Thời kỳ Chiến Quốc cách đây khoảng 2500 năm trước, danh tướng Tôn Tử (545 TCN – 470 TCN) đã để lại một bộ binh thư “Binh pháp Tôn Tử” có ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều đời sau.

Binh pháp Tôn Tử
(Hình ảnh: Qua kor.theasian.asia)

Sự ảnh hưởng sâu rộng của “Binh pháp Tôn Tử”

Bộ binh thư này không chỉ là sách gối đầu giường của nhiều lão tướng thời xưa nhằm thấu hiểu nghệ thuật chiến trường, mà còn là cuốn sách yêu thích của rất nhiều doanh nhân nổi tiếng trên thế giới thời nay. Hơn nữa, những bài học của Tôn Tử còn có giá trị ứng dụng rất cao trong cuộc sống, dù đã trải qua một thời gian rất dài. Đặc biệt, các doanh nhân người Nhật Bản rất thích nghiên cứu những trí tuệ được ẩn chứa trong “Binh pháp Tôn Tử”.

Ở Nhật Bản, “Binh pháp Tôn Tử” có thể được đánh giá là “trường thịnh mãi không suy”. Nó có ảnh hưởng sâu rộng đến người dân Nhật Bản. Vậy vì sao “Binh pháp Tôn Tử” là bộ binh pháp xuất sinh vào thời chư hầu cắt cứ, thời kỳ Xuân Thu Chiến Quốc chiến tranh không ngừng ở Trung Hoa nhưng lại ảnh hưởng sâu rộng ở Nhật Bản?

Các nhà nghiên cứu lịch sử Trung Quốc của Nhật Bản phân tích rằng: Trong xã hội kinh doanh Nhật Bản ngày nay, mỗi cá nhân và xí nghiệp đều cạnh tranh gay gắt mà những tư tưởng, chiến lược của Tôn Tử là siêu việt thời không, biên giới. Bởi vậy mà nhiều doanh nhân Nhật Bản đều muốn linh hoạt vận dụng những trí tuệ này. Tuy nhiên, điều họ quan tâm không phải chỉ là “phương pháp chiến thắng” mà họ tôn trọng đạo lý mà Tôn Tử đề xướng “Không chiến mà thắng mới là cảnh giới cao nhất của binh gia”. Chính tư tưởng này khiến nhiều nhà kinh doanh mềm dẻo hơn, biết tiến lui linh hoạt hơn.

Hơn nữa, một quyết định của người kinh doanh có ảnh hưởng đến mấy ngàn, thậm chí mấy vạn công nhân cùng với tiền đồ tương lai của xí nghệp. Cho nên, để ra được một quyết định trọng đại họ không thể không cân nhắc, do dự. Lúc này, rất nhiều người kinh doanh tìm kiếm linh cảm và trí tuệ trong “Binh pháp Tôn Tử.”

“Không đánh mà thắng” mới là cảnh giới cao nhất

Binh pháp Tôn Tử
(Hình ảnh: Qua pinterest)

Dưới đây xin trích dẫn một số câu kinh điển trong “Binh pháp Tôn Tử” rất hữu ích trong làm việc, kinh doanh và đối nhân xử thế.

1. “Binh vô thường thế, thủy vô thường hình, năng nhân địch biến hóa nhi thủ thắng giả, vị chi thần.” ý nói, dụng binh tác chiến phải giống như nước chảy, không có hình thức cố định, có thể căn cứ vào tình hình biến hóa của địch mà giành thắng lợi, đây cũng được gọi là “dụng binh như Thần”.

Tôn Tử cho rằng, tình thế trên chiến trường thay đổi khôn lường, không nên câu nệ vào bất kỳ một hình thức tác chiến nào, cũng giống như nước vốn không có hình thái cố định, rót vào bình tròn thì nước hình tròn, vào bình vuông thì nước hình vuông. Trong cuộc sống cũng vậy, nhiều khi tình thế còn nguy hiểm, gian nan hơn cả trên chiến địa. Người cơ trí, linh hoạt, chủ động ứng phó, không máy móc giáo điều, rập khuôn cách cũ mới có thể thành công.

2. “Tri khả dĩ chiến dữ bất khả dĩ chiến giả, thắng.”, ý nói người làm tướng mà biết lúc nào, kẻ địch nào có thể đánh và không thể đánh thì có thể thắng trận.

Trong cuộc sống, người biết tiến biết lùi, biết nhanh biết chậm, hiểu rõ thực hư, xét việc rõ ràng, tỉnh táo minh bạch, không cố chấp bảo thủ, mới đương đầu được với những tình thế hiểm hóc; nguy khốn nhất, mới có thể định tâm vững vàng trước thử thách, phong ba.

3. “Công kì vô bị, xuất kì bất ý.” ý nói, tấn công nhân lúc kẻ địch không có phòng bị, dùng phương thức tấn công kẻ địch không ngờ tới thì có thể thắng trận.

4.  “Tri bỉ tri kỷ, bách chiến bất đãi.” ý nói biết địch, biết ta thì trăm trận cũng không gặp nguy. Tôn Tử giảng: Biết địch biết ta thì trăm trận không nguy, biết ta mà không biết địch thì trận thắng trận bại, không biết địch không biết ta thì trận nào cũng bại.

Trong cuộc sống, việc “biết mình biết người” là vô cùng quan trọng. Khi đã hiểu rõ đối phương, hiểu rõ mình thì mưu kế mới sáng tỏ, sách lược cũng rõ ràng. Không biết người, chỉ biết mình thì hoá thành tự phụ, biết người mà không biết mình lại hoá thành tự ti, không biết người cũng không biết mình thì chính là ngu tối.

5. “Phu vị chiến nhi miếu toán thắng giả, đắc toán đa dã. Vị chiến nhi miếu toán bất thắng giả, đắc toán thiểu dã” ý nói, lẽ thường, trước khi bắt đầu chiến tranh mà nhắm chiến thắng, là do kế hoạch mưu tính được chuẩn bị chu đáo; trước khi bắt đầu chiến tranh mà nhắm không thắng, là do kế hoạch không chuẩn bị cẩn thận.

Trong cuộc sống cũng vậy, phàm là việc gì, trước khi thực thi đều cần phải phân tích chặt chẽ,  nắm rõ về hoàn cảnh, chuẩn bị phương án kỹ càng, tránh làm một cách qua loa thì mới có cơ hội đạt được kết quả mong muốn.

6. “Bách chiến bách thắng, phi thiện chi thiện giả dã; bất chiến nhi khuất nhân chi binh, thiện chi thiện giả dã”, ý nói đánh đâu thắng đó không được gọi là cao minh nhất, không thông qua chiến tranh mà khiến kẻ địch đầu hàng mới là cảnh giới cao nhất của binh gia. Đây là câu nói phản ánh nội dung quan trọng nhất trong tư tưởng binh gia của Tôn Tử. Tôn Tử chỉ coi chiến tranh là biện pháp hạ sách nhất, động binh là chiến lược bất đắc dĩ phải dùng mà thôi.

Tôn Tử nói: Trong phép dùng binh, có thể khiến cho toàn bộ nước địch đầu hàng là thượng sách, đánh tan tành nước ấy chỉ là thứ sách. Có thể khiến toàn quân đội địch đầu hàng là thượng sách, đánh tan tành quân đội địch chỉ là thứ sách. Có thể khiến cả đơn vị địch đầu hàng là thượng sách, phá vỡ đơn vị đó chỉ là thứ sách. Có thể khiến tất cả binh lính địch đầu hàng là thượng sách, đánh giết tất cả chỉ là thứ sách. Có thể khiến toàn bộ quân ngũ đầu hàng là thượng sách, phá vỡ quân ngũ của địch chỉ là thứ sách. Cho nên, để đánh thắng quân địch, tài trí nhất là biết dùng mưu, thấp hơn thì dùng các biện pháp ngoại giao, thấp hơn nữa là dùng vũ lực, hạ sách nhất mới phải đánh.

Theo Tôn Tử, xem ra, chỉ cần chuẩn bị ổn thỏa các phương diện, có lực lượng áp đảo đối phương, đặc biệt là khiến đối phương nhận thức được rằng một khi chiến sự xảy ra thì đối phương nhất định thất bại là đã có thể thắng. Cho nên, theo Tôn Tử, việc phải dùng đến giao chiến để khiến đối phương khuất phục không phải là mục đích. Trong binh gia hay trong cuộc sống cũng vậy, đây mới là cảnh giới cao nhất, là thắng lợi hoàn mỹ nhất.

An Hòa (dịch và t/h)