Tục ngữ, thành ngữ Việt Nam có một số câu không phải dễ dàng, để có thể hiểu hết được ý nghĩa thực sự của nó. Do một số biến tướng trong tính chất truyền miệng, dễ khiến những câu nói đó bị sai lệch trong ý nghĩa nội dung. Điển hình như câu: Tam sao thất bản, Quá tam ba bận… Các câu nói này, đến giờ vẫn có nhiều ý kiến trái chiều. Vậy có thực mới vực được đạo là gì? Hiểu thế nào cho đúng?
Có thực mới vực được đạo là câu tục ngữ nói lên tầm quan trọng của việc ăn uống (dĩ thực vi tiên). Cái nghĩa đen mà chúng ta có thể hiểu đó là: Cần phải được ăn uống đầy đủ có sức khỏe trước đã, rồi mới đi theo Đạo được. Đời sống vật chất được đáp ứng thì chúng ta mới hướng tới đời sống tâm linh.
Tuy vậy, câu tục ngữ còn mang một ý nghĩa sâu xa hơn: Trong cuộc sống, trước hết chúng ta cần quan tâm tới những điều căn bản, thiết thực nhất. Trước khi muốn nghĩ tới bất cứ điều gì ngoài tầm với hiện tại của mình. Chẳng hạn như ước mơ, hay mục tiêu mà chúng ta đang theo đuổi.
- Có thực mới vực được đạo là gì trong tiếng Trung? ➜ 衣 食 足 方 能 买 鬼 推磨: Yīshí zú fāng néng mǎi guǐ tuī mó.
Có thực mới vực được đạo hiểu thế nào cho đúng?
Chân lý “Có thực mới vực được đạo” đã được ông cha ta đúc kết. Cho đến tận bây giờ nó đã trở thành câu nói vô cùng phổ biến. 6 chữ vàng này thực sự mang nhiều ý nghĩa.
Thực ở đây là gì và Đạo là gì? Một số lấn cấn không thuần nhất, với một số tiền đề các lý thuyết chính thống hay xưa cũ, cho câu tục ngữ Có thực mới vực được đạo. Vấn đề này đã có nguồn gốc xuất phát từ thời chữ Nôm. Chứ không phải đợi mãi đến chữ Quốc ngữ, chúng ta mới đi phân tích mổ xẻ câu nói này.
Cả chữ Nôm và chữ Quốc ngữ không hàm chứa về tượng hình, giả tá, hài thanh hay ráp vần. Để chúng ta nhận biết chữ Thực và chữ Đạo ở đây muốn nói lên điều gì. Khi một câu tục ngữ phổ biến bị Tam sao thất bản, theo tính chất truyền miệng.
Nhưng không đủ độ chắc chắn, thường sinh ra nhiều biến thể khác nhau. Cho nên cũng khó xác định được, đâu là ý nghĩa chuẩn xác nhất, ý nghĩa của câu Có thực mới vực được đạo.
Tuy nhiên nếu áp dụng “Tam Thiên Tự” cho câu nói này. Ta có thể xác định chữ “Thực” ở đây có nghĩa là Ăn, Ăn uống. Còn chữ Vực chắc chắn sẽ mang nghĩa là đạt được, vươn tới (reach/attain). Và đến tận bây giờ, người ta vẫn nhấn mạnh chữ “Thực” là Ăn uống cho câu nói “Có thực mới vực được đạo”.
Có ăn thì mới đạt được đạo? Nghe có vẻ hợp lý xuôi tai. Bởi lẽ, trong chủ nghĩa duy vật biện chứng cũng đã nêu rõ về vấn đề này: “Vật chất là cái có trước, ý thức là cái có sau”. Vật chất quyết định ý thức, rất phù hợp với quy luật.
Nhưng mà nó có đơn giản như vậy đâu. Ở đây chúng ta đang nhận định với khía cạnh 1 chiều, vì ta chưa thể khẳng định được rằng. Câu nói “Có thực mới vực được được đạo” theo nghĩa ăn uống đã đúng với ý nghĩa thực sự của nó. Thực chất thì ứng với từng hoàn cảnh cụ thể, câu nói này lại mang những nghĩa khác nhau.
Bởi vì, chữ Thực còn được hiểu với rất nhiều nghĩa. Chẳng hạn như: Thực tế, thiết thực, thực hành, thực tiễn, thực lực, chân thực… Còn chữ Đạo cũng bao hàm nhiều ý nghĩa khác nhau. Vậy câu nói này bao hàm có ý nghĩa là gì? Vâng, các ý nghĩa ở đây chúng ta có thể phân tích như sau.
1. Ăn uống để nghe Tôn giáo
Khảo sát chữ Thực theo nghĩa Ăn uống. Thì nó tương đương với chữ Xực (食), xực phàn (thực phạn 食飯 = ăn cơm) trong tiếng Quảng Đông. Ngạn ngữ bằng tiếng Anh có câu: “The way to a man’s heart is through his stomach: Con đường đến với trái tim người đàn ông, thường đi ngang qua bao tử của họ”.
Tục ngữ nước Đức cũng có câu tương tự: “Zuerst das Essen dann die Moral (Ăn trước, đạo đức sau)”.
Đạo tương đương với the Way trong tiếng Anh (nghĩa khá rộng). Trong tiếng Việt đạo thường mang nghĩa với Tông giáo (đến khoảng giữa thế kỷ 20) và Tôn giáo (religion).
Xét về khía cạnh truyền giáo, câu nói này xem ra có lý lắm. Bởi ai cũng hiểu, nhu cầu vật chất là cái cần thiết thực tế trước mắt. Không thể hăng hái đi nhà thờ, đi chùa khi nhu cầu tối thiểu của sự sống thể lý chưa đủ.
Thực là lương thực, thực phẩm. Còn Đạo là niềm tin Tôn giáo. Cần phải ăn no, mặc ấm thì mới an tâm, hăng hái đi nhà thờ, đi chùa lễ Phật… Khi đời sống vật chất được đảm bảo, thì con người mới hướng tới đời sống tâm linh, mới hành đạo được.
Giải thích ý nghĩa của câu Có thực mới vực được đạo theo ý nghĩa này, rất đúng với đời sống của những người nghèo khổ. Đến nhu cầu vật chất tối thiểu mà họ còn chưa lo nổi, thì cũng không thể dành nhiều thời gian để tìm đến những điều cao siêu huyền nhiệm.
Trong những câu ca dao tục ngữ của người dân Việt Nam, cũng có những câu nói thực tế hóa. Chẳng hạn: Ăn chắc mặc bền, ăn chưa no lo chưa tới, ăn vốc học hay. Bởi vậy, cần phải ăn no thì mới có đạo làm người.
2. Phải ăn uống để làm việc lớn, đi đến đích
Xét theo nghĩa của câu Có thực mới vực được đạo, phải ăn uống thì mới có thể đạt được đích đến của mình. Thực là lương thực. Đạo là con đường kiến tạo những mục tiêu lớn lao, đạt tới những điều to lớn vĩ đại.
Theo nghĩa này cũng không phải là điều vô lý. Bởi thực tế, trong cuộc sống của chúng ta. Khi giải quyết một vấn đề nào đó, bạn cần phải có sức khỏe tốt trước đã. Mà muốn có sức khỏe thì người ta phải ăn để nạp đầy đủ năng lượng. Bụng phải no làm việc mới hiệu quả. Còn đói thiếu sức khỏe, thì nhiều khi ngủ còn không ngủ được, huống hồ là lại làm các công việc khác.
Người xưa có câu: “Dĩ thực vi tiên” hay “Dân dĩ thực vi thiên”. Tức là, dân lấy ăn làm trời, xem trọng miếng ăn. Và muốn trị dân thì trước hết phải làm cho dân ăn no mặc ấm trước đã. Dân mà đói thì nước sẽ loạn. Rồi lại có câu: “Quốc dĩ dân vi bổn, dân dĩ thực vi tiên”. Đất nước lấy dân làm gốc, còn dân lại cần cái âm no làm điều quan trọng.
Trong thời chiến tranh kháng chiến chống thực dân Pháp, Bác Hồ đã nêu lên sáng kiến về “Hũ gạo tiết kiệm”. Mỗi nhà đều có riêng một hũ gạo. Mỗi bữa đều dành riêng một nắm gạo bỏ vào hũ, đề phòng lúc thiếu thốn (một phương pháp giống như tiền bỏ lợn đất ngày nay).
Ngoài ra, Bác cũng kêu gọi mọi người trong mỗi tuần, chịu khó nhịn ăn đi 1 bữa. Đây là vấn đề cấp bách, để nhằm mục đích giải quyết các vấn đề về lương thực. Để cho quân dân, bộ đội có sức khỏe để đánh giặc. Bởi lẽ cuộc kháng chiến chống quân xâm lược mang tính chất trường kỳ.
“Thực túc binh cường” không ai mang cái bụng đói đi đánh giặc. Dù tinh thần có cao đến đâu, mà sức lực tiêu tan thì rất khó để chiến đấu thành công. Phải ăn uống đầy đủ thì quân đội mới mạnh lên được, mới chiến đấu giỏi.
3. Phải có sự thật thì người ta mới tin & nghe theo
Như đã nói ở trên, có nhiều người khẳng định rằng, câu tục ngữ này đi theo trường phái “Dĩ thực vi tiên”. Chúng ta chưa thể vội vàng khẳng định ý nghĩa đó là điều đúng. Bởi vì việc hiểu nghĩa “Phải có sự thật để mọi người tin theo” cũng là hoàn toàn hợp lý.
Sự thật (Truth), ở đây tương đương với chữ Chân thật/chân thực (真實) viết theo nghĩa Hán Việt. Bởi vậy ta có thể chuyển thể câu “Có thực mới vực được đạo“, thành câu “Có thật mới vực được đạo” để dễ hình dung hơn. Ngoài ra thành ngữ “Hữu danh vô thực (有名無實)”, cũng là một câu nói có liên quan.
Muốn xét lại vấn đề ăn uống trong trường hợp này không có gì là khó khăn. Bởi mọi người thường hay nói: “Nếu bụng đói nói hay cũng chẳng ai nghe”. Phải có cái gì đó mang ý nghĩa đòn bẩy, thì mới buộc được người ta tuận theo những nguyên tắc của mình. Đừng hô hào, lý thuyết nhiều, mà cần phải có ví dụ cụ thể được kiểm chứng rõ ràng, thì người ta mới tin nghe theo ý mình.
Lại xét ví dụ cho ý nghĩa tôn giáo lại càng dễ hình dung hơn. Có thật lòng, thật sự tôn trọng cái sự thật thì mới vực được Đạo giáo. Tức là lúc này Đạo sẽ được gìn giữ và tăng tiến trong mỗi người chúng ta.
Đạo cũng được hiểu là Chân lý, còn Thực hiểu sự thật của vạn pháp và rõ rành được đường đi lối về. Tức là có thành thật, thật lòng, có tôn trọng sự thật thì mới hiểu rõ và thuyết phục được chân lý.
4. Phải có thực hành khi đó mới biết việc mình làm có đúng hay ko?
Nếu hiểu, Thực là Thực hành. Còn Đạo là cái Đúng. Tức là khi đi vào thực hành, tìm hiểu cái thực tế thì khi đó mới biết được việc mình làm có đúng, có hiệu quả hay không? Khi hiểu như thế này cũng không có gì là sai. Bởi ai cũng biết, lý thuyết & thực hành bao giờ cũng có khoảng cách nhất định. Lý thuyết thôi vẫn chưa đủ, mà bạn phải vận dụng cái lý thuyết đó vào đời sống mới hiệu quả.
Chúng ta hoàn toàn đồng ý, khi các kiến thức lý thuyết mà chúng ta đã được tích lũy từ trước là rất đúng đắn. Nó có thể là một sự định nghĩa, một khái niệm… hay những kiến thức đã được người ta kiểm chứng. Nhưng nếu hiểu lý lẽ hơn thì ở đây không mang tính chung chung nữa, mà hãy áp dụng cho chính bản thân bạn.
Tức là bạn cần phải tự vận dụng, cần phải thực hành, để biết được trong quá trình làm việc của mình, nó đúng chỗ nào sai chỗ nào. Nếu đúng thì chúng ta đã có thể kết hợp giữa lý thuyết với thực hành, và gọi đó là sự đồng nhất. Còn không đúng, tức là bạn đã thất bại, bạn cần làm lại để có thêm kinh nghiệm.
Kinh nghiệm & thất bại ban đầu nó còn quan trọng hơn cả sự thành công. Vì người ta có câu: Thất bại là mẹ thành công. Cho nên mối tương quan giữa thất bại – kinh nghiệm – thành công luôn có sự mất thiết với nhau.
Học phải đi đôi với hành, chứ đừng áp dụng các lý thuyết suông. Mỗi thực hành là một kinh nghiệm quý báu, để rút ngắn khoảng cách trong hành trình chiếm lĩnh tri thức nhân loại.
Còn việc tu dưỡng, rèn luyện tư tưởng của bản thân, thì chúng ta cần phải có kinh nghiệm và trãi nghiệm thực tế, trong cuộc đấu tranh với chính cuộc đời của mình.
Có thực mới vực được đạo là gì trong đời sống ngày nay?
Người Việt Nam rất coi trọng vấn đề ăn uống, bởi vậy mới có câu: “Trời đánh tránh bữa ăn”. Để duy trì sự sống, ăn uống luôn giữ ở vị trí số một. Không phải hà cớ mà người ta thường dùng hạn từ Ăn, để ghép lên đầu với những từ ngữ khác. Chẳng hạn như: Ăn uống, ăn học, ăn chơi, ăn ngủ, ăn vạ, ăn tiêu… nếu đếm liệt kê ra thì không dưới cả trăm từ.
Con người cũng như các loài có sự sống, để sinh tồn chúng ta không thể thoát tục được vấn đề ăn uống. Ăn để có năng lượng, có năng lượng để làm việc để duy trì cái sự sống này. Nhu cầu ăn uống là một bản năng tự nhiên. Bởi vì “Khi đói thì đầu gối cũng phải bò”. Không ăn uống đầy đủ, thật khó mà thoải mải trong con người.
Ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Ăn uống nó còn thể hiện một nét đẹp văn hóa riêng cho từng quốc gia. Người Hàn quan niệm về cái ăn “금강산도 식후경” (Dù thăm núi Kim cương cũng phải sau khi ăn). Còn người Việt mình lại quan niệm: “Có thực mới vực được đạo”, hay “Ăn xem nồi ngồi xem hướng”.
Còn đó, nó còn thể hiện một nghệ thuật thưởng thức trong ẩm thực. Mỗi dân tộc, mỗi vùng miền, mỗi địa phương… đều có một nghệ thuật ăn uống khác nhau. Điều này thực sự mang nhiều ý nghĩa trong đời sống vật chất, lẫn tinh thần trong xã hội ngày nay.
Ngày xưa, nhà yêu nước Phan Chu Trinh cũng nêu ra 3 chuẩn mực xây dựng đời sống con người. Đó là Hậu dân sinh, khai dân trí, chấn dân khí. Ở đây, ông cũng đề cao tinh thân ăn uống giữ một vai trò đặc biệt quan trọng.
Hậu dân sinh là làm cho đời sống người dân phải được cơm no áo ấm. Khai dân trí, chấn dân khí là mở mang tri thức, trình độ học vấn để áp dụng cho các vấn đề trong cuộc sống. Và chấn hưng ý chí khí phách của con người. Bởi vậy, ta mới hiểu được tầm quan trọng giá trị của “ngọc thực” là lớn đến cỡ nào.
Chủ nghĩa duy vật quan điểm rất rõ ràng, về cái vật chất quyết định tới yếu tố tinh thần. Trường hợp này ta cũng có thể liên tưởng khi bố mẹ khuyên con cái sắp thi đại học. Hiểu nôm na là phải chắc cái bụng, thì làm bài mới đạt sự hiệu quả.
Nói cho vui, thì có những câu nói mang tiền đề cho ăn uống khá hài hước. Chẳng hạn như: “Có thịt mới dịch được rượu”‘ hay “Có mồi mới ngồi tới.. sáng”. Đó là những câu nói mang tính chất bông đùa, nhưng mà nó cũng nhằm tô điểm cho quan điểm ăn uống ngày nay.
Tuy nhiên, thực tế thì ai cũng biết. Con người sinh ra sử dụng lương thực “Ăn để sống, chứ không phải sống để ăn”. Ấy vậy mà một số người ngày hôm nay, quá xem trọng miếng ăn. Đến nổi có thể đánh mất đi lòng tự trọng, đánh mất các mối quan hệ…
Thử hỏi, ngày hôm nay có ai chết vì đói? Chúng ta chỉ thấy chỉ có người chết vì no mà thôi. Đó là bội thực mà chết. Đó là ăn quá nhiều, sinh ra nhiều bệnh tật mà chết. Thấy thương cho đa phần người phụ nữ Á Đông. Trong đó có cả người phụ nữ Việt Nam mình. Gần như tốn quá nhiều thời gian cho cái nhà Bếp. Nhưng cũng vì bản tính người phụ nữ cũng là vậy, ai nói được gì đâu.
Nhưng mà ăn làm sao cho đủ chất được rồi. Đằng này quá tốn thời gian cho miếng ăn, mà quên đi những việc quan trọng khác. Sáng ăn, trưa ăn, chiểu ăn, tối ăn, rồi tới khuya lại vấn đề ăn uống. Loay hoay rửa mấy cái chén bát, dọn dẹp xong ra chợ… trưa ăn chiều ăn… vậy là hết ngày. Vậy nên chúng ta ăn làm sao cho đủ chất, nhưng đừng tốn quá nhiều thời gian. Thì đó mới là bản chất của người thông minh.
Một cách hiểu khác cho câu Có thực mới vực được đạo trong vấn đề này. Thực ở đây không bị bó hẹp ở vấn đề ăn uống nữa. Mà nó còn mở rộng khi sự đầu tư xứng đáng, về điều kiện vật chất trong mọi công việc của bạn để đạt được sự thành công. Tức là thế giới hiện đại, để đạt được thành công cần phải đầu tư. Sự đầu tư đầu tiên chúng ta cần bàn tới đó chính là tiền bạc.
Muốn tạo sự đột phá trong kinh doanh cũng phải có vốn. Thực ở đây chính là vốn, còn Đạo lại chính là đường lối kinh doanh để dẫn đến hệ quả thành công. Lại động đến Tiền là một vấn đề nhạy cảm, thì câu tục ngữ “Có thực mới vực được đạo” trong đầu tôi lại liên tưởng tới những “biến tướng” dạng tiêu cực.
Thực là Đô La thần chưởng. Còn Đạo là quyền lực “Mạnh vì gạo bạo vì tiền, có tiền thì mua tiên cũng được”. Bạn thấy không, vì tiền tài danh vọng mà không ít người bất chấp tất cả, đổi trắng thay đen, mất hết nhân cách con người. Cũng vì tiền mà bao người mắc bệnh “mù màu”, không phân biệt được trắng đen phải trái.
Có thực mới vực được đạo có phải là ngụy biện cho lòng tham của chúng ta? Xã hội bây giờ, đồng tiền có “tầm sát thương” ghê gớm. Người ta hành xử theo kiểu “Tiền bạc đi trước, mực thước theo sau”. Chỉ cần cho kẻ khác ăn no là có thể sai khiến.
Cho người ta chút lợi lộc, rồi muốn làm gì thì làm. Có những kẻ lòng tham không đáy, trót tiền bằng cách tham ô, hối lộ, ăn gian lận… dựa trên xương máu của người khác. Thôi thì “Tham thực, cực thân”, không sớm thì muộn sẽ có những kẻ lãnh nhận “Quả báo nhãn tiền“. Nếu họ còn đi trên con đường của lối mòn xấu xa, ích kỷ.
4 cách ăn trong “Có thực mới vực được đạo”. Đó là gì?
Bạn có biết, trong cuộc đời của chúng ta có bao nhiêu cách để ăn không? Có mấy loại thức ăn? Lâu nay đa phần mọi người thường nghĩ, con người chỉ ăn bằng miệng (người đời gọi là Đoàn thực). Nhưng thực tế thì, theo quan niệm Phật giáo, lại có tới 4 cách ăn.
- Thứ nhất là Đoàn thực. Đoàn tức là thức ăn vo tròn rồi đưa vào miệng. Ăn uống đúng cách và bảo vệ sức khỏe, chúng ta cũng cần phân biệt được thức ăn lành mạnh và thức ăn chứa độc tố. Việc ăn uống không hợp lý dễ báo hại sau này.
- Thứ hai là Xúc thực: Có nghĩa là những gì ta tiêu thụ bằng năm giác quan còn lại là mắt, tai, mũi, thân và ý. Mắt tiếp xúc với hình sắc, tai là âm thanh, mũi là mùi hương, lưỡi là vị, thân là xúc chạm, ý là pháp trần.
- Thứ ba là Tư niệm thực. Là những hoài bão sâu sắc, những ước mơ, những hoài vọng của bản thân đang ấp ủ.
- Thứ 4 là Thức thực. Là những cái bên ngoài môi trường đang sống, tác động vào Tâm thức (trong Tiềm thức) của chúng ta. Khi bạn sống trong môi trường lành mạnh thì tâm thức tốt. Còn ngược lại, với môi trường xấu thì tâm thức của bạn cũng sẽ bị cuốn theo cái xấu.
Tóm lại là chúng ta có 4 cách ăn, trong đó có tới 3 cách ăn nó thuộc về tinh thần. Vậy cách ăn của mình đây, chỉ là Đoàn thực thôi nhé. Những cách ăn còn lại nữa mới thực sự giá trị.
Lời kết
Thực tế thì chữ Thực trong câu “Có thực mới vực được đạo“, còn mang thêm một ý nghĩa khác. Chữ Thực ở đây có thể hiểu là Sinh trưởng, tăng trưởng (殖), sống thực (~ real life).
Dù sao đi nữa, trong khi chúng ta đang muốn đi tìm ý nghĩa của câu Có thực mới vực được đạo. Thì nó đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Cho dù có được biến thể như thế nào. Thì rốt cuộc câu tục ngữ này cũng nhắn nhủ với mọi người cần phải làm những việc thiết thực trước mắt, trước khi nghĩ tới những vấn đề khác xa vời.
Một điều thú vị là câu tục ngữ này, cũng tương tự với những lý thuyết phương Tây, đặc biệt là “Tháp nhu cầu của Maslow”.