Đã mấy chục năm qua, bài hát đã thấm vào ký ức của bao thế hệ và mỗi người với góc nhìn, trải nghiệm riêng tư, lại có những lắng đọng, cảm nhận khác nhau về ý tình hàm chứa sâu kín bên trong những ngôn từ da diết. Thử làm “con chim bói cá” lần tìm về “cọc nhọn trăm năm” để hiểu và cảm những vô thường trên “vũng nước cuộc đời”. 

Khúc Thụy Du, ngay ở cái tên của bài thơ, của tình khúc này đã đậm màu hư ảo, vừa mơ hồ vừa đa nghĩa. “Khúc Thụy Du” – tác phẩm có sức gợi ngay từ nhan đề. Cái nhan đề ấy không chỉ đẹp về mặt ngôn ngữ mà nó có sức mê hoặc, dẫn dụ đặc biệt. Giai điệu bài hát tha thiết như giọng nguyện cầu từ nhân gian hướng về cõi khác.

Võ sư Hạ Quốc Huy và nhà thơ Du Tử Lê 1973

Khúc Thụy Du là gì? Thụy là ai?

Nhan đề bài thơ lẫn bài hát có 3 cách ký tự: Khúc Thụy Du, Khúc thụy du, khúc thụy du. Vấn đề thứ nhất đặt ra: nhan đề nọ mang ý nghĩa gì?

Thơ Du Tử Lê có nhiều bài giật titre / title chứa từ Khúc, chẳng hạn:

+ Khúc cầu hoàng

+ Khúc tháng chín

+ Khúc tháng hai, chín sáu

+ Khúc tháng sáu và, đ.v.thám, n.đ.khánh

+ Khúc Hạnh Tuyền, núi sông

+ 67, Khúc thêm cho Huyền Châu

+ K. Khúc riêng chàng

Vậy đó, trong thơ, với danh từ riêng, Du Tử Lê khi viết hoa, khi viết thường, khi viết đủ đầy hoặc giản lược, khi viết tắt, tùy hứng. Nhưng Thụy Du là cái chi chi?

Có bài báo đã đề cập rằng, tác giả bài thơ, thi sĩ Du Tử Lê đã giải thích về tựa đề bí hiểm của bài thơ một cách đơn giản, chân thực như sau: “Thời gian bài thơ ra đời cũng là bắt đầu cuộc tình giữa ông và một cô sinh viên Đại học Dược. Ông lấy chữ lót trong tên người con gái này, cộng với chữ đầu bút hiệu làm thành nhan đề bài thơ. Nó như một cộng nghiệp, hay chung một tai họa, một tuyệt lộ”. Thật bất ngờ, điều tác giả nghĩ là tuyệt lộ đã mở ra cho người nghe cả một cõi suy tư về sinh lộ.

Có ý kiến cho rằng: Nữ nhân vật trong Khúc Thụy Du là Huỳnh Thị Châu, còn có họ tên nửa Pháp nửa Việt Brigitte Lauré Huỳnh. Thụy không phải chữ lót. Năm 1968, Châu chưa phải sinh viên, mà còn học sinh, sau trở thành vợ của Du Tử Lê, đã sinh 2 con. Năm 1975, Du Tử Lê sang Mỹ. Năm 1978, Huỳnh Thị Châu có quốc tịch Pháp nên qua Pháp rồi sang Mỹ. Năm 1980, Du Tử Lê và Huỳnh Thị Châu li dị. Viết văn, làm báo, Huỳnh Thị Châu ký nhiều bút hiệu/bút danh như Huỳnh Dược Thảo, Đào Nương, Nghé Ngọ, Thụy Châu. Du Tử Lê từng gọi bút danh Thụy Châu, gọn hóa thành Thụy, tắt hóa thành T. Ch., trong các bài thơ Khúc Thụy DuKhi trông thư Thụy ChâuViết ở Fort HarissonVà khi chia tay T. Ch., Khi xa Du và T. Ch.,

Một giả thuyết khác, theo nghĩa Hán Việt, “Thụy” có đến 3 nghĩa: 1. Điềm lành, tin tốt; 2. Ch về giấc ngủ; 3. Là tên dành cho người chết (tên cúng cơm). Du là đi. “Khúc Thụy Du” tạm hiểu là một khúc hát về giấc mơ lay động, một tin tốt xuất hiện, cái chết hoặc một chuyến đi dài. 

Vậy Thụy là ai? Liệu chúng ta cần truy nguyên rõ ràng nguồn gốc, Thụy là cô A, là cô B… hay không? Có lẽ là không! Bởi một khi tác phẩm đã đi vào lòng công chúng, thiết nghĩ, nó nên giữ lại phần nào đó sự kỳ bí của mình. Như cụm từ “Sơn Khê” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vậy. Cứ nghĩ đó là núi sông theo ý bạn. Hoặc Trịnh Công Sơn và Bích Khê nào đó nếu bạn muốn đi tìm…

Khúc Thụy Du – bài thơ ra đời từ thực tế và cảm xúc chiến tranh tang tóc

Không ch có nhan đề đượm màu hư ảo, càng bất ngờ hơn khi nguồn để nhạc sĩ phổ nhạc thánh bài hát đầy mê hoặc, lay động ấy không phải là thơ tình (mặc dù Du Tử Lê là nhà thơ chuyên viết thơ tình), mà là bài thơ phản chiến, cảm tác về những tang tóc ghê rợn của chiến tranh mà tác giả là người lính viết báo (Ông là sĩ quan của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, làm phóng viên chiến trường, là thư ký tòa soạn cuối cùng của nguyệt san Tiền Phong) đã trực tiếp chứng kiến, nếm trải trong thời gian Xuân Mậu Thân 1968. Tác giả kể lại: Đầu tháng 3-1968, tôi bị chỉ định đi làm phóng sự ở Ngã tư Bảy Hiền. Lúc đó, cả thành phố Sài Gòn vẫn còn giới nghiêm. Trên đường đi, từ cục Tâm lý chiếc ở đầu đường Hồng Thập Tự, gần cầu Thị Nghè tới khu Ngã tư Bảy Hiền, đường xá vắng tanh. Khi gần tới ngã tư Bảy Hiền, ngoại ô Sài Gòn, tôi thấy trên đường đi còn khá nhiều xác chết. Đó là những xác chết không toàn thây, bị cháy nám; rất khó nhận biết đâu là dân chúng, binh sĩ hay bộ đội. Khi tới gần khu ngã tư Bảy Hiền, dù không muốn nhìn, tôi vẫn thấy rất nhiều mảnh thịt người vương vãi hai bên đường. Có cả những cánh tay văng, vướng trên giây điện…Rất nhiều căn nhà đổ nát. Tôi cũng thấy những con chó vô chủ nhịn đói bên lề đường… Tất cả những hình ảnh ghê rợn này đập vào mắt tôi, cùng mùi hôi thối tẩm, loang trong không khí. Trên đường về, cái khung cảnh hoang tàn, đổ nát với thây người vung vãi khắp nơi, cùng với mùi sình thối…khiến tôi muốn nôn oẹ, một lần nữa lại gây chấn động dữ dội trong tôi…”

Ấn tượng cảm xúc là thế nhưng hoàn cảnh sáng tác cũng đầy bất ngờ. Nhà thơ kể lại: Giữa tháng 3 – 1968, nhà văn Trần Phong Giao, Thư ký toà soạn Tạp chí Văn, gọi điện thoại vào phòng Báo Chí, cục Tâm lý chiến, hỏi tôi có thể viết cái gì đó, cho Văn số tục bản. Gọi là “tục bản” bởi vì sau số Xuân, khi biến cố mồng 1 Tết xảy ra, báo Văn ngưng xuất bản. Lý do, các nhà phát hành không hoạt động. Đường về miền tây cũng như đường ra miền Trung bị gián đoạn. Sài Gòn giới nghiêm. Tuy nhiên, ông nói, hy vọng ít ngày nữa, giao thông sẽ trở lại  – Thêm nữa, không thể để Văn đình bản quá lâu. Sau khi nhận lời đưa bài cho Trần Phong Giao, tôi mới giật mình, hốt hoảng. Tôi nghĩ, giữa tình cảnh ấy, tôi không thể đưa ông một bài thơ tình, hay một chuyện tình. Mặc dù thơ tình hay chuyện tình là lãnh vực của tôi thuở ấy. Nhưng, tôi thấy, nếu tiếp tục con đường quen thuộc kia, tôi sẽ không chỉ không phải với người đọc mà, tôi còn không phải với hàng ngàn, hàng vạn linh hồn đồng bào, những người ra đi tức tưởi, oan khiên vì thời loạn ly. Cuối cùng, gần hạn kỳ phải đưa bài, nhớ lại những giờ phút ở ngã tư Bảy Hiền, tôi ngồi xuống viết bài thơ ghi lại những gì mục kích trên đường đi. Viết xong, tôi không tìm được một nhan đề gần, sát với nội dung! Bài thơ dài trên 100 câu. Nhưng khi Văn đem đi kiểm duyệt, bộ Thông Tin đục bỏ của tôi gần 1/ 3 nửa bài thơ. Thời đó, tôi viết tay, không có bản phụ, nên, sau này khi gom lại để in thành sách, tôi không có một bản nào khác, ngoài bản in trên báo Văn (đã kiểm duyệt). Tuy còn mấy chục câu thôi, nhưng nội dung bài thơ, từ đầu đến cuối, vẫn là một bài thơ nói về thảm cảnh chiến tranh. Người phụ trách phần kiểm duyệt vẫn để lại cho bài thơ của tôi những câu cực kỳ “phản chiến” như: “…Ngước lên nhìn huyệt lộ – bầy quạ rỉa xác người – (của tươi đời nhượng lại) – bữa ăn nào ngon hơn – làm sao tôi nói được…” Hoặc: “…Trên xác người chưa rữa – trên thịt người chưa tan – trên cánh tay chó gậm – trên chiếc đầu lợn tha…”

Nói cách khác, tình yêu chỉ là phần phụ; với những câu hỏi được đặt ra cho những người yêu nhau, giữa khung cảnh chết chóc kia, là gì? Nếu không phải là những tuyệt vọng cùng tất cả sự vô nghĩa chói gắt của kiếp người? 

Thi sĩ Du Tử Lê

Cùng với Khúc Thụy Du, Du Tử Lê còn nhiều lần gọi bút danh của mình trong nhiều bài thơ, kể cả trong… tranh vẽ. Tạm nêu nhan đề một số thi phẩm: Tình sầu Du Tử Lê; Khi xa Du và T. Ch.; Du Tử Lê, yêu dấu nợ, T. ơi, mùa nước lớn

Bút danh Du Tử Lê khởi phát lúc Lê Cự Phách ký nơi bài thơ lục bát Bến tâm hồn đăng trên tạp chí Mai ấn hành năm 1958. Bài thơ được sáng tác năm 1957. Mà bút danh Du Tử Lê mang ý nghĩa gì nhỉ? Con chim bói cá cười hiền nói:

– Tôi thích một bài thơ Đường, nhan đề Du tử ngâm (Khúc ngâm của đứa con đi xa) do Mạnh Giao tự Đông Dã (751-814) sáng tác. Du tử là đứa con xa mẹ và tôi họ Lê nên Du Tử Lê có nghĩa là đứa con xa mẹ dòng họ Lê. Và chính thức dùng bút hiệu Du Tử Lê. Vì tôi yêu mẹ tôi lắm. Góa bụa khi rất trẻ, bà ở vậy nuôi các con. Khi tôi bắt đầu nổi tiếng, được báo chí, họ hàng nhắc tới thì mẹ tôi chỉ thốt lên: “Ôi giời ơi! Văn chương gì chú ấy, người thì lẻo khoẻo, mà chỉ thấy hút thuốc lá nhiều.”

Theo trang dutule.com, nhà thơ Du Tử Lê, tên thật là Lê Cự Phách, sinh năm 1942 tại Hà Nam. Năm 1954, ông theo gia đình di cư vào miền Nam. Ông là cựu học sinh trường Chu Văn An, Trần Lục, rồi đại học Văn Khoa Sài Gòn, nguyên sĩ quan QLVNCH. Ông làm việc tại Cục Tâm Lý Chiến trong vai trò phóng viên chiến trường, trước khi làm thư ký tòa soạn nguyệt san Tiền Phong. Năm 1969, ông theo học khóa tu nghiệp báo chí tại thành phố Indianapolis, tiểu bang Indiana.

Năm 1973, ông được trao giải Văn Học Nghệ Thuật Toàn Quốc, bộ môn Thi Ca, với thi phẩm: “Thơ Du Tử Lê 1967-1972.” Ông định cư tại Hoa Kỳ sau biến cố 30 Tháng Tư, 1975.

Khởi sự làm thơ rất sớm, từ năm 1953 tại Hà Nội, với nhiều bút hiệu khác nhau, bút hiệu Du Tử Lê được ông dùng chính thức từ năm 1958 trên tạp chí Mai.

Thơ của ông xuất hiện trên nhiều tạp chí trong và ngoài nước. Ông có thơ đăng trên nhật báo Los Angeles Times, 1983, và New York Times, 1994.

Năm 1993, Giáo Sư Neil L. Jaimeson chọn dịch và phân tích một bài thơ của Du Tử Lê in trong cuốn “Understanding Vietnam,” do hai đại học UC Berkeley và UCLA và nhà xuất bản London ấn hành, là sách giáo khoa về văn học Việt Nam cho nhiều đại học tại Hoa Kỳ và Âu Châu. Vẫn theo tác giả này, cùng với Nguyên Sa, sự đóng góp trí tuệ của Du Tử Lê cũng như Linh mục Thanh Lãng và Nhất Linh – Nguyễn Tường Tam là điều không cần phải hỏi lại (Understanding Vietnam, trang 344).

Du Tử Lê là một trong sáu nhà thơ Việt Nam thuộc thế kỷ thứ XX, có thơ được chọn in trong tuyển tập “Thi ca Thế giới từ thời thượng cổ tới ngày nay” (World Poetry – An Anthology of Verse from Antiquity to Our Time) do nhà xuất bản W.W. Norton New York, New York, ấn hành năm 1998. Thơ của ông cũng được một số đại học dùng để giảng dạy cho sinh viên từ năm 1990.

Ký giả Jean Claude Pomonti, một nhà báo hàng đầu của tạp chí Le Monde của Pháp, đã chọn một bài thơ của Du Tử Lê để dịch sang Pháp ngữ và phê bình trong tác phẩm “La Rage D’Être Vietnamien” do Seuil de Paris xuất bản năm 1975.

Du Tử Lê là một trong bảy nhà thơ miền Nam, được cố nhà văn Mai Thảo chọn là “Bảy vì sao Bắc Đẩu” của nửa thế kỷ thi ca Việt Nam. Sáu người kia là Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Bùi Giáng, Nguyên Sa, Thanh Tâm Tuyền, và Tô Thùy Yên.

Du Tử Lê là tác giả của trên 70 tác phẩm đã xuất bản. Thi phẩm đầu tiên xuất bản năm 1964. Sau tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời,” do công ty Văn Hóa Cổ Phần Phương Nam, Sài Gòn, ấn hành Tháng Tư, 2017; “Mẹ về Biển Đông,” do Hội Nhà Văn Việt Nam, Hà Nội, xuất bản Tháng Sáu, 2017; Tuyển tập thơ “Khúc Thụy Du,” do Phanbook, Sài Gòn, xuất bản Tháng Sáu, 2018; Tuyển tập thơ “Trên Ngọn Tình Sầu” và truyện dài “Với nhau, một ngày nào” (in lần thứ ba), do Saigon Books xuất bản Tháng Bảy, 2018. Nếu không kể những tác phẩm được tái bản thì tuyển tập thơ “Trên ngọn tình sầu” là tác phẩm thứ 73 của họ Lê, tính đến Tháng Bảy, 2018.

Là một trong những nhà thơ lớn của văn học Việt Nam, thơ của ông cũng được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc và trở thành những bài nhạc nổi tiếng như “Đêm nhớ trăng Sài Gòn,” “Hạnh phúc buồn (Trong tay Thánh nữ có đời tôi),” “Giữ đời cho nhau (Ơn em),” “Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển,” “Khúc Thụy Du,” “Ka khúc của Lê,” “Khi cuộc tình đã chết,”…

Tối thứ hai 7-10-2019, nhà thơ, nhà văn, nhà báo Du Tử Lê từ trần tại nhà riêng ở Garden Grove, nam California, Hoa Kỳ, thọ 77 tuổi. Sau đó, báo chí nhiều hệ – báo in, báo nói, báo hình, báo mạng – đưa ai tin, không quên nhắc Khúc Thụy Du.

Thơ phản chiến thành tình khúc hư thực liêu trai

Khúc Thụy Du là ca khúc rất nổi tiếng của nhạc sĩ Anh Bằng, được phổ nhạc từ bài thơ cùng tên của Du Tử Lê. Đây được coi là một trong những tuyệt khúc mà hình ảnh, ca từ cũng như giai điệu đẹp vô cùng, mang theo những nỗi buồn, những trăn trở và cả những tiếc nuối với tình yêu dang dở… Bởi vì, ý tứ của bài hát đã được làm cho nhẹ đi rất nhiều so với bài thơ gốc. Nên rất nhiều ý kiến cho rằng, cái tên Thụy Du còn mang một nét ý nghĩa khác, phải chăng nó là khúc du ca mơ về một cuộc đời, một chuyến đi thực hư, hư thực, mê mê tỉnh tỉnh. Ở đây, tâm hồn của người nhạc sĩ đã bay bổng, vượt lên nỗi ám ảnh của chiến tranh.

Nếu như bài thơ Khúc Thụy Du là mô tả những nỗi ám ảnh sống chết, tiếng kêu đau thương của con người thì bài hát Khục Thụy Du mang đậm dấu ấn về tình yêu, với cách đặt vấn đề mang màu sắc triết luận và những câu hỏi đặt ra không nhằm hay không mong câu trả lời. “Hãy nói về cuộc đời/ Khi tôi không còn nữa/ Sẽ lấy được những gì/ Về bên kia thế giới/ Ngoài trống vắng mà thôi”.

Ở phần ca khúc, từ đầu đến Thụy ơi và tình ơi lấy ở phần 3 của bài thơ. (Việc chia phần của bài thơ cũng căn cứ theo bản in mới nhất gồm 3 phần. Có nhiều bản chỉ chia làm 2. Tuy nội dung chữ nghĩa bên trong là như nhau). Tiếp từ Như loài chim bói cá đến Trong vũng nước cuộc đời lấy ở phần 1. Phần còn lại của bài hát rút ở phần 3 của bài thơ.

Nhạc sĩ Anh Bằng đã khéo léo rút tỉa những câu định đề của bài thơ, chuyển sang trạng thái tình yêu, thay vì đi sâu vào thân phận chiến tranh như bài thơ gốc. Ví dụ rõ ràng nhất là hình ảnh chim bói cá. Hình ảnh chim bói cá trong bài thơ là sự gợi mở để đi sâu vào vô vàn hình ảnh người chết phía tiếp sau. Còn trong bài hát nó là sự nối tiếp của tình yêu, làm rõ cho tình yêu trong cuộc đời.

Việc chuyển từ thơ sang nhạc của nhạc sĩ Anh Bằng có nhiều người đồng tình, nhiều người phản đối. Phản đối vì bài hát đã giản lược phần quan trọng nhất của bài thơ là thân phận con người, chỉ nhấn vào khía cạnh tình yêu, một khía cạnh rất nhỏ.

Đồng tình vì khi chỉ còn tình yêu bài hát không nặng nề, u ám, được lan truyền rộng rãi hơn. Bản thân nhà thơ Du Từ Lê sau mấy chục năm nhìn lại cũng công nhận nhạc sĩ Anh Bằng có cái lý của ông.

Và cả bài hát có cụm từ quan trọng mà bài thơ không có: cắt đứt cuộc tình đầu/ Thụy bây giờ về đâu. Sự cắt đứt này vừa vặn khép lại một vòng tròn với câu đầu mở ra: hãy nói về cuộc đời/ khi tôi không còn nữa.

Mặc dù Anh Bằng phổ nhạc bài Khúc Thụy Du dựa theo bài thơ cùng tên của thi sĩ Du Tử Lê nhưng có thể nhận thấy rằng chủ điểm của bài hát Khúc Thụy Du và bài thơ Khúc Thụy Du là hoàn toàn khác nhau. Khúc Thụy Du của Anh Bằng thật day dứt mà nhẹ nhàng trong khi Khúc Thụy Du của Du Tử Lê lại là một trong những tiếng thét gào đau thương thời loạn. Và như vậy, bài hát Khúc Thụy Du và bài thơ Khúc Thụy Du tuy hai mà một, tuy một mà hai…

Nhạc phẩm “Khúc Thụy Du” của nhạc sĩ Anh Bằng dẫn cuốn người nghe vào những nét đẹp hàm chứa trong ca từ, giai điệu bài hát: “Hãy nói về cuộc đời/ Khi tôi không còn nữa/ Sẽ lấy được những gì/ Về bên kia thế giới/ Ngoài trống vắng mà thôi/ Thụy ơi và tình ơi”. Ngay từ những thanh âm mộc mạc, chậm rãi đầu tiên cất lên cùng những ca từ da diết, lay động, “Khúc Thụy Du” đã tự giới thiệu mình như một câu chuyện tình buồn. Tác giả không cố gắng che chắn hay giấu nó đi. Nỗi buồn được bộc lộ một cách thẳng thắn, tự nhiên như nó đã chất chứa trong tâm hồn tự rất lâu rồi. “Cuộc đời” được đặt bên cạnh các cụm từ “không còn nữa”, “về bên kia thế giới”, “trống vắng” đã cho thấy những khoảng trống mênh mông, vô hình, khó lấp đầy trong tâm tưởng. Lời mở đầu bài hát giống như một tiếng thở than nhè nhẹ, lời tâm sự cùng Thụy và tình yêu. Mạch cảm xúc phát triển rất tự nhiên. Sau khi đã bày tỏ đôi chút nỗi niềm hoang mang, trống vắng, nhân vật giờ đây bắt đầu trút cạn lòng mình thông qua những liên tưởng, so sánh: “Như loài chim bói cá/ Trên cọc nhọn trăm năm/ Tôi tìm đời đánh mất/ Trong vũng nước cuộc đời/ Trong vũng nước cuộc đời/ Thụy ơi và tình ơi”. Những ai quan tâm và yêu mến “Khúc Thụy Du” hẳn đều biết rằng đây là ca khúc mà nhạc sĩ Anh Bằng đã phổ nhạc từ bài thơ cùng tên của nhà thơ Du Tử Lê mặc dù trước đó hai người không hề biết nhau. Chính nhà thơ Du Tử Lê đã từng có những chia sẻ xung quanh ca khúc này: “Năm 1985, một buổi tối, nhạc sĩ Anh Bằng đến tìm tôi ở quán cà phê “Tay trái” (tọa lạc ngay ngã tư đường Trask và Fairview). Ông nói ông mới phổ nhạc bài “Khúc thụy du”, trước đó hai người chưa hề quen biết. Ông cho tôi quyền chọn người hát. Ông nhấn mạnh: “Tôi có thể chỉ cho người đó hát”. Và điều quan trọng hơn, nhà thơ Du Tử Lê cho biết: “Khi ca khúc “Khúc Thụy Du” ra đời dạng casette với tiếng hát của Việt Dzũng, tôi mới biết, nhạc sĩ Anh Bằng chỉ lọc, lựa một số câu thơ liên quan tới tình yêu mà không lấy một câu thơ nào nói cụ thể về chiến tranh, chết chóc… Chết chóc hay chiến tranh được hiểu ngầm, như một thứ background mờ nhạt”.

Một trong những câu thơ liên quan tới tình yêu được nhạc sĩ Anh Bằng sử dụng để viết nên nhạc phẩm “Khúc Thụy Du” chính là hình ảnh ẩn dụ: “Như loài chim bói cá/ Trên cọc nhọn trăm năm”. Có lẽ, đây được xem như hình ảnh đẹp nhất, ấn tượng nhất, ám ảnh nhất cả trong thi phẩm lẫn nhạc phẩm. Sự chênh vênh, vô định của “vũng nước cuộc đời” đã vô tình đưa đẩy loài chim bói cá rực rỡ sắc màu phải dùng đôi chân nhỏ bé gồng mình bám trụ trên những chiếc cọc nhọn khô cứng, hàng giờ giương cặp mắt tinh nhanh soi vào tận lòng nước để tìm cho được con mồi. Loài chim bói cá ấy là tất cả loài người chúng ta, mải mê kiếm tìm, gắng sức bon chen trong “vũng nước cuộc đời” để tìm lại giá trị chân thật, bản ngã mà chính mình sau nhiều lần va đập, vấp ngã có thể đã vô tình “đánh mất”. Một lần nữa, câu hát “Thụy ơi và tình ơi” lại vang lên tha thiết, khiến cho nỗi buồn vốn đã hằn sâu càng thêm khắc khoải.

Nỗi khắc khoải, day dứt của khúc hát được trùng điệp bởi một loạt câu hỏi tu từ. Bởi mỗi người trong chúng ta, ai ai cũng cố chấp, chăm chăm nhìn “vũng nước cuộc đời” theo cách riêng của mình nên hàng trăm lý do và hàng ngàn câu hỏi về nhau cứ theo đó mà chất chứa. Như Nam Cao từng viết “Cái bản tính tốt đẹp của người ta bị những nỗi lo lắng, buồn đau, ích kỷ che lấp mất” Nhiều khi, những câu hỏi tưởng chừng ngây ngô, vô thưởng vô phạt nhưng chẳng ai đủ bao dung, đủ sâu sắc để trả lời tất cả, nhất lại là khi phải đối diện với tình yêu: “Đừng bao giờ em hỏi/ Vì sao ta yêu nhau?/ Vì sao môi anh nóng?/ Vì sao tay anh lạnh?/ Vì sao thân anh run?/ Vì sao chân không vững?/ Vì sao và vì sao?”. Đoạn câu hỏi này còn tiếp tục trở lại trong những câu hát về sau, chứng tỏ sự day dứt không yên của nhân vật “anh” khi không thể cho nhân vật “em” câu trả lời thỏa đáng nhất. Để rồi, chính những câu hỏi chất chứa, dồn nén bấy lâu không có lời giải đáp ấy là một phần nguyên nhân khép lại chuyện tình buồn: “Hãy nói về cuộc đời/ Tình yêu như lưỡi dao/ Tình yêu như mũi nhọn/ Êm ái và ngọt ngào/ Cắt đứt cuộc tình đầu/ Thụy bây giờ về đâu?”. “Thụy bây giờ về đâu?” một câu hỏi không có câu trả lời, không thể trả lời, vừa là câu kết nhưng đồng thời lại cũng mở ra những chiêm nghiệm, so sánh, liên tưởng mới về cuộc tình đã qua: “Thụy bây giờ về đâu?/ Anh là chim bói cá/ Em là bóng trăng ngà/ Chỉ cách một mặt hồ/ Mà muôn trùng chia xa”. Tất cả sự vật hiện diện trong những câu hát này, kể cả anh và em đều chỉ như ảo ảnh mơ hồ, hữu hạn, dễ bị tổn thương. Có thể mãi về sau, những khoảnh khắc đẹp đẽ, hạnh phúc trong giấc mộng tình yêu sẽ khắc sâu vào tâm trí của anh và em tựa như cái cách mà mặt hồ ôm ấp, nâng niu bóng trăng vàng dịu ngọt. Nhưng chẳng bao giờ anh và em được trọn vẹn có nhau. Trăng mọc rồi lại lặn, mặt hồ khi thì êm ả soi bóng trăng khi thì gợn sóng xô bóng trăng tan. Ý thức được sự chia xa ấy là vĩnh viễn nên câu hỏi: “Thụy bây giờ về đâu?/ Bây giờ về đâu?” cứ thế trở đi trở lại trong dằn vặt và nhức nhối đau.

Tuy chỉ giữ lại một vài câu thơ trong nguyên tác “Khúc Thụy Du” nhưng nhạc phẩm của nhạc sĩ Anh Bằng vẫn cho người nghe cảm nhận được một cách sâu sắc hồn thơ Du Tử Lê hiện hữu. Sự đồng cảm, thăng hoa trong cảm xúc giữa người làm thơ và người sáng tác nhạc vốn là những rung động vô hình mà kết nối bền chặt, tương thông chẳng dễ để chúng ta có thể cắt nghĩa cho rõ ràng. Duy có một điều không thể phủ nhận được, rất nhiều tác phẩm thơ do nhà thơ Du Tử Lê sáng tác đã gần như trọn vẹn hình hài, cảm xúc của một khúc ca – khúc ca về cuộc đời, nỗi lòng người viết. Và có lẽ, đó chính là lý do để tác phẩm “Khúc Thụy Du” từ khi là một bài thơ ghi lại sự thật trần trụi, tàn khốc của chiến tranh cùng những trăn trở, hoài nghi, đau thương và khát vọng về hòa bình, hạnh phúc trong nỗi lòng người thi sĩ đến nhạc phẩm buồn về tình yêu đôi lứa đều được công chúng đón nhận một cách nồng hậu, tạo nên sức sống bền bỉ cùng năm tháng.

Với Khúc Thụy Du của nhạc sĩ Anh Bằng, ta thấy được trăn trở, suy tư, kiếm tìm về những hoài niệm, những gì mà đời người đã đánh mất. Đâu đó lại có cả những cảm xúc của sự xót xa, nỗi buồn dâng trào của bước chân phiêu đãng trong cõi thực của trần gian mà mong mỏi giải đáp được những câu hỏi trong một kiếp người. Rất nhiều người cho rằng, tiếng gọi ‘‘Thụy ơi và tình ơi’’ lúc này được cất lên như tiếng gọi của một người đã thức tỉnh nhưng còn đang nhức nhối sau những cơn mê dài. Thụy lúc này mang ý nghĩa là mộng, là mê, cái tình kia cũng chẳng mang theo được, đắm say kia cũng chỉ là trống vắng, mình ta với nỗi buồn khó mà trải lòng thấu tỏ.

Ca khúc được viết theo nhịp 3/4, chậm rãi và sâu lắng với nhiều đoạn luyến láy tình tứ. Với giọng hát giàu chất tự sự, sâu lắng, trầm ấm và đượm buồn, nam danh ca Tuấn Ngọc đã truyền tải tuyệt vời nhất những cung bậc cảm xúc của tác giả. Giọng hát như ru người nghe chìm đắm trong nhiều câu hỏi về thân phận con người, những điều đã đánh mất trong cuộc sống, sự mong manh, hữu hạn của tình yêu… Cuộc đời vốn vô thường, ai rồi cũng sẽ đến lúc phải trở về với cát bụi. Chỉ mong sao những người tôi yêu quý có thể ra đi một cách nhẹ nhàng và thanh thản, những người ở lại có thể sống tiếp những ngày tháng bình yên. Hy vọng trên thiên đường mọi người có thể gặp nhau, có thể cùng nhau nghêu ngao “Khúc Thụy Du”.