Trước năm 1975, tướng cướp Bạch Hải Đường nổi lên như một “huyền thoại”. Một tướng cướp khét tiếng, hào hoa phong nhã.
Tướng cướp Bạch Hải Đường.
Cuộc đời của tướng cướp này đã được dựng thành tuồng cải lương, lên phim với nhiều tình tiết hư cấu lãng mạn. Nhưng thực tế và phim ảnh rất khác xa nhau. Bạch Hải Đường ngoài đời là một tên cướp xuất quỷ nhập thần, từng vào tù ra khám như đi chợ và có những trận đụng độ sinh tử với cảnh sát chế độ cũ.
Bạch Hải Đường có một tuổi thơ dữ dội và quá trình trở thành một tên tướng cướp cũng khá ly kỳ. Song chính sự đồn thổi về tướng cướp Bạch Hải Đường đã tạo cho hắn một hình ảnh giống như “người hùng” trên chốn giang hồ.
Loạt bài: “Đi tìm sự thực về “huyền thoại” tướng cướp Bạch Hải Đường” sẽ cung cấp cho độc giả toàn bộ chân dung cuộc đời, ái tình và “sự nghiệp” của tên tướng cướp khét tiếng một thời. Những trang tư liệu dày cộm phủ bụi thời gian và những nhân chứng sống từng tham gia truy bắt Bạch Hài Đường sẽ tiết lộ về cuộc đời và ngày ra đi về cõi ngàn thu của hắn.
Trước khi dạy võ, người thầy ở Châu Đốc đã biết Bạch Hải Đường sẽ là tai họa sau này.
Cách đây hơn sáu thập niên, vào năm 1950, thị xã Long Xuyên (An Giang) tuy không phải là “thủ phủ miền Tây” nhưng cũng thuộc hàng trù phú. Đó là một trong những cửa ngõ giao thương từ đồng bằng sông Cửu long lên Sài Gòn và ngược lại. Nội ô Long Xuyên vì thế có những người giàu nứt đố đổ vách nhưng cũng còn những phận đời lặn ngụp dưới đáy xã hội để mưu sinh. Một trong số đó là đôi vợ chồng nghèo Nguyễn Văn Của và Lê Thị Huệ. Do không có trình độ, anh Của hàng ngày bám chợ Long Xuyên, hoặc bến xe liên tỉnh làm nghề lao động chân tay. Chị Huê tuy mang thai gần ngày sinh nhưng cũng hàng ngày ngồi bên thúng bánh mì kiên nhẫn chờ đợi đứa bé trong bụng chào đời.
15 tuổi bỏ học đi bụi
Và rồi cái ngày mong đợi ấy đã đến. Nơi xóm nghèo lụp xụp toàn cư dân lao động chân tay ở gần chợ Long Xuyên đã vang lên tiếng khóc trẻ con. Chị Huê vừa sinh cho anh Của một đứa con trai kháu khỉnh, da trắng như trứng gà bóc, mặt đẹp như con gái. Hai vợ chồng tuy sống trong cảnh nghèo khó, ăn đong từng bữa nhưng vì đứa con trai xinh đẹp đã quên đi hết những lo toan, nhọc nhằn của một kiếp nghèo. Họ vui cười sau khi đong sạch mồ hôi cho một ngày lao động kiệt lực kiếm sống.
Hai vợ chồng đặt tên cho con trai là Nguyễn Ngọc Truyện (tướng cướp Bạch Hải Đường sau này). Anh Của giải thích với họ hàng rằng, Ngọc là thứ quý giá nhất trên đời. Người cha đặt chữ lót cho con trai là hy vọng khi nó lớn lên sẽ thành viên ngọc sáng. Không những mong con trai có tài, hữu ích cho xã hội mà bản thân cũng được mọi người quý trọng.
Sau khi sinh đứa con trai đầu lòng, chị Huê lần lượt sinh tiếp bốn người con gái nữa. Khi đó, Truyện vừa là anh cả vừa là “trụ cột” trong gia đình. Cậu bé này làm chỗ dựa cho những đứa em gái. Do đó hai vợ chồng anh Của đặt hết kỳ vọng vào đứa con trai duy nhất để nối dõi tông đường và thay cha đùm bọc những đứa em.
Hai vợ chồng nghèo phải gánh trên vai năm miệng ăn. Mỗi ngày áp lực cuộc sống càng tăng lên. Nhưng vợ chồng anh Của không ngại vất vả, dồn hết nỗ lực cho đứa con trai tới tuổi đến trường. Mỗi buổi tối rảnh việc, hai vợ chồng anh Của nghe con trai ê a tập đánh vần, ráp chữ đều vui và hạnh phúc. Thằng bé Truyện cũng tỏ ra là một đứa trẻ thông minh, nhưng vô cùng lỳ lợm. Anh Của bảo với vợ đứa con trai nào cũng nghịch ngợm nhưng nó ham học là lấy điểm để bù lại.
Nhưng rồi lo sợ của chị Huê đã trở thành sự thật. Năm lớp bốn Truyện chán học, không đến lớp mà tụ tập với trẻ con cùng trang lứa bên ngoài chơi bời lêu lổng. Khi bị thầy cô mắng vì tội bỏ học, Truyện im lặng ngồi nghe không có biểu hiện gì. Mặt cậu bé cứ lầm lỳ, khinh khỉnh. Và rồi, Truyện đi học lại, nhưng chỉ bữa đực, bữa cái. Thậm chí, cậu bé còn thường xuyên đánh bạn và cùng đám trẻ bụi đời trong xóm kéo đi đá gà, đánh bạc. Năm đó, Truyện mới 15 tuổi và quyết định nghỉ học không có lý do. Vợ chồng anh Của lo sốt vó nhưng cũng không làm sao ép Truyện trở lại lớp học. Truyện gân cổ cãi rằng, dù không học cũng sống và kiếm được tiền.
Truyện chứng minh cuộc sống tự lập của đứa bé 15 tuổi bằng cách mang bên người một bao tải rác. Hàng ngày, hắn cầm cây móc sắt theo đám bạn bụi đời đi móc bọc nylon, lượm ve chai hay bất cứ thứ gì bán được lấy tiền. Truyện nhập vào đội quân móc bọc lê la khắp nơi, từ các chợ, bến xe, bến phà, hàng quán…theo một lộ trình dài từ Long Xuyên đến Bình Thủy để kiếm sống. Tối đến, cậu lại ngủ vật vạ theo đám trẻ con bụi đời không về nhà. Lượm ve chai không khá thì Truyện xin vào làm cho vựa ve chai. Nhưng chẳng được bao lâu, Truyện thì bị chủ đuổi vì tính tình ngang bướng.
Vợ chồng anh Của mải lo kiếm sống, đầu tắt mặt tối chạy gạo nuôi bốn đứa con gái đang tuổi ăn, tuổi học. Đã có lúc, họ quên bẵng đi đứa con trai ngỗ nghịch. Nhưng rồi một hôm, anh Của lâm bệnh. Bởi từ ngày bỏ nghề bốc vác, đẩy xe ở chợ để làm lơ xe đò chạy tuyến đường dài Long Xuyên-Sài Gòn, sức khỏe anh xuống dốc. Hơn nữa, tuổi anh cũng đã lớn, tóc đã có nhiều sợi bạc. Cùng lúc đó, đứa con trai nhỏ dại ngày nào giờ đã là một thiếu niên bước qua tuổi 16.
Ngã rẽ đầu đời của tướng cướp Bạch Hải Đường
Nhiều lần anh Của thuyết phục Truyện nếu không đi học để làm thầy, làm thợ thì đi làm lơ xe để phụ nuôi các em ăn học. Người cha dạy con theo nghiêp mình và hướng dẫn nó vào nghề. Tưởng đâu Truyện sẽ cãi lại cha như những lần bị ép đi học. Tuy nhiên, chẳng ai ngờ được, cậu bé đồng ý một cách nhanh chóng và vui vẻ. Từ hôm đó, người ta thấy một cậu lơ xe rất trẻ, vắt vẻo đu theo những chuyến xe đò đường dài mang bảng hiệu Tam Hữu từ Long Xuyên lên Sài Gòn và ngược lại.
Nghề lơ xe tuy vất vả nhưng lại có vẻ phù hợp với Truyện. Nhưng, điều anh Của không ngờ chính ở môi trường này đã đưa đứa con trai của mình vào một khúc quanh định mệnh. Bởi lẽ những ngày làm lơ xe đò, Truyện thường xuyên tiếp xúc với những tay anh chị đứng bến, bảo kê thu “hụi chết” của những chủ xe đò. Rồi nạn tranh giành lãnh địa, đâm chém nhau theo kiểu giang hồ xã hội đen mạnh được, yếu thua được thu vào tầm mắt Truyện. Nạn cờ bạc, móc túi, lừa gạt nhan nhản không chỉ trong giới anh chị xã hội đen mà cả với hành khách. Cậu thiếu niên mới lớn tên Truyện đã hình thành trong đầu những mưu mô ấy. Với cá tính của mình, Truyện chỉ chờ dịp để bùng phát. Sau đó, Truyện quyết tâm đi học võ.
Lạ thay, học chữ Truyện ngán như cơm nếp nát nhưng học võ cậu ta lại rất say mê. Từ đó trở đi, Truyện vừa đi lơ xe đò, vừa tranh thủ những ngày nghỉ đến võ đường tập luyện. Nhờ thông minh, lanh lợi và gan lỳ, Truyện học rất nhanh chóng và tiếp thu được “nghề” của thầy dạy. Chẳng bao lâu Truyện nổi lên là một võ sinh có nhiều ngón đòn sắc bén. Ai cũng nhận định hắn sẽ trở thành một cao thủ trong tương lai. Và đúng như ông thầy của võ đường đã từng tiên đoán, Truyện là một “tai họa” mà “ý trời” đã sắp sẵn, dù ông không muốn cũng phải chấp nhận.
“Tướng” phản thầy
Một ngày nọ Truyện nảy ra ý nghĩ, nếu muốn chống lại những tay anh chị đứng bến, bảo kê, dân đao búa bến xe thì phải có sức mạnh. Cậu bé ngày nào quan niệm, muốn có sức mạnh thì phải có võ. Đọc sách hay xem phim về bạo lực, hình ảnh những tay nghĩa hiệp đã in đậm vào tâm trí của Truyện. Nhưng sách và phim ảnh không giúp được cậu có võ. Thế là Truyện tìm đến một võ đường ở Châu Đốc quyết tâm xin vào học. Võ sư phụ trách võ đường nhìn Truyện từ đầu đến chân rồi lắc đầu không nhận. Nhưng cậu bé cứ năn nỉ, thuyết phục thậm chí ở lỳ tại võ đường không chịu về. Cuối cùng quyết tâm của Truyện đã làm cho ông thầy xiêu lòng. Võ ư này nhận Truyện làm học trò với vẻ miễn cưỡng và tuyên bố rằng: “Thầy nhìn tướng mạo của con biết rằng trước sau gì con cũng phản thầy. Nhưng mà thầy vẫn nhận. Đó là ý trời”. |