tích nhân vật chính Vi Tiểu Bảo. Vì thính giả hầu hết là dân chơi, tôi nhấn mạnh đến khía cạnh nghĩa khí giang hồ của gã họ Vi: Làm gì thì làm, lừa đảo ai thì lừa đảo, nhưng một khi đã kết nghĩa anh em (chớ chưa nói đến đã nhận làm sư phụ như Trần Cận Nam; Cửu Nạn sư thái hay vua Khang Hy) thì không bao giờ tráo trở; lại hết lòng cứu giúp chẳng hạn đối với Tang Kết (dù chỉ là kết nghĩa bất đắc dĩ) hay Dương Dật Chi; và hễ đã hứa là lấy chữ tín làm đầu, không hề lật lọng bao giờ. Thêm làm gì thì làm, gã họ Vi luôn “chơi đẹp” với bất cứ ai.
Chính nhờ kể chuyện, học và tự học, anh em giang hồ trở nên thân quen, có cảm tình với tôi. Tôi nhớ khi tôi chẳng may bị liệt chân, một tay du đãng tại khu C là Hùng Be chuyên cõng tôi ra tắm nắng.
Cũng chính nhờ vậy, thời gian dường như trôi qua nhanh hơn đối với anh em tù nói chung, với anh em bị nhốt trong chuồng cọp nói riêng.
Do khu C chủ yếu nhốt tù hình sự, nên mọi tin tức về tình hình chính trị bên ngoài, nếu anh em tù chính trị ở các khu khác có nắm được, cũng ít khi thông báo tới đây. Và lại, đường dây liên lạc của anh em tù chính trị cũng rất khó thâm nhập khu C.
Đêm 30 – 4 tại khu C
Những ngày cuối tháng 4-1975, nằm trong khu C, chúng tôi (lúc ấy tôi đang nhốt chung phòng với anh Võ Văn Giáo) vẫn chưa hay biết một chút nào về tình hình chiến sự bên ngoài.
Chúng tôi chỉ ghi nhận hai điều là: Thứ nhất là cả bọn trật tự khu, kể luôn Sang lai, cũng đều bị cấm ra khỏi khu C (trước giờ chúng thường được đặc cách cho ra khỏi khu, khỏi trại – trừ ban đêm – để dạo phố Côn Đảo, mua đồ ăn thức uống, thăm bạn bè…). Sau này tôi mới đoán chừng có lẽ bọn giám thị sợ số trật tự nắm được tình hình bất lợi cho bọn chúng sẽ nói lại với anh em tù chính trị. Thứ hai, tuy nằm trong trại biệt giam nhưng vẫn nghe tiếng máy bay gầm rú, hình như lên xuống liên tục tại sân bay Côn Đảo. Mãi đến sau ngày giải phóng, tôi mới nghe kể lại, vào ngày 28 hoặc 29 – 4 gì đó, trong số máy bay lên xuống có một trực thăng từ đất liền bay ra, thả xuống ngay giữa thị trấn Côn Đảo mảnh vải lớn có hàng chữ ghi nội dung vắn tắt Sài gòn đã thất thủ, mạnh ai nên tự tìm đường nấy trốn.
Khoảng tám giờ tối 30 -4, chúng tôi nghe văng vẳng hình như bên phía mấy khu khác của trại 7 có tiếng thông báo, nhưng tiếng được tiếng mất. Lúc ấy chân phải tôi bị liệt, đi lại rất khó khăn, nên anh Giáo bàn với tôi, tôi ráng đứng trụ để anh leo lên vai tôi, hóng tai ra ngoài nghe thử (như đã mô tả, phía sau mỗi chuồng cọp đều có khoảng trống nhỏ thông hơi với nhiều song sắt. Tù nhân thường đòng đòng nhau cố đưa miệng qua khoảng trống này để thông báo tình hình cho nhau). Tuy nhiên anh Giáo dù dỏng tai cố nghe, vẫn tiếng được tiếng mất không rõ anh em nói những gì.
Bọn tù thường phạm bị những tiếng nói vang vang kia quấy phá, cộng thêm nỗi bực tức vì bị nhốt cả tuần nay khiến chúng lớn tiếng chửi thề và hăm dọa. Tôi không tiện ghi hết những lời thô tục của bọn chúng, chỉ xin nói đại khái “Câm họng cho ông ngủ” “Ngày mai ông sẽ cho biết tay” “Bộ chúng mày hết muốn sống rồi hay sao”, v.v… Những tiếng chửi thề và lời lẽ hung hăng của chúng chứng tỏ quả thật chúng không hay biết gì về những diễn biến của thời cuộc bên ngoài. Tất cả những sự ồn ào, nhộn nhạo này khiến chúng tôi không thể nào nhắm mắt nổi. Anh Giáo và tôi suy đoán đỉ thứ, nhưng không hề nghĩ rằng miền Nam đã hoàn toàn được giải phóng vào lúc ấy.
Đến khoảng quá nửa đêm, những tiếng ồn ào ngày càng vang lên từ xa xa, mơ hồ hình như có tiếng la “Giải phóng rồi! Giải phóng rồi!” Anh Giáo và tôi còn đang bán tín bán nghi thì tiếng ồn ào càng lúc càng lại gần, càng rõ hơn. Rồi, chúng tôi không dám tin ở tai mình, và ngay cả mắt mình nữa: Tiếng loảng xoảng mở cửa khu C, rất nhiều người ùa vào. Có tiếng ai đó hỏi “Anh em tù chính trị ở phòng nào?”. Chúng tôi vừa lên tiếng đã thấy khóa phòng mở toang…
Từ đó cho đến tận mấy ngày sau, tôi như sống trong giấc mơ. Mọi diễn biến quá nhanh khiến tôi không kịp suy nghĩ, trí óc cứ bồng bềnh, phiêu lãng tận đâu đâu. Tôi chỉ còn nhớ lập tức tôi được dìu ra bệnh xá, thuốc men, ăn uống chăm sóc tối đa. Trong khi những anh em tù chính trị mới được thả ra tung tăng đi lại khắp Côn Đảo, dự mít-tinh, giữ trật tự, bắt bọn giám thị tống vô trại giam… thì tôi nằm bẹp một chỗ, những anh em quen biết tới thăm hỏi, quà cáp liên tục.
Tôi còn nhớ rõ, vừa khi ấy Côn Đảo hình như bắt được một tàu đánh cá hay sao đó, đem lên không biết bao nhiêu cá ngừ và cá thu mang nướng, rời bắt được vích (rùa biển) nấu cà-ri, giết heo, mổ bò, thức ăn dồi dào không cách nào ăn hết, ăn cho bỏ những ngày chỉ toàn cá khô mục đắng nghét hoặc mắm kho lõng bõng nước. Đã thế, số anh em nằm bệnh xá còn được chăm sóc đặc biệt bằng cách làm thịt một chú cẩu gọi là để “bồi dưỡng”.
Nằm chữa và dưỡng bệnh, tôi nghe kể vô số chuyện thú vị về Côn Đảo những ngày đầu giải phóng. Nào giám thị trưởng Nguyễn Văn Thà tức Ba Thà bắn súng vào đầu tự sát ngay tại nhà riêng. Nào Chín Khương, trưởng ban chuyên môn tại Côn Đảo (ban giám thị chuyên theo dõi, đàn áp và đánh đập tù chính trị), dùng thuyền nhỏ chạy tuốt ra hòn Bãi Cạnh nhưng bị anh em đuổi theo bắt được, nhốt vô chuồng cọp (đúng là ác giả ác báo!)… Rồi chuyện bọn địch có chỉ thị ném vô mỗi chuồng cọp một trái lựu đạn để tiêu diệt hết anh em, nhưng nhờ cha xứ nhà thờ Côn Đảo, một đại úy địa phương quân (ngụy), và một giám thị tốt bụng nên âm mưu độc ác này đã không thể thực hiện…
Riêng số tù hình sự ở chung khu C trại 7 với tôi, tôi bẵng đi quên không hỏi đến và cũng không nghe ai nói đến. Thực ra, vào thời điểm lịch sử như vậy, nào ai để ý tới chuyện lặt vặt của mấy anh chàng du đãng đang bị nhốt?
Bản thân tôi, như đã nói, như sống trong giấc mơ cho đến ngày có hai chiếc tàu của hải quân Trung Quốc cập bến Côn Đảo để chở tù chính trị về đất liền. Sức chứa mỗi tàu chỉ khoảng 150 người, mà tù chính trị tại Côn Đảo lên tới hơn 5.000 người thì làm sao chở hết. Cho nên, trên hai chuyến tàu đầu tiên rời đảo chỉ ưu tiên cho những anh chị em bệnh tật, già yếu, trong đó có tôi.
Tàu thả neo tại Vũng Tàu, ngay bên cảng Rạch Dừa, xe hơi đón anh chị em về Sài gòn. Nhưng khi mới giải phóng, cầu Cỏ May bị đánh sập chưa sửa kịp nên phải “tăng-bo” qua khúc sông này. Vì vậy, số ít anh chị em do bệnh quá nặng hoặc đi lại khó khăn được đưa vô bệnh viện Vũng Tàu điều trị, chờ thuyên giảm mới về Sài gòn sau. Số này chỉ đâu khoảng hơn 20 người, và do đó tôi tiếp tục vô nằm bệnh viện Vũng Tàu…
Số phận của tù nhân du đãng trong Chuồng cọp
Mãi sau này, gặp lại Huế Râu, Hùng Be tại thành phố Hồ Chí Minh, tôi mới nghe kể lại tình hình của khu C ngay sau ngày giải phóng.
Tù chính trị trong khu C được thả ra, còn số tù hình sự đương nhiên vẫn bị nhốt trong Chuồng cọp. Mọi sinh hoạt của số tù nhân này vẫn diễn ra bình thường, có điều ngay qua ngày hôm sau, anh em tù hình sự mà cầm đầu là các “đại ca” bắt Sang lai trả món nợ máu. Họ hoà một chén gồm phân và nước tiểu, bắt Sang lai quì xuống, ra điều kiện: Hoặc hắn phải uống hết chén nước rất mất vệ sinh đó, hoặc chịu bề hội đồng (nghĩa là xúm nhau đánh cho thừa sống thiếu chết). Sang lai hết khóc lóc lại lạy như tế sao van xin tha tội, nhưng cuối cùng không còn cách nào khác đánh ục một hơi hỗn hợp trong chén!
Rồi có lẽ do anh em tù chính trị quá lo “đại sự”, chỉ đối phó với bọn giám thị trại giam và vô số công việc hành chánh khác mà quên phắt số tù hình sự này và mặc kệ bọn họ muốn làm gì thì làm. Vậy là bọn họ chia thành hai “trường phái”: Một cứ mặc kệ, sống tà tà chờ mọi chuyện tới đâu thì tới. Huế Râu, Lâm Chín ngón thuộc nhóm này. Một nhân cơ hội tranh tối tranh sáng rủ nhau phá kho tang vật, cướp bóc đồ đạc, lên núi tim cách kết bè trốn về đất liền. Tuấn Đả, Khương Đại, Hải Méo cầm đầu nhóm này.
Kết quả nhóm thứ hai phá được kho tang vật, lấy đi khá nhiều tiền bạc, đồng hồ, nữ trang… mà tù nhân buộc phải ký gởi tại kho một khi vừa bước chân lên Côn Đảo. Cướp được đồ, bọn chúng hí hửng trốn vào rừng núi Côn Đảo. Nhưng Côn Đảo vốn hẹp, chỗ đâu mà trốn? Lại nữa vô núi đào đâu ra thực phẩm, nước uống? Đóng thuyền kết bè nào phải ngày một ngày hai? Chẳng mấy lúc, bọn chúng lần lượt bị bắt sạch không còn một mống. Và theo chế độ quân quản khi ấy, tất cả bọn chúng đều bị mang ra xử bắn.
Nhóm thứ nhất gần như sau đó đều được xét thả tự do, trừ Lâm Chín ngón do mang hai án tù chung thân nên tiếp tục bị ở tù, bị đưa ra ngoài Bắc nhốt chung với 12 viên tướng chế độ cũ để học tập cải tạo.
Mãi hơn 10 năm sau, Lâm Chín ngón mới được thả về. Nhưng đó lại là một câu chuyện khác mà tôi sẽ kể sau…
Mãi tới bây giờ, thỉnh thoảng trong những giác mơ tôi vẫn thấy mình bồng bềnh nằm trong chuồng cọp khu C trại 7 Côn Đảo cùng sống chung với số tù hình sự, có lẽ do những hình ảnh này đã ăn sâu vào tiềm thức, chiếm một vị trí nhất định nào đó trong bộ nhớ của tôi, không có cách nào xóa sạch.