Như bạn đọc đã tìm hiểu trong nhiều bài viết trước được chúng tôi thực hiện [1], thì biểu tượng Việt ban đầu là hình tượng chiếc rìu, xuất phát từ văn hóa tộc Việt, sau đó được nhà Thương chép lại trong Giáp Cốt văn. Biểu tượng Việt đã chính thức xuất hiện và thể hiện về ý thức dân tộc, ý thức quốc gia trong một câu đầy đủ từ hiện vật tại văn hóa Lương Chử vào khoảng 5300 năm trước.

Nhưng trong quá trình nghiên cứu về các nền văn hóa cổ, chúng tôi nhận thấy, rằng danh xưng Việt có thể đã xuất hiện từ trước văn hóa Lương Chử, chính là từ các nền văn hóa tiền thân của văn hóa Lương Chử là các văn hóa Đông Á cổ trong vùng bắc Đông Á và vùng đồng bằng sông Dương Tử: Tống Khê, Ngưỡng Thiều, Đại Vấn Khẩu. Biểu tượng chiếc rìu và những chiếc rìu lễ khí đã xuất hiện trên tất cả các nền văn hóa Đông Á cổ đại này, từ vùng Liêu Ninh tới vùng đồng bằng sông Hoàng Hà cho tới vùng đồng bằng sông Dương Tử, cho thấy rất nhiều điều về nguồn gốc trước văn hóa Lương Chử của khái niệm Việt, về nguồn gốc và lịch sử cổ đại của người Việt.

1. Cơ sở tiếp cận và tìm hiểu về biểu tượng và danh xưng Việt:

Dấu vết đầu tiên và quan trọng nhất để tìm hiểu về nguồn gốc chữ Việt, đó là từ những ghi chép trong Giáp Cốt văn, tiền thân trực tiếp của chữ Hán. Trong Giáp Cốt văn, thì biểu tượng Việt chính là hình chiếc rìu. [2]

Chữ Việt trên Giáp Cốt văn nhà Thương. [2]

Chữ viết của tộc Việt và của người Hoa Hạ đều có nguồn gốc từ chữ của văn hóa Đông Á cổ đại [3], vì vậy, người Hoa Hạ đã tiếp nhận cách tự nhận của người Việt để chép vào Giáp Cốt văn nhà Thương, sau đó dần dần phát triển thành chữ Việt 越 như ngày nay họ sử dụng. Đây chính là dấu vết để chúng ta có thể tìm hiểu về nguồn gốc của tên Việt trong văn hóa tộc Việt và văn hóa Đông Á cổ.

2. Nguồn gốc tên Việt trong văn hóa Lương Chử:

Trong văn hóa Lương Chử, các nhà khảo cổ đã tìm thấy một chiếc bình, trên đó có khắc 4 biểu tượng là chữ viết, các nhà nghiên cứu đã thử giải mã các biểu tượng trên chiếc bình này. Trong số các cách giải mã, thì cách giải mã của nhà nghiên cứu Đổng Sở Bình là khoa học và có nhiều cơ sở hỗ trợ nhất. Từ chữ Việt trong văn hóa Lương Chử, người Hoa Hạ đã tiếp nhận và ghi vào Giáp Cốt văn.

Nhà nghiên cứu Trung Quốc, Đổng Sở Bình đã giải mã ý nghĩa các chữ này dựa trên sự so sánh về văn tự, tìm hiểu về bối cảnh lịch sử, nguồn gốc dân tộc của văn hóa Lương Chử, so sánh với các cách giải mã đã có trước đó của các học giả, ông đã giải mã các chữ này là “方钺会矢” – “Phương Việt hội thi”, có thể hiểu là “Liên minh quốc gia Việt” [4], các chữ này được viết và đọc theo thứ tự từ trái qua phải, theo như cách viết truyền thống của người Việt. Cách giải mã này đã giải thích khá vẹn toàn các ký hiệu trên bình gốm của văn hóa Lương Chử.

Các ký hiệu này chỉ được xem là những biểu tượng đơn thuần, không tạo thành câu, nhưng cũng đã có nhiều nhà nghiên cứu cho rằng chúng là chữ viết, và đã thử giải mã chúng, trong đó bao gồm một số cách giải mã như sau: đầu tiên là cách giải mã “方钺会矢” của Đổng Sở Bình như chúng tôi đã dẫn, cách thứ hai là của Lý Học Cần: “戉五簇” [5], hay cách giải nghĩa của Vương Huy: “巫戌五俞” [6], cách giải thích của Lý Học Cần không giải quyết được vẹn toàn 4 ký hiệu trên bình gốm Lương Chử, cách giải thích của Vương Huy lại sử dụng chữ 戌 (tuất) để chỉ biểu tượng chiếc rìu, trong khi thực tế biểu tượng chiếc rìu là đại diện cho chữ Việt như Giáp Cốt văn đã chép lại, nên cách giải thích này có thể bác bỏ. Chỉ duy nhất cách giải nghĩa của Đổng Sở Bình phù hợp với hình thái văn tự, thực tế lịch sử và nguồn gốc dân tộc của văn hóa Lương Chử.

4 biểu tượng trên nồi gốm văn hóa Lương Chử được giải mã cho thấy ý thức Việt đã xuất hiện từ thời văn hóa Lương Chử. [4]

Hình ảnh thực tế chiếc bình gốm có khắc chữ của văn hóa Lương Chử. [Nguồn: CSSToday, dẫn]

Như vậy, thì danh xưng Việt lần đầu tiên xuất hiện dưới một câu đầy đủ, thể hiện về tổ chức quốc gia và ý thức dân tộc của người Việt trong văn hóa Lương Chử. Đây cũng là văn hóa đầu tiên hình thành nhà nước, chính vì vậy, văn hóa Lương Chử văn hóa khởi nguồn hình thành nên cộng đồng tộc Việt dưới một tổ chức quốc gia thống nhất, một khả năng quản lý cư dân và xây dựng sự thống nhất về ý thức dân tộc. Nhưng dựa trên các bằng chứng khảo cổ, chúng ta sẽ thấy được danh xưng Việt đã có từ trước đó, trong nền văn hóa Đông Á cổ đại.

3. Danh xưng Việt trong các văn hóa Đông Á cổ:

Trong các văn hóa Đông Á và văn hóa tộc Việt cổ đại, thì chiếc rìu bằng ngọc là một vật biểu trưng cho quyền lực rất quan trọng, nó xuất hiện sớm nhất trong văn hóa Cao Miếu trong vùng trung lưu Dương Tử, sau đó lan tỏa ra khắp vùng Đông Á cổ đại.

Rìu ngọc đầu tiên của Đông Á tìm thấy tại văn hóa Cao Miếu tại tỉnh Hồ Nam, vùng trung lưu Dương Tử. [7]

Cả ba nền văn hóa lớn trong vùng bắc Đông Á: Hồng Sơn, Đại Vấn Khẩu, Ngưỡng Thiều đều có sự xuất hiện của những chiếc rìu bằng ngọc. Biểu tượng Việt với hình ảnh chiếc rìu và chiếc cán cũng đã được thể hiện trên các hoa văn, hiện vật của các văn hóa Ngưỡng Thiều và Đại Vấn Khẩu trong vùng đồng bằng sông Hoàng Hà và văn hóa Tống Khê trong vùng Dương Tử, đây chính là nguồn gốc trực tiếp của chữ Việt trong thời văn hóa Lương Chử và sau đó là trong Giáp Cốt văn.

Các cổ vật và biểu tượng thuộc các nền văn hóa: 1. Văn hóa Đại Vấn Khẩu; 2. Văn hóa Ngưỡng Thiều; 3. Văn hóa Lương Chử; 4. Văn hóa Tống Khê; 5. Văn hóa Lương Chử; 6. Văn hóa Tống Khê; 7. Văn hóa Tống Khê; 8. Văn hóa Lương Chử. [8]

Hình ảnh thực tế của biểu tượng chiếc rìu trong văn hóa Ngưỡng Thiều (1) và văn hóa Đại Vấn Khẩu (2,3). [Nguồn: 1, 2, 3]

Rìu ngọc không chỉ có ở các văn hóa Ngưỡng Thiều và Đại Vấn Khẩu, mà còn có ở văn hóa Hồng Sơn, với nhiều loại hình rìu ngọc đã được tìm thấy ở văn hóa này.

Rìu ngọc văn hóa Hồng Sơn. [9]

Các biểu tượng Việt sớm nhất được khắc trên các đồ gốm, là ở văn hóa Ngưỡng Thiều (5000-3000 TCN), Tống Khê (3800-3300 TCN) và Đại Vấn Khẩu (4100-2600 TCN). Như vậy, thì tổng kết từ niên đại của 3 văn hóa này, có thể ước tính khái niệm Việt đã xuất hiện từ ít nhất 4000 năm TCN, tức cách đây 6000 năm. Đây là một cơ sở vô cùng quan trọng cho thấy nguồn gốc từ sớm của khái niệm Việt và sự liên hệ mật thiết của các nền văn hóa Đông Á cổ đại, có thể là trong cùng một nền văn hóa hay một quốc gia sơ khai thống nhất.

4. Cơ sở liên hệ của các văn hóa Đông Á cổ:

Các nền văn hóa Đông Á cổ đại được hình thành từ hai luồng di cư: từ Đông Nam Á di cư lên và từ Bắc Á di cư xuống. Trong đó cơ cấu dân số ở phía Bắc là người Bắc Á đông hơn, cơ cấu dân số phía Nam là người Đông Nam Á đông hơn, nhưng hai vùng: đồng bằng Dương Tử và đồng bằng Hoàng Hà đã có sự di cư và hòa huyết liên tục với nhau, cùng nhau xây dựng nên các nền văn hóa lớn trong vùng Dương Tử và vùng bắc Đông Á. [10] Tiến trình phát triển có thể khái quát lại như bản đồ sau.

Bản đồ minh họa nguồn gốc và tiến trình phát triển của các văn hóa cổ Đông Á của người cổ Đông Nam Á, người tiền Việt và tộc Việt. Bản đồ thể hiện vị trí và phân bố tương đối của các văn hóa lớn thời Đá mới tại vùng bắc Đông Á và nam Đông Á. (Dựa theo Liu Li và Chen Xingcan (2012) trong The Archaeology of China: From the Late Paleolithic to the Early Bronze Age.)

Các nghiên cứu di truyền, khảo cổ, nhân chủng cũng cho chúng ta thấy được cơ sở thực tế của sự liên hệ giữa các văn hóa Đông Á cổ đại, với các dòng di cư của cư dân vùng Dương Tử lên vùng phía Bắc, và của cư dân phía Bắc xuống vùng Dương Tử.

Theo nghiên cứu truyền của Wang et al. 2021 [11], thì cư dân Tây Liêu cổ đại (3800 BP) trong vùng Đông Bắc Trung Quốc (nơi xuất hiện văn hoá Hồng Sơn) có khoảng 33% gen của cư dân Dương Tử, cho thấy đã có những cuộc di cư của cư dân vùng Dương Tử lên phía Bắc, có thể ngay từ thời văn hoá Hồng Sơn, và cuộc di cư này cũng có thành phần cư dân Nam Á dừng chân lại tại văn hoá Đại Vấn Khẩu, nghiên cứu của Fuller et al. 2011 cũng cho thấy sự truyền bá của lúa nước vào khoảng 6000 năm trước từ vùng Dương Tử vào văn hóa Đại Vấn Khẩu [12]. Nghiên cứu của Chao Ning et al. 2020 cũng cho thấy cuộc di cư của cư dân vùng Dương Tử lên văn hóa Ngưỡng Thiều đồng thời với sự gia tăng trồng lúa của văn hóa này [13].

Theo nghiên cứu nhân chủng học sọ người của văn hóa Hà Mẫu Độ [14], thì sọ người được tìm thấy trong văn hóa Hà Mẫu Độ có những đặc trưng pha trộn giữa cư dân Australoid da đen gốc Đông Nam Á và cư dân Bắc Á, hộp sọ của văn hóa Hemudu cho thấy hiện tượng có xương gò má phát triển hơn và má rộng, mặt trên phẳng hơn, chiều cao khuôn mặt và chiều cao hộp sọ tăng lên, bên cạnh đó, thì hộp sọ dài hẹp, quỹ đạo thấp và xương mũi rộng và thấp có thể đã thừa hưởng các đặc tính của tổ tiên thời đồ đá cũ.

Hai hộp sọ của văn hóa Hà Mẫu Độ. [14]

Trong thực tế, thì văn hóa Đông Á cổ đại có sự tương đồng và thống nhất với nhau dưới các yếu tố về văn hóa tinh thần và cả văn hóa vật chất, có thể kể tới như Rồng – chim Tiên (Phượng Hoàng), ngôi sao tám cánh, dùng trang sức đồ ngọc hình tròn, dùng rìu lễ khí… Chúng cũng là một yếu tố hỗ trợ quan trọng cho chúng ta thấy được cơ sở về sự thống nhất của văn hóa Đông Á cổ.

Nhìn sâu hơn về huyền sử, thì huyền sử của người Việt cũng đã chép lại một câu chuyện hoàn toàn tương đồng với bằng chứng về danh xưng Việt và sự tương tác, hòa huyết giữa cư dân hai vùng bắc Đông Á và vùng Dương Tử. Chính những bằng chứng này là cơ sở trực tiếp chứng minh về những ghi chép của huyền sử Việt.

Truyện họ Hồng Bàng chép như sau: “Cháu ba đời Viêm Đế họ Thần Nông tên là Đế Minh, sinh ra Đế Nghi, rồi đi nam tuần đến Ngũ Lĩnh, gặp được nàng con gái Vụ Tiên đem lòng yêu mến mới cưới đem về, sinh ra Lộc Tục, dung mạo đoan chính, thông minh túc thành; Đế Minh lấy làm lạ, cho nối ngôi vua; Lộc Tục cố nhường cho anh. Đế Minh lập Đế Nghi làm tự quân cai trị phương Bắc, phong Lộc Tục làm Kinh Dương Vương cai trị phương Nam, đặt quốc hiệu là Xích Quỷ Quốc.” [15]

Cả hai vùng bắc Đông Á và vùng Dương Tử, đều là con cháu của họ Thần Nông. Giai đoạn tồn tại của họ Thần Nông, cũng chính là giai đoạn xuất hiện và tồn tại của các văn hóa Đông Á cổ là vào khoảng 4000-5000 năm TCN. Trong giai đoạn đầu, thì quốc gia của họ Thần Nông bao gồm cả hai vùng bắc Đông Á và vùng Dương Tử, sau đó, Đế Minh đã chia cho hai anh em, vùng phía Bắc do Đế Nghi làm chủ, vùng phương Nam do Kinh Dương Vương làm chủ, trong thời kỳ này thì phía Nam phát triển thành các văn hóa Lương Chử và Thạch Gia Hà, phía Bắc không lâu sau đó gặp biến động to lớn, khi Hoàng Đế đánh họ Thần Nông ở Bản Tuyền, khiến lịch sử của họ Thần Nông ở phía Bắc biến mất. Sự kiện Hoàng Đế đánh họ Thần Nông cũng được chép lại trong truyền thuyết của người Hoa Hạ.

Truyện họ Hồng Bàng lại chép: “Đế Lai trở về Bắc, lại truyền ngôi cho Đế Đu, cùng với Hoàng Đế đánh nhau ở Bản Tuyền không hơn nên tử trận; họ Thần Nông bèn mất.” [15]

Sự kiện này cũng đã được các nghiên cứu di truyền xác minh, nguồn gốc của người Hoa Hạ chính là từ người Khương ở phía thượng nguồn sông Hoàng Hà, Hoàng Đế chính là thủ lĩnh đại diện cho tộc người này xâm lược vào vùng đồng bằng Hoàng Hà của cư dân văn hóa Ngưỡng Thiều vào khoảng hơn 5000 năm trước [16]. Cuộc xâm lược này trực tiếp khiến văn hóa phía Bắc mất đi chủ nhân chính danh là họ Thần Nông, một bộ phận lớn cư dân cổ vẫn ở lại, tiếp tục phát triển trong văn hóa Ngưỡng Thiều và các văn hóa sau đó, nhưng đã bị đồng hóa về mặt ngôn ngữ để dần dần hình thành tộc người Hoa Hạ. [16]

Dựa trên những cơ sở này, chúng ta có thể tóm tắt tiến trình phát triển của văn hóa Đông Á cổ đại và văn hóa tộc Việt như sơ đồ sau.

Sơ đồ phân tích tiến trình phát triển của văn hóa Đông Á cổ và văn hóa tộc Việt, kết hợp giữa di truyền, khảo cổ, lịch sử (thành văn và truyền miệng).

5. Vấn đề sử dụng rìu ở tộc người Hoa Hạ:

Như chúng tôi đã chứng minh trong bài viết khác [16], thì người Hoa Hạ có nguồn gốc từ người Khương phía thượng nguồn sông Hoàng Hà xâm lược vào vùng trung và hạ lưu sông Hoàng Hà, chiếm đóng và đồng hóa cư dân tại các vùng này, nên xét về thực tế lịch sử, họ không phải là cư dân có nguồn gốc và ý thức là Việt.

Có thể sự xuất hiện của những chiếc rìu của các văn hóa sau đó, cũng là một sự kế thừa ý thức vốn có của các cư dân có nguồn gốc từ văn hóa Đông Á cổ, tầng lớp tinh hoa cũng đã tiếp thu đặc trưng văn hóa này, phát triển thành rìu đồng có motif thao thiết trong thời nhà Thương. Trường hợp này cũng giống như nước Việt trong vùng Chiết Giang vẫn đúc và sử dụng rìu đồng Đông Sơn vậy, chúng không chứng minh rằng các quốc gia này cũng là Việt, mà chỉ có thành phần dân cư có nguồn gốc Việt có thể vẫn nhớ nguồn gốc của mình mà thôi.

Rìu đồng văn hóa Đông Sơn tìm thấy tại Chiết Giang. [Nguồn]

6. Kết luận:

Với những bằng chứng về khảo cổ ở trên, thì nhiều khả năng, danh xưng, khái niệm Việt đã có từ trước thời văn hóa Lương Chử, xuất hiện trong các nền văn hóa Đông Á cổ đại như Đại Vấn Khẩu, Ngưỡng Thiều, Tống Khê và Hồng Sơn, đây là các văn hóa như chúng tôi đã chứng minh, ứng với quốc gia chung của họ Thần Nông trong huyền sử Việt, các bằng chứng di truyền, khảo cổ cho thấy sự tương tác và hòa huyết thường xuyên của các văn hóa Đông Á cổ đại, văn hóa và cổ vật của các nền văn hóa cũng cho thấy phần nào đó sự thống nhất.

Danh xưng Việt đã xuất hiện từ thời kỳ này, cho thấy được một ý thức thống nhất đã có từ sớm của văn hóa Đông Á, sau đó, tiếp tục được kế thừa một cách chính danh trong văn hóa tộc Việt. Người Việt sau đó tiếp tục phát triển trong một cộng đồng chung trong khoảng hơn 3000 năm tiếp theo [17], điểm cuối cùng của tiến trình phát triển đó, thì biểu tượng Việt cổ đại vẫn được kế thừa với những chiếc rìu và hình ảnh thủ lĩnh cầm rìu rất phổ biến trong văn hóa Đông Sơn.

Rìu đồng và hình thủ lĩnh cầm rìu của văn hóa Đông Sơn. [Nguồn: 1. Galerie Hioco; 2. [18]]

Từ đó, chúng ta cũng thấy được một lịch sử cực kỳ lâu dài của danh xưng Việt. Đây chính là ý thức dân tộc rất mạnh mẽ đã được cư dân tộc Việt kế thừa qua các giai đoạn, tới ngày nay, người Việt vẫn giữ được danh xưng Việt trong tên dân tộc và quốc gia của mình, kế thừa và nối dài thời gian tồn tại của danh xưng Việt lên khoảng 6000 năm lịch sử.


Tài liệu tham khảo:

[1] Lang Linh (2021), Khái niệm tộc Việt và nguồn gốc cộng đồng tộc Việt.
https://luocsutocviet.com/2021/09/29/553-khai-niem-toc-viet-va-nguon-goc-cong-dong-toc-viet/

[2] Richard Sears. Các kiểu chữ Việt 戉. https://hanziyuan.net/#%E6%88%89.

[3] Lang Linh (2021), Khảo cứu về chữ Việt cổ từ những tư liệu khảo cổ.
https://luocsutocviet.com/2021/08/25/551-khao-cuu-ve-chu-viet-co-tu-nhung-tu-lieu-khao-co/

[4] Đổng Sở Bình 董楚平; “Phương Việt hội thi” “方钺会矢” – Một trong những diễn giải về các nhân vật Lương Chử 良渚文字释读之一[J];东南文化;2001年03期.

[5] Li Xueqin 李学勤: ” Văn tự đồ gốm của văn hóa Lương Chử” “良渚文化的多字陶文”, Tạp chí Đại học Tô Châu 苏州大学学报 (Đặc san Nghiên cứu về Ngô 吴学研究专辑)”, 1992年。

[6] Wang Hui 王晖: Nhìn vào niên đại xuất xứ của các ký tự Trung Quốc từ việc so sánh các bản khắc và chữ khắc trên xương bằng thần tiên với các tài liệu khảo cổ – và thảo luận về nguồn gốc của các bản khắc gốm và chữ Hán một phần của nhóm văn hóa Lương Chử 从甲骨文金文与考古资料的比较看汉字起源时代 – 并论良渚文化组词类陶文与汉字的起源”, “Tạp chí Khảo cổ học” “考古学报” 2013年第3期。

[7] Viện Di tích Văn hóa và Khảo cổ học tỉnh Hồ Nam, Neolithic Gaomiao Site in Hongjiang City, Hunan

[8] Zhong Zhaobing, Lang Aiping 仲召兵,郎爱萍. Phân tích phương pháp khôi phục ngọc và đá thời tiền sử 史前玉、石钺的安柲方法探析[J]. Văn hóa Đông Nam Bộ 东南文化,2017(03):82-85.

[9] The Complete Collection of Jades Unearthed in China, vol. 2: Inner Mongolia, Liaoning, Jilin, Heilongjiang, Beijing.

[10] Lang Linh (2021), Bức tranh di truyền về nguồn gốc của người Việt.
https://luocsutocviet.com/2021/08/19/550-buc-tranh-di-truyen-ve-nguon-goc-cua-nguoi-viet/

[11] Wang, CC., Yeh, HY., Popov, A.N. et al. Genomic insights into the formation of human populations in East Asia. Nature 591, 413–419 (2021). https://doi.org/10.1038/s41586-021-03336-2

[12] Fuller, D.Q. Pathways to Asian Civilizations: Tracing the Origins and Spread of Rice and Rice Cultures. Rice 4, 78–92 (2011). https://doi.org/10.1007/s12284-011-9078-7

[13] Ning, C., Li, T., Wang, K. et al. Ancient genomes from northern China suggest links between subsistence changes and human migration. Nat Commun 11, 2700 (2020). https://doi.org/10.1038/s41467-020-16557-2

[14] Chen P, Wu J, Luo L, et al. Population Genetic Analysis of Modern and Ancient DNA Variations Yields New Insights Into the Formation, Genetic Structure, and Phylogenetic Relationship of Northern Han Chinese. Front Genet. 2019;10:1045. Published 2019 Oct 30. doi:10.3389/fgene.2019.01045

[15] Trần Thế Pháp, Lĩnh Nam chích quái 嶺南摭怪, bản dịch Lê Hữu Mục, nhà sách Khai Trí (1960).

[16] Lang Linh (2021), Tìm hiểu về nguồn gốc của tộc người Hoa Hạ.
https://luocsutocviet.com/2021/11/23/575-tim-hieu-ve-nguon-goc-cua-toc-nguoi-hoa-ha/

[17] Lang Linh (20210), Lịch sử hình thành và tan rã của cộng đồng tộc Việt.
https://luocsutocviet.com/2021/10/21/565-lich-su-hinh-thanh-va-tan-ra-cua-cong-dong-toc-viet/

[18] Nguyễn Văn Huyên, Vinh Hoàng (1975). Những trống đồng Đông Sơn đã phát hiện ở Việt Nam. Hà Nội.