Trong tù, Bạch Hải Đường được thoải mái đi lại, ăn uống và có vợ con vào chăm sóc.

Sau ngày bị đăng báo tầm nã, được Đại úy Triệu phong đẳng cấp là “tướng cướp”, tên tuổi Bạch Hải Đường nổi tiếng như cồn. Điều mà mọi người không thể hiểu được là tại sao một tướng cướp nổi danh như vậy, bị cả một hệ thống cảnh sát, lực lượng an ninh, quân cảnh của chế độ cũ truy lùng mà mãi vẫn không không bắt được. Do đó, việc Bạch Hải Đường không chỉ trốn thoát lưới pháp luật mà ngang nhiên hoạt động trước mũi cảnh sát, các cấp thừa hành của nhà cầm quyền cũ không chỉ là một “kỳ tích” mà còn được nâng lên thành một “huyền thoại”. Người ta thường gọi hắn bằng một cái tên rõ ràng, cụ thể là: “Huyền thoại tướng cướp Bạch Hải Đường”.

Hiên ngang “trêu ngươi” cảnh sát                        

Mặc dù bị Đại úy Triệu truy bắt nhưng Bạch Hải Đường cũng chẳng thèm trốn đi đâu. Hắn ung dung ở Long Xuyên nhập nha, trộm cắp. Vài tháng thấy động, Truyện lại chuyển địa bàn sang các nơi khác như: Cần Thơ, Thốt Nốt, Bạc Liêu, Sa Đéc…vừa lánh nạn, vừa trộm cắp. Khi thấy êm, hắn lại quay về Long Xuyên tiếp tục gây án. Rõ ràng hàng động đó là “trêu ngươi” nhà chức trách.

Thật ra Bạch Hải Đường không phải là người có phép tàng hình, hành tung “xuất quỷ nhập thần” như người đời đồn thổi. Nhưng hắn tồn tại lâu được như vậy chính là nhờ cái uy Bạch Hải Đường mà Đại úy Triệu và các bài báo ở chế độ cũ đã vô tình “phong” cho. Rồi cộng với vẻ nho nhã bề ngoài, một chút khéo léo và tiền do bán tài sản trộm cắp được nên Bạch Hải Đường được một số quan chức tại địa phương “mến mộ”. Thậm chí có người muốn “kết giao” để lợi dụng việc riêng nên tìm cách bao che cho hắn trốn khỏi mạng lưới truy lùng dày đặc của lực lượng truy quét và tầm nã chế độ cũ.

Lưu bản nháp tự động

Bạch Hải Đường trong trại giam.

Từ mối quan hệ này, Bạch Hải Đường trong thời gian trốn tầm nã tại Long Xuyên đã được một người mà hắn gọi là “Anh Ba” làm giúp cho một thẻ căn cước mang tên Nguyễn Văn Hà. Đồng thời cái thẻ này giúp Bạch Hải Đường thoải mái đi lại các nơi cần thiết, qua các trạm kiểm soát, kể cả lực lượng tầm nã. “Anh Ba” còn lo cho Bạch Hải Đường một loại giấy gọi là “giấy đi đường” từ Long Xuyên đi Bạc Liêu, từ Long Xuyên đi Sài Gòn và ngược lại.

Cũng nên nói thêm, trước năm 1975 để đi lại các nơi làm ăn sinh sống thì người dân ngoài thẻ căn cước còn xin nhà chức trách cấp thêm một cái giấy tùy thân có thời hạn gọi là “giấy đi đường”, còn quân nhân thì ngoài thẻ “căn cước quân nhân” còn có thêm “giấy công tác”, nếu trong thời gian nghỉ phép thì có “giấy nghỉ phép”. Quản lý các loại giấy chặt chẽ như thế Nhà chức trách nhằm kiểm soát công dân và loại trừ…” cộng sản nằm vùng”. Nhưng chính loại “giấy đi đường” này có hai mặt, mang “tác dụng phụ”. Và “Anh Ba” nào đó của Bạch Hải Đường chắc là một người làm trong “Nhà chức trách” chế độ cũ đã hiểu rõ “tác dụng phụ” của “Giấy đi đường” nên cấp cho “đàn em” tha hồ… qua mặt Nhà chức trách.

“Vua con” trong tù

Nhờ thẻ căn cước “xịn” có dán hình đàng hoàng và “giấy đi đường”, Bạch Hải Đường vừa trốn quân dịch, vừa trốn lệnh tầm nã và vừa thoải mái nhập nha mà không ai làm gì được. Nhưng một hôm xui rủi, Bạch Hải đường đụng với đám “thương phế binh” chế độ cũ. Đây là “lực lượng” kiêu binh mà Nhà chức trách lúc đó rất ngán. Bởi họ chẳng sợ cảnh sát mà cũng chẳng nể quân đội, muốn chiếm đất trống “cắm dùi” thì chống tó, kẹp nạng nhào vô xí phần. Bạch Hải Đường không hiểu lơn tơn điều nghiên tìm điểm nhập nha thế nào mà gặp đám thương phế binh ở Mỹ Phước TX. Long Xuyên. Bạch Hải Đường chìa “bửu bối” là cái “giấy đi đường” ra, nhưng thương phế binh coi trời bằng vung thì tất nhiên chẳng coi “giấy đi đường” là cái đinh gì cả. Bạch Hải Đường bị thương phế binh chụp cổ, giao cho cảnh sát Long Xuyên.

Bạch Hải Đường nghe nói giao cho cảnh sát thì mặt xanh như đít nhái. Hắn cầm chắc phen này tàn đời với Đại úy Nguyễn Văn Triệu phó chỉ huy cảnh sát Long Xuyên, kẻ thù không đội trời chung với. Khỏi phải nói, Đại úy Triệu tình cờ chụp được Bạch Hải Đường sướng như trúng quả 100 cây vàng (tất nhiên việc thưởng 100 cây vàng từ lời thách thức Bạch Hải Đường đột nhập được vào nhà y trước đây không bao giờ có). Lập tức, Đại úy Triệu cho đăng báo tin “Tướng cướp Bạch Hải Đường đã sa lưới cảnh sát Long Xuyên”. Tin này lại gây chấn động dư luận, các báo Sài Gòn lại được dịp đua nhau khai thác, nhiều tờ báo bán chạy như tôm tươi. Riêng Đại úy Triệu thì sướng rên chờ ngày đưa Bạch Hải Đường ra tòa lãnh án.

Nhưng với tội danh nhập nha, trộm cắp tài sản không có bằng chứng, cũng chẳng có “hàng nóng”, “hàng nguội”, chẳng giết người, cũng chưa gây thương tích cho ai, tòa án lúc đó cũng chỉ xử Bạch Hải Đường “tên cướp nguy hiểm”, phạt một năm tù giam. Và việc ở tù của Bạch Hải Đường không phải xui mà là…quá hên.

Trong quá trình “thụ án”, một tên tội phạm bình thường phải ngồi trong nhà giam, ăn cơm tù, mất mọi sự tự do. Nhưng đối với Bạch Hải Đường thì khác. Mỗi ngày vào lúc sáng sớm đầu giờ làm việc, có một nhân viên cảnh sát tên Nguyễn Văn Minh mở cửa buồng giam đưa Bạch Hải Đường tới dinh thự của ông chánh án tòa án tỉnh. Gọi là…lao động phục dịch nhà ông chánh án nhưng thật sự chỉ làm qua loa vài việc rồi Bạch Hải Đường ngồi chơi xơi nước, “tám” đủ thứ chuyện giang hồ với ông chánh án. Không hiểu sao ông Chánh đã “kết mô đen” tướng cướp lừng danh Bạch Hải Đường. Đặc biệt, ông chánh án còn cho phép vợ con của Bạch Hải Đường tới dinh thự của ông để vợ được thăm chồng còn con được gặp cha.

Quý nhân phù hộ

Không phải chỉ có “Anh Ba” lo giấy tờ để Bạch Hải Đường đi đứng thong thả, ung dung nhập nha trộm cắp hay ông chánh án mến tài xem như người nhà mà tướng cướp còn được một số quan chức khác “chống lưng” vì “kết mô đen” sự nổi tiếng của hắn. Đó là Đại úy Hiếu, sĩ quan quân cảnh.

Sau khi Bạch Hải Đường đột nhập nhà dân biểu Lê Phước S. rồi nhà Đại úy Nguyễn Văn Triệu, bị tầm nã gắt gao, hắn đã tạm lánh mặt về Châu Đốc một thời gian rồi quay lại Long Xuyên…ở trong nhà của Đại úy Hiếu. Sau đó, Hiếu đã “kết nghĩa” đệ huynh với Bạch Hải Đường. Hiếu là một sĩ quan quân cảnh có thế lực, đang ngấm ngầm vạch kế họach tiến thân và rất khôn khéo né tránh những cuộc đấu đá nội bộ. Tay sĩ quan quân cảnh này có đọc sách và áp dụng chiêu “tọa sơn quan hổ đấu” để mưu cầu địa vị cao hơn. Hắn muốn sử dụng Bạch Hải Đường về sau nên liều lĩnh kết bạn với một tướng cướp bị tầm nã thì ắt hẳn đã có âm mưu, tính toán, cân nhắc kỹ. Trong đó, chắc chắn Đại úy Hiếu đã nhìn ra võ nghệ cao cường của Bạch Hải Đường và muốn hắn làm cận vệ cho mình sau này.

Nhưng có một nhân vật tiếng tăm nữa cũng “kết” Bạch Hải Đường là dân biểu Lê Quang L. hoạt động chung với dân biểu Lê Phước S. trong quốc hội chế độ cũ L. vừa là đồng hương nhưng cũng là đối thủ chính trị của ông S. trong hạ viện. Nhà của dân biểu Lê Quang L. cũng ở TX. Long Xuyên không xa với nhà dân biểu Lê Phước S. Ông này đã cho người thân tín tìm gặp và mời Bạch Hải Đường diện kiến bí mật. Trong cuộc gặp “tuyệt mật “ này ông L. đã đặt vấn đề mời Bạch Hải Đường hợp tác với mình mà thật ra để sử dụng Bạch Hải Đường như một sát thủ nhằm thanh toán kẻ đối lập là dân biểu Lê Phước S.

Điều kiện ông L. đưa ra là Bạch Hải Đường phải tuyệt đối giữ bí mật, không hé răng cho ai biết âm mưu này, ngay cả với vợ con, ông L. sẽ trả công “hợp tác” cho Bạch Hải Đường thực hiện phi vụ này là 2 triệu đồng (tiền Sài Gòn lúc đó có thể mua 3 chiếc ô tô, hoặc 100 xe máy-NV). Tất nhiên nếu phi vụ thành công thì cuộc đời của Bạch Hải Đường sẽ được ông L. bao bọc và khỏi phải lo chuyện…tầm nã. Nhưng Bạch Hải Đường đã khôn ngoan, tìm kế hoãn binh bảo là sẽ về nhà suy nghĩ kỹ rồi trả lời. Bạch Hải Đường về vấn kế của Đại úy Hiếu.

Được phong chức tước trong tù

Cũng nên nói thêm, lúc này Bạch Hải đường có thêm bà vợ thứ hai, tên Nguyễn Thị Lệ và một đứa con trai tên cu Trò, giống Bạch Hải Đường như tạc. Ngày nào Lệ tới dinh ông chánh án thăm chồng cũng mua nhiều thức ăn, đồ uống để vợ chồng ăn với nhau. Họ thoải mái nói chuyện, hàn huyên tâm sự. Chiều, nhân viên cảnh sát Nguyễn Văn Minh lại tới đón Bạch Hải Đường về trại giam. Nói tóm lại Bạch Hải Đường ở tù lần đầu tiên với mức án nhẹ hều, thụ án mà như người nhà của ông Chánh án, đi lại tự do, thoải mái. Còn lúc về buồng giam thì lại được làm chức trật tự phòng, tuy chức tước do trại giam phong nhưng cũng coi như “vua một cõi”. Cứ thế, chưa hết một năm. Bạch Hải Đường được trả tự do, nghiễm nhiên được…về đời. Kẻ tức hộc máu mồm trong chuyện này lại chính là Đại úy Triệu.