Vào ngày lễ Phục Sinh, mọi người thường tặng nhau những món quà hình quả trứng, con thỏ… những biểu tượng không thể thiếu từ hàng ngàn năm nay. Vậy nguồn gốc và ý nghĩa của những biểu tượng này là gì?
Lễ Phục Sinh là một trong những lễ hội quan trọng nhất của những tín đồ Kitô giáo, được tổ chức nhằm tưởng niệm sự kiện Chúa Jesus hồi sinh từ cõi chết trở về sau khi bị đóng đinh xử tử trên thập tự giá.
Nói đến biểu tượng của lễ Phục Sinh, người ta không thể không nhắc đến 2 thứ quen thuộc là thỏ và trứng, được cho là có nguồn gốc từ truyền thống của Giáo hội Luther ở Đức.
Theo truyền thống của Giáo hội Luther ở Đức, thỏ Phục Sinh ban đầu đóng vai trò một người phân xử, đánh giá xem liệu những đứa trẻ đã cư xử ngoan ngoãn hay vâng lời vào lúc bắt đầu mùa Phục Sinh hay không. Thỉnh thoảng, thỏ Phục Sinh được mô tả là có mặc quần áo. Phong tục này của những người Luther ở Đức lần đầu được nhắc đến trong tác phẩm của Georg Franck von Franckenau De ovis paschalibus (Nói về trứng Phục Sinh) năm 1682.
Theo câu chuyện, thỏ Phục Sinh có quần áo và mang trứng màu trong giỏ, cùng với bánh kẹo và đồ chơi để mang đến cho những đứa trẻ tốt, giống như ông già Noel phát quà vào dịp Giáng Sinh.
Trong các tác phẩm nghệ thuật của các nhà thờ thời trung cổ, thỏ là một biểu tượng rất thường được đề cập đến. Thời cổ đại, thỏ thường được cho là lưỡng tính và có khả năng sinh sản mà không cần giao phối. Niềm tin này đã khiến chúng trở thành một biểu tượng của Đức Trinh Nữ Maria, người mà các tín đồ Kitô giáo tin rằng đã mang thai với Chúa Jesus khi là một trinh nữ.
Ai Cập nổi tiếng với câu chuyện thỏ lên Mặt trăng, trong khi ở châu Âu, thỏ là con vật yêu thích của nữ thần của khả năng sinh sản: Eostre. Theo truyền thuyết Celtic, thần của họ thậm chí còn biến thành một con thỏ khổng lồ với trăng tròn.
Nhưng quan trọng hơn, hình ảnh chú thỏ gắn liền với một truyền thuyết về Ostara (còn gọi là Eastre). Đây là nữ thần của mùa xuân, người được lấy tên đặt cho tên của lễ Phục Sinh (Easter).
Một biểu tượng khác của lễ Phục Sinh chính là quả trứng. Trong các truyền thuyết về tạo dựng Trời đất của nhiều dân tộc xưa đều nghĩ rằng vũ trụ được sinh ra từ một quả trứng. Nên trứng là biểu tượng của thiên nhiên, của sự tái sinh. Các Kitô hữu xem trứng như biểu tượng của sự phục sinh của Chúa Jesus.
Trong Chính Thống giáo và Giáo hội Công giáo Đông Phương, trứng Phục Sinh được nhuộm đỏ để diễn tả máu của Chúa Jesus đổ ra trên thập giá, vỏ cứng của quả trứng tượng trưng cho ngôi mộ được niêm phong của Chúa, việc đập vỏ trứng biểu tượng cho sự phục sinh của Ngài từ cõi chết.
Vào Mùa Chay của các nhà thờ Chính Thống giáo, những tín đồ Kitô giáo không ăn thịt hay mỡ động vật, cũng không ăn cá (trừ một lần giữa Mùa Chay), để rồi vào ngày lễ Phục Sinh, họ ăn trứng, cũng là để chấm dứt Mùa Chay, trở thành cột mốc chỉ sự đổi mới và báo tin mừng Phục Sinh.
Như thế, quả trứng Phục Sinh chính là một phương tiện chuyển thông sứ điệp Phục Sinh bằng sự đổi mới và sức sống. Người ta luộc trứng gà chín và sơn màu sắc sặc sỡ với những ý nghĩa đẹp: màu đỏ tượng trưng cho may mắn, màu xanh cho hy vọng, trẻ trung, màu vàng cho sự khôn ngoan, màu trắng cho thanh bạch màu cam cho sức mạnh … bỏ trứng trong giỏ với những thức ăn khác mang đến nhà thờ.
Trứng còn biểu tượng cho sự khởi nguyên của sự sống, bởi vậy theo truyền thuyết, người chết được tẩm liệm, người ta để trong quan tài một quả trứng biểu tượng cho cứu chuộc và sự sống đời sau, trên quan tài người chết thường cúng cơm có trứng gà. Người ta quan niệm con gà con tự mổ vỏ trứng chui ra, Chúa Jesus bị hành hạ đánh đập qua những đoạn đường dài khổ cực vác thánh giá rồi bị đóng đinh đến chết, được an táng trong ngôi mộ đá và đã đập vỡ cửa mồ sống lại.
Những câu chuyện về thỏ và trứng xung quanh lễ Phục Sinh chưa bao giờ mất đi sự hấp dẫn đối với trẻ em qua các thế kỷ. Ngay cả với sự ra đời của công nghệ hiện đại, truyền thống cổ xưa này vẫn tiếp tục tồn tại và đóng vai trò quan trọng trong dịp lễ Phục Sinh trên toàn thế giới.