Làm sao tìm được những thợ giỏi và quản lý thợ thật tốt luôn là vấn đề băn khoăn của nhiều chủ tiệm nail. Một khi trở thành chủ, nếu để mắc phải sai lầm hay đối xử không tốt với thợ của mình có thể dẫn đến hậu quả hàng loạt thợ nail rời bỏ cửa tiệm.

Trong kinh doanh tiệm nail, các chủ tiệm vẫn luôn thắc mắc vấn đề làm sao tìm được thợ nail tận tâm với nghề và cách quản lý nhân viên sao cho tốt. Ai cũng hiểu rằng trên thương trường, là người chủ kinh doanh trong bất cứ ngành nghề nào đi nữa thì nếu muốn tồn tại và phát triển cơ sở của mình, người chủ đó cần phải có hai điều vô cùng quan trọng là thợ và khách hàng. Khách hàng là nền tảng để tiệm tồn tại và phát triển lớn mạnh, vì thế hầu hết các chủ tiệm chú trọng vào yếu tố “có khách” nhiều hơn là quan tâm đến “có thợ”.

woman doing manicure

Tuy nhiên, bạn nên cân nhắc giữa hai yếu tố khách và thợ. Nếu lượng khách đông nhưng không có thợ phục vụ thì khách cũng sẽ bỏ đi. Hay thợ đông mà làm mất lòng khách thì cũng gây ảnh hưởng xấu. Nếu tiệm có ít khách nhưng thợ vừa đủ, lại biết chiều lòng khách hàng thì khách sẽ giới thiệu thêm người quen, bạn bè của họ cho tiệm, làm cho cơ sở ngày càng gia tăng lợi nhuận trong tương lai. Từ những tình huống trên có thể thấy người thợ chính là “chìa khóa vàng” thu hút đông đảo khách đến với tiệm và giúp tiệm kiếm được nhiều tiền hơn. Song nhiều chủ tiệm không hiểu hết giá trị của những người thợ, chỉ biết chú trọng đến phần “có khách”, có những cư xử không đúng mực với chính thợ của mình. Hãy tránh những sai lầm sau đây để không làm căng thẳng thêm tình hình, để có thể giữ chân được thợ tốt trong quá trình quản lý nhé!

Nóng giận vô cớ

Thống kê cho thấy cứ một lần nóng giận vô cớ của chủ tiệm là có thể ảnh hưởng rất xấu đến tâm lý làm việc của thợ. Phần lớn các chủ tiệm lại không ý thức được việc này. Họ hay nổi cáu với thợ, đôi khi còn coi thợ là chỗ để họ trút những cơn giận. Họ phê bình và chửi mắng thợ nhưng không cho phép thợ bình luận hay phê phán mình. Đây chính là nguyên nhân đầu tiên đưa tiệm bước vào con đường suy sụp và thất bại.

Khi thợ bị xúc phạm, người chủ rất khó để sửa sai, và làm cho mối quan hệ chủ – thợ hòa thuận lại như cũ. Điều này làm cho cửa tiệm trở nên vắng thợ và vắng khách hơn hẳn.

Không giữ thể diện cho thợ

Điều tối kỵ của người quản lý tiệm là trách mắng thợ ngay trước mặt khách hàng. Các nhà tâm lý đều cho rằng, là một người chủ, cần phải tôn trọng thể diện của thợ trước mặt người khác, vì đây là điều kiện không thể thiếu trong việc thiết lập mối quan hệ gần gũi, hòa đồng giữa chủ và thợ. Vậy mà đây lại là việc hết sức thường gặp tại nhiều tiệm nail, chủ vô tư la mắng thợ trước mặt người thứ ba làm thợ cảm thấy khó chịu.

Chia phiên khách không đồng đều cho thợ

Chia phiên phục vụ khách cho thợ đã trở thành “vấn nạn” trong quá trình quản lý nhân sự của các tiệm nail. Sự phân chia không đồng đều của chủ tiệm sẽ khơi dậy sự thù hằn, đố kỵ giữa các thợ với nhau, cũng như giữa thợ và chủ. Cũng từ sự phân chia bất nhất này đã tạo ra tình trạng phục vụ khách hàng một cách cẩu thả để giành khách, hoặc chủ muốn dồn khách cho thợ bao trước khiến cho tiêu chuẩn phục vụ trở nên tồi tệ, dẫn đến mất khách hàng và cửa tiệm suy sụp.

Không trao quyền và trách nhiệm

Chìa khóa dẫn đến thành công là cần học cách trao quyền hiệu quả, bao gồm cả trách nhiệm hoàn thành nhiệm vụ trong công việc, thẩm quyền cần thiết để thực hiện công việc suôn sẻ hơn. Tiếc thay các chủ tiệm thường có suy nghĩ ôm đồm, muốn quản lý tất cả các khâu và chỉ muốn tin tưởng vào chính mình.

Không thiết lập các mục tiêu cụ thể

Không chỉ giao chỉ tiêu cho thợ mà người chủ còn phải đảm bảo thợ đang đi theo đúng hướng mục tiêu phát triển mà mình đề ra. Thiết lập mục tiêu công việc cho thợ là việc làm then chốt của bất cứ người chủ tiệm nào muốn thành công. Song vẫn còn nhiều chủ tiệm nail chưa biết mục tiêu của tiệm mình là gì.

Không khuyến khích thợ học hỏi

Tất cả mọi người thợ dù tài giỏi đến đâu cũng có khi mắc phải sai lầm. Sự khác biệt giữa thợ giỏi và thợ dở chính là ở khả năng nhận thức được lỗi lầm và chủ động sửa sai. Để làm được điều đó, các chủ tiệm cũng cần tạo ra những môi trường, hoàn cảnh để giúp thợ không ngại chấp nhận rủi ro, thất bại rồi từ đó sẽ học hỏi thêm những kỹ năng còn thiếu sót. Đừng vì thấy thợ có nhiều cái hay, giỏi mà chèn ép; không khuyến khích họ rèn luyện phát triển bản thân.

Không dành thời gian cho thợ

Khi thợ cần nói chuyện với người quản lý thì dù là bận rộn đến đâu, chủ quản lý nên gác công việc sang một bên và tập trung lắng nghe điều thợ muốn trình bày. Nếu bạn không thể giải quyết ngay thì có thể thu xếp một cuộc hẹn khác để nói chuyện với thợ. Chỉ khi có thời gian trò chuyện cùng thợ thì bạn mới biết được thợ suy nghĩ những gì về công việc, về lương bổng, chính sách đãi ngộ cũng như mối quan hệ giữa bạn và thợ.

Không công nhận và khen thưởng

Là người chủ phải biết dành chút thời gian và công nhận thành tích của thợ nếu thợ đạt chỉ tiêu tốt và có những đóng góp to lớn cho sự phát triển thành công của tiệm. Biết khen thưởng đúng cách, đôi khi chỉ cần vài lời nói chân thành sẽ làm cho thợ cảm thấy vui vẻ, gia tăng hiệu suất làm việc cũng như lòng trung thành đối với cửa tiệm.

Hạn chế mắc phải những sai lầm không đáng có trong việc kinh doanh và quản lý tiệm nail, duy trì mối quan hệ tốt với thợ nail sẽ giúp chủ tiệm có những hướng phát triển, mở rộng cửa tiệm đúng đắn. Ngoài ra, bạn còn giữ chân được nhiều thợ làm móng giỏi và thu hút thêm lượng khách hàng đông đảo.

Thepronails.com