Tế tự không chỉ là nghi thức đối với Trời, mà còn là sự đối đãi với dân. Trong bối cảnh các nước châu Á, tế tự được coi là một trong những nghi thức trọng đại và được tôn trọng. Tại Việt Nam, lễ tế Giao đã được cử hành hơn trăm năm, và nó có ý nghĩa sâu xa trong việc đối đãi với Trời và dân.

Lễ tế trời ở Đàn Nam Giao - Văn hóa cung đình độc đáo từ thời nhà

  1. Phát đoan

Phần nói về “Bát chính” trong thiên Hồng phạm, thứ 3 là tế tự. Truyện viết: “Việc lớn của đất nước là tế tự và quân đội”. Các nước châu Á ta, phàm nước tôn phụng giáo hóa của thánh hiền, không nước nào không coi tế tự là điển lễ lớn của quốc gia, mà tế thì không tế nào lớn hơn tế Trời. Cho nên bậc vương giả nhận mệnh rồi dấy lên, ắt dùng tế Giao để tế Trời Đất. Lễ này diên cách lúc chia lúc hợp, cổ kim, nam bắc có sự khác biệt, nhưng cốt yếu ở lòng tận kính với Trời, tôn sùng tổ tông, coi là việc làm đầu tiên trong việc thi hành chính sự, cai trị dân chúng thì chỉ là một thôi. Kinh Thư viết: “Trời giúp hạ dân, cho người làm vua”, lại ghi: “Duy có Trời ban ơn huệ cho dân, duy có vua mới phụng sự Trời”, có lẽ là thế chăng? Vua là chủ của thần dân một nước, còn Trời lại là chủ chung của vua và dân. Trời là lớn, còn vua đứng thứ hai, dân thì bé nhỏ. Bé nhỏ thì vị thế không thể không tiếp xúc gián tiếp với đấng tối tôn, vì thế phải có vua để tiếp xúc trực tiếp với trời. Cho nên thiên tử tế Giao để kính cáo với Trời không chỉ là nhiệm vụ của mình đối với thần dân, là người đại diện cho tình cảm của thần dân mình đối với Trời đặng đối diện với thượng đế, mà việc thượng đế ban phúc cho nhà vua cũng không chỉ là gom phúc của muôn dân để ban phúc cho vua. Điều trong Kinh Thư gọi là “Một người có phúc, triệu dân được nhờ” chính là như vậy. Từ đó mà nói, tế Giao là lễ tế của nhà vua dùng để đối đãi với Trời vậy, cũng tức là lễ của vua để đối đãi với dân. Đối đãi với Trời thì phải tự tỏ rõ rằng mình có thể trọn vẹn nhiệm vụ với dân, đối đãi với dân thì phải tự tỏ rõ mình có thể truyền đạt được tình cảm của dân đối với Trời. Xét lẽ, sự kính Trời của nhà vua, đến như thế là cùng; sự yêu dân của nhà vua, cũng đến thế là cùng. Dân đối với vua, coi như cha. Lòng kính ái của cha mình, như thế là cùng vậy. Kẻ làm con, váng vất như quên, mơ màng như chẳng biết, đó có phải là đạo yêu vua không? Đó há có phải đạo kính Trời không? Ý nghĩa của tế Giao lớn lao thay! Cho nên từ khi triều ta nhận mệnh đến nay, cử hành đại điển tế Giao, đến nay đã hơn trăm năm rồi. Nhớ xưa, thời các bậc thánh vương nối đời thịnh trị, ở triều có các bậc nho thần phò trợ, phát huy cổ lễ để giúp cho điển chương pháp lệnh của triều đình; thôn dã có các vị tiên sinh thân sĩ ca vịnh về các việc đó, phát huy thịnh sự, để hòa hợp với lòng dân. Thế nên quan hệ giữa dân với vua, với Trời nhờ đó càng thấy rõ, mà việc cử hành lễ tế Giao cũng không phải chỉ là hư văn. Nay tuy thời đổi việc thay, nhưng nghi thức của đàn tế Trời vẫn giống như xưa, lòng kính Trời yêu dân của hoàng thượng ta cũng giống như các vị thánh vương vậy. Đến như thần dân Nam Bắc của ta đối với việc tế Giao, xét xem có váng vất như quên, mơ màng như chẳng biết, giống đã nói ở đoạn trên không? Dẫu nói rằng vị thế khác thì tình xa, lâu ngày thì sinh trễ nải, nhưng cũng là do tình cảm của người nước ta đối với vua với nước ngày càng thờ ơ, dẫn đến ngay cả cái xuất phát từ Trời mà cũng chỉ thấy xa xôi thăm thẳm. Các bậc hiền nhân trong nước lại không chịu làm sáng nghĩa xưa, để đánh thức mọi người, dần khiến đại điển vô cùng long trọng, vô cùng ý nghĩa từ ngàn năm nay, ý nghĩa sâu xa của nó không rạng tỏ. Ôi chao, thế thực đáng lo lắm!

Năm nay là năm thứ ba Hoàng thượng ta lên ngôi, là lần thứ nhất kính cẩn cử hành lễ tế Giao vậy. Thánh nhân thờ Trời, ắt thành ắt kính. Phía trên đàn tế, tường ngắn bao quanh, ắt có sự chỉnh sửa. Cái trong Kinh Thi gọi là: “Tể tể tích vương, Mao sĩ phụng chương. Phụng chương nga nga, Mao sĩ du nghi” [Nhà vua dáng vẻ tươi đẹp [hành lễ tế], các bề tôi là những kẻ sĩ tài giỏi bưng ngọc chương. Bưng ngọc dương dáng vẻ hoành tráng, những kẻ sĩ tài giỏi xứng với chức phận [trợ tế ấy], có thể dùng để tụng ca việc tế Giao ngày nay vậy. Bản xã phái người vào kinh kính xem, để tỏ niềm thưởng lãm, có riêng một bài ghi chép sự thực, đăng ở phần Tạp trở lại khảo rộng điển tịch xưa, thảo thành bài này, để xin chất chính với các bậc để chí vào cổ lễ trong nước. Niềm tôn vua kính Trời của dân nước ta, hoặc do đó mà phát sinh mạnh mẽ chăng? Thế nên bỉ nhân khi viết văn phải chú mục, đắn đo muốn có mấy lời.

  1. Ý nghĩa của tế Giao

Xét theo Chu lễ: Đông chí tế Trời ở gò đất hình tròn trên mặt đất, gò đất đó ở phía nam đất nước; Hạ chí tế Đất ở gò đất hình vuông trong đầm, gò đất đó ở phía bắc đất nước. Cho nên gò đất tròn gọi là Nam Giao, gò đất vuông gọi là Bắc Giao. Chia tế trời và đất, đó là lễ xưa vậy. Hậu thế gộp tế trời và đất ở Nam Giao, cho nên chỉ có tên gọi Nam Giao. Tế Nam Giao thì lập đàn cách 50 dặm phía nam đất nước. Sách Tư Mã pháp cho 50 dặm gần với [đô] thành (cận giao), cho nên gọi là Nam Giao.

Khảo trong kinh sách xưa có nhiều chỗ bàn về Giao, chốt lại ở 3 thuyết:

1/ Phần Tế nghĩa trong Kinh Lễ cho là: “Chỉ có bậc thánh nhân mới có thể tế thiên đế, chỉ có con hiếu mới có thể tế cha mẹ. “Hưởng” (tế tự), tức là “hướng” (hướng về) vậy. Có hướng về thì sau mới có thể tế tự được”. Sách Xuân thu phồn lộ cho là: “Thiên tử, trỏ con của Trời vậy. Con Trời thì không thể không tế Trời, cũng giống như con người ta không thể không dâng đồ ăn cho cha”. Lại viết: “Thiên tử vào đầu năm ắt tế Giao để dâng cúng Trời, là hành lễ của người con vậy. Mỗi khi sắp xuất quân, ắt tế Giao để cẩn cáo với Trời, là làm theo đạo của người con vậy”. Đó là nói về nghĩa của việc thờ Trời vậy.

 2/ Phần Giao đặc sinh trong Kinh Lễ viết: “Tế Giao là tế khắp lượt các vị thiên thần, sự tôn kính chuyên chủ vào ngày này vậy”. Lại viết: “Muôn vật gốc ở Trời, con người gốc ở tổ tiên. Đó là nguyên do phải dâng tế thượng đế vậy. Việc tế Giao, là báo đền gốc và trở lại với xuất phát ban đầu vậy”. Đó là nói về ý nghĩa của việc báo đáp Trời vậy.

3/ Phần Giao đặc sinh viết: “Hôm hành tế, nhà vua mặc áo cổn để tượng cho Trời, đội mũ miện có 12 tua để tượng trưng cho thiên số. Cờ có 12 tua, trang trí hình rồng và hình nhật nguyệt để tượng cho Trời vậy. Trời có hình tượng, thánh nhân lấy đó làm khuôn phép. Tế Giao là để làm sáng rõ đạo trời vậy”. Sách Đỗ thị Thông điển viết: “Xét lẽ, sự vận động của thánh nhân không gì lớn bằng kế thừa Trời. Trời vận hành mạnh mẽ, đạo trời biến hóa, thánh nhân lấy đó làm khuôn phép. Cho nên tế Giao là để làm sáng đạo trời, vốn đã có từ lâu”. Đó là nói về ý nghĩa noi theo khuôn phép của Trời vậy.

Ý nghĩa của tế Giao đại để đều ở đó rồi. Nay truy ngược về nguyên nhân tế Giao, tìm lấy duyên khởi của nó thì lại là từ học thuyết của các thánh hiền thời cổ cùng thể chế chính trị của quốc gia ở phương Đông ta mà phát sinh ra. Xét lẽ, văn minh của châu Á cổ đại với văn minh của châu Âu ngày nay, điểm khác nhau của chúng thực sự nằm ở đâu? Là ở học thuyết, ở chính thể: Trời sinh dân, ai cũng có ham muốn, không có chủ thì loạn, đó là học thuyết của châu Á; người ta được sinh ra ai cũng có quyền thiên bẩm, đó là học thuyết của châu Âu vậy. Học thuyết đã khác, chính thể bèn theo ngã rẽ khác nhau: một coi quân chủ là bậc quyền lực vạn năng, thì thi hành chuyên chế; một cho rằng nhân dân có tư cách tham dự chính quyền, thì thi hành lập hiến. Xét lẽ, dựa vào học thuyết của châu Á để xem xét chính thể của châu Âu, thì cho là hiếm có nước nào không sa vào loạn. Nhưng nền chính trị của các nước châu Âu ngày càng tiến bộ, tại sao vậy? Là vì sức của pháp luật vậy. Người đứng đầu quốc gia và người dân đều nhờ pháp luật bảo vệ. Xét lẽ, dựa vào học thuyết châu Âu để xem chính thể của châu Á, thì cho là vua các nước đó hiếm người không lạm dụng quyền lực để tự chuốc lấy bại vong. Thế nhưng vua ở châu Á phần lớn lại yên trị lâu dài. Tại sao vậy? Là vì sức của Trời. Nhà vua tuy vị trí đứng trên dân, nhưng thực tế lại là chịu dưới sự cai trị của Trời. Vì thế tôi không thể không tán thán rằng học thuyết của các bậc thánh hiền phương Đông ta sao mà viên mãn đến thế. Mệnh thì gọi là mệnh trời (thiên mệnh), thảo phạt thì gọi là sự thảo phạt của trời (thiên thảo), còn nhà vua thì dường như không hề can dự vào đó. Nhật thực, động đất, nạn châu chấu, lụt lội, hạn hán, đều là do Trời gây nên, nhưng nguyên do vì nhà vua không có đức. Thế rồi trông vào đó mà kính sùng, không lúc nào quên, sợ hãi mà tu tỉnh, để mong được phúc. Cho nên mệnh trời, đạo trời không những thống nhất, mà còn hợp nhất vào pháp luật, dùng để hạn chế quyền lực của nhà vua. Còn như người châu Âu, không ai không tôn kính Trời, nhưng sự tôn kính đó thuộc về tôn giáo, còn như người châu Á tôn kính Trời thì lại thuộc về chính trị, hơn nữa còn thuộc về toàn thể quốc dân. Đó lại là nghĩa lớn tôn Trời của người châu Á ta. Ôi chao, sâu thay, vi tế thay!

Xét lẽ, nhà vua đã nhận được sự cai trị từ Trời rồi, lại chắp tay ở ngôi cao trong cung mà nói rằng ta sợ Trời, ta kính Trời. Các bậc thánh hiền thời xưa còn cho thế vẫn chưa đủ. Cho nên chế ra lễ tế Giao. Bậc vương giả thỉnh mệnh từ Trời, giống như người con thỉnh mệnh từ cha, rồi trai giới xem quẻ để khiến việc đó thêm long trọng, dùng ngọc bích màu xanh, bò thuần sắc đỏ để tỏ hết lòng thành, mặc áo cổn, đội mũ miện để tỏ hết sự kính cẩn, thì sau đó mới trọn vẹn được nghĩa của bậc vương giả với Trời cha. Đó là xuất phát điểm của lễ tế Giao vậy. Xét lẽ, đã tôn Trời thì phải phụng sự Trời, sự báo đáp Trời, việc noi theo khuôn phép của Trời, đều là những việc thiên tử phải làm. Đó là ý nghĩa lớn lao của tế Giao vậy.

  1. Tế Giao trong lịch sử Trung Quốc

Tế Giao có từ thời nào, kinh sách không ghi rõ. Sử ký nói Hoàng Đế dùng lễ phong để tế Trời, lễ thiện để tế Đất, hoặc giả đó là khởi đầu của tế Giao chăng? Họ Hữu Ngu dùng lễ đế để tế Hoàng Đế, dùng lễ giao để tế Đế Cốc. Nhà Hạ dùng lễ đế để tế Hoàng Đế, dùng lễ giao để tế ông Cổn. Người thời Ân dùng lễ đế để tế Đế Cốc, dùng lễ giao để tế ông Minh [tổ của nhà Hạ]. Người Chu dùng lễ giao để tế Hậu Tắc, đặng phối với Trời, dùng tế tôn để tế Văn Vương ở nhà Minh Đường đặng phối với Thượng đế. Đó là khởi đầu của tế Giao được ghi chép trong kinh sách vậy. Sau khi Tần Thủy Hoàng lên ngôi, cúng tế ở bốn đàn tế, riêng tế Giao thì bỏ không dùng. Đổng Trọng Thư cho rằng nguyên nhân nhà Tần bị diệt vong chính là ở đó. Xét lẽ, Trời sở dĩ soi xét nhà vua, Tần là thiên tử mà không tôn Trời thì còn sợ gì mà chẳng làm việc bạo ngược, bạo ngược thì mau chóng dẫn đến diệt vong thôi. Hán Cao Tổ do không học hành nên theo thói hủ lậu của nhà Tần, tăng thêm, tế ở năm đàn tế, đến Hán Văn đế mới bàn đến lễ tế Giao. Hán Thành đế bắt đầu bỏ năm đàn tế, lập đàn Nam Giao ở Trường An, nhân có biến nên bỏ, đến thời Bình đế mới khôi phục lại. Đó là giai đoạn phục cổ lễ tế Giao, cũng là khởi đầu của việc hợp tế Trời Đất. Năm Kiến Nguyên thứ nhất thời Hán Quang Vũ [140 Tr.CN], xây đàn tế ở Lạc Dương, cáo tế Trời Đất, rồi đem Cao đế phối vào. Từ thời Tam đại trở xuống, tôn tổ để phối với Trời, thực bắt đầu từ đây. Từ đây về sau, trải thời Tam quốc đến Tùy, Đường, đại để đều theo quy chế cũ của nhà Hán, nhưng cũng có thay đổi đôi chút. Đến Võ Hậu thời Đường mới bàn đến đàn tế hình tròn, hình vuông, thế rồi lễ tế Giao từ chỗ hợp chung lại chia riêng. Năm Thiên Bảo thứ nhất thời Đường Huyền tông [742], sắc cho Hoàng địa kỳ, cho hợp tế ở Nam Giao. Thế là tế Giao từ phân lại hợp. Đầu thời Tống vẫn dựa theo lễ chế thời Đường. Đến giữa thời Cảnh Hựu [1034-1038], bèn chia ra để tế. Giữa thời Nguyên Hựu [1086-1094], theo đề nghị của Tô Thức, lại hợp tế như trước. Đến Huy Tông [1100-1126] lại chia ra. Rồi đến Cao Tông [1127-1162], lại gộp. Cho đến hết thời Tống [960-1279], triều đình bàn nghị nhiều lần, người thì cho cho là nên chia, người cho là nên hợp, ai nấy đều có chủ kiến của mình. Người cho là nên chia ra để tế, vốn coi lễ cổ là trọng; người cho là nên hợp lại để tế, thì cho là nên bớt các nghi thức tuế toái để bảo đảm tiềm lực quốc gia, nhưng cũng chưa từng đi ngược lại ý nghĩa cho bậc vương giả coi Trời là cha, Đất là mẹ. Xét lẽ, việc tiện cho nay mà không trái với xưa thì có thể thi hành. Còn các nhà nho thời Tống, hơi một tí ắt liền đem mấy vạn lời ra để tranh biện với nhau, lưu tệ đến mức lập thành bè đảng để công kích nhau. Ôi, đâu cần phải làm thế. Minh Thái Tổ cho là tách riêng để tế Trời và Đất sẽ khiến lòng người không yên nên năm thứ 10 niên hiệu Hồng Vũ [1377], hợp tế Trời Đất, lấy đó làm điển lễ vĩnh viễn. Mãn Thanh dựa theo đó, rồi sự bàn nghị mới đi đến thống nhất.

Sau khi Mãn Thanh bị lật đổ, Dân Quốc thành lập, Viên Thế Khải làm tổng thống, bàn việc thi hành tế Giao bằng việc khôi phục lễ cổ, duy mũ miện thì bỏ các tua để tỏ rõ sự khác biệt giữa thiên tử và tổng thống. Xét lẽ, Trung Quốc đã sang thời Dân Quốc rồi, thì đã có khác biệt với chính thể của các học thuyết mấy nghìn năm trước, mà lại phục hồi tế Giao, chẳng phải là lòng muốn về nam mà lại giong xe theo hướng bắc ư? Cho nên đương thời luận giả cho là việc phục hồi tế Giao là dã tâm của họ Viên, lấy đó là việc dọn đường cho đế chế. Dẫu việc khôi phục tế Giao của họ Viên, dã tâm của họ Viên đã rõ rồi, nhưng tế Giao là để tôn kính Trời, là chỗ ký thác của học thuyết cao thượng nhất, linh thông nhất của các bậc thánh hiền thời cổ ở châu Á ta, thể chế quốc gia có khác, nhưng Trời là đấng đáng tôn kính thì không đổi thay, tế Giao cũng có hại gì cho thể chế Dân Quốc đâu! Cớ sao phải bỏ tế Giao?

  1. Tế giao trong lịch sử nước ta

Nước ta và Trung Quốc đều noi theo giáo hóa của thánh hiền, hết thảy mọi lễ chế đều chọn nhặt từ Trung Hoa. Đời hồng hoang, lúc còn nội thuộc thì không thể nói rồi. Đinh, Lê mở đầu dấy lên, chuyên sùng chuộng Phật giáo, điển lễ của tiên vương, để cho chìm lấp. Đến năm thứ 15 niên hiệu Thiệu Minh đời Lý Anh Tông [1152], xây đàn Viên Khâu, tên gọi Viên Khâu bắt đầu thấy từ đây, nhưng lễ đắp đàn hình vuông trên ao để tế Đất thì không nghe nói đến, không biết có phải là theo thời cổ chia ra để tế nhưng sử ghi sót chăng? Hay là hợp tế Trời Đất nhưng gọi chung là Viên Khâu chăng? Những điều đó không thể khảo được. Thời Lý, lễ tế Giao phân rõ 3 năm một lễ lớn, 2 năm một lễ trung, 1 năm một lễ nhỏ, nhưng cái gọi là lễ nhỏ, lễ trung cũng không thể khảo được. Đại để quy định tế Giao 3 năm 1 lần ở nước ta thì bắt đầu từ đây. Triều Trần lên thay, văn trị võ công, ngời ngời trong quốc sử, nhưng trong khoảng hơn 180 năm, việc cử hành lễ tế Giao để tế Trời, phối hưởng với thiên đế thì mờ mịt không nghe nói đến, nhà nho khảo lại việc xưa, mỗi lần đều cảm khái than thở. Năm Thiệu Thành thứ 3 thời Hồ Hán Thương [1403], xây đàn ở Đốn Sơn để cử hành lễ tế Giao, do lúc cầm dâng chén rượu bị run tay, rượu rớt xuống đất, bèn thôi. Ngô Ngọ Phong cho rằng Hán Thương là kẻ gian thoán đoạt, không thể phụng thờ thượng đế. Đúng là như thế. Lê Thái Tổ dẹp giặc Minh, lên ngôi hoàng đế, chọn dùng theo điển lễ cũ, đầu xuân yết tế Giao. Thánh Tông chế định lễ tế Giao, lấy thời điểm là tháng Giêng hành tế, hàng năm lấy làm lệ thường. Sau, trải hơn 300 năm, noi dùng mà không đổi. Đầu niên hiệu Quang Hưng [1578-1599] thời Lê Thế Tông, họ Mạc tiếm vị chưa bị dẹp, xa giá của thiên tử dừng ở Vạn Lại,  bèn dựng đàn tế Giao ở đó, trên đường bôn tẩu gập ghềnh mà vẫn không quên kính cẩn với việc tế tự vậy. Xét lễ chế về việc tế tự thời Lê sơ, mỗi năm đắp đàn, chính giữa là vị trí phụng thờ trời đất, tả hữu là chỗ phụng thờ các vì tinh tú. Đến năm thứ nhất niên hiệu Cảnh Trị [1663] thời Huyền Tông, bắt đầu xây dựng điện Chiêu Sự ở Nam Giao, rường cột rui xà, sơn quét màu son, quy mô chế tác mới mẻ rạng rỡ. Đại để dùng theo kiểu nhà có mái lợp như quy chế của thời Hồng Vũ [1368-1398] nhà Minh, nhưng so với lễ tiên vương quét đất rồi hành tế thì nội dung và hình thức đã có khác biệt. Phan Huy Chú cho đó là lấy đạo thờ thần kỳ mà thờ trời, thì quá thân mà cơ hồ khinh nhờn vậy.

Khảo về nghi thức yết tế Nam giao từ thời Lê trung hưng về sau, đủ khiến người ta phải than lớn. Vị trí hoàng đế vái lạy ở trên điện Chiêu Sự nhưng ở bên trái và bên phải lại có vương thượng và phủ Tiết chế bồi tế, vậy là hoàng thượng là hoàng đế nhà Lê, vương thượng là chúa Trịnh, Tiết chế là thân tộc của họ Trịnh nắm quyền tiết chế chư quân. Truyện viết: “Chính sự từ họ Ninh, còn tế thì do quả nhân”, ý nói chính quyền tuy mất nhưng quyền tế tự vẫn còn. Họ Trịnh chiếm quyền tế của vua mình, rồi đứng ở thế chân vạc để tranh với vua. Than ôi, sự phân biệt giữa vua và bề tôi rất không rõ ràng, còn đủ để phụng thờ Trời nữa ư?

  1. Sự phát khởi của tế Giao triều ta cùng diên cách của nó

Năm Gia Long thứ nhất [1802] thời Thánh tổ Cao hoàng đế, lập đàn tế ở ngoài nội Yên Ninh, hợp tế Trời Đất để kính cáo việc lấy niên hiệu, đó là khởi điểm của việc tế Giao của triều ta. Năm thứ hai [1803], lệnh cho bề tôi bộ Lễ khảo rõ về lễ tế Giao rồi châm chước các lời bàn để thi hành. Năm thứ năm [1806], xây dựng đàn Nam Giao ở phía nam kinh thành, chính là đàn Nam Giao hiện nay. Vào năm này, lại lệnh chế tạo các đồ tế khí ở đàn tế Giao. Thánh nhân chế tác, lễ chế cực hoàn bị. Đại để đã nhất loạt tẩy rửa hết những quy định giản lậu từ thời Lý đến thời Lê, rồi truyền pháp độ cho muôn đời. Từ đó về sau, thần truyền thánh kế, kính cẩn noi theo, không có gì không thi hành theo tổ tôn. Đến như các điều quy định, cũng có thêm bớt tùy theo từng thời, nay xin chia thành các điều rồi thuật lại một cách đại lược.

1/ Quy định về đàn tế Giao: Xây dựng từ năm thứ 5 niên hiệu Gia Long [1806], đàn được chế tác làm 3 phần:

Phần thứ nhất, đàn hình tròn, để tế Hạo thiên thượng đế [Trời] và Hoàng địa kỳ [Đất].

Phần thứ 2, đàn hình vuông: Tế tự, thứ nhất bên trái – Đại minh [mặt trời], thứ 2 bên trái – Các vì tinh tú, thứ 3 bên trái – Gió, mưa, mây, sấm, thứ 4 bên trái – Các vị thần tướng ứng với các tháng trong năm; tế tự, thứ nhất bên phải – Dạ minh [mặt trăng], thứ 2 bên phải – Núi, biển, sông, đầm, thứ 3 bên phải – Gò đống, thứ 4 bên phải – Các vị thần đất trong thiên hạ.

Phần thứ 3, ở phía đông nam lập Phần sài sở, phía tây bắc lập Ế khảm sở. Bên ngoài phần thứ 3 này để ra một khu đất quây bằng tường hình vuông, trồng thông khắp lượt.

Phía trái, mé ngoài đàn tế lập Trai cung, để làm chỗ ngự trai.

Năm thứ 20 niên hiệu Minh Mệnh [1839], che màn xanh ở phần đàn tế thứ nhất, che màn vàng ở phần thứ 2. Đại để vì cho là việc tế tự hàng năm đều gặp mưa lạnh, không tiện cho việc hành lễ. Năm thứ 24 niên hiệu Tự Đức [1871], bắt đầu làm nhà rạp bên đàn tế, đến nay vẫn theo cách đó.

2/ Nghi lễ tế Giao: Năm thứ 6 niên hiệu Gia Long [1807], ban đầu bói để xem về việc tế Giao, trước hết là xác định ngày tế, Khâm thiên giám tâu mồng 3 tháng Hai là ngày tốt. Trung tuần tháng Giêng, sai quan bói quẻ. Trước tế Giao 4 ngày, kính cẩn đem người bằng đồng vào, chờ hầu khi trai giới một mình. Trước tế Giao 3 ngày, cấm xử lý các việc hình ngục và giết thịt. Năm thứ nhất niên hiệu Minh Mệnh [1820], bắt đầu thề ở đàn Nam Giao. Trước tế Giao 3 ngày, hội họp khắp lượt các quan hội thề ở điện Thái Hòa. Trước 2 ngày, hoàng đế đích thân cáo lễ ở Thái miếu. Trước 1 ngày, xa giá đến trai cung. Tới ngày tế, đưa quần thần đến hành lễ: Hoàng đế mặc áo cổn, đội mũ miện, cầm ngọc trấn khuê, đến đàn tế hình tròn. Ở đàn tế hình tròn bưng chén hiến tế gồm 2 người, ở đàn hình vuông, chia ra hiến tế gồm 8 người, đều là các hoàng tử, hoàng thân cùng các đại thần được sai phái, ai nấy đều đội mũ miện để hành lễ, còn lại các quan văn võ từ tam phẩm trở lên bồi tế dưới thềm của phần đàn tế thứ 2. Quan văn ngũ phẩm, quan võ tứ phẩm trở lên, bồi tế dưới thềm của phần đàn tế thứ 3. Quan văn lục phẩm, quan võ ngũ phẩm trở xuống, đều quỳ hai bên đường xa giá đi qua để đón đưa. Nhạc thì dùng cửu chương, múa dùng bát dật . Năm thứ 6 niên hiệu Minh Mệnh [1825], ban dụ rằng phàm hôm xa giá đến trai cung, truyền triệu tập dân địa hạt Thừa Thiên đặt án rồi quỳ để đón đưa. Năm thứ nhất niên hiệu Tự Đức [1848], triệu các cận thần cùng quan lại các địa phương đến kinh đô, kính xem tế Giao. Năm thứ 13 [1850], hoàng đế cho là lễ tế Giao phức tạp, gắng gỏi hành sự, chỉ sợ có khi không đúng lễ nghi, bèn tham bác để bàn định lại việc tế Giao hàng năm. Hoàng đế đích thân hành lễ sơ hiến, nhất loạt các hoàng thân hành lễ á hiến thay, nhất loạt các đại thần hành lễ chung hiến thay, lấy năm này là năm khởi đầu. Cẩn án Thực lục, từ năm thứ 18 niên hiệu Tự Đức [1865] về sau, phàm gặp kỳ tế Giao, đều lệnh cho tôn thất và đại thần tế thay, là vì hoàng đế thể chất yếu, lại lắm bệnh.

3/ Ngày tế Giao: Ban đầu lập quốc, tế Giao vào tháng Hai. Thời Minh Mệnh [1820-1840], hoàng đế dụ cho bề tôi bộ Lễ, cho là tế Giao thời cổ vào tiết Đông chí, bản triều lấy tiết Trọng xuân [tháng Hai] bói về chọn ngày tế Giao, không biết là nghĩa lý thế nào, bèn đổi sang tháng Ba. Năm thứ 2 niên hiệu Tự Đức [1849], khôi phục lễ chế cũ, cử hành vào tháng Hai. Năm thứ 29 [1876], dụ rằng về sau chọn ngày Tân của tháng Hai để hành lễ, rồi ngừng nghi lễ bói quẻ chọn ngày tế Giao.

Xét, từ khi bản triều nhận mệnh trời đến nay, mỗi năm đều tế Giao, truyền thành điển lệ. Khoảng niên hiệu Kiến Phúc [1883-1884], Hàm Nghi [1885-1888], vẫn theo đó. Hiện nay quy định 3 năm tế Giao một lần, cũng là châm chước dùng theo điển chế cũ thời Tống, Minh. Việc cải định theo quy định này, bắt đầu từ năm thứ 3 niên hiệu Đồng Khánh [1888].

4/ Điển thăng phối: Thời Gia Long [1802-1819], hàng năm lấy tháng xuân để tế Giao, đưa Thái tổ Gia Dụ hoàng đế [chúa Nguyễn Hoàng] thăng phối. Năm thứ 3 niên hiệu Minh Mệnh [1822], đưa Thế tổ Cao hoàng đế [vua Gia Long] thăng phối. Năm thứ 3 niên hiệu Thiệu Trị [1843], đưa Thánh tổ Nhân hoàng đế [vua Minh Mệnh] thăng phối. Năm thứ 3 niên hiệu Tự Đức [1850], đưa Hiến tổ Chương hoàng đế [vua Thiệu Trị] thăng phối. Năm thứ 3 niên hiệu Thành Thái [1891], đưa Dực Tôn Anh hoàng đế [vua Tự Đức] thăng phối. Đức Cảnh Tôn Thuần hoàng đế ta [vua Đồng Khánh], công lao trung hưng, lớn lao như trời, truyền trong sử sách, liệt thánh rạng ngời. Đức hoàng thượng ta năm nay tế Giao, bắt đầu thi hành điển thăng phối, đó thực sự trước đủ tỏ rõ niềm hiếu từ của hoàng thượng ta, sau nữa đủ để thỏa nỗi trông mong của thần dân trong nước vậy.

  1. Người trong nước với quan niệm tế Giao

Từng đọc Thánh tổ thực lục, năm thứ 21 niên hiệu Minh Mệnh [1840], trước tế Giao mấy ngày, thánh thể ngẫu nhiên đổ bệnh, Hiến tổ lúc bấy giờ làm Thái tử xin đổi ngày bói quẻ [chọn ngày tế Giao], nhà vua nói: “Xét lẽ, làm vua cai trị muôn nước, kính trời, noi theo khuôn phép tổ tiên, cần mẫn với chính sự, yêu dân chúng, đó là bốn đầu mối không thể nào thiếu sót một việc nào, huống chi là việc cầu phúc cho dân. Khởi đầu việc tế tự đã có định ngày, sao có thể đổi đi được?”. Theo đó mà nói, cái trước đây gọi là tế Giao, là việc vua dùng để ứng đãi với trời, cũng là việc nhà vua dùng để ứng đãi với dân, không cần bàn trái nữa vậy. Hoàng thượng ta ngự trị đến nay, cùng bắt tay với Chính phủ Bảo hộ, phàm trăm việc, có việc gì không lo tính cho dân ta? Cuộc tế Giao lần này, vua ta đã trọn lòng thành thờ Trời, báo đáp Trời, noi theo khuôn phép của Trời, mà lòng cầu phúc cho dân cũng không khác gì đức Thánh tổ. Dân nước ta với lễ tế Giao cần có quan niệm như thế nào để không phụ thịnh ý của đức vua ta đây? Xét lẽ, nước ta ngày nay, so với nước ta thời toàn thịnh của tổ tôn, thì đã có khác biệt rồi. Đang lúc phải cạnh tranh sinh tồn mạnh thắng yếu thua, lại đứng ở vị trí xung đột Âu Á, quay nhìn trong nước, sinh kế thiếu thốn, dân trí ấu trĩ, trình độ tiến hóa của nước ta vẫn không bằng một phần vạn liệt cường trên thế giới, nguy ngập thay! Vị trí của nước ta trên thế giới ngày nay được thế cũng là may rồi. Năm chục năm nay, ta đã có nước Đại Pháp tự do bác ái bình đẳng làm người hộ mệnh cho ta, là bậc thầy hướng đạo cho ta, ta có thể dựa vào đó mà không phải lo sợ vậy. Thế nhưng được thế cơ hồ là có ý Trời. Giả sử nước ta năm chục năm nay mà đứng trơ trọi một mình, thì vận mệnh nước ta đến nay sẽ ra sao? Đó là điều các bậc trí giả trong nước không dám đoán định, sớm thì năm chục năm ấy được gửi nhờ dưới hàng rào của cường quốc châu Âu, chẳng chầy thì năm chục năm ấy rồi cũng rơi vào trong tay cường quốc châu Á. Được gửi nhờ dưới hàng rào của cường quốc châu Âu thì như con rồng náu mình, còn có cơ hội bay lên khỏi mặt đất; rơi vào trong tay cường quốc châu Á thì như rơi vào rừng tre kín mít, vĩnh viễn không có ngày thấy được mặt trời. Đằng nào là vinh là nhục, đằng nào là phúc là họa? Đó là điều các bậc trí giả trong nước có thể thấy được. Than ôi! Sớm thì chẳng chầy, thực là do Trời làm, tôi vì thế rất cảm khái. Ôi, Trời ban phúc cho nước ta thực rất lớn vậy, vì thế nên tôi rất hi vọng. Ôi, nước ta nhận được phúc từ Trời cũng đã lâu rồi. Xét lẽ, lòng Trời đã như thế, còn hoàng thượng thì thể theo lòng Trời, lấy đó làm lòng mình. Người dân nước ta thực có thể hiểu rõ lòng Trời, thuận theo thiên thời, sợ mệnh trời, thì sẽ không làm trái với Trời để chuốc tội vạ. Lại có thể hiểu rõ tấm lòng của hoàng thượng, tin cậy vào Bảo hộ, cùng chung vui lo, thì nay ta hãy phụng thờ Bảo hộ làm bậc minh sư, một ngày kia Bảo hộ ắt coi ta là bạn tốt. Non sông Hồng Lạc muôn vàn năm được rạng rỡ, rồi lớn mạnh, không cần nhờ gửi người khác nữa. Đó chính là cái dùng để báo đáp hoàng thượng, cũng chính là cái dùng để báo đáp thượng đế vậy. Xét lẽ, tế Giao là lễ để tế Trời, bảo rằng quan niệm của quốc dân đối với lế tế Giao, chẳng thà bảo là quan niệm của quốc dân đối với Trời. Quan niệm của quốc dân ta ngày nay đối với Trời cũng như thế mà thôi.