Có một câu ca dao, không người Việt nào không thuộc: “Ai ơi bưng bát cơm đầy/ Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”. Nhưng không chỉ có vậy, mỗi hạt gạo còn ẩn chứa nhiều điều kì diệu hơn thế…

Chuyện kể rằng, xưa kia có một đôi vợ chồng vô cùng nghèo khổ. Họ nghèo đến nỗi chẳng dựng nổi một mái nhà tranh mà phải dắt díu nhau vào trong hang đá sống qua ngày. Trong hang vừa tối tăm, vừa ẩm thấp, chẳng có chút sinh khí nào. Ban ngày ánh sáng mặt trời không chiếu tới, ban đêm sương xuống ướt đẫm, khí hàn nổi lên lạnh lẽo tê người.

Họ thậm chí còn chẳng có đủ quần áo để chống chịu với cái giá lạnh của trời đông. Hai người mặc chung một bộ quần áo. Khi người chồng mặc ra ngoài thì người vợ đành phải ở nhà, giấu mình trong hang. Cuộc sống cứ thế trôi qua trong cực khổ vô ngần.

Một hôm, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni dẫn các đệ tử của mình đi hóa duyên ngang qua nơi này. Được tin, người chồng bèn nói với vợ mình: “Trước đây nhà ta không quen bố thí, hành thiện nên mới chịu cảnh khốn cùng. Nay Đức Phật đến nơi giáo hóa, sao có thể ngồi yên bỏ lỡ cơ hội đây?”.

Nghe chồng nói, người vợ lặng lẽ thở dài thật sâu, rồi ngập ngừng: “Nhưng nhà mình chẳng có chút của cải nào, lấy gì để quyên tặng cho Đức Phật và tăng đoàn đây?”.

Người chồng chau mày nghĩ ngợi, đưa tay lên day day vầng trán in hằn đầy nếp nhăn, đoạn nói: “Dù có phải chết đói chúng ta cũng không để lỡ cơ hội gặp Đức Phật. Nhà ta còn bộ quần áo này, cứ mang nó đi quyên tặng đi”.

Dứt lời, hai vợ chồng họ bèn mang bộ quần áo đến trước mặt các đệ tử của Đức Phật tỏ ý muốn quyên tặng. Nhưng các đệ tử đều tỏ ý khó xử, trốn tránh không muốn nhận. Cuối cùng, tôn giả A Nan bèn đứng ra nhận và mang đến trước mặt Đức Phật, hỏi: “Thưa Thế Tôn, bộ quần áo này thực sự không thể mặc được nữa, hay là chúng ta bỏ đi ạ?”.

Đức Phật thoáng nhìn A Nan, mỉm cười đầy từ bi, rồi ân cần nói với các đệ tử: “Này các tỳ kheo, những thứ người nghèo khổ quyên tặng là đáng quý vô cùng. Hãy mang đến đây để ta mặc”.

Các đệ tử nghe Đức Phật nói thì trong lòng cảm thấy hổ thẹn vô cùng. Tôn giả Mục Kiền Liên bèn tự tay mang bộ đồ rách bẩn ấy ra bờ sông giặt sạch. Chẳng ngờ, khi chiếc quần vừa thấm nước thì cả mặt sông đang tĩnh lặng bỗng nổi sóng to gió lớn ầm ầm. Sóng cuộn tầng tầng như muốn nhấn chìm mọi thứ. Nước sông dâng cao đến độ suýt tràn khỏi hai bờ.

Mục Kiền Liên trông thấy cảnh tượng kì lạ ấy, bèn lập tức vận thần thông, mang cả ngọn núi Tu Di ra để trấn dòng nước. Núi Tu Di này chính là ngọn núi thiêng, vua của các núi trong quan niệm của Phật giáo. Thế nhưng ngọn núi vĩ đại ấy cũng không thể trấn áp được thế nước lớn. Hai tôn giả A Nan và Mục Kiền Liên bèn tức tốc trở về báo với Đức Phật.

Đức Phật đang dùng bữa chay. Sau khi nghe A Nan và Mục Kiền Liên kể lại sự tình, ngài điềm tĩnh cầm một hạt cơm lên rồi nói: “Thế nước cuồn cuộn là vì Long Vương khen ngợi hai vợ chồng nghèo có tâm bố thí, quyên tặng. Các ngươi hãy cầm hạt cơm này ném xuống sông thì có thể trấn được sóng lớn”.

A Nan vẫn còn cảm thấy nghi hoặc, bèn thắc mắc: “Thưa Thế Tôn, ngay cả núi Tu Di pháp lực cao lớn như vậy mà còn không trấn được nước sông, lẽ nào một hạt cơm bé nhỏ nhường này lại có thể làm nên chuyện sao?”.

Đức Phật ung dung trả lời: “Các ngươi cứ làm theo lời ta, rồi sau sẽ nói tiếp”.

A Nan và Mục Kiền Liên nửa tin nửa ngờ cầm hạt cơm ra bờ sông. Chẳng ngờ chỉ vừa ném xuống một cái, cả con sông gió êm sóng thuận. Hai người vô cùng bàng hoàng, lập tức trở về thỉnh giáo Đức Phật.

Đức Phật bây giờ đã dùng bữa chay xong, bèn giảng: “Mỗi một hạt thóc từ khi gieo trồng, trải qua tưới tiêu, bón phân, thu hoạch, chế biến, buôn bán… người ta đã phải trải qua đủ nhọc mệt, lao tâm khổ lực. Do vậy bên trong một hạt gạo quả là ẩn chứa công đức vô lượng. Hai vợ chồng nghèo khổ nọ chỉ có bộ quần áo rách là thứ tài sản duy nhất. Cả đời họ chỉ có vật ấy là quý báu nhất. Vậy mà họ sẵn sàng đem quyên tặng cho chúng ta. Chẳng phải cái tâm ẩn chứa trong bộ quần áo đó cũng là vô lượng hay sao?”.

Ngừng lại, nhìn quanh các đệ tử một chút, Đức Phật tiếp tục ôn tồn giảng: “Công đức của một hạt cơm và bộ quần áo ấy là to lớn như nhau. Tứ Hải Long Vương đều hiểu được điều đó, đều xuất ra một niệm thành kính vô hạn. Chỉ cần có cái tâm thành kính ấy thì một hạt cơm nhỏ, một bộ quần áo rách cũng có được sức mạnh lớn như núi Tu Di vậy!”.

***

Phật gia giảng, bố thí có thể giúp người ta tích đức. Bố thí cũng được tính là hành thiện, tích công quả. Bố thí cho tăng nhân lại càng có thể nhận được phúc báo lớn hơn. Thế nhưng, không phải cứ bố thí càng nhiều tài vật thì nhận lại càng nhiều phúc phần. Có câu, Phật nhìn nhân tâm. Tâm người thuần tịnh, hướng thiện, dẫu của bố thí có sơ sài đến đâu thì phúc báo của họ nhận được cũng vẫn đủ đầy.

Thật ra, các Đại Giác Giả như Đức Phật nào đâu cần đồ bố thí mâm cao cỗ đầy của chúng sinh? Đức Phật dẫn đồ đệ đi ăn xin không phải để mưu sinh, mà chính là để giáo hóa chúng sinh, nâng cao đạo đức, khiến lòng người hướng thiện, quy chân. Đức Phật nhận của bố thí của chúng sinh cũng không phải vì để thụ đồ cúng dường qua bữa mà chính là để ban phước báo cho hết thảy mọi người.

Người ta vẫn nói “Phật tại tâm trung” (Phật ở trong lòng). Lòng người hướng đến điều thiện lương, tốt đẹp. Nhân tâm quy về thiện quả, về với Thần Phật, ấy chính là phúc báo lớn nhất cõi nhân sinh vậy! Quả đúng là:

Ba vạn sáu nghìn ngày 
Kiếp người cõi tỉnh – say 
Một sớm nghe Phật Pháp 
Giải thoát nhục thân này