Chúng ta thường thấy trong các loại hình nghệ thuật dân gian, nghệ sĩ nữ được gọi là “đào”, nghệ sĩ nam được gọi là “kép”. Cách gọi này vốn xuất phát từ lĩnh vực ca trù. Hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu rõ hơn nguồn gốc sâu xa của từ “đào”, “kép” cũng như các thuật ngữ khác của ca trù.
Trước hết, nói về “đào” hay “ả đào”, Tầm nguyên từ điển của Lê Văn Hoè có giảng vào đời vua Trần Nhân Tông, quân ta phá tan giặc Nguyên và bắt được một người tên Lý Nguyên Cát. Người này ở lại nước Nam, truyền nghề hát bội để các cung nữ phục vụ vua. Trong các tuồng của y có vở “Vương mẫu, bàn đào” rất được ưa thích, vở này sử dụng rất nhiều cung nữ đóng vai dâng đào. Vì ảnh hưởng của vở hát trên mà từ đó sau người ta gọi con hát là “ả đào”, tức “ả dâng đào” hay “ả đóng tuồng bàn đào”. Tuy nhiên lập luận này khá vô lý vì theo các nguồn tư liệu khác, Lý Nguyên Cát là người thời Đường, không thể nào bị bắt trong kháng chiến chống Nguyên. Ngoài ra cũng có nhiều sách chỉ ra rằng cách gọi ả đào có từ thời Lý, nên không thể giải thích như trên được.
Sách Việt sử tiểu án của Ngô Thời Sĩ đưa ra một giả thuyết hợp lý hơn: vào đời vua Lý Thái Tổ có người ca nhi tên Đào Thị nổi danh múa giỏi hát hay, từng được vua ban thưởng. Sau người ta mộ danh nàng mà gọi những con hát là Đào nương hay ả đào. Nhắc đến đào thì người ta nghĩ đến quả đào, từ đó có liên hệ với quả mận. Vì vậy mà còn có cách gọi khác là ả mận, âu cũng chỉ là cách chơi chữ dựa trên sự trùng âm, như kiểu “tiếng Anh tiếng em” vậy.
Còn về “kép”, từ này vốn cũng chỉ dùng để nói về ca nhi. Theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục, con hát vào đời vua Lý được gọi là quản giáp. Sách Việt Nam ca trù biên khảo có chỉ ra Hán tự của “quản giáp” là 管甲, nhưng không thấy cơ sở. Theo cúng tôi thì sách đã lầm với chứng quản lý quân đội trong triều đình, vì chữ giáp (甲) chỉ dùng trong áo giáp, không liên quan gì đến con hát cả. Có lẽ chữ “giáp” đúng phải là 䇲, nghĩa là (cặp) đũa, ý chỉ bộ phách của ca nương. Chữ “giáp”(䇲) còn có cách đọc khác là “kép”, bởi thế mới phát sinh ra cách gọi con hát là “kép”.
Theo thời gian, từ “kép” bị mất nghĩa dần, người ta không rõ “kép” là ai, chỉ biết trong đoàn hát thì có “đào” và “kép”. “Đào” được dùng rất phổ biến nên được hiểu ngay là ca nữ, vì thế theo phép loại trừ, dân gian gán luôn “kép” để chỉ người đánh đàn đáy, dù từ này vốn cũng để chỉ đào nương. Người chơi đàn vốn cũng có thể là nữ, sau có lẽ do nữ tập trung để phục vụ hát xướng nên đổi sang thành nam. Vô hình trung, “kép” để chỉ người nam đánh đàn, sau mở rộng ra chỉ tất cả những nghệ sĩ nam trong đoàn hát.
Còn về “chầu” thì đây là từ để chỉ việc hầu nhạc cho vua, nên sân diễn tấu gọi là “sân chầu”, trống điều khiển ca hát là “trống chầu”, người điều khiển gọi là người “cầm chầu”. Hát ca trù còn được gọi là hát nhà trò do các con hát xưa thường vừa hát vừa ra bộ, múa uốn éo lên xuống, có khi như người điên, người say rượu. Vừa hát vừa làm trò nên gọi hát nhà trò. Về từ “cô đầu”, có người cho rằng “đầu” nghĩa là “đẹp”, và “cô đầu” là người con gái đẹp. Cũng có ý kiến nói do các con hát thường phải đóng một món tiền thế chân cho thầy dạy gọi là “tiền đầu”, nên những ca nhi nổi tiếng có được nhiều tiền trả thầy thì gọi là “cô đầu”.