Trong kho tàng ca dao Việt Nam có một số ca dao nửa Việt, nửa Hán đọc lên rất lý thú và dường như ít được nhắc đến trong chương trình giáo khoa..

Nhiều tài liệu lịch sử cho biết; khoảng đầu thế kỷ XII, người Việt bắt đầu dùng chữ Nôm để ghi địa danh, tên làng, thôn xóm; người dân thì dùng để ghi tên người, tên đất trong các khế ước, văn bia. Như vậy chữ Nôm đã ra đời cách đây khá sớm. Tuy nhiên suốt thời gian dài của lịch sử, chỉ có những khoảng thời gian ngắn ngủi dưới triều đại của Hồ Quí Li và Quang Trung, chữ Nôm mới được coi trọng và được dùng trong các văn bản chính thức của nhà nước. Còn phần lớn các triều đại khác, thường đề cao chữ Hán, coi chữ Hán là chữ nghĩa thánh hiền, là văn tự chính thống trong thi cử, trong việc điều hành guồng máy hành chính . Trong bối cảnh như vậy, việc xuất hiện một số câu ca dao có xen chữ Hán mà  phần lớn là những câu chữ lấy từ kinh sách là điều dễ hiểu. Đó cũng là điều mà tác giả ban đầu muốn tăng tính thuyết phục về ý nghĩa của câu ca.

Có thể nói rằng tác giả những câu ca dao thuộc loại đó là những người đã từng được “theo đòi nghiên bút”. Họ có thể là một anh khóa, một ông tú nào đó ở nông thôn; họ vừa là người trí thức, vừa là người nông dân. Do được học hành, biết chữ, được đọc sách nên họ có tri thức, song cuộc sống vẫn gắn với đồng ruộng nên tâm tư, tình cảm vẫn mộc mạc, giản dị. Vì thế những câu ca do họ làm ra nếu đã thực sự hoàn chỉnh sẽ được tiếp nhận và lưu truyền trong dân gian; nếu chưa hoàn chỉnh nó sẽ được “tập thể tác giả” tiếp tục gọt rũa để trở thành những câu có những nét rất riêng.

Xin được ghi lại một số câu thuộc dạng đó trích từ cuốn Kho tàng ca dao Việt Nam; phần dịch nghĩa Hán Việt ghi trong ngoặc ( ):

1- Đạo vợ chồng duyên kim nợ cải,

Thiếp thưa chi thưa mãi thưa hoài.

Giá thú bất khả luận tài

(Không tính toán tiền nong trong việc hôn nhân)

Chớ có so đo tiền bạc đòi hoài cho to.

2- Vô dược khả y khanh tướng bệnh,

Hữu tiền nan mãi tử tôn hiền,

(Không có thuốc gì chữa được bệnh khanh tướng

Có tiền khó mua được con cháu hiền)

Bạc muôn khó chọn bạn hiền sánh đôi.

Ở trên trời có ngôi sao Bắc Đẩu,

Ở dưới hạ giới có con sông Giang Hà.

Sông Giang Hà chảy ra biển rộng,

Bắc Đẩu tinh quay ngõng chầu trời.

Tôi thương mình lắm mình ơi,

Biết sao kể nỗi khúc nhôi ớ mình.

3- Kì mã phùng Bá Nhạc,

Bàng điểu ngộ lam phong.

(Ngựa hay gặp được Bá Nhạc – người giỏi xem tướng ngựa,

Chim đại bàng gặp được gió núi)

Qua muốn tường dạ đó đục trong,

Cho hay thuyền bưởi dạ bòng thuyền quyên.

4- Hữu bằng tự viễn phương lai,

Lạc hồ quân tử lấy ai bạn cùng.

(nguyên là một câu trong thiên Học nhi, sách Luận ngữ: “Hữu bằng tự viễn phương lai, bất diệc lạc hồ = Có người bạn từ phương xa đến há lại không vui mừng)

Chữ hiếu, chữ trung là thầy với mẹ,

Chữ nhân, chữ nghĩa là ái với ân,

Yêu nhau bao quản xa gần !

5- Nhân bất tri nhi bất uẩn,

Bất diệc quân tử hồ?

(Người ta không biết đến mình mà không giận há chẳng phải người quân tử hay sao – Luận ngữ)

Anh thương em ruột héo gan khô,

Trách ai phân rẽ Hán Hồ đôi nơi !

Có những câu tác giả  dùng cách chiết tự để như một thứ đố vui, hoặc nhắn nhủ điều gì đó mà không tiện nói ra.

6- Hỏi chàng học sách Kinh Thi,

Nghìn người đứng viết chữ chi hỡi chàng ?

– Anh đây đọc sách cửu chương,

Nghìn người đứng viết chữ hương rõ ràng!

(Chiết tự chữ hương gồm thiên, nhân, viết)

7- Hỏi chàng học sách Kinh Thi,

Hai ngang hai phẩy chữ chi rứa chàng?

– Hai ngang hai phẩy chữ thiên,

Cho anh chấm chút cho liền chữ phu!

Trong xã hội cũ, một số người như thầy đồ, thầy cúng, thầy thuốc; những người ít nhiều có học chữ Hán, song không nghiêm túc trong cuộc sống thường là các đối tượng bị đả kích trong các chuyện tiếu lâm, ca dao… Có lẽ cũng với hoàn cảnh như vậy, một số câu ca dao nửa Việt, nửa Hán nhằm làm tăng tính châm biếm, tính hài hước…

8-Xuân hề xuân bất tái lai,

(Xuân à, xuân không trở lại).

Thầy rằng thầy chẳng ăn khoai bao giờ!

9- Quân sư phụ tam cang giả,

(Thờ vua, thờ thầy, thờ cha là ba rường mối của người quân tử).

Qua chiếc đò đầy sóng ngã cứu ai ?

Thiếp hỏi chàng phân ra cho rõ, hai chữ sắc tài thiếp trao.

Thần hồn bất phụ thể,

Bình địa nổi phong ba,

(Trong lúc đất bằng nổi sóng gió, tâm trí rối bời)

Vớ đụng ai cứu nấy, về nhà thì hay.

Song cũng không phủ nhận một điều, là trong các sách chữ Hán thuở xưa, có những câu đã trở thành thông dụng, được coi như châm ngôn. Nó phổ biến tới mức mà kể cả những người không biết chút gì chữ Hán cũng hiểu và nhớ, vì vậy nó đi vào ca dao một cách rất tự nhiên:

10Đại phú do thiên, tiểu phú do cần,

(Giầu to do trời, Giầu nhỏ do chuyên cần)

Thức khuya dậy sớm tảo tần cho quen.

11– Ngọc bất trác bất thành khí,

Nhân bất học bất tri lí.

(Ngọc không mài rũa thì không thành đồ vật,

Người không được học thì không biết lí lẽ)

Bởi nghèo chịu chữ ngu si,

Phải chi có của lựa gì thua ai.

12Nhân tham tài tắc tử,

Điểu tham thực tắc vong,

(Người tham tài thì chết, chim tham ăn cũng hết đời)

Làm người lánh đục tầm trong,

Anh không có dạ bưởi bòng gạt em.

Do tác giả câu ca là người có tri thức, nên hầu hết những câu ca dao, dù dài, dù ngắn thường bao hàm tính triết lý trong cuộc sống:

13-Nhất diệp phù bình quy đại hải,

Nhân sanh hà xứ bất tương phùng?

(Một cánh bèo trôi nổi ra biển lớn,

Đời người không chỗ nào mà không gặp được nhau)

Bốn phương chi thiếu anh hùng,

Liễu mai em chọn bá tùng sánh duyên.

14- Minh quân lương tể tao phùng dị,

Tài tử giai nhân tế ngộ nan .

(Vua sáng, tể tướng tốt gặp nhau dễ,

Tài tử giai nhân gặp nhau khó)

Trời xui anh gặp bạn vàng,

Một lời phải nghĩa ngàn vàng khó mua.

Do sự gần gũi và gắn bó với những người lao động mộc mạc, nên tình cảm thể hiện trong câu ca cũng rất giản dị đáng yêu.

15-Đó tưởng lòng mình,

Mình tưởng nghĩa ta.

Chữ thất chữ gia nó là một chữ,

Chữ tâm chữ chí nó là một lòng,

Chữ dục là muốn, chữ tòng là theo

Anh thương em bất luận giàu nghèo,

Có ai gánh của lên đèo mà cân?

Dẫu mà thua sút đôi phân,

Trong sách có chữ phú bần tương lân.

(Người giàu, người nghèo gần gũi nhau)

16- Tao khang chi thê bất khả hạ đường,

Bần tiện chi giao mạc khả vong.

(Người vợ từ thuở nghèo khó không thể bỏ,

Người bạn từ khi nghèo hèn không thể quên)

Không xong anh đã nói không xong,

Ở cho hết dạ hết lòng cùng anh.

Có lẽ một số người tham gia sáng tạo loại ca dao này là ông đồ hoặc có tính chất “ông đồ”, nên trong câu ca cũng phảng phất “khẩu khí” của một nho sĩ:

17– Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên,

Giang phong ngư hỏa đối sầu miên

(Trăng tà chiếc quạ kêu sương,

Lửa chài, cây bến sầu vương giấc hồ – thơ Trương Kế)

Đêm khuya nghe tiếng ai hỏi nhỏ bên thuyền,

Hỏi thăm quân tử vượt miền đi đâu?

18- Hữu duyên thiên lí năng tương ngộ,

Vô duyên đối diện bất tương phùng,

(Có duyên với nhau thì dù xa cách nghìn dặm cũng có thể gặp nhau,

Không có duyên với nhau thì dù đối mặt cũng không gặp gỡ)

Thuyền quyên nỡ phụ anh hùng sao nên ?

19-Nhất nhật bất kiến như tam nguyệt hề

(Một ngày không thấy nhau như ba tháng xa cách)

Thăm em một chút anh trở lộn về,

Kẻo mà con trăng kia nó lặn, tứ bề núi non.

Có nhiều câu rất giàu chất thơ ở cả phần chữ Hán lẫn phần chữ Việt:

20- Tửu năng hồng nhân diện,

Tài năng động nhân tâm.

(Rượu có thể làm đỏ mặt người,

Tài có thể làm chuyển lòng người)

Thế gian miệng nói không lầm,

Lụa tuy vóc trắng, vụng cầm cũng đen.

21- Thiếp tự thiên biên nguyệt,

Quân như lãnh thượng vân.

(Thiếp tựa trăng bên trời,

Chàng giống mây trên núi)

Tuy gần mà chẳng phải gần,

Cũng như biển Sở, non Tần cách xa.

Là một bộ phận trong kho tàng dân ca Việt Nam, ca dao có yếu tố Hán Việt là một nét đặc trưng khá độc đáo của người Việt có từ hàng trăm năm trước. Đó là sự kết hợp  giáo lưu về tâm lý, phong cách đến từ phương Bắc với tâm tư, tình cảm của người Việt Nam. Ở đây là sự sáng tạo rất thú vị của những trí thức- nông dân nhằm tăng thêm ý nghĩa và giá trị của câu hát mà tác giả muốn truyền đạt đến nhiều tầng lớp trong xã hội…