Đầu những năm 2000, thỉnh thoảng tôi lui tới một căn biệt thự kiểu Pháp thời thuộc địa ở Phú Nhuận để xem những món đồ cổ bày trong nhà. Căn nhà không xưa lắm, xây bằng xi măng từ khoảng thập niên 1930. Ai có dịp đến thăm đều thích thú vì được chiêm ngưỡng đồ đạc xưa trong nhà, vẫn còn giữ nguyên từ thời mới xây, không có tình trạng “còn vỏ, rỗng ruột” của nhiều nhà cổ trên khắp đất nước này. Trong phòng khách, gia chủ bày hai bộ bàn ghế Louis, tủ thờ kiểu Huế ở giữa và hai tủ thờ hai gian bên. Các bình sứ sáu tấc hình chim trĩ, hoa mẫu đơn của Trung Hoa đầu thế kỷ 20 bày trên bệ cắm lông đuôi chim công. Trên ba cái tủ thờ, các bộ lư đồng được đúc sắc sảo, được đánh bóng hoàn toàn bằng tay dịp Tết đến nên màu sắc lư nhìn rất dễ chịu, không quá bóng loáng. Ở các phòng ngủ, vẫn còn giường đồng, tủ cổ dành cho các quý bà. Khi bày bàn ăn, toàn là đồ sứ Nhật thập kỷ 1940 hiệu Đại Nam. Sau bữa ăn, chủ nhân mời ra ngồi uống trà ở bộ ghế Louis, mưa đang rơi ngoài kia khiến trời tối sầm và khi một ánh chớp lóe mạnh, tôi thấy cái tủ thờ cẩn xà cừ như sáng rực lên, ửng màu đỏ hồng pha xanh tím vô cùng đẹp.

Liễn đối cẩn ốc và bình sứ cổ. Ảnh: Đức Trí

Câu chuyện đưa về đồ cẩn xà cừ ở đất Sài Gòn này. Chắc chắn đó là loại đó, vật chỉ có thể xuất hiện trong nhà giàu có, hoặc một ít nhà trung lưu biết cái Tuy chỉ là một món đồ gỗ gia dụng, có người đã đeo bám để mua cho mình nhiều khi chỉ một món trong cả đời. Nhiều người coi đó là của gia bảo, là món đồ để khoe với khách, hãnh diện vì nếp nhà sung túc và có gia phong. Đó ẩn ốc có khi là một cái tủ dày đặc chi tiết cần, một cặp liễn đối, hay chỉ là một cái khay, một kỷ trà, một hộp gỗ nhỏ, nhưng có khi là một bộ tràng kỷ, một bộ sập gụ tủ chè. Tất nhiên đó phải là những món được cẩn tỉ mỉ, tạo hình khéo léo và ốc xà cừ phải đẹp, là hàng đặt chứ không phải hàng chợ. Đồ cẩn với màu gỗ nâu, ốc óng ánh trắng vàng đỏ tím nổi bật hoặc làm nền cho cái thống, cái chóe, cái bình sử men lam của Trung Hoa, cùng tông và làm nổi bật một cách dễ chịu bức tranh sơn mài có nền trời đỏ son hay bức đại tự thấp vàng rực rỡ. Đồ cẩn ngụ ý về gia thế, trình độ thẩm mỹ của chữ nhân xưa kia và bây giờ là vẻ “biết chơi” của họ. Đồ cẩn quyến rũ, nên nhiều món xuất sắc ra đi không trở lại từ hồi thập niên 1990 mới mở cửa, cùng với các nhà kinh doanh Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc đến rồi trở về nước, đóng từng kiện hàng những món đẹp nhất, từng bày trong cung vua phủ chúa hay nhà quan lại, địa chủ…

Đồ cẩn ốc được chưng bày ở Sài Gòn hoặc các tỉnh Nam bộ đa phần xuất xứ ở Huế hay Bình Định. Người biết dùng đồ thích nhất các món từ Huế, do Huế là nơi tập hợp nhiều nghệ nhân tài nghệ cao làm đồ gỗ và cẩn ốc nhằm phục vụ triều đình, quan lại thời nhà Nguyễn. Nghệ nhân ở đó ảnh hưởng nghệ thuật cung đình trong chế tác, trang trí đồ gỗ không bị cứng nhắc, khuôn mẫu mà gần gũi với tự nhiên, trong trang trí chi tiết luôn thể hiện cuộc sống hiện thực, đó là các loại hoa lá trong “tứ hữu” (mai, lan, cúc, trúc), các con thú gần gũi với đời sống thường ngày như con cá, con trâu, con vịt… hoặc đôi khi lấy nguyên mẫu các cây cỏ bình thường khác như bông lục bình, dây khổ qua, trái mướp, bí… Họa tiết người thì tuồng tích quen thuộc như Tô Vũ chăn dê, Văn Vương cầu hiền, Lã Vọng chờ thời… Kiểu trang trí ô hộc trong tủ gỗ Huế tạo tính hài hòa và giúp thợ đầu tư tỉ mỉ trong trang trí từng ô hộc, kỹ thuật chạm lộng lại nhuần nhuyễn, tài hoa. Nghệ thuật cẩn khảm xà cừ của người thợ Huế thành công trong việc làm lộng lẫy sản phẩm.

Gần đây, có dịp xem lại bộ sưu tập đồ gỗ cẩn ốc xà cừ của một nhà sưu tầm ở Sài Gòn, tôi như sống lại đam mê của mười năm trước đây khi mải mê nhìn từng họa tiết của đồ cấn. Trên nền gỗ gõ mật đen bóng của một cái khay, một người cưỡi ngựa từ một ngôi nhà dưới bóng cây, giương cung bắn một con chim trời phía trời xa, có một chú bé đuổi theo đợi nhặt. Ở góc khác là đôi nam nữ áo mão dài, mỗi người đều cưỡi một con ngựa đi lững thững theo chiều ngược lại, có hai chú lính đội nón vác giáo hộ tống chạy bộ theo. Tất cả trong một khuôn oval nhỏ, bao quanh là lá cỏ bướm hoa dầy đặc, tỉ mỉ được tạo tác bằng những mảnh xà cừ được tạo hình, khảm cẩn tinh vi đến từng sợi dây tổ cũng uốn éo mềm mại không một đường gẫy khúc… Phong cảnh trong khay lóng lánh màu sắc, tỉ mỉ và tinh tế làm say lòng người không khác khi ngắm một hình cảnh sinh hoạt trên đồ sứ cổ. Rõ ràng công phu cẩn ốc từng chút một trên một cái khay như vậy quá lớn và chỉ có hàng quý tộc, địa chủ giàu có thời xưa mới đủ sức thuê thợ, đặt hàng ở những làng nghề hay nghệ nhân giỏi nhất của xứ sở. Có thể nói, tính quý giá của những đồ cẩn loại này không hề thua kém các loại đồ sứ cổ từ Trung Hoa lâu nay vốn được ưa chuộng.

Người chủ kể về cái tủ thờ trước bộ bàn ghế uống trà. Cái tủ được bà ngoại anh mua năm 1931 tại Hội chợ đấu xảo ở Hà Nội. Khi đó, danh tiếng về đồ cẩn ốc Việt được triều đình Huế gửi sang Pháp dự Hội chợ đấu xảo năm 1877 đã khiến bà ngoại anh chú ý về loại đồ mỹ nghệ này. Đến năm 1945, lính Pháp tràn vào nhà và dùng báng súng đập vào tủ khiến mặt tủ chạm lộng bị vỡ một góc. Giặc rút, cả nhà đau xót nhìn cái tủ bị bầm dập. Sau đó mấy năm, bà ngoại anh tìm được thợ phục chế ở Sài Gòn, cái tủ lại liền lạc vì rất may thợ đã phục chế rất tốt.

Mùa mưa năm nay (2014), tôi đi ngang ngã tư Phan Đăng Lưu và Phan Xích Long ở Phú Nhuận. Ngôi biệt thự xưa được nhắc ở trên đang được đập bỏ sau khi bán cho chủ mới. Gia đình anh bạn dọn đi, có lẽ mang theo cái tủ thờ gia bảo. Dù đã được ngắm nhìn rất nhiều món đồ cẩn ốc tuyệt đẹp của anh Nguyễn Trọng Cơ được giới thiệu trong những trang sách này, tôi vẫn nhớ về cái tủ cẩn ốc ở ngôi nhà này. Một cái tủ cũng thăng trầm như đời người.