Khi nhận đủ báo trong ngày, cha tôi dồn tất cả vào hai túi đệm lác to treo hai bên tay cầm xe đạp. Phần còn lại dồn vào hai túi vải bố treo hai bên bánh xe sau. Sau đó, tôi thót lên yên sau để ba tôi chở về sạp, chỉ khoảng chưa đầy nửa cây số.
Năm tám tuổi, tôi lên lớp Ba. Vừa nhập học đâu chừng được tháng, gia đình tôi xảy ra một “biến cố” lớn. Xin nói ngay: về mặt kinh tế. Số là, do binh vực người con trai, anh ba tôi, bị chủ đuổi việc ngang xương khi mới vừa học việc được vài ngày với thân phụ trong một hãng in, ba tôi bỏ việc. Bỏ tự nguyện.
Chuyện thế này: Anh ba tôi, do học hành lười nhác chẳng ra sao, lại cứ mê đàn đúm nhảy đầm suốt nên ba tôi muốn truyền nghề ruột của ổng lại cho thằng con để nó có nghề hộ thân. Nguyên ba tôi là một thợ cả, có tay nghề trong ngành ấn loát máy in offset lúc đó. Do là tay thợ làm ra tiền cho chủ, có nhiều uy tín trong hãng nên việc đưa anh tôi vào học việc để ông kềm cặp khá dễ dàng. Nhưng chỉ nội trong tuần đầu tiên đó, do không nhịn được một anh chàng thợ khác, cũng từng học việc với ba tôi, lên mặt ăn hiếp, nên chỉ bằng một đường quyền “tuyệt chiêu”, anh tôi cho tay thợ này sặc máu mũi, nằm đo ván. Tôi quên giới thiệu thêm, ông anh, ngoài việc văn nghệ ăn chơi, ổng còn là một lực sĩ đẹp về thể hình, thiếu lâm, nhu đạo kể cả boxing, đều có từng học qua nhiều năm; chưa kể ổng tuổi Dần mạng hỏa, tánh rất nóng và dữ.
Nên anh thợ nào đó đã tới số! Cũng may là được mọi người xúm can kịp thời. Anh ta chỉ ngất một ít lâu, được cấp cứu tại chỗ và hồi tỉnh. Tuy nhiên, chủ nhân được ông Chà-Và gác dan (hầu hết việc gác cửa kiêm bảo vệ các cơ sở kinh doanh ngày xưa người Ấn rất được tin dùng) gọi báo. Tới nơi, chẳng cần biết ai lỗi phải, ông ta ra lệnh đuổi anh tôi khỏi hãng ngay lập tức. Ức và tự ái ngùn ngụt, ba tôi đi theo thằng con rời hãng liền lúc đó. Mặc dù ngay ngày hôm sau, rồi tuần sau, tháng sau… nhiều lần ông chủ cho người đến tận nhà kêu ba tôi và anh tôi đi làm trở lại. Nhưng ba tôi đã quyết một đi là không hề hẹn lúc qui hồi. Hơn nữa, hết sức nhặm lẹ, ba tôi đã tự giải quyết, kiếm được việc cho mình ngay tức thời. Không để cho kinh tế gia đình suy sụp. Làm sao mà thân phụ tôi có thể ngồi yên, không bươn chải khi một nách, sau các anh chị tôi, còn một đàn con mọn bốn, năm đứa mà mẹ tôi thì, chỉ là một nội trợ thuần túy, chưa hề làm việc gì ra tiền.
Không hiểu bằng cách nào, xoay xở ra sao, chỉ nội trong tuần lễ sau ngày bỏ việc, ba tôi đã sang được một sạp bán báo ngay đầu chợ Bà Chiểu, bên trái, trước một tiệm chạp-phô của người Hoa lớn nhất vùng Gia Ðịnh. Tiệm này nằm ở một góc của hai dãy phố thương mại trên đường Diên Hồng (đoạn cuối của đường Chi Lăng, từ cửa Bắc Lăng Lê Văn Duyệt xuống tới chợ) và đường Hồng Bàng. Tiệm tạp hóa mở ra cả hai bên mặt hè phố. Một phía bán đủ thứ mặt hàng kẹo bánh, nông sản chế biến cùng lương thực lẫn đồ dùng dành cho nhà bếp, trừ rau quả thịt cá; mặt còn lại là một quày thuốc bắc có thầy bắt mạch và hốt thuốc tại chỗ. Tiệm có bảng hiệu bằng tiếng Hoa, âm đọc là Mang-tàng. Không hiểu nghĩa gì. Có thể là tên chủ nhân, một người thấp bé, chân đi cà thọt lại có cô vợ xẩm, cố nhiên, cao hơn ông ta cả cái đầu.
Sạp báo mà ba tôi sang được là của hai cha con một người đàn ông di cư, góa vợ, nhà ở cùng ấp Ðông Ba với gia đình tôi. Sạp báo nhờ ở địa điểm tốt, bán rất chạy. Không hiểu ba tôi thuyết phục, trả giá cao khi sang sạp ra sao, mà hai cha con người đang bán thuận ngay. Và sau đó, họ dùng tiền sang thuê mướn một sạp khác trong nhà lồng chợ để buôn bán guốc, dép mọi thứ. Chuyện tại sao ba tôi sang sạp bán báo ở ngoài trời, chịu dầm mưa dãi nắng cực khổ, mà không tìm sang một sạp trong chợ để bán thứ gì khác, nó có nguyên nhân tiềm ẩn trong lòng ba tôi. Lớn lên một chút tôi mới tự biết, tự hiểu. Ðây sẽ là một đề tài khác mà có dịp, tôi sẽ viết tới bằng cả tâm tình của một người con nhớ ơn cha!
Dạo ấy, báo chí nói chung, đến tay người đọc hằng ngày qua mạng lưới bán lẻ ở khắp nơi. Không chỉ ở Sài Gòn-Gia Ðịnh, đến các tỉnh lẻ gần, xa cũng vậy. Tuy cùng là những sản phẩm in ấn, nhưng báo chí không có bày bán trong các tiệm, cửa hàng bán sách lớn như hải ngoại bây giờ. Có lẽ, một phần vì sự bất tiện nếu một người, chỉ cần đọc báo hằng ngày, lại phải tìm tới các hiệu sách, vốn không nhiều lúc đó, và chỉ tọa lạc nơi các phố lớn hay bên trong khu vực các chợ. Phần khác, các chủ nhân tiệm sách chắc có ý nhường thị phần này cho những người buôn bán ít vốn liếng như… ba tôi chẳng hạn. Do vậy, độc giả thời ấy có thể mua báo chí hằng ngày ở khắp mọi ngả đường, tại đầu các ngã tư, trước các cổng trường học, bệnh viện, tiệm ăn, quán cà phê, nơi các con đường dẫn vào các chợ. Chỉ cần ghé xe vào sạp báo, mua rồi đi ngay, không gây trở ngại gì cho xe cộ, bộ hành qua lại. Hơn nữa, mật độ xe cộ lưu thông vào thập niên năm mươi, ngay cả sang sáu mươi, cũng hãy còn thưa thớt lắm. Hiếm có chuyện kẹt xe, kẹt đường trên các con lộ, trừ những dịp Tết nhứt hay lễ lớn.
Như đã kể, các sạp bán báo hiện diện ở khắp nơi, lúc đó. Tuy nhiên, để có thể mở một sạp bán báo hoàn toàn mới ở một địa điểm nào đó, không qua sang nhượng lại, vẫn phải làm đơn xin. Qua hệ thống hành chánh địa phương. Và đặc biệt, qua hệ thống tổng phát hành báo chí của toàn thành phố Sài Gòn-Gia Ðịnh. Hệ thống phát hành này có tên Thống Nhất. Mục đích làm đơn để cho có sự duyệt xét đồng ý hay không này là để họ bố trí hợp lý khoảng cách chấp nhận được giữa hai sạp bán báo. Tránh để hai sạp quá gần, gây ra sự tranh giành, chia khách mua của nhau.
Khi sạp báo ba tôi mở ra trong ngày đầu tiên, một đòi hỏi cấp thiết phải giải quyết, không thể thiếu: đó là vấn đề nhân sự. Nếu như lúc đang còn làm thợ in, ba tôi chỉ cần đi làm việc một mình. Vào việc, lúc đứng máy, vận hành máy thì chỉ cần thêm người học việc để phụ việc này, việc nọ. Nhân sự nầy đã có hãng lo, hãng tuyển. Còn bây giờ, ngồi bán hàng suốt ngày giữa nơi thị tứ đông đảo, người qua kẻ lại, một mình ba tôi không thể nào kham nổi. Nhất là những lúc cần đi giải quyết “chuyện hạ tầng cơ sở” thì ai sẽ trông hàng? Mẹ tôi, cần phải ở nhà để lo cơm nước và trông coi con cái mà đứa em gái của tôi lúc đó chưa đầy hai tuổi; đã vậy bà lại còn đang mang bụng thêm. Chưa kể hai em trai cũng chỉ mới lên bốn, lên năm. Bà chỉ có thể phụ trong vai trò nội trợ là lo cơm nước. Gần trưa, giao nhà cho tôi coi, đích thân một tay bồng con, một tay xách mấy ngăn gà-mên cơm nước mang ra chợ giao cho ba tôi rồi về ngay. Không thể nán lại lâu.
Chỉ sau một ngày đầu tiên đi bán báo đó, chiều tối về, trước bữa cơm tối, tôi nghe ba tôi đứng bàn bạc chuyện gì đó rất lâu với mẹ tôi ở nhà bếp. Vì con cái đông nên cả nhà luôn cùng ăn cơm chung vào buổi tối trên chiếc bàn gỗ dài để đỡ hao thức ăn. Ba tôi luôn ngồi ở một phía đầu bàn. Mẹ tôi một phía. Anh em tôi chia nhau ngồi hai bên.
Có vài chi tiết gia cảnh mà tôi thấy cần nêu ra nhằm nói lên tâm trạng đau lòng của hai đấng sinh thành về một việc, dù không đành lòng, vẫn phải quyết định. Nguyên, tôi có hai người anh là con riêng của ba tôi trong đời vợ trước. Anh hai đã vào lính thủy, luôn xa nhà vì phải theo tàu. Anh ba, như đã kể, sau khi bị đuổi việc, anh bỏ nhà đi “bụi”. Nhưng đi bụi theo kiểu cách văn nghệ rất riêng của ảnh để tự lập. Là theo một người bạn thân, nguyên là tài tử Nguyễn Ðình Dần (hiện sống ở Oregon, giới chức giáo vụ Tin Lành), người đóng cặp với nữ minh tinh Thẩm Thúy Hằng trong phim đầu tiên của cô này: Người Ðẹp Bình Dương), học lái xe rồi rong rểu khắp nơi, làm quảng cáo cho hãng thuốc lá Basto, một thương hiệu rất nổi thời đó. Ðồng thời, cũng còn kiêm thêm nghề tài xế sơ-cua, chở và bảo vệ ông chủ. Ngoài ra, tôi còn có thêm một người chị và anh khác, là con riêng của mẹ tôi. Hai người này được ông bà ngoại và ba mẹ tôi cùng nuôi nhưng họ trú ngụ trong nhà ông bà ngoại, cùng xóm, chỉ cách nhà tôi một phút đi bộ.
Buổi cơm tối hôm đó, ngoài mấy đứa em vừa ăn vừa giỡn hớt như mọi bữa mà thường, vào những ngày trước, ba má tôi hay rầy la cầm chừng để chúng chú tâm ăn cho nhanh. Nhưng hôm đó thì không. Tôi lấy làm lạ khi thấy song thân mình dường như không bình thường trong suốt bữa ăn. Cả hai đều không nói gì, còn vẻ mặt thì buồn buồn. Mãi đến cuối bữa, tôi thấy mẹ nhìn tôi một chặp khá lâu như muốn nói điều gì mà còn ngần ngừ. Ðến lúc thấy tôi sắp buông đũa, mẹ mới lên tiếng, giọng nói có vẻ xúc động, “Ân con. Bắt đầu từ sáng sớm mai, con ráng dậy sớm theo phụ ba bán báo, nghe.” Chỉ nói đến đó rồi bà im lặng cúi xuống chén cơm. Tôi nhìn mẹ, không ngạc nhiên lắm về điều bà vừa nói, đồng thời còn có ý chờ bà muốn nói thêm gì đó mà còn ái ngại. Mãi một lúc mẹ mới ngẩng lên nhìn thẳng vào mắt tôi, nói tiếp, giọng nhẹ như muốn lẩn trốn vào trong hơi thở của mình, “Bây giờ, con đã là anh lớn trong nhà, phải phụ giúp ba má thôi. Tối nay, con học bài rồi đi ngủ sớm đi. Mai, má kêu dậy để đi theo ba. Nhớ mang cặp theo.”
Nghe mẹ nói xong tôi chỉ dạ, không thắc mắc hỏi lại gì, chỉ ngoảnh sang nhìn thân phụ thì thấy ông cũng đang nhìn tôi bằng ánh mắt đầy trắc ẩn. Ông không nói, chỉ gật đầu như tỏ ý là đã bàn rồi với mẹ tôi. Trong khi đó, hai thằng em trai lớn của tôi thì nhao nhao lên hỏi, “Bộ mai anh Ân phải đi theo ba bán báo hả má? Anh Ăn ngon ghê!” Mẹ tôi trừng mắt nhìn hai thằng em khiến chúng im lặng, tiu nghỉu. Riêng tôi, cho đến lúc ngồi học bài, tôi vẫn còn đeo đẳng mãi với ý nghĩ: Bây giờ mình là anh lớn trong nhà như mẹ nói rồi sao? Rồi tôi nghĩ đến tuổi của mình. Tuyệt nhiên tôi không hề nghĩ đến chuyện dậy sớm theo giúp ba bán báo là cực khổ gì cả. Ngay cả những tháng ngày tiếp theo sau đó, dù đã là một cậu bé bán báo thật sự rồi, trong tôi vẫn không hề có một cảm giác, một suy nghĩ hay ý thức nào về sự cơ cực do chuyện đi theo thân phụ bán báo hằng ngày. Hơn hẳn vậy, cõi lòng tôi chỉ luôn lâng lâng một niềm vui nhẹ nhàng, một niềm tự hào trẻ con là mình, nay đã lớn rồi, đã có thể phụ ba mẹ đi bán kiếm tiền lo cho các em còn nhỏ!
Buổi sáng đầu tiên theo cha đi bán hôm đó, mẹ kêu tôi dậy sớm lắm. Vì chưa quen dậy sớm bao giờ, phải nấn ná với chiếc mền đang đắp hết mấy phút tôi mới lảo đảo ngồi dậy được, rời giường, bước ra sau nhà tắm để súc miệng rửa mặt. Thấy tôi đi nghiêng bên nầy, ngả bên kia, sợ tôi té nên mẹ bước theo, một tay bà xoa lên đầu tôi, an ủi, “Rán đi con. Chừng mấy ngày thôi, con sẽ quen, hết buồn ngủ.” Tôi quay nhìn, thấy mắt mẹ ươn ướt!
Vài năm sau đó, lớn thêm một chút, biết nhận xét và suy nghĩ, tôi hiểu được tại sao ba má tôi không bắt một trong hai anh, chị còn lại của tôi thay thế vai trò mình. Một phần, hai anh chị này không phải là con chung. Cả hai đang học bậc trung học, trường tư. Việc học của hai người do ông bác ruột của họ, một giám thị của tư thục Huỳnh Khương Ninh gần nghĩa trang Mạc Ðỉnh Chi, lo hoàn toàn nên song thân tôi khó sai khiến. Cha tôi chỉ là kế phụ nên càng khó hơn. Hơn nữa, hai anh chị này đã xấp xỉ tuổi thanh niên nên họ mặc cảm xấu hổ, nếu theo phụ cha tôi bán báo là bạn bè cả xóm sẽ biết, chế diễu. Nhưng ảnh hưởng hơn cả là, dù họ có chịu, ông bà ngoại tôi chưa chắc đã đồng ý.
Theo cha đi bán báo, nói là dậy sớm lắm, mà thật sự là… hơn cả sớm lắm! Như vậy mới kịp chuẩn bị cho mọi thứ trước khi ngồi sau sạp báo để bán lúc trời vừa hửng sáng. Phần dạo đầu “Một ngày trong đời của” tôi, chú bé bán báo, trình tự như sau: Mẹ hoặc cha gọi dậy lúc kém mười đầy… bốn giờ sáng. Bốn giờ, cha chở đi bằng xe đạp ra chợ, nơi vị trí sạp báo, khoảng mười lăm phút. Tại đây, chỉ một mình cha dựng bày sạp báo, còn chú bé tôi nằm vật ra thềm tiệm tạp hóa sau lưng ngủ thêm giấc thêm độ mười phút. Sau đó, theo cha đi về phía dãy phố bên hông chợ, ghé vô một tiệm cà phê Ba Tàu để uống cà phê, ăn điểm tâm. Lần đầu tiên được cha gọi cho ăn món bánh bao với xíu mại và uống cà phê sữa bình dân bằng cách đổ ra dĩa rồi bưng húp sột soạt, chú bé tôi khoan khoái, tĩnh như sáo. Khoảng trước năm giờ một chút, hai cha con tới địa điểm nhận báo trong ngày để bán nơi dãy phố cuối chợ, gần rạp hát Huỳnh Long trên đường Châu Văn Tiếp, lối đi về cổng phía Nam Lăng Ông. Sáu giờ, mang tất cả báo lãnh được trở về sạp để bày bán.
Ðến đây, xin đề cập tỉ mỉ thêm đôi điều chung quanh nghề bán báo năm xưa. Trước hết, nói về cái sạp để bày báo. Cho đến lúc ba tôi ra nghề, những sạp bày báo bán ở khắp nơi đều do người bán tự đóng ráp lấy. Do vậy, lớn nhỏ không đồng đều; kiểu dáng cũng không giống nhau. Ðiều chung nhất là không vững, dễ sập đổ, nhất là khi có mưa to gió lớn hoặc ai đó vô tình đụng mạnh hay ngã lên sạp làm sách báo bay lả tả, văng tứ tung. Sạp báo của ba tôi cũng đã hơn một lần bị tai nạn dở khóc dở cười như vậy. Thêm một điều bất tiện là, hầu hết các sạp đều được chế như khung một chiếc ghế bố xếp, nhưng rộng một chút ở bề ngang, hẹp một chút ở chiều dài. Ðầu ngày, chỉ cần mở khung xếp ra, đặt lên một mặt ván gỗ nhẹ vừa bặn kích thước, thêm bốn thanh gỗ dài khoảng gần hai mét cặp vào bốn góc sạp theo thế đứng cho sạp thêm vững. Vậy là xong. Ðể che nắng, che mưa, bốn đầu thanh gỗ chính là bốn điểm móc để một tấm bạt vãi dầu hoặc áo mưa cài lên. Do vậy, mỗi chiều tối chấm dứt một ngày buôn bán, khung sạp có thể dựng lên rồi cột lại để dựa tại chỗ đâu đó. Nhưng báo chí còn lại, đặc biệt là các nguyệt san, bán nguyệt san và báo tuần, vốn rất nhiều, người bán phải chở hết về nhà, rồi sáng hôm sau lại phải mang ra. Vừa tốn sức vừa tốn tiền xe, thường là xích lô hai lượt đi, về trong một ngày. Nhận thấy điều trở ngại, nhiều bất tiện cho người bán, nhà tổng phát hành Thống Nhất lúc ấy đã thực hiện một chương trình cung cấp đồng loạt cho hết thảy những người bán báo trong toàn vùng Sài Gòn Gia Ðịnh, mỗi nơi một sạp báo “hiện đại”. Hình dáng sạp báo này là một hình khối chữ nhật, mặt trên hơi dốc về phía ngoài, nơi khách ghé mua báo với kích thước khoảng 1 mét rưỡi nhân 1 mét hai tấc. Mặt đáy của sạp cao hơn mặt đất chừng một tấc, bằng kim loại. Các mặt còn lại đều bằng gỗ chế biến lắp ghép. Cả khối sạp được tháp vào hai khung ống sắt rắn chắc mà vòng lượn xuống mặt đất là chân sạp, vòng lượn lên trển thì được lắp vào một mái che bằng vật liệu nhựa cứng nhẹ. Ðặc biệt, ngay chính giữa mái trước, có lắp đặt một tấm bảng kim loại sơn trắng có kẻ hai chữ Thống Nhất màu đỏ. Mặt sau khối sạp, phía người bán, có trổ một cánh cửa nhỏ có khóa để cất giữ mọi vật dụng và sách báo để lại qua đêm. Toàn bộ khung sắt được sơn màu xanh lục. Phần khối sạp màu trắng xám.
Có thể nói thời Ðệ Nhất Cộng Hòa, nửa sau của thập niên năm mươi, trước khi Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam mà đích danh là Việt Cộng ra đời, đó là thời kỳ miền Nam Việt Nam thanh bình, thạnh trị về mọi mặt. Nơi công cộng rất hiếm thấy ăn xin, ăn mày. Còn trộm cướp hay ăn cắp lặt vặt lại càng hiếm hơn. Nên với chiếc sạp có phần tủ có khóa để cất giữ mọi thứ lỉnh kỉnh của người bán để lại qua đêm, như vậy là khá an toàn.
Nhưng, tôi và phụ thân phải trải qua khoảng một năm rưỡi với chiếc sạp xệu xạo trước khi nhận được sạp báo Thống Nhất trông đẹp mắt và hết sức vững chãi, an toàn như vừa nói.
Ðể có các loại báo chí hằng ngày, người bán phải đi lấy báo từ các đại lý giao báo địa phương của nhà tổng phát hành Thống Nhất tại một điểm thuận lợi do đại lý này lựa chọn. Có nhiều đại lý như vậy trên toàn thành phố. Mà đại lý tại chợ Bà Chiểu là một. Tại đây, bằng một chiếc xe vận tải hạng trung, loại có hình dạng giống xe chở… quan tài (!),nhà phân phối báo đi nhận mọi báo chí phát hành trong ngày từ nhà Tổng Phát Hành đâu từ vừa quá nửa đêm. Ðến khoảng 4 giờ là họ đã có mặt tại địa điểm phân phối báo. Tại đây, những người bán báo như thân phụ và tôi sẽ nhận báo giao từ họ. Báo họ giao ở dạng tờ nguyên, chưa xếp gấp lại. Báo được để riêng từng chồng khác tên nhau. Người giao báo đếm báo giao bằng tay, thao tác rất nhanh. Với bàn tay phải cầm gom một xấp báo tại góc mép phải, khẻ nhấc lên và xòe ra, trong khi hai ngón tay cái và trỏ của bàn tay phải thay nhau tách báo từng năm tờ một để đếm như kiểu đếm của trẻ em chơi năm, mười. Họ đếm rất chính xác, hiếm khi dư hay thiếu. Mà nếu có thiếu hay dư một hai tờ trong hằng trăm, xa cạ qua lại, nên cũng chẳng thiệt hại gì cho bên nào. Ngoài nhật báo còn có thêm các loại bán tuần báo, tuần báo, bán nguyệt san, nguyệt san nữa. Ðến đúng ngày các loại sau phát hành thì mình cũng sẽ nhận để bán thôi. Nhiều ít tùy yêu cầu.
Tất cả báo giao và nhận trong ngày, bên giao cũng như nhận đều phải ghi chi tiết rõ ràng vào sổ sách. Ðiều này hết sức cần thiết và quan trọng. Vì căn cứ vào đó để người bán sẽ tự chiết khấu, kế toán ngõ hầu giao tiền vốn cho đại lý mỗi chiều tối tại nhà của họ. Dĩ nhiên họ sẽ đối chiếu với sổ sách của họ. Bán báo không sợ lỗ vì tất cả báo ngày còn dư, bán không hết, đều được hoàn lại đại lý. Mọi loại báo dài ngày hơn, cũng vậy. Thời đó, tờ nhật báo bán hai đồng nhưng mình nhận từ đại lý chỉ một đồng bảy cắc (mười cắc là một đồng, không có đơn vị xu).
Mỗi sáng, thân phụ tôi nhận báo, cứ được xấp nào là tôi “tranh thủ” xếp tại chỗ ngay. Lúc đầu chậm lụt. Nhưng những ngày sau thì nhanh dần. Hồi đó, để bày trên sạp, báo được “xếp ba mươi hai” gồm bốn lần gấp lại. Lối xếp này làm mặt báo thu nhỏ, ít chiếm diện tích trên sạp nhưng có khuyết điểm là không chồng được cao, còn tên tờ báo dễ bị khuất lấp. Về sau, hầu hết người bán chỉ “xếp mười sáu” mà thôi. Ðặt trên sạp, xấp báo sau gác lên ba phần tư diện tích xấp báo trước, trông thẩm mỹ hơn; còn tên báo lộ hẳn ra, dễ thấy.
Khi nhận đủ báo trong ngày, cha tôi dồn tất cả vào hai túi đệm lác to treo hai bên tay cầm xe đạp. Phần còn lại dồn vào hai túi vải bố treo hai bên bánh xe sau. Sau đó, tôi thót lên yên sau để ba tôi chở về sạp, chỉ khoảng chưa đầy nửa cây số. Gặp ngày nhận sách báo nhiều, “phần nhiều” này sẽ được cha tôi ràng chặt trên yên xe sau. Ông sẽ đẩy xe còn tôi lót tót bước nhanh theo một bên chân cha. Mỗi ngày như vậy, thường về tới sạp là trời đã sáng tỏ…
Công việc đầu tiên tôi đảm trách trong ngày bán, sau khi cha tôi đã bày biện xong báo bán lên mặt sạp, là đi giao báo mua dài hạn cho rất nhiều bạn hàng trong chợ, Có thể nói đến chín mươi phần trăm các bạn hàng trong và quanh chợ, nếu có đọc báo, đều đặt mua từ sạp báo ba tôi và trả tiền mỗi cuối tuần. Một phần là sạp báo duy nhất ở chợ. Phần khác, có lẽ họ truyền miệng nhau, sạp báo đầu chợ mới sang cho một người đàn ông mà người phụ bán là một cậu trai còn rất nhỏ. Chắc họ muốn mua giúp, vì đặt mua ở đâu cũng vậy. Chính nhờ có nhiều mối mua dài hạn như vậy nên tôi càng… mệt, nhưng vui. Và thu nhập của gia đình tôi qua việc bán báo càng thêm khá. Tuần lễ đầu ba tôi phải lên danh sách tỉ mỉ các gian hàng và các loại báo họ muốn mua để tôi giao được chính xác. Rất nhiều sạp không có tên bảng hiệu, ba tôi phải ghi tên món hàng họ bán và tên báo để dễ nhớ. Ví dụ: cô Ba bán hoa đầu chợ, tờ Sài Gòn Mới và Phụ Nữ Diễn Ðàn; thím Năm bán nhang đèn sau cửa lớn chợ, tờ Dân Chúng và Phụ Nữ Ngày Mai; bà Tư sạp vải ngay cửa hông chợ, tờ Tiếng Chuông và Kịch Ảnh, v.v…
Mấy ngày đầu tôi mất nhiều thời giờ để dò tìm. Có khi đi lố, nhác thấy, mấy người đặt báo kêu giật lại. Càng về sau, dù mối mang gia tăng nhiều, tôi vẫn đi giao rất nhanh và không khi nào giao lộn. Chợ Bà Chiểu là chợ chính, lớn nhất vùng Gia Ðịnh. Từ đầu đến cuối có ba nhà lồng khác nhau, chưa kể có một khoảng lộ thiên. Chiều dài chợ phải đến ba trăm thước. Không dưới ba trăm gian hàng lớn nhỏ khác nhau, bên trong và chung quanh. Hơn ba mươi mối mua dài hạn từ sạp báo của ba tôi. Có một mối báo mà tôi nhớ mãi vì người mua là một bác sĩ danh tiếng. Ðó là Bác Sĩ Phan Quang Ðán. Phòng mạch của ông cách sạp báo cha tôi chừng mười thước, cạnh phòng thông tin của tỉnh, trên cùng dãy phố với tiệm bách hóa của người Hoa tôi đã nêu. Ông thường xuyên đọc tờ Dân Chủ và Cách Mạng Quốc Gia. Khi Cách Mạng Quốc Gia “chết”, ông đổi sang tờ Tự Do. Ông là điểm giao báo gần nhất, nhưng tôi lại giao sau cùng vì phòng mạch của ông đến chín giờ mới mở cửa. Có lần, ông đứng trước cửa, khi tôi đưa báo, ông cầm báo tay này còn tay kia vò đầu tôi và hỏi “Cháu học lớp mấy rồi?”… Vài năm sau đó, phòng mạch ông đóng cửa. Không hiểu vì sao. Nhưng, giữa Tháng Mười Một năm 1963, cả mấy trăm học sinh trung học Hồ Ngọc Cẩn trong đó có tôi, kéo nhau đi bộ ra bến Bạch Ðằng để đón đoàn tù nhân chính trị từ Côn Ðảo được Hội Ðồng Quân Nhân Cách Mạng bạch hóa án trạng, rước về. Trong số tù nhân chính trị này tôi nhớ có nhân sĩ Phan Khắc Sửu và cả Bác Sĩ Phan Quang Ðán nữa…
Sau khi nhiệm vụ giao báo hoàn tất trở về, ba tôi thường cho vài đồng để tôi ăn sáng tùy thích. Ở chợ thì khỏi cần quảng cáo. Có biết bao nhiêu là món ăn… chơi cho con nít, kể cả bạn hàng và khách đi chợ. Món nào cũng ngon, bắt miệng. Không cần kể ra chi. Mỗi ngày tôi… lựa một món để ăn. Ngày nào không thấy đói nhiều hoặc làm biếng, tôi cất tiền ba cho, để dành tới chiều Chúa Nhật đi xem chớp bóng rạp Cao Ðồng Hưng, chỉ cách sạp báo hai trăm thước, trên đường Bạch Ðằng, hướng ra Hàng Xanh. Mặc dù không tối Thứ Bảy nào kể từ lúc tôi còn nhỏ xíu, cha tôi không chở đi xem xi nê tại rạp Huỳnh Long, xuất cuối, gần chỗ lấy báo mỗi sáng, bất cứ rạp chiếu phim gì.
Ăn sáng đợt hai xong, là giờ thân phụ cho tôi tùy quyền. Tôi làm gì đây giữa chợ búa ồn ào, thế giới hoàn toàn của người lớn? Muốn vui chơi bằng những trò chơi con nít lúc đó như bắn bi, thảy đáo, tạc hình, bắt cú, đánh trỏng… thì làm gì có bạn để chơi. Nhưng dù có, cũng làm sao chơi những trò đó ở chợ?! Xin bạn đọc góp ý cho tôi một trò chơi nào đó mà tôi chỉ chơi… một mình ở chợ trong mấy tiếng đồng hồ, chờ đến giữa trưa mẹ mang cơm ra để cùng ăn với cha; sau đó, ôm cặp băng qua quảng trường trước chợ, bước vào cổng của ngôi trường nam tiểu học tỉnh lỵ Gia Ðịnh lúc một giờ rưỡi trưa. Chắc khó?… Nhưng tôi đã tìm được. Ðúng ra tôi không tìm mà “trò chơi” đến với tôi một cách tự nhiên vì điều kiện của hoàn cảnh. Nhưng có thể gọi là trò chơi điều tôi sẽ kể ra đây hay không khi mà trò chơi này đã gắn bó, đã đi theo tôi mãi đến hiện tại và chắc sẽ còn theo tôi đến cuối đời. Bởi vì, với tôi, không có niềm vui nào đem lại được cho tôi bằng “Nó” !
Dưới lòng của sạp báo là một khoảng trống, một không gian nho nhỏ nhưng hoàn toàn cách biệt với thế giới lao xao chung quanh. Lúc còn là sạp báo cũ, cha tôi dùng những tấm vải bạt để che chắn ba phía, còn phía trước thì mở rộng hai tờ báo rồi dùng kẹp gỗ để kẹp vào mép sạp. Mục đích tạo chỗ để chứa tất cả các báo chí không chất hết được trên sạp. Sau này, khi có sạp Thống Nhất, việc cất giữ có tiện lợi hơn. Cậu bé bán báo, do không có bạn chơi, đã chui vào trong đó, dưới lòng sạp. Ðầu gối trên báo. Chân gác trên báo. Trái phải hai bên cánh tay đều tì lên báo. Có bài vở nào cần học để phòng thầy gọi lên bảng trả bài thì học bằng những khoảng ánh sáng lùa vào một bên góc sạp. Nhưng thời giờ còn lại vẫn thừa thãi. Có khi tôi chợp ngủ trong phút chốc, nhưng hiếm. Buồn tay, khi tôi vớ tờ báo này, lúc tôi quơ tập san nọ. Thoạt đầu chỉ xem hình ảnh, các tranh hí họa. Như các hình vẽ rất buồn cười kèm theo lời nói của nhân vật Anh Tám Sạc-Ne trên trang tư nhật báo Dân Chúng chẳng hạn. Rồi không dừng được,tôi bắt đầu xem và đọc. Tôi đọc, xem bất luận bài vở gì có trên các báo, kể cả cáo phó, chia vui… Nhưng do tính hấp dẫn, tôi ưu tiên đọc trước vẫn là các truyện dài, tiểu thuyết dạng feuillton đăng hàng ngày. Không sót truyện nào, không chừa tác giả nào. Tác giả làm tôi ghiền nhất lúc đó là Phú Ðức với tờ bán tuần báo Bình Dân của ông. Tờ này chủ yếu chỉ đăng tải tiểu thuyết của ông mà thôi. Sau này, lớn một chút, tôi biết truyện ông viết xạo đến “thầy chạy” nếu đối chiếu với xã hội miền Nam thời ấy. Nhưng tính hấp dẫn của truyện ông thì có thừa. Có lần nghe cha tôi nói, Phú Ðức là nhà văn cao su! Tôi hỏi ba tại sao. Ông trả lời, “Chớ con không thấy ổng cù cưa, kéo dài chuyện từ đời cha sang đời con rồi đến đời cháu, đó sao?”… Tôi ngẫm nghĩ, thảo nào từ Châu Về Hiệp Phố với Hoàng Ngọc Ẩn và Lệ Thủy là hai nhân vật chính, ông Phú Ðức này kéo sang Lửa Lòng với Bách Xi Ma hành động xuất quỷ nhập thần , lái xe xì gà phóng như tên bắn trong thành phố; chưa hết, ổng kéo dài câu chuyện như kẹo kéo sang Ngọc Côn-Kim Lệ là đời con của hai nhân vật đầu , còn “đẻ” thêm những Lục Lạo con Lục Tặc, Ðỗ Hiếu Nghĩa con Luật Sư Ðỗ Hiếu Liêm…
Thói quen thường hình thành từ việc gì đó mà người ta lặp đi lặp lại thường xuyên. Không bàn đến việc đó tốt hay xấu, lợi hay hại. Ðến một mức độ nào đó, thói quen có thể biến thành quán tính, thành “ghiền”. Và khó lòng mà chia tay được. Trường hợp này bản thân tôi đã “bị” rơi vào từ thuở ấy. Bây giờ, mỗi khi vào chợ chỉ lo sục sạo tìm báo. Không có báo thì thấy buồn. Có báo mới trong tay rồi, dù cơm tối bà xã đã dọn ra cũng mặc kệ. “Ðể anh xem xong đã!”…
Xong bữa cơm trưa bằng gà-mên mẹ mang ra với cha, tôi ôm cặp đi học. Khi ấy học trò tiểu học chỉ học một buổi 4 tiếng mỗi ngày, hoặc sáng hoặc chiều. Chiều tan trường, tôi lại về với thân phụ, giúp coi hàng để ông kiểm điểm số báo bán trong ngày, làm kế toán, tính tiền vốn đi giao cho chủ thầu cùng số báo cũ ứ đọng sau khi dọn dẹp sạp. Nhờ khéo ngoại giao, những báo loại tuần, nửa tháng hai tháng cũng khá nhiều, cha tôi gởi vào, lấy ra trong nhà kho của tiệm chạp phô mỗi ngày mà họ không hề lấy tiền gởi. Ngoại trừ số thuốc lá và thùng bắp rang gói, hai thứ này cha tôi muốn bán thêm để tăng thu nhập, là mang theo về, chỉ để thùng thuốc trống lại tại chỗ.
Nói đến thùng bắp gói rang bung, xin kể thêm một kỷ niệm nhỏ liên quan đến nó. Bắp rang bung tẩm đường đóng gói là một trong vài món ăn vặt được nhiều người ưa thích thời gian đó. Nó được nhà sản xuất chế biến giao cho người bán trong một thùng thiếc giống như thùng dầu hôi hai mươi lít, bên trên có trổ một cửa mở tròn có nắp đậy. Một trong bốn mặt thùng cẩn kính để người mua nhìn thấy mặt hàng. Thùng có lắp một cặp quay để có thể quàng hai tay vào mang nó sau lưng, nếu đi bán dạo. Thùng, ngay cả khi chất đầy các gói bắp bên trong cũng nhẹ, nên tôi là người mang nó trên lưng mỗi sáng sớm khi thân phụ chở đi. Có đôi lần, khi xe chạy ngang quán cà phê bình dân đầu hẻm, nơi có các chú các bác xích lô máy, xích lô đạp hay ba gác ngồi uống cử sớm trước khi “đi làm”, có ai đó trong số họ đã la lớn: “Anh Tư (ba tôi), anh chở thùng bắp đi bán còn thằng Ân (tôi) đâu ?” Nguyên do, vì nhỏ con, nhìn từ phía sau xe, thùng bắp gói gần như che khuất hết tôi. Ba tôi biết vậy. Và cũng biết họ chọc giỡn mình nên không ngoái cổ trả lời làm chi, ông gò lưng đạp thẳng…
… Ba năm rưỡi trời lăn lóc nơi chợ đời, dầu dãi gió sương, ngày mưa cũng như ngày nắng cùng cha, đứa trẻ con nơi tôi, vẫn không hề có khi nào nghĩ hay cảm thấy rằng mình đang cam chịu một cảnh đời cực khổ, tối tăm so với nhiều bạn bè trong xóm hay bạn học trong lớp. Không những vậy, theo từng ngày từng tháng trôi qua, lòng tôi luôn cảm thấy được vỗ về ấm áp vì cảm nhận được qua công việc của mình, một tình thương chan chứa nhưng thầm lặng từ hai đấng sinh thành dành cho, hơn hẳn những anh chị em khác của mình. Chưa kể, nhờ công việc bán báo rồi đọc báo, sau này, khi lớn thêm được ít tuổi, tôi đã ý thức được rằng, tuổi niên thiếu của mình mới rạng rỡ, hạnh phúc biết bao nhờ những con chữ, những bài báo, những kiến thức tổng hợp từ biết bao ngòi bút, biết bao khối óc của những ký giả, phóng viên, nhà văn, nhà thơ, nhà báo… là những luồng ánh sáng tinh khôi, soi tỏ, mở rộng kiến thức cũng như tâm hồn mình.
Biết bao kỷ niệm buồn vui tôi đã trải qua những ngày năm xưa ấy. Nhưng đọng mãi trong tôi vẫn là ngày cuối cùng trước khi chia tay…
Vào giữa năm học lớp nhứt, một sáng, thân phụ bảo tôi coi hàng để ông đi Sài Gòn có chút việc. Tôi hỏi “Có việc gì vậy, ba?” Ông nhìn tôi như muốn nói gì đó nhưng rồi chỉ lẵng lặng dắt xe đạp ra khỏi chợ. Ðộ hai tiếng sau ông trở về, vẻ mặt vui, tươi tỉnh. Nhưng cũng không nói chi. Thấy cha vui, tôi không thắc mắc, lại chui vào thế giới riêng… đọc báo. Buổi tối, trong bữa cơm thường lệ, trước khi cầm đũa, cha nhìn anh em tôi một lượt rồi ngó mẹ tôi, giọng trịnh trọng, “Sáng nay anh đã đến hãng cũ, xin làm lại. Ðược rồi. Ba sắp đi in rồi nghe, mấy đứa!” Mấy đứa em ngó cha, ngơ ngác. Chúng chẳng thấy cũng như chẳng hiểu được có gì hệ trọng sau lời cha tuyên bố. Riêng mẹ tôi và tôi đều vừa kinh ngạc vừa cảm thấy có chút gì đó hân hoan trong lòng. Tôi đã hiểu sáng nay ba tôi đi đâu và vì sao mà lúc tôi hỏi, ông không đáp lời. Mẹ tôi không giấu được niềm phấn khởi, bà hỏi cha tôi, “Chừng nào mình đi làm lại?” “Chủ nói bất cứ khi nào anh sang xong sạp báo.” Cha trả lời.
Nhờ sạp báo bán chạy cũng như nhờ thân phụ giỏi ngoại giao, sạp báo có người hỏi sang cấp kỳ trong tuần lễ đó. Ngày cuối cùng, đó là một ngày Chúa Nhật, tôi nhớ rõ như vậy. Buổi sáng, trước khi tôi đi giao báo thường lệ, cha tôi đưa cuốn sổ đi thâu tiền báo trong tuần cho tôi. Ông dặn dò kỹ lưỡng, biểu tôi lặp lại như ông nói, là, “Hôm nay là ngày cuối cùng con đi giao báo và lấy tiền cho ba. Ba con gởi lời cảm ơn đến… đã giúp đỡ mua giùm báo bấy lâu nay và xin có lời chào từ biệt.”
Tôi đi khắp các gian hàng bỏ mối và lặp lại y lời thân phụ. Có bà trợn mắt “Ủa! Sao không bán nữa, mậy?” Có cô cười, đùa “Bỏ nghề đi… lấy vợ hả, chú em?” Cũng có dì thoáng vẻ buồn, im lặng, không nói gì; lúc đưa tiền mới lên tiếng, “Thôi, không còn đi bỏ báo nữa. Ở nhà ráng học, nghe con!” Cá biệt, có một vài chị cho tôi luôn chỗ tiền thối, không lấy lại…
Dù có tay nghề và có uy tín, nhưng tôi vẫn không hiểu thân phụ tôi nói khéo hay năn nỉ làm sao mà ông chủ nhà in có thể nhận lại ngay, lại còn cho điều kiện có sự thông cảm khá dễ dàng như vậy. Tôi là đứa trẻ hay tìm tòi, thắc mắc mọi chuyện. Nhất là ưa suy nghĩ vẩn vơ. Hay là…?
Nhờ không còn bán báo nữa, tôi có nhiều thời giờ để học hành, ôn tập bài vở. Năm lớp nhứt là năm tôi tôi sẽ phải đương đầu với một kỳ thi tuyển gắt gao, phải nói là khá khốc liệt! Ðó là kỳ thi tuyển chọn học sinh, sau khi tốt nghiệp bằng tiểu học, vào trường trung học công lập. Nghĩa là học không tốn tiền. Trường luôn có thầy cô giỏi và kỷ luật nghiêm. Mà trường công thì hiếm. Vùng Gia Ðịnh-Bà Chiểu chỉ có một trường trung học nam Hồ Ngọc Cẩn và nữ Lê Văn Duyệt. Tỉ lệ đậu thường dưới mười phần trăm vì thí sinh đông.
Năm đó tôi đã đậu vào trường Hồ Ngọc Cẩn thứ hạng ba trong khoảng gần ba trăm thí sinh trúng tuyển. Học không đóng tiền còn được lãnh học bổng hằng tháng nữa.
Tôi biết ơn thân phụ vô vàn nhờ ông đã bỏ nghề bán báo thật đúng lúc. Bỏ một nghề mà tôi nhớ và “thương” vô hạn cho đến tận bây giờ. Nếu mai này, lỡ bị laid off hay đến tuổi retire, nếu còn sức, tôi sẽ sang Cali kiếm chỗ hành nghề bán báo. Mà không biết, thuần túy bán báo thôi, có đủ sống hay không, vì… “người ta” ở hải ngoại đã quen đọc báo free nhiều lắm rồi!?