1h05 sáng 23/10/2019, cơ quan cứu thương hạt Essex, đông bắc London, nhận cuộc gọi trình báo về phát hiện ghê rợn bên trong xe container.

Chiếc xe đang đỗ ở khu công nghiệp Waterglade, thị trấn Grays. Khi các nhân viên y tế mở cửa thùng xe, họ phát hiện thi thể của 38 người lớn và một thiếu niên, được cho là người nhập cư.

Xe container chở thi thể tại Waterglade ngày 23/10. Ảnh: AFP.

Xe container chở thi thể tại Waterglade ngày 23/10. Ảnh: AFP.

Chiếc xe mới đi vào lãnh thổ Anh 70 phút và tài xế Mo Robinson dường như không biết bên trong container chứa hàng gì khi tiếp nhận nó từ cảng Purfleet chỉ hơn một giờ trước đó. Anh là người đã gọi cứu thương sau khi phát hiện các thi thể. Tài xế 25 tuổi người Bắc Ireland đã bị cảnh sát bắt với cáo buộc liên quan đến cái chết của nhóm người trên.

Thùng container do công ty GTR Europe, một doanh nghiệp gia đình đã hoạt động hơn 15 năm, ở hạt Monaghan, Ireland, cho một doanh nghiệp thuê từ ngày 15/10. Đây là lần đầu tiên doanh nghiệp này thuê container chở hàng và GTR Europe không biết bên thuê dùng nó để làm gì.

Dữ liệu từ hệ thống định vị toàn cầu GPS cho thấy sau khi được thuê, thùng container đã đi từ cảng Dublin, Ireland, đến Holyhead ở phía bắc xứ Wales đêm 15/10, rồi vượt biển qua lục địa châu Âu vào tối 16/10. Nó đi qua các thành phố Dunkirk và Lille, Pháp, cùng Bruges, Bỉ. Dunkirk nổi tiếng là nơi những kẻ buôn người săn lùng người di cư đang tìm cách vượt eo biển Manche sang Anh. Từ ngày 17 đến 22/10, thùng container đã đi lại giữa Anh và lục địa châu Âu hai lần.

Cảnh sát Anh xác nhận container đã từ Bỉ vượt biển đến cảng Purfleet, hạt Essex, lúc 0h30 sáng 23/10. Tại đây, tài xế xe đầu kéo Mo Robinson tiếp nhận nó lúc 1h05 và di chuyển đến khu công nghiệp Waterglade thì phát hiện 39 thi thể bên trong nên đã thông báo cho nhà chức trách.

Mo Robinson, tài xế xe container chở 39 thi thể. Ảnh: Facebook/ Mo Robinson.

Mo Robinson, tài xế xe container chở 39 thi thể. Ảnh: Facebook/ Mo Robinson.

Ngoài tài xế Robinson, cảnh sát Anh đến nay bắt thêm ba nghi phạm, gồm cặp vợ chồng Thomas và Joanna Maher, đều 38 tuổi, cùng một người đàn ông 48 tuổi chưa rõ danh tính đến từ Bắc Ireland. Truyền hình Bulgaria đưa tin vợ chồng Maher sở hữu xe đầu kéo Scania mà Robinson điều khiển. Tuy nhiên, hai người nói với phóng viên rằng họ đã bán nó 13 tháng trước cho một công ty ở hạt Monaghan, gần nơi Robinson sinh sống.

Robinson sống ở ­Portadown, hạt Co Armagh, Bắc Ireland. Anh đã có bạn gái và sắp đón con đầu lòng. Robinson thường xuyên đăng các bài viết về chiếc xe tải mình điều khiển lên Facebook và Instagram, đề cập tới hai cái tên là “Polar Express” và “Scandinavian Express”.

Cảnh sát hạt Essex ngày 24/10 thông báo toàn bộ nạn nhân bao gồm 31 nam và 8 nữ chết trong container được cho là đến từ Trung Quốc. Tuy nhiên, nhà chức trách hiện cho rằng các nạn nhân có thể mang quốc tịch khác. Đại sứ quán Trung Quốc tại London đã cử nhân viên tới Essex để xác minh tình hình, song chưa thể xác định quốc tịch của các nạn nhân.

8 gia đình ở Hà Tĩnh đã trình báo có người thân mất tích ở Anh, lo ngại họ có thể là nạn nhân trong vụ việc. Trong số này có Phạm Thị Trà My, 26 tuổi. Người nhà cho hay trước khi mất liên lạc, Trà My nhắn tin gửi cho mẹ với nội dung “con chết vì không thở được”. Sứ quán Việt Nam tại Anh đang phối hợp với cảnh sát để tìm hiểu về quốc tịch các nạn nhân.

Chiếc xe container chở 39 thi thể

Quá trình phát hiện vụ xe container chứa 39 thi thể ở Essex.

Cảnh sát Anh đã đưa chiếc xe container về một cảng gần đó trong khi thi thể của 39 nạn nhân được chuyển tới đến bệnh viện Broomfield ở thị trấn Chelmsford, Essex, vào tối 24/10 nhằm phục vụ việc khám nghiệm. Bác sĩ Richard Shepherd, một trong những nhà nghiên cứu pháp y hàng đầu nước Anh, đánh giá quá trình khám nghiệm tử thi trên 39 nạn nhân sẽ “rất chậm và theo trình tự”. Đội ngũ chuyên gia đồng thời sẽ tìm kiếm các manh mối liên quan tới quá trình nạn nhân bước vào container, liệu họ có bị đánh đập, ép buộc hay tấn công tình dục hay không?

Theo lời nguồn tin có mặt tại hiện trường, khi mở cửa container, nhân viên phản ứng khẩn cấp đã bị sốc khi thấy hàng chục thi thể chồng chất lên nhau. Các nạn nhân có thể đã tử vong khoảng 3-4 giờ trước, cơ thể hầu hết đã co cứng, có máu xung quanh một số thi thể và trên sàn container.

“Các nạn nhân có thể đã tự làm mình và những người khác bị thương trong nỗ lực tuyệt vọng để cố thoát ra ngoài. Có những dấu tay máu dọc theo cánh cửa, họ có lẽ đã đập mạnh vào đây để xin giúp đỡ. Các nạn nhân mặc ít quần áo”, nguồn tin cho biết.

Ngoài cảnh sát Essex, nhà chức trách Bỉ cũng đang điều tra sự việc. Họ sẽ tập trung vào các tổ chức liên quan đến hoạt động buôn người trái phép và những bên hỗ trợ cho hành trình, trong đó có một tài xế lái container vào bến cảng ở Bỉ.

Các băng đảng mafia “đầu rắn” chuyên đưa người trái phép từ Trung Quốc sang các nước phương Tây phát triển như Anh và Mỹ đang là đối tượng tình nghi hàng đầu đứng sau thảm kịch.

Theo nhiều lời đồn đoán, “đầu rắn” thường dụ dỗ các nạn nhân bắt gặp trên đường phố bằng lời hứa hẹn đưa họ đến phương Tây để hưởng một cuộc sống tốt đẹp hơn với giá 30.000 bảng (38.000 USD). Sau khi thống nhất thỏa thuận, các “khách hàng” của “đầu rắn” sẽ được vận chuyển trong thùng xe tải từ Phúc Kiến, Trung Quốc. Nếu thành công, những người nhập cư sẽ bắt đầu trả tiền cho “đầu rắn” kể từ lúc họ nhận được việc làm và phải trả hết trong vòng ba năm. Nếu không trả đủ, chúng sẽ gây áp lực lên gia đình các nạn nhân ở quê nhà, ép họ phải thanh toán hết.

Điều tra của BBC cho thấy trong giai đoạn 2013 – 2016, cảnh sát Anh thực hiện 27.860 vụ bắt người di cư do vượt biên trái phép, 2.482 người khác bị bắt vì tổ chức buôn người. Số người đang sống bất hợp pháp ở Anh hiện ước tính từ 300.000 đến 900.000, tuy nhiên số liệu này không chính xác hoàn toàn do khó khăn trong việc thống kê. Những nước có nhiều công dân không giấy tờ tìm cách nhập cảnh vào Anh nhất năm 2018 là Eritrea, Iraq, Afghanistan, Iran, Albania, Sudan, Việt Nam, Pakistan, Syria và Ethiopia.

Nhiều người tìm cách đến Anh để tìm kiếm cuộc sống tốt đẹp hơn, chạy trốn tình trạng bạo lực hay nguy cơ bị giết, tra tấn, hãm hiếp ở quê nhà vì Anh có nền kinh tế phát triển và ngôn ngữ phổ biến. Tuy nhiên, tương đối khó để xin được tị nạn ở Anh, nơi có ít hơn 1% số người tị nạn trên thế giới.

Ngoài chương trình tái định cư hạn chế cho người Syria, người muốn xin tị nạn bắt buộc phải đến Anh. Việc vào Anh theo dạng đoàn tụ gia đình, nghĩa là những người được tị nạn ở Anh nộp đơn để đưa thân nhân đến sống cùng đã bị hạn chế. Hơn nữa, chính sách khắt khe, bao gồm việc giam di dân (Anh là một trong những quốc gia hiếm hoi không có giới hạn về thời gian giữ di dân), cũng làm nản lòng những người muốn xin tị nạn một cách hợp pháp vì sợ rằng họ sẽ bị giam lâu dài.

Tin nhắn ngày 23/10 của Trà My gửi về cho mẹ. 
Tin nhắn của Phạm Thị Trà My

Quy định Dublin của EU yêu cầu rằng một cá nhân chỉ được tị nạn ở quốc gia an toàn đầu tiên họ đến, càng khiến nhiều người tìm cách đến Anh bằng các hành trình nguy hiểm, thường do những kẻ buôn người tàn nhẫn sắp xếp.

Một phần nguyên nhân dẫn tới việc nạn buôn người trong xe container gia tăng ở Anh cũng xuất phát từ sự lỏng lẻo trong khâu quản lý, kiểm tra container nhập cảnh, đặc biệt là tại các cảng địa phương ít đông đúc, bao gồm Purfleet, Hull và Tilbury. Trong vụ 39 người thiệt mạng, chiếc xe container đã đến cảng Purfleet. Năm 2018 có khoảng 3,6 triệu xe tải và container vào Anh thông qua 40 cảng chính, nhưng hầu hết không bị kiểm tra.

Thủ tướng Anh Boris Johnson cho hay ông thấy “kinh hoàng” khi biết tin về thảm kịch ở Essex. “Tôi đang nhận được cập nhật thường xuyên và Bộ Nội vụ sẽ phối hợp chặt chẽ với cảnh sát Essex để xác định chính xác chuyện gì đã xảy ra. Xin gửi lời chia buồn với các nạn nhân và gia đình họ”, ông viết trên Twitter.

Một sự việc đau lòng tương tự từng xảy ra 19 năm trước ở hạt Kent, Anh. Tháng 6/2000, thi thể của 58 người nhập cư trái phép Trung Quốc được phát hiện trong một thùng xe tải ở Dover. Tài xế người Hà Lan Perry Wacker bị kết tội ngộ sát vào năm 2001 và chiu án tù 14 năm. Năm 2003, 9 thành viên của một băng đảng “đầu rắn” bị bắt vì có liên quan tới thảm kịch.

Vũ Hoàng (Theo Mirror, Guardian, BBC)