Khi sửa chữa nhà kho ở tầng hầm tòa cao ốc văn phòng năm 2006, đội thi công phát hiện một thi thể như xác ướp trong đường ống thông gió.

Nạn nhân bị nhét vào sâu hơn chục mét trong ống có đường kính 50 cm, dưới tầng hầm B2 của tòa nhà Bắc Hằng, thành phố Bắc Kinh.

Từ chiếc váy hai dây màu đỏ và áo ngực màu trắng vẫn còn nguyên vẹn, cảnh sát phán đoán thi thể là phụ nữ.

Theo khám nghiệm pháp y, cô gái tuổi từ 18 đến 22, đầu và mặt bị đập mạnh bằng dụng cụ cùn, dẫn đến thương tích nghiêm trọng, khuôn mặt biến dạng. Bác sĩ pháp y cũng phát hiện nạn nhân có dấu hiệu bị cưỡng hiếp trước khi chết, nhưng thời điểm tử vong đã quá lâu nên không thể kiểm tra ADN.

Nạn nhân sơn móng tay và chân, mặc trang phục tương đối cao cấp, bên cạnh thi thể còn tìm thấy một chiếc túi nhỏ của nhãn hiệu xa xỉ nổi tiếng, trong túi có một số mỹ phẩm nhưng không thấy ví hay tiền mặt. Một hóa đơn mua sắm ghi năm 1999 cũng được tìm thấy trong túi.

Điều tra viên xác định nạn nhân tử vong từ khoảng 7 năm trước, tức là trước hoặc sau khi tòa nhà được hoàn thành vào năm 1999. Thi thể cô bị nhét vào ống thông gió dưới tầng hầm, bị quạt gió công suất lớn thổi khô.

Vị trí ống thông gió giấu thi thể rất khuất, bình thường không ai trèo vào kiểm tra nên không phát hiện. Lần này, nếu không đại tu toàn bộ đường ống của tòa nhà, thi thể sẽ vẫn nằm trong bóng tối.

Mốc thời gian nạn nhân bị sát hại khiến cảnh sát nhớ đến một vụ mất tích bí ẩn xảy ra cùng năm. Vào tháng 10/1999, Quách Hiểu Duyệt, nữ nhân viên văn phòng 19 tuổi, biến mất ngay trong tòa nhà này.

Duyệt là tiểu thư nhà giàu, thường mặc hàng hiệu và đi xe riêng. Cô được nhiều người theo đuổi vì vẻ ngoài ưa nhìn, tươi trẻ. Công ty của Duyệt có văn phòng trong tòa nhà Bắc Hằng.

Nạn nhân Quách Hiểu Duyệt. Ảnh: Zhihu

Nạn nhân Quách Hiểu Duyệt. Ảnh: Zhihu

Ngày 6/10/1999, khi đang ăn tối cùng gia đình, Duyệt nhận được cuộc gọi từ công ty, giục cô đến văn phòng hỗ trợ. Đêm đó Duyệt không về nhà, điện thoại di động tắt máy, bố mẹ tưởng cô phải tăng ca qua đêm. Sáng hôm sau vẫn không liên lạc được với con, gia đình hỏi thăm thì được biết tối qua Duyệt không đến công ty.

Người thân phát hiện ôtô của Duyệt ở bãi đậu xe tầng hầm B1 của tòa nhà. Trong xe không có ai, không có dấu vết trộm cắp. Từ camera giám sát duy nhất ở lối vào bãi đậu xe, họ thấy Duyệt lái xe vào lúc hơn 21h tối qua, sau đó biến mất.

Khoảng cách từ chỗ Duyệt đỗ xe đến cầu thang bộ dẫn lên tầng một chỉ khoảng 50 m. Khi đó bãi đậu xe tòa nhà không có thang máy, phải đi bộ lên tầng một. Sau nhiều lần tra xét, cảnh sát không phát hiện tình huống bất thường nào. Họ tìm kiếm tất cả các tầng của tòa nhà nhưng không thấy gì.

Sau khi thi thể nữ được phát hiện trong ống thông gió, bố mẹ Duyệt nhận ra con qua chiếc váy và các di vật. Xét nghiệm ADN sau đó xác thực thi thể là Duyệt.

Bảy năm trước, cảnh sát và gia đình đã không khám xét kỹ nhà kho ở tầng hầm B2. Tầng hầm B2 vốn bị khóa lại vì cải tạo trái phép, một tháng cử bảo vệ kiểm tra một lần để đề phòng rò rỉ điện nước. Chỉ có chủ sở hữu tòa nhà và nhân viên bảo vệ phụ trách tuần tra tầng hầm mới có chìa khóa. Gia đình Duyệt từng được một bảo vệ hơn 60 tuổi họ Ngô mở cửa dẫn vào kiểm tra, nhưng không xem xét các đường ống.

Cảnh sát nhận định hung thủ rất quen thuộc hoàn cảnh ở đây. Hắn vào được tầng hầm B2 vốn bị khóa, giấu thi thể sâu trong đường ống thông gió cách mặt đất hơn 1 m, nằm trong góc kín đáo, không có đèn, bên ngoài còn có một tấm lưới sắt. Những người bình thường sẽ không biết lưới sắt có thể kéo xuống.

Qua thẩm vấn, cảnh sát tìm được nghi phạm đầu tiên là cấp trên của Duyệt, tên Trương Nhạc Hòa. Một nữ đồng nghiệp cho biết, Hòa bắt cô gọi Duyệt đến công ty tăng ca, sau đó anh ta chạy xuống bãi đậu xe chờ Duyệt đến. Hòa rời văn phòng khoảng 30 phút, lúc quay lại nói không thấy Duyệt.

Nghe tin Duyệt mất tích, Hòa lập tức bảo hai nhân viên không được nói lung tung, đặc biệt không được đề cập đến việc anh ta đã rời văn phòng trong 30 phút. Hai cô gái trẻ sợ vướng vào rắc rối nên che giấu thông tin. Sau đó, họ nghe nói Hòa từng theo đuổi Duyệt dù gấp đôi tuổi cô và đã có gia đình, bị cô cự tuyệt.

Tuy nhiên, đối chiếu thời gian, cảnh sát thấy không khớp. Duyệt nhận được cuộc gọi vào khoảng 19h, rời nhà sau 21h. Video giám sát cho thấy cô lái xe vào hầm lúc khoảng 21h40. Hòa xuống lầu lúc 21h10 và lên lầu lúc 21h40. Thời gian giao cắt giữa hai người chỉ là vài phút. Dẫu Hòa gặp được Duyệt, anh ta cũng không thể cưỡng hiếp và giết chết cô gái chỉ trong 3-4 phút, sau đó kéo xác xuống tầng B2 và nhét vào ống thông gió, sẽ mất ít nhất 20 hoặc 30 phút để hoàn thành tất cả việc này.

Theo hai nhân viên, Hòa không có biểu hiện gì bất thường sau khi trở lại văn phòng, bề ngoài vẫn chỉn chu.

Sau khi loại bỏ nghi vấn với Hòa, cảnh sát kiểm tra những người cầm chìa khóa nhà kho tầng hầm B2.

Ngoài chủ sở hữu tòa nhà và ông Ngô, một người khác cũng có chìa khóa là chủ thầu họ Lư. Lư phụ trách giám sát thi công tầng B2, có chìa khóa nhưng không giao nộp lại. Tuy nhiên, có nhiều người làm chứng rằng tối đó Lư và chủ tòa nhà cùng chơi mạt chược, không có thời gian gây án.

Trong khi đó, ông Ngô từng bị đột quỵ vào năm 1998. Trong thời gian Duyệt bị hại, ông vẫn còn di chứng liệt nửa người, đi lại khó khăn, một tay không thể tự do cử động.

Cảnh sát được ông Ngô cung cấp một manh mối quan trọng. Vào đêm án mạng, ông tuần tra bãi đậu xe, phát hiện ba công nhân đi loanh quanh hút thuốc với biểu cảm kỳ lạ. Ông biết một trong số đó là Triệu Đức Cường, khoảng 20 tuổi, là công nhân xây dựng. Để hoàn thiện công trình, chủ thầu gọi công nhân đến thi công vào ban ngày, ban đêm nghỉ ở các lán gần đó.

Khi ông Ngô hỏi, Cường nói họ vừa uống rượu, xem phim khiêu dâm nên giờ không ngủ được, muốn tìm gái mại dâm.

Ngày hôm sau, khi nghe tin Duyệt mất tích, ông Ngô có chút nghi ngờ ba công nhân nọ nhưng không báo cảnh sát vì sợ bị trả thù.

Cảnh sát bắt giữ Cường, hiện vẫn làm việc cho chủ thầu Lư. Ban đầu anh ta phủ nhận, nhưng sau đó thừa nhận đã cưỡng hiếp và giết chết Duyệt dưới sức ép từ cảnh sát. Cường khai ra hai người còn lại là Vương Phúc Minh và Dương Quang Hoa.

Theo lời khai, sau khi gặp ông Ngô, cả ba định rời đi thì bắt gặp Duyệt vừa xuống xe. Thấy cô gái trẻ đẹp, Cường buông lời trêu ghẹo tục tĩu. Duyệt mắng chửi lại rồi xoay người đi về phía cầu thang bộ. Ba công nhân đuổi theo, hạ gục cô bằng nhiều cú đấm. Duyệt không ngừng kêu cứu, bị khiêng xuống nhà kho tầng hầm B2 cưỡng hiếp. Sau khi gây án, sợ bị nạn nhân báo cảnh sát, cả ba quyết định giết người rồi giấu xác trong ống thông gió.

Theo manh mối do Cường cung cấp, cảnh sát bắt giữ Minh và Hoa. Sau khi thẩm vấn, cả hai cũng thừa nhận đã cưỡng hiếp và sát hại Duyệt.

Ba nghi phạm của vụ án, từ trái qua: Dương Quang Hoa, Triệu Đức Cường, Vương Phúc Minh. Ảnh: 163

Ba nghi phạm của vụ án, từ trái qua: Dương Quang Hoa, Triệu Đức Cường, Vương Phúc Minh. Ảnh: 163

Tuy nhiên, sau khi vụ án được đệ trình lên tòa, nhiều điều bất thường được phát hiện. Vụ án này không có bằng chứng nào ngoài lời thú nhận của ba nghi phạm.

Nếu những lời thú nhận về cơ bản giống nhau, đặc biệt là có những chi tiết mà chỉ kẻ sát nhân mới biết, cũng có thể chứng minh họ là thủ phạm. Nhưng lời thú tội của ba nghi phạm lại có những mâu thuẫn lớn trong các tình tiết cơ bản.

Cường và Minh khai ra vị trí ống thông gió giấu thi thể hoàn toàn khác nhau. Hoa không chỉ ra được thi thể giấu ở đâu, cũng chưa từng nhắc đến ống thông gió.

Cách thức giết người cũng có sự khác biệt rất lớn trong mô tả của ba nghi phạm. Minh nói đã đâm nhiều nhát vào ngực và bụng nạn nhân bằng dao găm. Hoa nói dùng dao đâm vào tim cô gái. Họ đều không đề cập đến việc nạn nhân bị đánh bằng một vật cùn. Trên người Duyệt không có vết dao nào, cũng không có dấu vết bị đâm bằng vũ khí sắc bén.

Ba nghi phạm cũng mâu thuẫn khi khai về cách đưa Duyệt xuống nhà kho, thứ tự cưỡng hiếp nạn nhân. Đặc biệt, không ai giải thích được cách họ mở khóa cửa ở tầng B2.

Năm 2007, Minh đột ngột chết vì xuất huyết não. Cường có dấu hiệu tâm thần không bình thường. Hoa nói năng không rõ, hai mắt đờ đẫn, sau đó được xác định bị khuyết tật trí tuệ.

Trong phiên tòa, Cường và Hoa lần lượt rút lại lời thú tội, nói bị ép cung nên phải bịa chuyện. Năm 2008, hai người được tòa tuyên trắng án vì không đủ chứng cứ.

Vụ án phải điều tra lại, nhưng hầu như không có bằng chứng nào được tìm thấy. Những manh mối có thể được thu thập về máu, tinh dịch, dấu vân tay, dấu chân đều đã biến mất từ 7 năm trước. Do khi đó cảnh sát chỉ nhận định đây là vụ mất tích, điều tra qua loa, thi thể cô gái không được tìm thấy, bỏ lỡ thời cơ tìm ra hung thủ.