Dù không được khắc bia ở Văn Miếu nhưng Trạng nguyên Tam nguyên Trần Tất Văn đã góp phần giúp Đại Việt tránh được nạn xâm lăng của quân Minh.
Trạng nguyên Tam nguyên
Vào thời Hậu Lê ở làng Nguyệt Áng, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng có gia đình thuộc dòng dõi khoa bảng họ Trần sinh hạ được người con trai, đặt tên là Trần Tất Văn. Xuất thân dòng dõi khoa bảng nên Tất Văn được ăn học đầy đủ, lại thêm chăm chỉ chịu khó.
Khoa thi năm 1526 đời vua Lê Cung Hoàng, Tất Văn đăng ký dự thi. Vào thi Hương, Tất Văn đỗ đầu tức Giải nguyên; vào đến thi Hội, Tất Văn vẫn đỗ đầu tức Hội nguyên; vào đến kỳ thi cuối cùng là thi Đình, Tất Văn lại đỗ đầu và được phong Trạng nguyên, trở thành vị Trạng nguyên Tam nguyên hiếm hoi trong sử Việt.
Tất Văn cũng là Trạng nguyên duy nhất của huyện An Lão, vì thế mà ngày vinh quy bái tổ, rất nhiều người gồm cả gia đình, thầy học cùng bạn bè và người dân đều tự hào ra tiếp đón ông.
Tuy nhiên lúc này nhà Lê bước vào giai đoạn bĩ cực, cát cứ nổi lên khắp nơi, Xã Tắc loạn lạc, Trần Tất Văn không được khắc bia ở Văn Miếu. Đây cũng là Trạng nguyên duy nhất không được khắc bia.
Trần Tất Văn được bổ nhiệm làm Tả Thị Lang Ngự Sử Đài, cơ quan chuyên can gián vua chúa cùng các quan trong Triều.
Theo về nhà Mạc
Vào đầu thế kỷ 16, Giang Sơn liên tục có biến loạn, các thân vương và quan lại lập cát cứ chống lại Triều đình. Nhà Minh ở phương bắc cũng định nhân cơ hội này đưa quân nam tiến.
Đến đời vua Lê Chiêu Tông, các thế lực cát cứ ngày càng làm loạn. Nhà Lê đứng trước nguy cơ bị sụp đổ bất cứ lúc nào nên phải dựa vào Mạc Đăng Dung vốn là Tướng chỉ huy quân đội lúc đó để đánh dẹp.
Trước sự suy bại của nhà Lê, nhiều người theo về với Mạc Đăng Dung, trong đó có Trần Tất Văn. Dù hiểu rằng “tôi trung không thờ hai chủ”, nhưng tận mắt chứng kiến sự suy bại của nhà Lê, nỗi thống khổ của người dân cùng loạn lạc khắp nơi khiến ông phải nghĩ đến câu “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”.
Khi Mặc Đăng Dung cướp ngôi vua Lê, Trần Tất Văn cùng nhiều vị quan khác theo nhà Mạc. Ông làm quan chức Thượng thư, được phong tước Hàm Xuyên bá.
Dân chúng sống thời gian dài trong cảnh lầm than cũng theo nhà Mạc, Đại Việt Sử ký Toàn thư ghi chép rằng: “Tháng 6, Mạc Đăng Dung từ Cổ Trai vào Kinh, bắt vua nhường ngôi. Bấy giờ, thần dân trong Kinh đều theo Mạc Đăng Dung và đều đón Đăng Dung vào Kinh”.
Mạc Đăng Dung lên ngôi, nhờ các quan cũ từ thời nhà Lê giúp mà Xã Tắc dần ổn định, các cuộc tranh giành, chiến loạn cũng không còn.
Đại Vệt Sử ký Toàn thư còn ghi chép rằng nhà Mạc thi hành nhiều sách lược tích cực, khiến “trong khoảng vài năm, đường xá không nhặt của rơi, cổng ngoài không đóng, thường được mùa to, trong cõi tạm yên”.
Bài biểu cứu Đại Việt thoát khỏi nạn ngoại xâm
Dù trong nước yên ổn nhưng quan hệ của Đại Việt với nhà Minh lại căng thẳng. Nhà Minh muôn lấy việc Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê để đưa quân tiến đánh. Giai đoạn này Trần Tất Văn được Vua tin dùng, giao cho nhiều việc trọng đại như soạn thư từ và đi sứ qua lại với nhà Minh.
Năm 1537, vua Minh Thế Tông cho Mao Bá Ôn chuẩn bị quân tiến sang Đại Việt. Đến năm 1540, vua Minh lệnh cho Thượng thư bộ Binh Mao Bá Ôn cùng Hàm Ninh hầu Cừu Loan thống lĩnh 22 vạn quân tiến đến biên giới Đại Việt, chuẩn bị tiến đánh.
Vận nước lâm nguy, Mạc Đăng Dung cùng một số quan tự trói mình đến trước quân Minh tạ tội, dâng biểu xin hàng, mong quân Minh không tiến quân.
Bài biểu quan trọng nay do Trần Tất Văn viết. Tương truyền Mao Bá Ôn sau khi đọc bài biểu thì rơi nước mắt rồi quyết định rút quân. Sách “Công tư diệp ký” cho răng: “Một bài biểu lui vạn binh” tránh cho đất nước bị một phen đỏ máu binh đao. Tuy nhiên nội dung bài biểu đã bị thất lạc, cũng có thể là vì đây là biểu xin hàng, trong đó ắt có lời nói hạ thấp vua tôi Đại Việt, nên không được lưu lại. “Công tư diệp ký” chỉ chép đôi câu ngắn ngủi:
Vị tiểu quốc bất học võ nhân, lễ nghĩa hà túc thâm trách.
Mẫn An Nam vô cô xích tử, phong nhận nhẫn sử hoành la.
Nghĩa là: Cho nước tôi võ nhân ít học thì lễ nghĩa sao đáng trách móc? Bảo thương dân An Nam vô tội, nỡ nào đem gươm giáo chém giết dân lành.
Dẫu sao bài biểu của Trần Tất Văn đã làm tròn sứ mệnh của mình.
Tưởng nhớ
Trần Tất Văn từng dùng tiền hưng công xây ở quê nhà một ngôi chùa mang tên Vĩnh Khoái tự, khang trang rộng rãi.
Nhận thấy người dân quê nhà luôn phải lội qua khúc sông nhỏ bất kể mưa nắng, ngày đông giá rét, Trần Tất Văn liền bỏ tiền làm cho dân cây cầu đá xanh 3 nhịp. Dù đến nay cầu đã bị đổ, nhưng người dân vẫn lưu lại những tấm đá xanh trong di tích.
Khi Trần Tất Văn mất, dân làng đã xây đền để tưởng nhớ công đức của ông. Đền được đặt gần chùa, phía sau dựa lưng vào núi, phía trước là con sông Đa Độ uốn khúc chảy.