Tại cố đô Huế, 10-2016, trường THPT chuyên Quốc Học hân hoan kỷ niệm 120 năm thành lập. Trân trọng mời quý độc giả gần xa đọc lại Quốc Học 100 năm in trong sách Huế chừ của Phanxipăng (NXB Thanh Niên, Hà Nội, 2000)


Quốc Học được nhìn từ trên cao.  Ảnh: Phanxipăng

Bao nhiêu thế hệ nhà giáo và học sinh của trường Quốc Học  Huế hiện ở trong lẫn ngoài nước đã ngóng đợi lễ hội này suốt mấy năm nay. Người người nao nức về dự lễ kỷ niệm “đệ bách chu niên” để được thăm lại ngôi trường thân yêu, để được gặp lại thầy xưa và bạn cũ mà ôn từng kỷ niệm đằm thắm nghĩa tình. Từ Hà Nội, từ Sài Gòn, vé máy bay, vé tàu lửa đi Huế dự lễ hội 100 năm Quốc Học được đăng ký trước cả tháng.
Mang tâm trạng của kẻ hành hương, Phanxipăng tôi cùng bạn thân đồng môn là phó tiến sĩ Lê Bá Khánh Trình  từng đoạt giải nhất và giải đặc biệt trong kỳ thi học sinh giỏi toán quốc tế / Olympiade Internationale de Mathématiques / International Mathematical Olympiad (IMO) lần thứ XXI tổ chức năm 1979 ở London, Anh quốc – lên tàu S2 tại ga Sài Gòn đêm 4-9-1996. Trên toa tàu, phần lớn câu chuyện giữa chúng tôi và mọi người cũng chỉ xoay quanh những ký ức về trường lớp, những truyền thống đáng tự hào của ngôi trung học xinh xắn và cổ kính bên bờ sông Hương.

NGƯỢC DÒNG THỜI GIAN

Theo chỉ dụ ngày 17 tháng 9 năm Bính Thân (23-10-1896) của vua Thành Thái, và nghị định ngày 18-11-1896 của toàn quyền A. Rousseau, Pháp tự Quốc Học trường đã được thành lập “tại Thuỷ sư tả doanh công thổ” như Đại Nam nhất thống chí – pho sách đầu tiên đề cập đến trường Quốc Học – từng ghi rõ. Di tích bình phong Long Mã được dựng vào năm thành lập trường, ngay mặt tiền rue Jules Ferry, nay là đường Lê Lợi, hiện vẫn còn nguyên trạng.

Thoạt đầu, “trường trung học quốc gia, cái trường Pháp – Việt chính của toàn cõi An Nam” chỉ gồm cổng gỗ có gác treo chuông đồng và mấy dãy nhà tranh tre tuềnh toàng. Hình ảnh Quốc Học thuở ấy được ghi lại khá chi tiết bởi thầy giáo Le Bris, đăng trên Bulletin des Amis du Vieux Hué / BAVH / Đô Thành Hiếu Cổ tập san năm 1916 (1).

Khởi điểm, trường Quốc Học bằng tranh tre
Từ tháng 5-1915, trường Quốc Học được tái thiết bằng gạch ngói khang trang trên mặt bằng rộng hơn 5ha

Từ tháng 5-1915, dưới sự chỉ huy của nhà thầu khoán Le Roy, trường được tái thiết bằng gạch ngói khang trang trên mặt bằng rộng hơn 5ha. Riêng cổng chính xây bằng xi măng theo lối tam quan dân tộc cổ truyền đang hiện hữu, hình ảnh thường được dùng làm biểu tượng cho trường Quốc Học, được thiết kế và thi công từ bao giờ? Không ít kẻ nhầm tưởng cổng đó xuất hiện từ đầu thế kỷ XX. Tình cờ, trong một chuyến về Huế sưu tập tư liệu để thực hiển hợp tuyển thơ-nhạc-hoạ-ảnh nghệ thuật Quốc Học trường tôi (NXB Thuận Hoá, Huế, 1996), tôi may mắn gặp được nhà giáo Nguyễn Đình Hàm. Đã 85 tuổi, thầy Hàm vẫn tường thuật khúc triết:


Bảng hiệu bằng gỗ treo cổng trường Quốc Học thuở ban sơ hiện còn được bảo lưu. 
Ảnh: Phanxipăng


Cổng trường Quốc Học đầu tiên qua tranh vẽ của họa sĩ Tôn Thất Sa đăng BAVH 1916

Năm 1933, cổng trường được xây mới theo lối kiến trúc Nhật Bản, hai cột có khắc đôi câu đối chữ Hán của Nguyễn Đức Đôn: Vạn lý xa thư lai hỗn nhất / Bách niên sơn thuỷ kiến cao thanh (Vạn dặm xa thư về một mối / Trăm năm sông núi thấy cao xanh). Đến thời tôi làm hiệu trưởng (1956 – 1958), xét thấy cần chỉnh lý lại cổng chính cho phù hợp với vẻ uy nghi và rộng lớn của toàn bộ công trình, chính tôi đã vẽ kiểu và thuê thợ xây lại cổng như hiện nay. Cổng có 2 tầng mái, lợp ngói thanh lưu ly và hoàng lưu ly, là nghệ thuật kiến trúc Huế rất đặc trưng. Trước cổng, tôi cho gắn biển xi măng cốt thép có đắp nổi 3 chữ quốc ngữ Trường Quốc Học,lại chua thêm 2 chữ Hán 国学 hai bên. Năm 1979, có người cho rằng chữ nho là “đồ ngoại” nên đục bỏ.


Cổng chính trường Quốc Học hiện nay. Ảnh: Phanxipăng

RỘN RÀNG LỄ HỘI

Nhằm đón chào khách phương xa, khắp chốn Thần kinh tưng bừng cờ, đèn, hoa, nhạc. Từ tối 3-9-1996, tại Nhà Văn hoá trung tâm Thừa Thiên – Huế, cuộc thi Hoa học đường giữa 4 trường trung học phổ thông ở nội thành – gồm Quốc Học, Hai Bà Trưng, Nguyễn Huệ, Gia Hội – đã mở ra, làm “khúc dạo đầu” cho lễ hội 100 năm Quốc Học. Trên nhiều đường phố, nhan nhản băng rôn và áp phích: Nhiệt liệt chào mừng các đại biểu, các thế hệ thầy cô giáo và học sinh về dự lễ hội kỷ niệm 100 năm thành lập trường Quốc Học – Huế. Biểu ngữ với nội dung tương tự cũng giăng đầy các khách sạn, sân ga, phi trường.

Đây là lần đầu tiên trên toàn quốc, lễ hội của một trường học không chỉ tổ chức trong khuôn viên nhà trường mà được triển khai ra cả địa bàn thành phố với nhiều loại hình hoạt động khá đa dạng.

Chiều tối 5-9-1996, khi chúng tôi ghé vào Quốc Học, đúng lúc toàn bộ ngôi trường vụt… phát quang. Hàng nghìn lồng đèn với bóng điện bắt đầu chiếu sáng khiến công trình kiến trúc toả vẻ đẹp hiếm thấy. Thầy cô và bạn bè cũ mới đông nghịt sân trường, tay bắt, mặt mừng. Những ông bà lão ngoại bát tuần, thất tuần, lục tuần, thường ngày nghiêm trang là thế, bệ vệ là thế, nay vụt nhảy cẫng lên, ôm choàng lấy nhau, nói cười, hát hò, đùa nghịch, cứ như thời “nhất quỷ, nhì ma”. Cả tôi, Khánh Trình và nhiều bằng hữu cùng khoá ngày xưa cũng cảm thấy mình như được trở lại độ tuổi 18 hồn nhiên, sôi nổi.

Đêm ấy, thành Huế dường không ngủ. Dòng Hương sáng trưng với Hội hoa đăng trên sông do 14 đơn vị (trong đó có 12 trường trung và tiểu học) tuần diễn. Những chiếc đò được trang trí mô hình cổng trường Quốc Học cùng những con số 100 chớp nháy điện màu, chầm chậm bơi từ cồn Hến đến cồn Dã Viên. Tiết mục thả đèn trên sông Hương ban đêm không phải chuyện lạ, nhưng đại hội hoa đăng như vậy thì xưa nay mới chỉ có 4 lần mà lần này lớn nhất. Cùng lúc đó, tại Nhà hát lớn, chương trình giao lưu thơ nhạc do thầy cô giáo và học sinh cũ của trường Quốc Học thực hiện liền thu hút đông đảo khán thính giả.

NGƯỢC DÒNG THỜI GIAN

– Qua một thế kỷ thành lập và phát triển, trường Quốc Học thân yêu rất xứng đáng là “chiếc nôi văn hoá của dân tộc”. Dù trải bao chế độ chính trị khác nhau, mục tiêu và phương pháp đào tạo từng thời kỳ cũng khác nhau, nhưng học sinh Quốc Học luôn tìm cho mình con đường đi đúng: học để thành người, học để giúp đời. Trong nhiều hoạt động ở trong nước và cả quốc tế, nhiều thầy cô giáo và học sinh Quốc Học đã trở nên vô cùng kiệt xuất, vô cùng vinh dự.

Nhà giáo ưu tú Đặng Xuân Trừng – hiệu trưởng trường Quốc Học(2) – đã đại diện ban tổ chức lễ hội mà phát biểu vậy.

Quả vậy, chỉ cần điểm qua một số tên tuổi từng xuất thân từ mái trường này cũng đủ thấy kỳ tích giáo dục của Quốc Học – Huế. Về chính trị và quân sự có: Hồ Chí Minh, Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu, Trần Phú, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Chí Diểu, Hà Huy Tập, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Mai Chí Thọ, Cao Văn Khánh, v.v. Ghi thêm: cả hoàng thân Xuphanuvông và quyền chủ tịch nước CHDCND Lào là Phumi Vôngchichit cũng từng học Quốc Học. Về khoa học tự nhiên – công nghệ và khoa học xã hội – nhân văn có: Đặng Văn Ngữ, Tôn Thất Tùng, Nguyễn Khánh Toàn, Đào Duy Anh, Tạ Quang Bửu, Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Bửu Hội, Nguyễn Thiệu Lâu, Nguyễn Tài Cẩn, Nguyễn Hoàng Phương, Hoàng Tụy, Võ Quang Yến, Cao Huy Thuần, Lê Viết Khoa, Nguyễn Đình Tứ, Đinh Ngọc Lâm, Thái Văn Trừng, Lâm Quang Huyên, Huỳnh Hữu Tuệ, Hoàng Tuệ, Hoàng Tuỵ, v.v. Về văn học nghệ thuật có: Lê Văn Miến, Ưng Bình Thúc Giạ Thị, Thảo Am Nguyễn Khoa Vy, Võ Liêm Sơn, Tôn Thất Đào, Nguyễn Hữu Ba, Điềm Phùng Thị, Khương Hữu Dụng, Nam Trân, Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Xuân Tâm, Thúc Tề, Tố Hữu, Nguyễn Xuân Sanh, Nguyễn Xuân Thâm, Nguyễn Văn Thương, Phan Văn Dật, Tế Hanh, Trần Thanh Địch, Lê Cao Phan, Trần Hoàn, Văn Giảng, Nhị Hà, Lê Mộng Nguyên, Lê Mộng Hải, Phạm Mạnh Cương, Đào Xuân Quý, Ngô Kha, Trần Quang Long, Châu Kỳ, v.v. Về giáo dục có: Sảng Đình Nguyễn Văn Thích, Nguyễn Thúc Hào, Phạm Đình Ái, Ưng Quả, Nguỵ Như Kontum, Trần Đình Gián, Đinh Xuân Lân, Hoàng Thiếu Sơn, Vân Bình Tôn Thất Lương, Nguyễn Dương Đôn, Hà Như Chi, Lê Trí Viễn, v.v. Những nhân vật tên tuổi ấy hiện vẫn còn nhiều người đang sống và hoạt động, lắm vị hân hoan về dự lễ hội trường xưa.

Giữa préau (nhà chơi), thi sĩ Huy Cận – trưởng ban liên lạc học sinh cũ Quốc Học – Huế tại Hà Nội – bày tỏ:

– Cái tên Quốc Học mang 2 nghĩa: nền học của nước, sự học cho nước. Nhiều người trong các lớp nam nữ học sinh cũ của trường ta chiếm những vị trí xã hội cao ở trong và ngoài nước, nhưng danh hiệu “cựu học sinh Quốc Học – Huế” vẫn là niềm vinh dự lớn cho mỗi chúng ta, bất cứ ở đâu, bất kỳ thời nào. Dù sống ở quê nhà hay sống tha hương, mấy chữ “đồng môn Quốc Học” như tiếng chim gọi đàn, tập hợp chúng ta trong tình cảm thầy xưa và bạn cũ, trong nỗi niềm chung: tình trường, nghĩa nước.

RỘN RÀNG LỄ HỘI

Ngày 6-9-1996. 6 giờ rưỡi, trong khuôn viên trường, khai mạc trại học sinh. 7 giờ rưỡi, ở sân vận động phía sau thư viện trường, đồng diễn thể dục thể thao và kế đó là trận bóng đá giao hữu khá sôi nổi giữa thầy trò cũ với thầy trò hiện tại của Quốc Học. Đồng thời, giữa sân trường, các gian hàng lưu niệm được khai trương. Tổng cục Bưu điện tung bộ tem Kỷ niệm 100 năm trường Quốc Học – Huế do nữ hoạ sĩ Nguyễn Thị Sâm thiết kế, gồm 2 mẫu (400 đồng và 3.000 đồng) kèm dấu ấn “ngày phát hành đầu tiên”. Ban giám hiệu cho ra mắt đặc san 100 năm trường Quốc Học – Huế và tập ca khúc Quốc Học trường tôi. Ban liên lạc học sinh cũ Quốc Học – Huế tại Hà Nội bày kỷ yếu 100 năm trường Quốc Học – Huế và tuyển tập Thơ từ trường Quốc Học. Nhóm văn nghệ sĩ xuất thân từ Quốc Học – Huế, hiện sinh sống tại Sài Gòn, trưng hợp tuyển thơ-nhạc-hoạ-ảnh nghệ thuật Quốc Học trường tôi.

Khắp cả nước, chưa một ngôi trường nào mà dịp chu niên lại đồng loạt “trình làng” cả xêri sách phong phú thế. Mỗi cuốn một vẻ, tất cả trở nên lưu niệm phẩm đâu chỉ quý báu cho những ai mến yêu Quốc Học và nặng tình với Huế, mà còn hữu ích đối với các cá nhân hằng quan tâm đến sự nghiệp văn hoá – giáo dục của xứ sở.

Một nhà nghiên cứu, vốn là cựu học sinh Quốc Học, sau khi xem lướt loạt ấn phẩm vừa kể, đã nhận xét sơ bộ:

– Các tập sách bổ sung nhau, tạo thành bộ sưu tập liên hoàn về lịch sử hình thành và phát triển trường Quốc Học gắn liền với lịch sử đất nước. Không chỉ bó gọn trong phạm vi chuyện trường lớp, chuyện thầy cô, chuyện bạn bè một thuở, mà còn chuyện vùng văn hoá Huế, chuyện lối sống miền Trung, chuyện truyền thống nhân cách Việt Nam. Quan trọng hơn, không phải các trang sách này chỉ dựng lại diện mạo quá khứ một cách sinh động, mà qua đó kiếm tìm câu trả lời cho hiện tại và tương lai.

Một số thầy trò của Quốc Học hiện định cư ở Pháp, Anh, Áo, Ý, Đức, Nga, Nhật Bản, Úc, Canada, Hoa Kỳ, v.v., cũng kịp về tụ hội. Họ nói:

– Tại nhiều nước bên Âu Mỹ đã hình thành các Hội Ái hữu Quốc Học nhằm hoài niệm trường xưa, tương trợ thầy và bạn cũ đồng môn. Các hội đó cũng tích cực thực hiện đặc san, tuyển tập kỷ niệm “đệ bách chu niên” trường Quốc Học. Sưu tầm những ấn phẩm quốc nội lẫn hải ngoại hướng về 100 năm thành lập trường, quá thích thú. Nếu người nào bỏ công thu góp thêm những bản sách, những bài báo xưa nay viết về trường Quốc Học, thì chắc chắn sẽ sở hữu trong tay cả “kho tàng vô giá” nhá.

Xin điểm qua một số cuốn đã phát hành. Tạp chí Bước đầu của học sinh trường cao đẳng tiểu học Quốc Học – Huế chép tay những năm 1934 – 1936. Tập văn học sinh của trung học Khải Định in năm 1949. Đặc san Ái hữu Quốc Học in vào giai đoạn 1960 – 1970. Đặc san Ngưỡng cửa của học sinh Quốc Học in năm 1969. Tập san Áo trắng của học sinh liên trường Quốc Học – Trưng Trắc – Nguyễn Huệ – Gia Hội chép tay năm 1979. Đặc san Quốc Học 90 năm do ban liên lạc học sinh cũ Quốc Học – Huế quay ronéo năm 1986. Các bản Quốc Học – Đồng Khánh và Phượng vỹ do thầy trò Quốc Học một thuở, hiện cư trú ở nước ngoài thực hiện mấy năm qua.

Những tác phẩm giàu nghĩa tình kia, ngay phòng truyền thống của Quốc Học vẫn chưa sưu tập đầy đủ! Tham khảo nguồn tư liệu quý báu nọ, chúng ta có thể tái hiện trung thực những bước thăng trầm của ngôi trường yêu quý.

NGƯỢC DÒNG THỜI GIAN

Đất nước “trải qua nhiều cuộc bể dâu” thì trường Quốc Học cũng bao phen thay tên, đổi hiệu. Từ năm 1932, trường được gọi Lycée Khải Định. Đến năm 1955 – Collège Quốc Học. Sang năm 1957 – Collège Ngô Đình Diệm. Và từ năm 1958 đến nay, lại trở về “tên cúng cơm”: Quốc Học.

Cũng cần thêm rằng trong kháng chiến chống thực dân Pháp, khu vực trường bị giặc chiếm đóng và biến thành trại lính khiến một bộ phận thầy trò Quốc Học phải tản cư ra Hà Tĩnh, lập trường trung học chuyên khoa Huỳnh Thúc Kháng từ năm 1946 đến năm 1949. Mãi đến ngày 29-4-1955, phần đông thầy trò Quốc Học mới trở về dạy và học tại ngôi trường thân yêu của mình bên bờ Hương.

Khi Quốc Học mới thành lập, Ngô Đình Khả (một trung thần triều Nguyễn, nguyên phán sứ Toà Khâm ở Huế) được vua Thành Thái thưởng hàm Thái Thường Tự Khanh và bổ nhiệm làm chưởng giáo (tức hiệu trưởng) từ năm 1896 đến năm 1902. Nhà giáo Nguyễn Hữu Thứ (3) nguyên hiệu trưởng trường Quốc Học giai đoạn 1948 – 1950, hiện sống tại Canada, cho biết:

– Niên khoá đầu tiên của trường Quốc Học được long trọng khai giảng vào ngày 26-12-1896.

Giai đoạn 1902 – 1945, việc điều hành trường đều do người Pháp đảm nhiệm, mà đầu tiên là hiệu trưởng Nordeman (tên Việt hoá là Ngô Đê Mân) và cuối cùng là hiệu trưởng Vincenti. Vị hiệu trưởng Việt Nam kế nhiệm tiếp đó, niên khóa 1945 – 1946, là giáo sư Phạm Đình Ái, người đã chỉ đạo việc dạy và học bằng tiếng mẹ đẻ lần đầu tiên trong lịch sử giáo dục nước ta (gọi là chương trình Hoàng Xuân Hãn được áp dụng từ năm 1945), người lập “huyền thoại khoa học” điều chế acid sulfuric trong hoàn cảnh cực kỳ khốn khó ở liên khu IV năm 1947.

Tại lễ hội kỷ niệm 100 năm Quốc Học, trong mấy buổi gặp gỡ các thế hệ thầy trò, nhiều người đã trân trọng tưởng nhớ những nhà giáo thuở trước. Đó là tiến sĩ Jules Vidal – nhà thực vật học uy tín hiện nay ở Pháp. Đó là ngọn bút Henri Cosserat – tác giả bài sonnet Sur la rivière des Parfums (Trên sông Hương) và nhiều thi phẩm với bút danh Henri de Rouvroy. Đó là quý bà Sauton, Nasère, quý cô Gayol, Jevreuil, Yvone le Bris, quý ông Dubois, Caost, Griffon, Queignec, Xocket. Đó là quý thầy Nguyễn Đình Hoè, Hồ Đắc Hàm, Ưng Trình, Nguyễn Khoa Đạm, Hoàng Thông, Tăng Dục, Bửu Cân, Lê Xuân Phương, Nguyễn Huy Bảo, Đoàn Nồng, Tôn Thất Dương Kỵ. Vân vân và vân vân. Truyền thống uống nước nhớ nguồn và tôn sư trọng đạo, gặp cơ hội thuận tiện đã thể hiện rõ ràng và cảm động xiết bao!

Đối diện cổng trường, sát bờ Hương, bên Đài chiến sĩ trận vong, di tích mà dân chúng vẫn quen gọi “bia Quốc Học”, ngước nhìn những cánh diều chào mừng 100 năm Quốc Học tung bay giữa trời mây lồng lộng, cô Đặng Thị Bích Hà – giáo viên Quốc Học suốt 20 năm nay – tâm sự với tôi:

– Dù đời sống giáo chức vẫn còn lắm khó khăn, nhưng nhìn thấy cảnh trò xưa bày tỏ lòng tri ân thầy cô cũ, mình càng thêm vững tâm yêu nghề, quý học sinh.

RỘN RÀNG LỄ HỘI


Rộn ràng lễ hội mừng Quốc Học 100 năm. Ảnh: Phanxipăng

Sáng 7-9-1996, lễ kỷ niệm 100 năm thành lập trường Quốc Học được chính thức tổ chức tại Nhà Văn hoá trung tâm Thừa Thiên – Huế. Cũng dịp này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Trần Hồng Quân thay mặt Chính phủ trao tặng phần thưởng cao quý cho trường Quốc Học: huân chương Độc lập hạng nhất.

Bộ trưởng phát biểu:

– Là ngôi trường trung học thành lập rất sớm ở Việt Nam, lại được xây dựng ngay tại cố đô Huế, nơi mà UNESCO vừa công nhận “di sản văn hoá thế giới”, trường Quốc Học trở thành một trong những cơ sở giáo dục có kiến trúc đẹp nhất và có truyền thống vẻ vang nhất, xứng đáng là “chiếc nôi nuôi dưỡng nhân tài cho xứ sở”. Nối tiếp quá khứ vẻ vang, giai đoạn gần đây, Quốc Học lại liên tục đạt nhiều kết quả đáng kể, nổi bật là công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, giành được nhiều giải cao trong các kỳ thi quốc gia và quốc tế, làm vinh sự không chỉ cho trường Quốc Học mà còn cho cả nền giáo dục Việt Nam.

Liếc qua các hàng ghế, thấy sự hiện diện của đại tướng Mai Chí Thọ, các nhà thơ Huy Cận và Tố Hữu, các nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương, Trần Hoàn và Phạm Tuyên, các giám đốc Việt Nam thông tấn xã, Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam, các giáo sư Nguyễn Lân, Nguyễn Cảnh Toàn, Lê Quang Long, Lê Khả Kế, Trần Đình Đàn, Hoàng Thiếu Sơn, Đinh Xuân Lâm, Thái Văn Trừng, Phạm Như Cương, Hoàng Ngọc Cang, v.v.

Bộ trưởng tiếp:

– Là di tích lịch sử – văn hoá đã được xếp hạng, trường Quốc Học đang được Nhà nước đầu tư tôn tạo, nâng cấp, nhằm thực hiện đề án xây dựng thành một trung tâm đào tạo chất lượng cao theo quyết định 89/TTg của thủ tướng chính phủ. Tin rằng hiện tại và tương lai, giáo viên và học sinh Quốc Học sẽ nỗ lực phấn đấu đạt nhiều thành quả tốt hơn nữa trong công tác giảng dạy và học tập, góp phần đào tạo nguồn nhân lực có đủ tài năng và đức độ, cống hiến cho nền độc lập và tự do của Tổ quốc, cho sự phồn vinh của đất nước, cho hạnh phúc lâu bền của nhân dân.

Từ Nhà Văn hoá trung tâm, đoàn xe hoa rước huân chương về phòng truyền thống của trường. 100 chùm bóng bay, tượng trưng 100 mùa xuân Quốc Học, được thả lên không. Dường như cả thành phố Huế đều đổ ra đường để chào mừng Quốc Học, trên ngực mọi người đều lấp lánh kỷ niệm chương Quốc Học – Huế 100 năm vàng chói. Dường như trên những con đường mà đoàn xe diễu hành, mỗi cành cây ngọn cỏ đều cất giọng hoà theo hợp xướng Quốc Học trường tôi của Trần Ngọc Tĩnh vang vọng rộn ràng:

Trường hỡi! Ta mến yêu
Trường ơi! Ta tự hào
Dù cách xa muôn trùng
Vẫn hoài thương nhớ
Trường ơi!

Nguyên tác ca khúc “Quốc Học trường tôi” do Phanxipăng Trần Ngọc Tĩnh sáng tác năm 1978

TẬP QUÁN MỚI CẦN PHÁT HUY

Ước tính có đến hàng vạn lượt người tham dự lễ hội kỷ niệm 100 năm Quốc Học. Riêng số lượng thầy cô và học sinh cũ của trường đang ở nhiều vùng đất trong lẫn ngoài nước đã tụ hội ắt mấy nghìn người. Nhà giáo cũ cao niên nhất có mặt là thầy Trần Đình Đàn, 94 tuổi, từ Quảng Nam – Đà Nẵng vượt đèo Hải Vân ra Huế. Cựu học sinh “lão làng” nhất là Ngô Võ Anh, 103 tuổi, cũng chỉnh tề áo dài đen với khăn đóng rồi nhờ cháu chắt dìu lại trường xưa.

Nhân lễ hội, thầy trò cũ cư trú và làm việc khắp nơi đã đem về hỗ trợ trường hơn 40 triệu đồng cùng nhiều hiện vật để trao học bổng cho các học sinh nghèo, phát phần thưởng cho các học sinh giỏi. Lễ hội còn là dịp mọi người rút tỉa những kinh nghiệm quý về dạy và học, chân tình nêu những ý kiến về xây dựng và phát triển trường sở.

Hiệu phó Trần Văn Du nói:

– Đây là một cuộc hội tụ lớn vì ơn thầy, nghĩa bạn, tình trường. Các lần trước, Quốc Học tổ chức kỷ niệm 90 năm và 95 năm thành lập, ngay tại Huế đã có những giáo viên và học sinh cũ vì những lý do khác nhau đã không tới dự. Nhưng lần này, hầu hết đều hân hoan hiện diện. Lại có không ít người từ các vùng miền xa xôi vẫn sắp xếp thời gian về thăm trường cũ, tự nguyện đóng góp tinh thần và vật chất để lễ hội thành công mỹ mãn. Lễ hội cũng thu hút đông đảo quần chúng, kể cả nhiều người chưa bao giờ học hoặc dạy Quốc Học. Tuy nhiên, do chưa đủ điều kiện và kinh nghiệm tổ chức lễ hội quy mô lớn nên khó tránh khỏi thiếu sót. Chẳng hạn việc đón tiếp quan khách từ xa về chưa chu đáo, thậm chí có trường hợp bị… nhầm lẫn! Bữa tiệc thân mật tại khách sạn Hương Giang cũng không được như ý. Một số chương trình, một số tiết mục do chuẩn bị kém nên phối hợp thiếu nhịp nhàng đồng bộ. Hy vọng các lần sau, lễ hội Quốc Học sẽ càng… Quốc Học hơn.

Lần sau nào nhỉ? Kỷ niệm 110 năm? 120 năm? 150 năm? 200 năm?

Mong rằng không chỉ Quốc Học – Huế (4) mà tất cả ngôi trường trên toàn quốc, đặc biệt là những trường có bề dày lịch sử, nên tổ chức lễ hội thường niên. Nếu lễ hội trùng thời điểm “sinh nhật trường” lại càng hay. Như với Quốc Học, chọn 23 tháng 10 – ngày vua Thành Thái ký dụ thành lập trường – có phù hợp chăng? Tuỳ hoàn cảnh cụ thể của từng trường, lễ hội có thể tổ chức to nhỏ khác nhau, song làm sao mang sắc thái riêng độc đáo tạo sức hấp dẫn đại chúng, đừng lặp đi lặp lại các nghi thức và các tiết mục hao hao nhau.

Nhiều lễ hội dân gian (hội làng, hội đình, hội chùa, v.v.) là phong tục cổ truyền đáng yêu đang được khôi phục mạnh mẽ, thì lễ hội trường ốc là tập quán đáng quý đã hình thành. Nếu được khuyến khích và tổ chức quy củ, tập quán mới chắc chắn sẽ phát huy bao tác dụng tích cực. ♥


Thượng tuần tháng 9-1996, Phanxipăng cùng Lê Bá Khánh Trình 
từ Sài Gòn về Huế dự lễ hội kỷ niệm 100 năm trường Quốc Học.  Ảnh: Huỳnh Mẫn

Chú thích
(1) Có thể tham khảo bản Việt dịch bởi Đặng Như Tùng trong tập III Những người bạn cố đô Huế (NXB Thuận Hóa, Huế, 1997).

(2) Tính từ ngày thành lập trường Quốc Học đến nay, nhà giáo Đặng Xuân Trừng làm hiệu trưởng lâu nhất: liên tục 19 niên khoá (1977 – 1996). Thầy Đặng Xuân Trừng chào đời ngày 17-12-1935 tại làng Mỹ Lợi, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên; ly trần tại Huế ngày 30-11-2007.

(3) Nhà giáo Nguyễn Hữu Thứ chào đời năm 1918 tại làng Phò Trạch, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên; mệnh chung tại Phan Rang, Ninh Thuận,ngày thứ hai 29-8-2005.

(4)Ngoài trường Quốc Học nổi tiếng ở Huế được thành lập từ năm 1896, nước ta còn 2 trường khác cũng mang tên Quốc Học. Đó là trường Quốc Học ở Vinh chào đời năm 1920 và trường Quốc Học ở Quy Nhơn xuất hiện năm 1921.