Từ xa xưa, xứ Huế được mệnh danh là mảnh đất văn hiến, cố đô với nhiều tinh hoa hội tụ, tuy nhiên một điều không phải ai cũng biết rằng bình phong là một “sản phẩm đặc trưng” của đất Thừa Thiên.

Dọc theo dải đất miền Trung này, không khó để ta bắt gặp những bức bình phong trước cửa của mỗi ngôi nhà, và kiểu dáng, kích thước, họa tiết trên mỗi bức bình phong luôn chứa đựng những điều thú vị về gia chủ và cả về văn hóa vùng miền. Đó có thể là những bức bình phong to lớn, oai vệ với rất nhiều trang trí tại các đền, đài, lăng mộ… hay là những bức bình phong xanh tự nhiên từ những bụi chè tàu được cắt tỉa cẩn thận trước cửa ngõ dài vẫn còn được gìn giữ gần như nguyên vẹn tại vùng Kim Long… Tất cả đều chung một ý nghĩa và ước muốn bình an đến với mọi người.

Trong bài viết Bình phong và non bộ trong kiến trúc cung đình Huế phổ biến trên trang thông tin điện tử Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, TS Phan Thanh Hải cho biết:

“Bình phong xuất phát từ các yếu tố “triều”, “án” trong phong thủy, chức năng chủ yếu là gia tăng tính bền vững của cuộc đất, ngăn chặn khí xấu và các yếu tố bất lợi cho gia chủ. Non bộ lại là sự kết hợp giữa nước (thủy) và đá (thạch), chức năng ban đầu chủ yếu là kết hợp với bình phong để cản bớt hỏa khí, “tụ thủy, tích phúc” cho gia chủ. Về sau bình phong, non bộ mới kiêm thêm chức năng trang trí mỹ thuật và dần dần trở thành một nhân tố không thể thiếu trong kiến trúc truyền thống”.

Trong đời sống văn hóa Huế, người Huế dựng bình phong ngay sau cửa ngõ để ngăn chặn các loại uế khí và độc khí phát sinh từ các vật lạ thâm nhập vào nhà, đồng thời, khiến cho căn nhà trở nên ấm cúng, an toàn hơn. Bình phong đặt trước nhà còn nhằm cản bớt Hỏa khí xâm nhập nội thất, gây hại cho chủ nhân, và linh vật được chọn lựa để trang trí trên bình phong xứ Huế nhiều nhất chính là Long mã.

Theo truyền thuyết, Long mã là một hóa thân của kỳ lân, một trong tứ linh (long, lân, quy, phụng). Người Trung Hoa coi kỳ lân là linh vật báo hiệu điềm lành; là biểu tượng của sự thông thái, trường thọ, sự cao quý và của niềm hạnh phúc vô song. Lân còn là linh vật biểu trưng cho thái tử và hình ảnh của nó được thêu trên võ phục hàm nhất phẩm. Đây là loài “có đầu nửa rồng nửa thú, đôi khi chỉ có một sừng, do không húc ai bao giờ nên sừng này là hiện thân của từ tâm. Phần nhiều lân có sừng nai, tai chó, trán lạc đà, mắt quỷ, mũi sư tử, miệng rộng, thân ngựa, chân hươu, đuôi bò” . Đôi khi nó có hình dáng của một con hưu xạ, với chiếc đuôi bò, trán sói, móng ngựa, da có 5 màu: đỏ, vàng, xanh, trắng, đen, dưới bụng có màu vàng.

Theo một số nhà nghiên cứu thì Long mã là hóa thân của kỳ lân, là sự kết hợp đặc biệt giữa rồng, lân và ngựa. Đó là một linh vật có sừng và bờm của rồng, mình của con hươu xạ, đuôi bò, trán sói, thân có vảy của kỳ lân, chân và móng của ngựa; cao “8 thước 5 tấc, xương cổ dài, cánh bên phải nhúng xuống nước mà không ướt, trên có thánh nhân để bức cổ đồ.

Ngoài ra, còn có quan niệm cho rằng: Long là rồng, rồng thì bay lên, nghĩa là tung, tượng trưng cho kinh tuyến, thời gian; mã là ngựa, chạy ngang, là hoành, tượng trưng cho vĩ tuyến, không gian. Như vậy Long mã tượng trưng cho sự tung hoành của nam nhi, cho thời gian và không gian. Vì vậy Long mã chạy là biểu hiện cho vũ trụ vận động, đồng thời tượng trưng cho thánh nhân. Nhưng dù xuất hiện với hình dạng như thế nào thì trong trí tưởng tượng của tín ngưỡng dân gian phương Đông, kỳ lân cũng là con vật báo hiệu điều tốt lành, là biểu tượng cho sự trường thọ, sự nguy nga đường bệ và niềm hạnh phúc lớn lao. Kỳ lân mang trong mình tất cả những đức tính và phẩm chất của một con vật nhân từ, nó tránh giẫm lên các loại côn trùng, cũng như không phá hoại cỏ mềm dưới chân mình. Nó không bao giờ ăn thịt hay làm hại bất cứ con vật nào cũng như không bao giờ uống nước bẩn. Người xưa tin rằng Kỳ lân xuất hiện đồng nghĩa với việc một vị minh quân, một nhà hiền triết nào đó sắp ra đời.

Cũng trong truyền thuyết Trung Hoa, Long mã xuất hiện trên sông Hoàng Hà, dưới thời Phục Hi, mình xanh, vằn đỏ, trên lưng có mang bức Hà đồ, hay Mã đồ, là sách trời ban cho vua để trị nước. Hà đồ là cơ sở để hình thành lý thuyết về Bát quái sau này. Ngoài ra, Long mã còn là linh vật của Phật giáo, bởi nó thường cõng trên lưng Luật Tạng, một trong ba phần cốt tủy của kinh sách nhà Phật (Tam Tạng Kinh). Trong nghệ thuật Trung Hoa cổ điển, Long mã thường được trang trí phối hợp với mây và văn thủy ba (sóng nước), hoặc trang trí kết hợp với các linh vật trong tứ linh. Trải qua một ngàn năm Bắc thuộc, những nét văn hóa truyền thống của đất nước Trung Hoa được du nhập vào Việt Nam, nhưng với tinh thần tự lực tự cường, ông cha ta đã tiếp nhận một cách có chọn lọc và cải biến lại cho phù hợp với nhận thức, văn hóa mang đậm dấu ấn dân tộc. Vì vậy hình ảnh Long mã trên các bức bình phong tại Huế vẫn có những nét đặc trưng riêng.

Người Huế thường sử dụng kỹ thuật khảm sành sứ và thủy tinh để tạo hình Long mã. Song cũng có những con Long mã được đắp bằng vôi vữa, hay được vẽ bằng phẩm màu Và bức bình phong Long mã nổi tiếng nhất, lâu đời nhất là bức trước trường Quốc Học được xây dựng vào năm 1896. Long mã trước trường Quốc Học được đắp nổi trên nền sơn vàng, khung đỏ với hình ảnh đầu và đuôi rồng, mình ngựa có màu xanh của sành sứ. Trong tư thế đang tung vó cưỡi mây nhưng vẫn ngoái đầu trở lại, Long mã mang thần thái của sự nhẹ nhàng, linh thiêng nhưng vẫn rất gần gũi.

Long mã chở Đồ Thư; tức Hà Đồ, Lạc Thư tạo nên nền văn tự, văn học, văn hóa, văn minh, triết học Á Đông. Chồng sách trên lưng tượng trưng cho Đồ Thư, Long mã chở nền luân lý cương thường. Và hình ảnh đó, khi đặt làm án thư trước cổng trường Quốc Học, ngụ ý nói đây sẽ là nơi đào tạo những con người kiệt xuất, xuất thế giúp đời.

Trải qua thời gian, hình ảnh của Long mã có nhiều biến đổi về cách thể hiện nhưng đều mang ý nghĩa là linh vật báo hiệu điềm tốt lành, là biểu tượng của sự thông thái, trường thọ. Chính vì vậy hình tượng Long mã được sử dụng nhiều ở đình chùa, miếu mạo của Huế. Được thể hiện trên các bức hoành phi, các bức bình phong vừa để trang trí vừa có ý nghĩa phong thủy trừ tà, khử trược; tất cả đã tạo nên diện mạo rất đặc trưng của Huế và ẩn chứa nhiều điều cần khám phá. Linh vật này, hẳn sẽ đem đến cho chúng ta không ít những suy ngẫm về lòng trung thành và sự tận tụy, cũng như khát vọng vượt qua trở lực để vươn tới đích Chân – Thiện- Mỹ.