Nói đến Hoa Kỳ là nghĩ đến sự tự do, đây là điều đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân thế giới, tự do là giá trị lập quốc của Hoa Kỳ. Trong quá khứ, Hoa Kỳ đã từng nổi lên như một lá cờ đi đầu, dẫn dắt các giá trị tự do. Nói là nói như vậy, nhưng ngày nay, có lẽ không mấy ai hiểu được khái niệm “tự do” này có hàm ý là gì. Có khá nhiều người theo Tây học có thể cũng từng đặt ra câu hỏi “Thế nào là tự do?”, hay trực tiếp hơn, “Tình dục là quyền tự do, đúng hay sai?”, “Phá thai là quyền tự do, đúng hay sai?”, “Vô chính phủ là quyền tự do, đúng hay sai?”… Vậy thì cần hiểu “tự do” này như thế nào đây?
Tóm tắt bài viết:
- Mâu thuẫn trong khái niệm tự do
- Giá trị tự do thời Hoa Kỳ lập quốc
- Trả lời câu hỏi: Tự do tình dục có phải là giá trị tự do của Hoa Kỳ hay không?
- Nguồn gốc sai lệch
- Tự do hay bình đẳng?
Mâu thuẫn trong khái niệm tự do
Hãy lấy một vài ví dụ để làm rõ sự mâu thuẫn bên trong rất nhiều điều được khoác lên hai chữ “tự do” ở Hoa Kỳ hiện nay:
- Cái gọi là quyền tự do sinh sản, có nghĩa là người phụ nữ được quyền quyết định xem có sinh một đứa bé hay là không, có nghĩa là cô ta có quyền tự do phá thai. Nhưng tự do phá thai lại đồng nghĩa với việc vi phạm quyền sống của một người khác, cụ thể là đứa bé.
- Trong một doanh nghiệp có cả người da đen và người da trắng làm việc, lúc nào người da trắng cũng được chọn làm sếp. Nhiều nhà hoạt động nói rằng đây là phân biệt chủng tộc, ảnh hưởng đến quyền tự do truy cầu hạnh phúc của người da đen. Trong khi đó, nếu ép người chủ lựa chọn một người da đen làm sếp không theo ý nguyện của ông ta, vậy thì nó ảnh hưởng đến quyền tự do quyết định trong công việc kinh doanh.
- Những người vận động nữ quyền yêu cầu phải cho phép nhiều phụ nữ hơn gia nhập vào đội lính cứu hỏa, số lượng phụ nữ trong đó quá ít. Điều này chứng tỏ rằng phân biệt nam nữ, kỳ thị giới tính đã ảnh hưởng đến quyền tự do lựa chọn nghề nghiệp của phụ nữ. Nhưng công việc cứu hỏa vốn có các tiêu chuẩn rất cao về đầu vào, vì chiều theo cuộc vận động này, tiêu chuẩn đó bị buộc phải hạ thấp xuống. Tất nhiên là nó không chỉ ảnh hưởng tới quyền tự do lựa chọn nhân viên của trạm cứu hỏa, nó ảnh hưởng rõ ràng đến cả công việc cứu hóa, vốn rất khó khăn và nguy hiểm.
Còn rất nhiều ví dụ khác, chẳng hạn tự do tình dục có phải là giá trị tự do của Hoa Kỳ hay không? Những câu hỏi này sẽ được trả lời ra sao đây? Dường như khi cố gắng thỏa mãn một cái tự do này, người ta đang phá vỡ một cái tự do khác. Rõ ràng, cần phải có một tiêu chuẩn cực kỳ căn bản cho khái niệm tự do này, nếu không nó sẽ chỉ là câu nói cửa miệng, là lời bào chữa cho ý muốn cá nhân mà thôi.
Giá trị tự do thời Hoa Kỳ lập quốc
Trong loạt bài này, chúng ta đã không ít lần nhắc lại rằng trong Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ có một câu nói thường xuyên bị hiểu sai hoặc cố tình thay đổi: “all men are created equal, that they are endowed by their Creator with certain unalienable Rights”, “con người được [Chúa Sáng Thế] tạo ra bình đẳng, và được Chúa Sáng Thế ban cho những quyền bất khả xâm phạm”. Câu nói này thể hiện niềm tin của các vị Cha Lập quốc rằng Chúa Sáng Thế tạo ra con người.
Câu nói này không ít lần bị thay thế, ngay cả ở Hoa Kỳ thành “all men are born equal”, “con người sinh ra là bình đẳng”, và ở Việt Nam thì cũng thường được dịch là “con người sinh ra là bình đẳng”. Trong rất nhiều trường hợp, ý nghĩa của nó khác nhau vô cùng to lớn, một trời một vực. Thậm chí có thể nói, một bên là tín Thần, có tiêu chuẩn nền tảng rõ ràng, một bên là vô Thần, duy vật, nền tảng tùy ý biến đổi theo cách hiểu của từng người.
Trong quan niệm của các vị Cha Lập quốc, quyền bất khả xâm phạm, quyền tự do của con người không phải là do con người tự ý quy định. Quyền đó là do Chúa Sáng Thế ban cho con người. Sự tự do này là có quy phạm, đặt cơ điểm trên nền tảng đạo đức phổ quát mà tín ngưỡng đem tới. Thậm chí John Adams, Tổng thống thứ Hai, một trong các vị Cha Lập quốc của Hoa Kỳ còn nói: “Hiến pháp của chúng ta chỉ dành cho người có đạo đức và tín ngưỡng. Nó hoàn toàn không thích hợp cho chính quyền của những kiểu người khác.”
Soi chiếu vào trong nền tảng này, rất nhiều câu hỏi về sự tự do có thể dễ dàng trả lời được.
Trả lời câu hỏi: Tự do tình dục có phải là giá trị tự do của Hoa Kỳ hay không?
Hãy lấy một ví dụ hay bị hiểu sai nhất: Tự do tình dục có phải là giá trị tự do của Hoa Kỳ hay không? Câu trả lời là không.
Nếu nhìn vào đức tin Kitô trong quá khứ, nhìn vào nền tảng truyền thống của Hoa Kỳ vào thời điểm lập quốc, dễ thấy: nam nữ trước khi kết hôn là không có quan hệ tình dục; khi kết hôn là phải đến nhà thờ, do Chúa chứng giám; sau khi kết hôn thì mới có thể có quan hệ nam nữ trong hôn nhân. Bởi thế, sự kết hợp giữa nam nữ là thần thánh, được Chúa chứng giám, tương tự ở phương Đông thì nam nữ bái thiên địa, do Trời chứng giám. Do đó trong quá khứ, dù ở phương Đông hay phương Tây, khi tiêu chuẩn đạo đức còn tương đối cao, người ta đều gọi những người có hành vi quan hệ ngoài hôn nhân là “lang chạ”, “loạn tính”, “tà dâm”, v.v.. Hôn nhân -sự kết hợp giữa nam và nữ- là khế ước thần thánh, đây là một giá trị phổ quát truyền thống Đông Tây phương.
Bản thân Tổng thống Ronald Reagan, một trong những vị tổng thống kiệt xuất được yêu mến nhất của Hoa Kỳ, cũng lên án việc sử dụng từ ngữ “tình dục tích cực” thay vì “lang chạ” ở Hoa Kỳ vào thời của ông. Ông còn nhấn mạnh trong diễn văn nổi tiếng “Đế chế tà ác” như sau:
Chẳng lẽ mọi giáo lý truyền thống của Thiên Chúa Giáo là sai sao? Chẳng lẽ chúng ta tin rằng điều thiêng liêng [là việc quan hệ giữa hai người nam nữ mà đáng lẽ theo giáo lý truyền thống cả hai phải đi đến hôn nhân dưới sự chứng giám của Chúa trước khi có tiếp xúc thể xác] có thể được coi là thuần túy vật dục, mà không gây ra những tổn thương về tâm lý và cảm xúc sao? Và chẳng phải các bậc phụ huynh có quyền khuyên bảo con cái và giữ cho các em không phạm phải những sai lầm có thể gây ảnh hưởng đến cả cuộc đời sau này hay sao?
Vậy thì tư duy giải phóng tình dục này từ đâu mà ra? Một điều thú vị: đối lập với tiêu chuẩn tự do lập quốc của Hoa Kỳ, có một tiêu chuẩn “tự do” khác, đó là tiêu chuẩn tự do duy vật vô Thần. Tự do tình dục thực chất là một phong trào cộng sản, xuất phát từ Marx và Engels, được thực thi tại Liên Xô sau khi chế độ này giành chính quyền. Và trong khi sự trỗi dậy của chủ nghĩa cộng sản còn chưa được để ý, tư tưởng này đã len lỏi vào xã hội Hoa Kỳ.
Nếu tự do tình dục không phải là giá trị tự do của Hoa Kỳ, thì tất nhiên, tự do phá thai (ngày nay được gọi với cái tên mỹ miều: tự do sinh sản) cũng không phải giá trị lập quốc của Hoa Kỳ. Tự do ly hôn cũng không phải, vì hôn nhân là do Chúa chứng giám. Điều này với đa số người hiện đại mà nói là rất bất ngờ.
Kỳ thực rất nhiều giá trị truyền thống không chỉ là tín ngưỡng và đạo đức, mà còn là điều bảo chứng cho sự phát triển lành mạnh của xã hội. Nói theo xã hội học, những điều chúng ta vừa động tới tại đây đều là những khái niệm truyền thống phổ quát bảo hộ sự lành mạnh của gia đình – tế bào của xã hội. Nói theo đạo đức, nó quy phạm hành vi của con người trong hôn nhân và gia đình. Nói theo tôn giáo, nó là tiêu chuẩn để Thiên Chúa, thần linh phán xét một sinh mệnh có là con người hay không. Đây chính là bản chất thâm sâu của vấn đề tự do.
Nguồn gốc sai lệch
Các ví dụ ở phần đầu bài là một minh chứng rõ ràng cho thấy giá trị tự do của Hoa Kỳ ngày nay thường xuyên bị hiểu sai đến nhường nào. Mà căn bản của sự sai lệch này là sự phân tách giữa chủ nghĩa tự do hiện đại và giá trị tự do truyền thống. Là sự hiểu sai về bản chất giữa khái niệm “tự do” thời Hoa Kỳ lập quốc và khái niệm “bình đẳng” của chủ nghĩa cộng sản.
Ngày nay, chủ nghĩa tự do hiện đại tràn ngập tại Hoa Kỳ, ảnh hưởng cực kỳ mạnh mẽ tới giới trẻ, nó đề ra những điều như bình đẳng xã hội (social equality), công bằng xã hội (social justice), ủng hộ mạnh mẽ chi tiêu công cho chăm sóc sức khỏe (health care) và phúc lợi xã hội (welfare), đề xướng giải quyết các vấn đề bất bình đẳng kinh tế (economic inequality), quyền bỏ phiếu (voting rights) cho người thiểu số, quyền sinh sản (reproductive rights) và các quyền khác của phụ nữ (women’s rights), hỗ trợ cho quyền đa giới tính (LGBT rights), và cải cách nhập cư (immigration reform), v.v..
Tất cả những điều này về cơ bản được gọi là chủ nghĩa tự do xã hội (social liberalism), và về cơ bản không phải là giá trị “tự do” lập quốc của Hoa Kỳ. Nói chính xác, nó là giá trị “bình đẳng” của chủ nghĩa cộng sản, là chủ nghĩa xã hội (socialism), xuất hiện trong thời kỳ tư tưởng cộng sản nổi lên và chiếm ưu thế trên trường quốc tế.
Ở châu Âu, sự phổ biến rộng khắp của trào lưu tư tưởng và chính sách chủ nghĩa xã hội đã là sự thực không phải bàn. Mỹ là một quốc gia đặc thù, và cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, khi vận động chủ nghĩa cộng sản ở châu Âu vô cùng cuồng nhiệt thì sự phát triển của nó ở Mỹ lại rất hữu hạn. Nhưng tình thế từ đó đến nay đã thay đổi rất nhiều.
Năm 2016, trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ, một ứng viên của một chính đảng cánh tả lớn đã công khai quảng bá chủ nghĩa xã hội. Trong ngôn ngữ của chủ nghĩa cộng sản đã nói rất rõ rằng chủ nghĩa xã hội là “giai đoạn sơ khai” của chủ nghĩa cộng sản. Bản thân vị ứng cử viên đó cũng thừa nhận rằng: “Tôi biết có rất nhiều người, hễ nghe đến từ ‘chủ nghĩa xã hội’ thì vô cùng căng thẳng”. Vậy mà người đó không tránh né, mà còn giới thiệu tư tưởng chủ nghĩa xã hội. Điều không ngờ là, trong cuộc tranh cử, người đó đã trở thành một trong hai ứng viên dẫn đầu của chính đảng đó.
Cuộc thăm dò dư luận cuối kỳ bầu cử năm 2016 cho thấy, trong một trong những chính đảng cánh tả lớn, 56% số người tự nhận là có quan điểm tích cực về chủ nghĩa xã hội. Xu thế nghiêng về chủ nghĩa xã hội này sớm đã được chỉ ra trong cuộc thăm dò của Trung tâm Nghiên cứu Pew năm 2011. Cuộc thăm dò này cho thấy 49% công dân Mỹ từ 30 tuổi trở xuống có quan điểm tích cực về chủ nghĩa xã hội, nhưng chỉ có 47% đánh giá tích cực về chủ nghĩa tư bản. Điều này cho thấy sự chuyển dịch về phía cánh tả của toàn bộ hình thái ý thức xã hội là có quan hệ mật thiết với việc cánh tả cổ xúy chủ nghĩa xã hội và một thế hệ người trẻ tuổi không hiểu về chủ nghĩa cộng sản.
Thực ra, ảo tưởng của người phương Tây hiện nay về chủ nghĩa xã hội cũng hết sức tương tự như ảo tưởng của vô số thanh niên nhẹ dạ ấp ủ chủ nghĩa cộng sản trong 100 năm qua ở Liên Xô, Trung Quốc và các nước khác. Thế hệ trẻ thì thiếu mất khả năng lý giải thấu đáo lịch sử, văn hóa và truyền thống của dân tộc mình, không có sức đề kháng trước chủ nghĩa xã hội có vẻ ngoài ôn hòa, nhân văn.
Nhưng đằng sau vẻ ngoài đó là gì?
Chẳng hạn, một chính phủ mạnh mẽ làm từ thiện, chăm sóc phúc lợi xã hội, cũng đồng nghĩa với việc phải thu thuế cao để lấy đi tài sản từ người có, và trao cho người không có, một hình thức vi phạm tư hữu. Chính phủ càng chi tiêu công nhiều thì sẽ càng tiến tới chủ nghĩa xã hội nhiều hơn, bởi vì càng thu thuế nhiều thì nó sẽ nắm càng nhiều quyền lực, càng có thể sử dụng thuế để kiểm soát người dân. Trong Tuyên ngôn Cộng sản, một mục tiêu mà chế độ cộng sản cần đạt được là đánh thuế cao và đánh thuế theo nấc thu nhập. Điều này hiện hữu tại Hoa Kỳ. (Tham khảo thêm vấn đề này theo từ khóa: “10 planks of the Communist Manifesto”)
Bình đẳng kinh tế, công bằng xã hội, rất nhiều khi là cách gọi khác của cào bằng xã hội, kêu gọi phải chi trả lương nhiều hơn, phải giảm tài sản của giới giàu có đi, v.v… Nhưng mà giá trị lập quốc của Hoa Kỳ là bảo vệ quyền tư hữu, là quyền bất khả xâm phạm của con người. Giàu có hay chênh lệch giàu nghèo không phải là xấu. Mặt khác kinh tế thị trường tự do không cho phép chính phủ can thiệp vào việc lựa chọn của doanh nghiệp, sự can thiệp này đến từ lý thuyết kinh tế kế hoạch và chủ nghĩa Keynes.
Quyền bỏ phiếu cho người thiểu số nhiều khi là cách gọi khác đi của việc cho phép người vốn không được phép bỏ phiếu, như người nước ngoài, người di cư bất hợp pháp, được bỏ phiếu. Quyền phụ nữ thì xuất phát từ phong trào giải phóng phụ nữ của chủ nghĩa cộng sản, là đòi bình đẳng giới…
Nhiều người trong xã hội ngày nay cho rằng bình đẳng là tốt, thật ra đây là quan niệm vô cùng sai lầm.
Tự do hay bình đẳng?
Cần phải nhấn mạnh ở đây là giá trị lập quốc của Hoa Kỳ là tự do, không phải là bình đẳng. Ngay cả câu “con người được [Chúa Sáng Thế] tạo ra bình đẳng, và được Chúa Sáng Thế ban cho những quyền bất khả xâm phạm” cũng không có hàm ý bình đẳng cộng sản, mà có hàm ý là bình đẳng về sinh mệnh, là bình đẳng trước Chúa, trước Luật của Chúa.
Vậy nên lý giải thế nào, nên phân biệt tự do và bình đẳng như thế nào đây? Khi xem xét vấn đề này, cần phải nhìn nhận rằng có rất nhiều mối quan hệ xã hội đặt trên cơ sở “cộng sinh”, mà không phải là “bình đẳng”. Mối quan hệ nam nữ, mối quan hệ giữa các sắc tộc, mối quan hệ trong công việc, v.v.. Tâm thái, tính cách, thể chất, thói quen, vai trò, trách nhiệm của mỗi cá thể là khác nhau, hãy tôn trọng điều đó, đừng cào bằng nó, đấy chính là tôn trọng “tự do”. Xã hội tôn trọng sự cộng sinh tự nhiên sẽ có cách phân phối thích hợp cho từng cá thể. Con người là bình đẳng trước quy luật tự nhiên và xã hội, bao gồm cả luật pháp, nhưng lại sống cộng sinh với nhau, không có khái niệm bình đẳng sai lầm về của cải vật chất, địa vị, và rất nhiều loại quyền lợi.
Trong các cuộc vận động cộng sản, có rất nhiều mối quan hệ trong xã hội đã bị lợi dụng dưới chiêu bài “bình đẳng”. Lấy một ví dụ, công nhân và chủ nhà máy tồn tại một mối quan hệ cộng sinh. Chủ nhà máy cung cấp việc làm cho công nhân, cho phép công nhân hưởng lợi từ công việc của mình. Công nhân làm việc và tạo ra nguồn lợi cho nhà máy, từ đó chủ nhà máy có thể vận hành bình ổn và tuần hoàn lành mạnh công việc kinh doanh. Mối quan hệ cộng sinh này tất nhiên sẽ có sự tham gia của nhân tính, công nhân có thể biếng nhác, chủ nhà máy có thể bóc lột, nhưng đây lại là mâu thuẫn xã hội thường tình có thể xảy đến trong bất cứ mối quan hệ nào. Xã hội tự nhiên vốn đã có cách điều tiết cân bằng nó, ví dụ công nhân bỏ đi hết thì chủ nhà máy sẽ rơi vào tình trạng đình trệ hay phá sản, hay người làm không tốt thì có thể bị chủ nhà máy đuổi việc. Khi sự cộng sinh có mâu thuẫn không thể giải quyết, nó sẽ sụp đổ, để rồi một quan hệ cộng sinh mới giữa công nhân mới và chủ nhà máy mới lại được thiết lập ra. Đây không phải là mâu thuẫn sống chết.
Bởi thế, khi cố gắng làm như những gì chủ nghĩa cộng sản rao giảng, phá vỡ mối quan hệ cộng sinh này, thì người ta không biết rằng họ lại rơi vào một mối quan hệ mới: quan hệ giữa công nhân nhà máy và chính phủ vô sản. Cũng như thế, mối quan hệ này có sự tham gia của nhân tính, và đủ loại mặt xấu cũng theo đó mà thể hiện ra. Cứ tiếp tục chạy theo lý thuyết cộng sản, bao cấp, làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu, thì người ta sẽ thấy mâu thuẫn không thể giải quyết nổi.
Tương tự như vậy, các phong trào kêu gọi bình đẳng giới, bình đẳng vật chất, ngay cả bình đẳng chủng tộc, đa số đều rơi vào cái bẫy bình đẳng. Xã hội con người vận hành trên cơ sở cộng sinh, trên cơ sở tôn trọng giá trị tự do từ nền tảng tín ngưỡng phổ quát, không phải vận hành trên cơ sở bình đẳng. Con người có tâm thái, tính cách, thể chất, thói quen, vai trò, trách nhiệm… khác nhau, nên quyền lợi, địa vị, sở hữu… của cá nhân cũng theo đó mà khác nhau, làm sao có thể như nhau được?
Đây chính là cách phân biệt cơ bản giữa “tự do” của Hoa Kỳ và “bình đẳng” của chủ nghĩa cộng sản.
Nguyễn Vĩnh