Có những người sống, hiện hữu hàng ngày sờ sờ trước mắt ta mà ta không hề nhớ. Có người đã khuất xa, thành người muôn năm cũ mấy mươi năm rồi mà ta lại chẳng thể quên. Cố Học Lực mãi in đậm trong tôi cũng như thế. Trong miền dĩ vãng xa thăm thẳm của những đứa trẻ bọn tôi hồi ấy đến bây giờ chẳng đứa nào quên hình ảnh người đàn ông gầy còm bưng trên tay cả một rổ ổi với hương mùa thu chín lựng, thơm phức ám ảnh tuổi thơ làng quê…

Không ai biết chính xác cố quê quán ở đâu; anh em, cha mẹ như thế nào; định cư ở làng tôi từ bao giờ ? Nghe người già bảo mang máng rằng, cố quê gốc vốn ở dưới Vạn Phần (Diễn Châu) có chị gái lấy chồng về làng tôi. Cố không lấy vợ, khi cha mẹ già qua đời, cố lên sống với anh chị. Anh chị qua đời, cố ở vậy một mình, tự kiếm sống và nhờ làng xóm cưu mang.

Ở làng tôi, những người con trai nào không lấy vợ hoặc nhiều tuổi mà chưa chịu lấy vợ thì bị gọi vui là “anh học, chàng học” như cố Học Lực, cố Học Lâm, Học Lỏi… Cố Học Lực sống thui thủi một mình trong căn nhà tranh ba gian ở cuối xóm Bàu. Đồ đạc đơn sơ nhưng rất gọn gàng, ngăn nắp. Ăn uống có lẽ cũng đạm bạc, bởi có điều lạ là không ai thấy được cố ăn cơm khi nào dù trưa hay tối. Cố có mảnh vườn rộng, trồng (hay tự lên) rất nhiều ổi, toàn là ổi sẻ như ổi cơm, ổi đá, ổi đào… Đó là nguồn thu nhập chính của cố nhưng lũ trẻ bọn tôi hồi ấy nào có hay. Vườn cố trở thành địa điểm yêu thích của chúng tôi suốt bao trưa rình rập, bày đủ trò để bứt trộm được trái ổi chín vàng hươm, thơm lựng.

Cố cũng rất khéo tay. Xung quanh vườn cố sẵn tre, mây nhiều nên bao giờ trong nhà cố cũng đầy những nan tre được chẻ đều, vót nhẵn đủ kích cỡ và những vòng dây mây. Cố đan những chiếc mê nhỏ xinh để ra chợ bán cho mấy người hàng cá sắp cá bán; cố đan những chiếc rổ thưa để người ta gánh phân, gánh cỏ; cố đan những chiếc thúng, mủng dày khít để người ta đựng lúa, đựng gạo (cùng một thân tre, cùng một bàn tay đan lát mà thứ thì đầy mùi tanh hôi thối, dùng xong vứt ngoài chuồng trâu, chuồng lợn; thứ thì được thơm tho dùng xong cất đặt cẩn thận trên gác bếp ?!)… Biết hoàn cảnh của cố nên ai mua cũng không hề mặc cả mà đôi khi còn lặng lẽ trả thêm.

Cây đa làng - Báo Thái Bình điện tử

Cố sống và gắn bó với gốc đa của làng như một định mệnh. Làng Thọ ngày xưa có hai gốc đa cổ thụ: cây đa xóm Bắc và cây đa xóm Bàu. Tôi lớn lên đã không còn gốc đa xóm Bàu nữa nhưng nghe mẹ tôi bảo cây rất lớn, tỏa bóng xuống bàu Thọ và rất linh thiêng. Không biết có phải là mẹ dọa để tôi khỏi rong chơi suốt trưa, suốt tối hay là bởi câu thành ngữ “quỷ gốc đa, ma gốc gạo” mà mẹ kể chuyện có người nằm dưới gốc đa nói chuyện bất kính bị quỷ bẻ gãy chân phải nhờ thầy cúng khấn xin mới thôi. Cây đa xóm Bàu còn gắn với giai thoại, bài thơ của nhà thơ lão thành cách mạng Hà Văn Tải vốn gốc làng tôi, viết về mẹ Khánh – mẹ VNAH duy nhất của làng: “Xưa ở nơi làng Thọ/ có một gốc cấy đa/ cành xòe to tán rộng/ tỏa bóng một thời xa…” mà người làng nào cũng thuộc. Cây đa xóm Bắc thì tôi còn nhớ rõ. Nó nằm đúng vị trí cây mới mà xóm tôi đã trồng lại. Cây đa xóm Bắc hồi ấy cũng rất cao, gốc nó phải 5, 6 đứa trẻ bọn tôi mới ôm xuể. Chiều nào tôi cũng thấy cố nơi gốc đa nhặt cành khô làm củi. Có khi cố trèo, có khi cố lấy sào để chọc. Chúng tôi thơ thẩn chơi chỗ gốc đa, hoặc là nhặt trái chín hoặc lá lấy lá rụng làm trâu vẫn thường hay nhặt củi cùng cố. Tôi không nhớ cây đa ấy chết róc (khô) trước khi cố ốm hay là cố ốm rồi cây cũng chết theo. Nhưng tôi nhớ là ban cán sự xóm hồi ấy đã ngả cây đa xuống xẻ ván để đóng quan tài khi cố qua đời. Đó như là kết cục đẹp cho một mối lương duyên, và tôi chợt liên tưởng thấy cố như chàng dũng sĩ Thạch Sanh cứ chiều chiều ngồi gảy đàn bên gốc đa, chàng Thạch Sanh của làng tôi đã trở về trời…

Cố ra đi thanh thản trong sự túc trực, lo lắng chu đáo của các đoàn thể trong xóm; trong sự che chở, tiếc thương của bà con làng Thọ. Cố đã thành người thiên cổ mấy mươi năm, gốc đa mới trồng cũng đã xum xuê tỏa bóng, mảnh vườn cố hậu sinh đã ở, nhưng hình bóng cố vẫn không phai mờ trong kí ức làng tôi…