1. Sơ lược về thành Đại La

Từ khi Lý Nam Đế thành lập nước Vạn Xuân (544), ông đóng đô ở cửa sông Tô Lịch là ngôi thành đắp bằng đất. Sau đó, nhà Đường đóng đô hộ phủ ở Tống Bình (Hà Nội), Lý Nguyên Gia cho đắp thành ở cửa sông Tô Lịch. Đến năm 864, Cao Biền tiến hành xây dựng thành Đại La và trấn yểm thần sông Tô Lịch. Năm 1009, Lý Công Uẩn đi kinh lý tìm kinh đô mới. Khi đến Đại La thì thấy rồng vàng bay lên và được Tô Lịch đại vương báo mộng nên ông quyết định dời đô về đây và lấy tên là Thăng Long. Kể từ đó, các triều đại Việt Nam hầu hết đóng đô Thăng Long. Đến năm 1400, khi Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần, dời dô về Thanh Hóa chỉ tồn tại 7 năm thì mất nước về tay nhà Minh. Sau khi giành được độc lập, Lê Lợi lại tiếp tục đóng đô ở Thăng Long. Từ năm 1778, triều đại Tây Sơn không đóng đô ở Thăng Long mà đóng đô ở Bình Định và Phú Xuân. Rốt cuộc, triều Tây Sơn chỉ tồn tại 24 năm. Khi triều Nguyễn dời đô về Phú Xuân thì cũng chỉ vững mạnh được 65 năm. Sau đó trở thành một nước lệ thuộc và bị thực dân Pháp đô hộ. Từ năm 1945 đến nay, Thủ đô lại trở về Thăng Long xưa. Đất nước ngày càng giàu mạnh.

Thành Thăng Long xưa

2. Quá trình thành lập kinh đô Thăng Long 

Đất Thăng Long xưa có con sông tên là Tô Lịch. Ven sông này lại có làng mang tên là làng Tô Lịch. Sông Tô Lịch và cả tên làng Tô Lịch ngày nay đều không còn nữa, nhưng trong sử sách, con sông ấy, ngôi làng ấy lại được nhắc đến khá nhiều. Điều đáng nói là tên sông và tên làng này lại có nguồn gốc từ tên của một con người: ông Tô Lịch, người sống vào khoảng cuối thế kỷ thứ III đầu thế kỷ thứ IV, sau được tôn làm thần và được phong tới hàm Quốc đô Thăng Long Thành hoàng Đại vương (vị Đại Vương là Thành hoàng của kinh đô nước nhà là Thăng Long). Tô Lịch sinh thời từng làm quan ở Long Đỗ, tiên tổ cư ngụ ở đó đã lâu đời, dựng làng bên bờ một con sông nhỏ. Gia đình của Tô Lịch lấy sự thanh bạch và hòa thuận, hiếu thảo làm trọng, ba đời cùng nhân nhượng mà ở chung với nhau, không chút riêng biệt. Thời nhà Tấn đô hộ, triều đình xét những nhà có hiếu, gia đình Tô Lịch được khen thưởng. Gặp năm mất mùa đói kém, nhà Tô Lịch sẵn lòng cho dân vay thóc, triều đình lại ban khen, nhân đó, cho lấy hai chữ Tô Lịch làm tên làng.

Theo Đại Việt sử lược: Thành Đại La được xây dựng vào thế kỷ 7 có tên là Tống Bình. Năm thứ 2 niên hiệu Trường khánh (Nhâm Dần -822 ), Đời vua Đường Mục Tông, niên hiệu Trường Khánh năm thứ ba (tức là năm 823), Lý Nguyên Gia được sai sang làm quan đô hộ nước ta. Lý Nguyên Gia thấy phía Bắc thành Thăng Long có dòng nước chạy ngược, địa thế rất xinh đẹp, bèn cắm đất xây thành, dời phủ trị đến đó và sai thầy bói gieo một quẻ. Thầy bói gieo quẻ xong và nói rằng: Sức ông không đủ để bồi đắp thành lớn, 50 năm sau, có một người họ Cao đóng đô tại đây mà xây dựng Vương phủ.

Thành có nhiều cửa, phía trong có nhiều dinh thự. Phủ trị này dựng trên nền nhà cũ của Tô Lịch. Lý Nguyên Gia sai giết trâu bò, mở tiệc mời các bậc kỳ lão trong làng tới dự, nhân đó, hỏi chuyện về Tô Lịch, có ý muốn thờ Tô Lịch làm Thành hoàng. Mọi người thuận theo, cùng nhau xây dựng một ngôi đền rất tráng lệ. Lễ khánh thành được tổ chức nhộn nhịp khác thường. Đêm hôm đó, Lý Nguyên Gia nằm nghỉ, chợt thấy có trận gió mát thổi vào, bức mành lay động, có một người cưỡi con hươu trắng từ trên không xuống, râu tóc bạc phơ, áo quần lịch sự, bước đến nói với Lý Nguyên Gia rằng:

– Cảm ơn sứ quân đã tôn tôi làm Thành hoàng đất này. Nhân đây, tôi xin khuyên sứ quân rằng: “nếu ngài hết lòng dạy dỗ cho dân cư trong thành thì mới là người xứng chức và có lòng nhân chính”. Lý Nguyên Gia chắp tay vái tạ và xin vâng rồi dò hỏi họ tên nhưng cụ già không đáp. Lý Nguyên Gia giật mình thức giấc và mới biết đó là mộng[1].

Tới đời vua Đường Y Tôn (841 – 873), Vua Đường đổi An Nam thành Tĩnh Hải, phong cho Cao Biền làm Tiết Độ Sứ. Cao Biền trị dân có phép tắc nên được kính phục gọi tôn lên là Cao Vương. Cao Biền cho đắp lại thành Đại La với bốn mặt cao hơn 2 trượng ở bờ sông Tô Lịch, bốn mặt có đường đê bao bọc dài hơn 2.000 trượng, cao 1, 5 trượng, dày 2 trượng. Trong thành cho dân làm nhà hơn 400.000 nóc. Cao  Biền là một con người đa hiệu: vừa là một vị tướng, vừa là một nhà phù thủy, một đạo sĩ, cũng là một nhà phong thủy có tài. La Thành được Cao Biền sửa chữa, chỉnh đốn lại cho hợp phong thủy vào các năm: 866, 867, 868. Sách Việt Nam sử lược viết: “Tục lại truyền rằng Cao Biền thấy bên Giao Châu ta lắm đất đế vương, thường cứ cưỡi diều giấy đi yểm đất, phá những chỗ sơn thủy đẹp và hại mất nhiều long mạch của nước Nam.  Sau đó, Cao Biền cũng xây thành Đại La”.

Một hôm, Cao Biền ra chơi ngoài cửa Đông của thành, chợt thấy trong chỗ mây mù tối tăm, có bóng người kỳ dị, mặc áo hoa, cưỡi rồng đỏ, tay cầm thẻ bài màu vàng, bay lượn mãi theo mây. Cao Biền kinh sợ, định lấy bùa để trấn yểm thì trên cao có tiếng nói vọng xuống:“Ta là tinh anh ở Long Đỗ, nghe tin ông đắp thành nên đến để hội ngộ, việc gì mà phải trấn yểm?”

Cao Biền lấy làm kỳ lạ, bèn lấy vàng, đồng và bùa chôn xuống để trấn yểm. Chẳng dè, ngay đêm đó mưa gió sấm sét nổi lên dữ dội, sáng ra xem, thấy vàng, đồng và bùa trấn yểm đều đã tan thành cát bụi. Cao Biền sợ hãi, bèn lập đền thờ ở ngay chỗ ấy và phong cho thần là Long Đỗ, nhờ đó mà công viêc xây dựng thành mới có thể hoàn tất.

Khi Lý Công Uẩn đi kinh lý tìm nơi đóng đô đến thành Đại La thì thấy rồng vàng bay lên trước mũi thuyền nên ông quyết định đóng đô ở đây và đổi tên Đại La thành Thăng Long (rồng bay lên).

Kinh thành đại thể được giới hạn bằng ba con sông: mặt Đông là sông Hồng; mặt Tây, mặt Bắc là sông Tô Lịch; mặt Nam là sông Kim Ngưu. Kinh thành chia 2 phần:

Hoàng Thành nằm trong lòng kinh thành, gần Hồ Tây nơi có cung điện hoàng gia và chỗ thiết triều, cấm thành nơi ở của hoàng gia gọi là Long thành. Điện Kiền Nguyên là điện chính nơi vua làm việc, hai bên tả hữu là điện Tập Hiền, Giảng Vũ. Bên trái mở cửa Phi Long thông với cung Nghinh Xuân. Bên phải mở cửa Đan Phượng thông với cửa Uy Viễn. Chính Bắc dựng điện Cao Minh, đằng sau là cung Thúy Hoa nơi các cung phi ở. Bao bọc các cung điện là một bức tường thành bảo vệ gọi là Long Thành với 10 cấm quân canh gác ngày đêm.

3. Thần Bạch Mã giúp xây thành Thăng Long

Khi Lý Thái Tổ cho xây thành Thăng Long, nhưng cứ gần xong thì thành lại sụp lở. Vua sai người ra đền Long Đỗ để cầu đảo. Chợt thấy một con ngựa bạch từ trong đền đi ra, bước một vòng quanh thành, sau đó trở vào đền và biến mất. Vua theo dấu chân ngựa mà đắp thành. Quả nhiên thành xây xong. Vua cho xây đền thờ, gọi là đền Bạch Mã và phong là Quảng Lợi Bạch Mã Tối Linh Thượng Đẳng thần. Đó cũng chính là thành hoàng của Thăng Long[2]. Thành sắp xong vua cho xây cung điện. Các cung điện đều làm bằng gỗ, lợp ngói ống. Có đầu bịt ngói hình rồng, hình phượng, hình hoa sen, tạo thành một diễm mái mỹ lệ trước lầu rồng gác phượng. Ngoài một số cung điện, còn một số lầu gác hai ba tầng. Từ xa đã thấy cung điện vua cao đến bốn tầng. Trong hoàng thành, khu vực được bảo vệ đặc biệt gọi là cấm thành. Đây là nơi dành cho vua, hoàng hậu, các cung nhân mỹ nữ ở. Xung quanh có vườn hoa, cây trái và  một số ao hồ, có cầu bắc qua là nơi dạo cảnh.

Ở đất Long Đỗ, Lý Công Uẩn cho xây đền thờ một con chó bằng đá và dùng tượng con chó này để trấn yểm đất Thăng Long. Tương truyền khi Lý Công Uẩn dời dô về Thăng Long năm Canh Tuất, có một con chó từ Đình Bảng (Bắc Ninh) chạy về và làm ổ sinh con trên một hòn đảo ngay giữa hồ Trúc Bạch. Nhận thấy đây là điềm lành nên ông cho xây đền thờ. Sau này, đền này đổi tên là đền Tiên Nữ[3].

4. Thăng Long – kinh đô muôn đời

* Một đại long mạch của thế giới

Kinh đô Thăng Long nằm ở trung tâm đồng bằng Bắc Bộ, bằng phẳng và cao ráo. So với các tỉnh đồng bằng chiêm trũng của Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Hà Tây thì Thăng Long – Hà Nội nằm ở giữa trục đường thẳng là đỉnh Everet (cao 8848 mét) – Hà Nội – vịnh Midanô (Philipine) (sâu 10.800 mét). Ba điểm này đều cách nhau 2800 km. Trước mặt Thăng Long là đồng bằng, xa hơn nữa là đảo Hải Nam có diện tích 30.000 kmlàm Án sơn, phía bắc và đông bắc là các dãy núi cao 2000 mét chạy dài từ cao nguyên Vân Nam như một con rồng trườn xuống biển Đông, tạo ra hàng ngàn hòn đảo nhỏ che chắn mặt đông bắc. Những bộ xương của rồng là các dãy núi vòng cung Bắc Sơn, Ngân Sơn, Sông Gâm, Đông Triều, tất cả các dãy núi này đều hướng về Thăng Long – đây chính là tay thanh long. Dãy Tam Đảo ở phía bắc kéo dài, ôm lấy Hà Nội, phía tây nam là núi Tản Viên như phụ mẫu sơn che chở Hà Nội. Các dòng sông cũng theo thế núi hướng bắc nam dẫn mạch về trung tâm Hà Nội. Phía tây bắc là dãy Hoàng Liên Sơn đồ sộ và các cao nguyên Sơn La, Lai Châu hùng vĩ  đóng vai huyền vũ, làm gối dựa cho Hà Nội. Năm dòng sông lớn là sông Hồng, sông Đà, sông Lô, sông Gâm, sông Chảy dẫn nước theo hướng tây bắc – đông nam tạo thành thế tích thủy. Phía Tây Nam là các cao nguyên và núi đá vôi của vùng Hòa Bình và Ninh Bình che chở và ôm lấy Hà Nội – đây là tay bạch hổ kéo dài đến dãy Tam Điệp. Thanh long, bạch hổ, huyền vũ đều cách trung tâm Hà Nội từ 60 – 80 km[4].

Với thế đất này, nhà phong thủy Tả Ao có viết: “Thiên sơn vạn thủy triều lai, can chi bát quái trong ngoài tôn vinh”. Thế phong thủy của Thăng Long – Hà Nội quả như một chiếc ngai gấm chúng ta phải chấp nhận một sự thực là: Vùng đất từ đầu nguồn sông Tô Lịch kéo dài đến Cổ Loa – Đông Anh là một vùng đất có địa tầng địa chất không ổn định. Ta cũng cần phải nhớ rằng: núi Tản viên nằm ở hướng Tây Hà Nội. Mặt khác phía Tây và Tây Bắc của La Thành là một vùng núi non trùng điệp của các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu…

Theo định nghĩa của môn Phong Thủy, long mạch xuất phát từ những rặng núi cao. Núi mà từ đó khởi nguồn Long mạch gọi là Tổ sơn. Ngoài ra Long mạch còn xuất phát từ những khu vực khác gọi là Thiếu sơn. Ta cũng biết rằng thiên khí từ trên trời luôn có tính chất giáng xuống, các đỉnh núi cao là những nơi tiếp thu sinh khí. Sinh khí từ trong vũ trụ  ngưng tụ thành mây theo mưa xuống các đỉnh núi ngấm vào lòng đất, đem theo sinh khí từ cây cỏ chạy trong lòng đất tạo thành mạch khí. Từ những  phân tích trên, ta cảm nhận được rằng có một long mạch rất lớn bắt nguồn từ núi Tản Viên và các rặng núi phía Tây, Tây bắc của Thành Đại la kéo dài qua thành Đại La theo dọc sông Tô Lịch (khí thường đi theo nước), chạy qua khu vực Hồ Tây bây giờ (Hồ Tây trước kia là một khúc của dòng sông Hồng ), sau đó sang tới tận địa phận Cổ Loa – Đông Anh – Hà Nội và còn theo hướng Đông, Đông Bắc đi tiếp. Long mạch này còn kéo dài tới dãy Yên Tử và theo hướng Đông Bắc tới tận Quảng Ninh. Đây chỉ là nhánh thanh long của đồng bằng Bắc Bộ. Với thế  phong thủy này tạo cho Thăng Long trở thành một quý địa mà không một thủ đô nào trên thế giới hội đủ các tiêu chí núi chầu, sông tụ. Chính kinh đô này là vùng địa linh vì khí thiêng sông núi từ khắp ba vùng bắc, tây, nam đều đổ về Thăng Long. Bên cạnh đó, Thăng Long còn đón dương khí từ biển Đông tràn vào nên Thăng Long là nơi hội tụ hài hòa khí âm dương, sản sinh cho đất nước nhiều nhân kiệt, đưa đất nước ta sánh vai các cường quốc năm châu. Trong bản tấu “Cao Biền tấu thư địa lý kiểu tự”. Cao Biền đã diễn ca đất Thăng Long như sau:

Thăng Long đệ nhất đại huyết mạch (Đất Thăng Long là đất đế vương quý nhất)
Giao châu hữu chi địa (đất Giao Châu có một ngôi đất).
Thăng long thành tối hùng (thăng long cực kỳ hùng mạnh).
Tam hồng dẫn hậu mạch (ba con sông lớn dẫn hậu mạch, tiếp khí cho mạch là sông Thao, sông Lô, sông Đà).
Song ngư trĩ tiền phương (hai con cá dẫn đường, chính là bãi Phúc Xá ngoài sông Hồng).
Tản lĩnh trấn Kiền vị (núi Tản Linh trấn tại phương Kiền – Tây Bắc).
Đảo sơn đương Cấn cung (núi Tam Đảo giữ phương Cấn – Đông bắc).
Thiên phong hồi Bạch hổ (nghìn ngọn núi quay về Bạch hổ).
Vạn thủy nhiễu Thanh long (muôn dòng nước từ ba con sông Thao, sông Lô, sông Gâm đều tụ lại tại nga ba Việt Trì, chảy về nhiễu Thanh Long).
Ngoại thế cực trường viễn (thế bên ngoài rất rộng và xa, tất cả cá núi non trên suốt mạch sông Hồng từ Việt Trì đến Ninh Bình đều chầu về).
Nội thế tối sung dung (thế bên trong rất mạnh mẽ, đầy đặn).
Tô giang chiếu hậu hữu (sông Tô Lịch dẫn mạch từ phía sau, bên phải).
Nùng sơn cư chính cung (núi Nùng đóng tại chính cung).
Chúng sơn giai củng hướng (tất cả núi non đều hướng về rất đẹp).
Vạn thủy tận chiều tông (là nơi tận cùng, hợp lưu của mọi dòng nước từ thượng nguồn dẫn khí mạch về).
Vị cư cửu trùng nội (là nơi ở của vua chúa (cửu trùng), đất làm kinh đô).
Ức niên bảo tộ long (có thể bền vững tới 10 vạn năm).
Cầu kỳ Hổ bất bức.
Mạc nhược trung chi đồng.

Ngoài thế phong thủy trên, thăng Long còn được các vị thánh thần bảo vệ vòng ngoài và vòng trong rất kỹ lưỡng.

* Các vị thánh bảo vệ Thăng Long từ xa

Các vị thánh thần đất Việt đã có trên vùng đất này từ xa xưa, mà truyền thuyết còn lưu truyền mãi trong dân gian gồm các bậc thần sau: (i) Nhiên thần là thần của tự nhiên sông núi, trường tồn với non sông, (ii) Thiên thần là thần từ trời giáng sinh rồi trở về trời, (iii) Nhân thần là người, rồi hiển thánh hoá thần, (iv) Thú thần là loài thú tu luyện thành thần như hổ báo rắn thuồng luồng, (iv) Quỷ thần là yêu quỷ thành thần. Ba bậc đầu thường được tôn làm Thánh. Hãy thử xem các vị Thánh bất tử của người Việt ngự ở đâu quanh  Thăng Long. Có bốn vị Thánh (tứ thánh):

Thánh Tản Viên – vị Thần tổ và là Nhiên thần, ngự trên đỉnh Tản Viên. Người Mường cũng tôn kính gọi là Thánh Cả Ba Vì. Có bốn đền chính gọi là bốn Cung thờ Thánh, mà lớn nhất là Đông cung – Đền Và ở Sơn Tây. Tản Viên đã từng mắng Cao Biền khi Cao Biền định trấn yểm núi này. Thánh Tản Viên là biểu tượng Chinh phục thiên nhiên của người Việt.

Thánh Gióng, Phù Đổng thiên vương là Thiên thần, quê ở Phù Đổng phía Đông Thăng Long, nhưng lại thăng thiên hoá thánh ở phía Bắc, trên đỉnh Sóc Sơn. Thánh Gióng là biểu tượng chống ngoại xâm của người Việt.

Thánh Chử Đồng Tử – Chử Đạo tổ, là Nhân thần. Ông gặp công chúa Tiên Dung trên bãi Tự Nhiên phía Nam thành Thăng Long, dạy dân buôn bán, tu hành rồi hoá thánh lên trời tại đầm Dạ Trạch. Thánh Chử là biểu tượng của hôn nhân, cuộc sống sung túc. Các đền thờ của ba vị Bất Tử trên đã bao bọc mảnh đất này từ trước khi Cao Biền xây thành.

Đến đời Lý, dân gian đã tôn thêm một vị nữa cho thành Tứ Bất tử, đó là Từ Đạo Hạnh, biểu tượng của tu hành, của Phật giáo. Từ Đạo Hạnh là người Thăng Long, nơi thờ chính là chùa Láng và chùa Thầy. Mãi đến đời Lê, người ta mới thay Thánh mẫu Liễu Hạnh vào chỗ của Từ Đạo Hạnh. Như vậy, thành Thăng Long đã được các Thánh Bất tử của tâm linh người Việt bảo hộ từ bốn phía trong cả nghìn năm. Đền thờ các vị Thánh này cách trung tâm Thong Long khoảng 30 – 40 km. Đây là vòng bảo vệ thứ hai cho kinh thành Thong Long kể từ Hoàng thành.

* Thần Long Đỗ – thần chủ của Thăng Long

Một câu hỏi đặt ra là: phải chăng Thăng Long chỉ trông cậy vào thần thiêng của các vị Thánh bên ngoài, mà không có Thần của riêng mình? Không phải, Thăng Long có một vị Thần chủ, đó là Thần Long Đỗ. Long Đỗ nghĩa là Rốn rồng, sông Cái chảy qua Thăng Long uốn cong như bụng rồng và đất này chính là Rốn rồng. Thần Long Đỗ là vị Nhiên thần cai quản Núi Nùng, sông Tô, tụ hội linh khí của sơn thủy. Núi Long Đỗ (núi Nùng) là núi đất cao lên giữa thành, bên cạnh có vực sâu ăn thông vào lòng đất. Sông Tô Lịch bao quanh thành tạo thành long mạch thiêng.

Khi làm Tiết độ sứ ở Giao Châu, đi đến đâu, Cao Biền cũng xem hình thế đất đai, thấy nơi nào “linh thiêng” là Biền liền dùng thuật pháp yểm bùa huyệt để triệt “nhân kiệt”. Thuật pháp chính yếu của Biền là lừa bắt một người con gái chưa chồng đem mổ bụng moi ruột rồi nhồi cỏ vào. Đoạn Biền mặc lại quần áo cho tử thi theo trang phục quan tước, rồi đặt ngồi ngay ngắn. Biền đem các thứ đến huyệt định yểm rồi giết thịt trâu bò tế cúng và đọc thần chú. Hễ khi nào tử thi cử động, tức là thần linh ở đất ấy đã nhập vào, ngay lập tức là Biền dùng kiếm chém đầu. Như thế có nghĩa là Biền đã trừ yểm xong… Tuy vậy, với mọi người, bao giờ Biền cũng nói là dùng phép thuật để tiêu trừ tà ma…

Việc đầu tiên của Cao Biền khi ở lại Giao Châu làm Tiết độ sứ là cho đắp lại thành Thăng Long với quy mô to lớn và chắc chắn hơn trước. Khi thành và đê đắp xong, một buổi trưa, Biền thủng thẳng đi ra cửa phía đông định tìm “huyệt” để yểm. Bỗng nhiên mây đen ở đâu kéo đến, đất trời tối sầm, rồi mưa to gió lớn và sấm chớp đùng đùng. Biền tối tăm mặt mũi, liền chui tạm vào một gian liều của lính lúc ấy đang chưa có người ở. Vừa kịp định lại nhìn ra, Biền thấy ngay trước mặt một áng mây ngũ sắc từ dưới đất dâng lên, có ánh sáng chói chang. Trong áng mây hiện ra một người mặt mũi phương phi, cưỡi rồng vàng, đầu đội mũ hoa đỏ, mình mặc phẩm phục màu tía, chân đi hài thêu, tiến đến trước mặt Biền trong tiếng nhạc vang lừng và trong mùi hương trầm thơm ngào ngạt. Biền kinh hoàng, mắt hoa, đầu óc choáng váng, ngã lăn ra đất. Mấy tên lính hầu xúm lại, rồi dội mưa, lập tức đưa Biền về phủ.

Đêm ấy, Biền nằm ngủ trong nỗi khiếp đảm, sai lính chốt chặt các cửa và dùng đến mấy chiếc chăn để đắp. Nửa đêm, trong giấc mơ màng, Biền lại thấy hiện ra hình ảnh của ông có gương mặt phương phi đã gặp buổi trưa. Ông tiến đến bên giường, miệng nở nụ cười rất tươi mà bảo Biền rằng:“Ta là Long Đỗ chính khí thần, từ thuở khai thiên lập địa đã cai quản đất này, thấy ông mở dựng đô thành xong, thì đến chơi đó thôi. Lúc trưa đã toan nói chuyện nhưng thấy ông không được khỏe nên bây giờ lại đến. Ông chớ có ngại ngần gì. Phàm đã làm quan tước thì ai cũng hết lòng lo lắng cho dân, như thế mới xứng đáng danh vị. Biết ông là người có nhiều thuật pháp nhưng ta vẫn đến vì chẳng có thuật pháp nào có thể hại được đến ta. Vậy ta nói để ông biết trước mà lo sửa mình chớ dùng thuật pháp để thay cho đức độ đó”. Biền tỉnh dậy, sờ lên trán thấy mồ hôi ướt đẫm rồi ngồi chông đèn thức đến sáng.

Đến buổi họp quần thần dưới quyền, Biền kể lại với mọi người rằng đêm qua nằm mơ thấy dị nhân đòi về cúng lễ. Biền nói thêm rằng: “Chẳng lẽ ta không khuất phục nỗi người ở phương Nam được ư?”

Một viên quan dưới quyền đứng dậy và thưa:
– Bẩm sứ quân. Hạ thần nghĩ Ngài nên lập đàn tràng rồi dùng phép trấn yểm. Nếu cúng lễ chẳng hóa ra ta phải đi cầu xin người ở phương Nam à?
Biền cho là lời bàn ấy là hợp với ý mình, bèn bắt tay vào để thực hiện. Đàn lập xong, tượng yểm xong, Biền lại ngồi khấn vái và niệm thần chú, bắt quyết suốt ngày đêm. Đến tối, bỗng nhiên trời đất tối sầm, mưa gió sấm chớp đùng đùng làm cho đồ trấn yểm than thành cát bụi. Từ chỗ yểm tượng, một làn chớp lóe sáng cùng với tiếng nổ long trời làm cho Biền kinh hãi ngã lăn ra đất. Trước khi ngất xỉu, Biền còn kịp nhìn thấy pho tượng nát vụn.

Sau trận đó, Biền ốm đến cả tháng trời, nhưng là quan đứng đầu xứ, nên lúc chưa khỏi hẳn, vẫn phải gượng dậy đi lại hội họp và giải quyết các công việc. Trong những ngày đau ốm, nét mặt Biền bơ phờ thiểu não, còn tâm trạng thì ngao ngán, chán nản. Biền than thở với những người thân cận: “Ta chịu mệnh vua nên mới gắng gượng ở lại. Còn bây giờ đến lúc ta phải về phương Bắc rồi”. Mấy tháng sau quả nhiên có lệnh triệu hồi Cao Biền về nước thật. Trên đường về nước, Cao Biền luông trong tâm trạng lo lắng tột độ vì hắn sợ Thần chính khí Long Đỗ hiện ra đòi tính mạn. May mắn thay là thần Long Đỗ đã làm ngơ để cho Biền về đến quê hương.

Đầu mùa thu năm 1010, Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La. Sau buổi làm lễ động thổ để xây dựng cung điện, phủ đệ, ban đêm nhà vua nằm mộng thấy thần nhân cưỡi rồng hiện về xưng là Long Đỗ chính khí thần và nói lời chúc mừng. Nhà vua đáp lễ xong, rồi nhân đó hỏi thần xem đất này liệu có thể là kinh sư của mãi muôn đời được không? Thần nhân vui vẻ đáp: “Được”.

Vua tỉnh dậy, sáng hôm sau sai giết trâu bò làm cỗ rất hậu để tế lễ, lại sắc phong cho thần là “Thăng Long Thành hoàng đại vương” và tu sửa đền thờ thần ở phường Hà Khẩu, tức phía đông của Kinh thành Thăng Long.

Đến đời Lý Thái Tông, nhà vua cho mở phố chợ ở phía đông kinh thành, vì vậy mà quán mọc chen chúc nhau ở sát cạnh đền. Thời ấy hàng quán chính yếu mới là tranh tre nứa lá, nên hay bị hỏa hoạn lớn, nhà cửa trong phố cửa Đông gần như cháy trụi, nhưng riêng chỉ ngôi đền là vẫn còn nguyên vẹn, không bị thần lửa phạm tới. Vua Lý Thái Tông lấy làm lạ, rồi sau nghe kể rõ về hành trạng từ trước đến nay của thần, bèn xuống chiếu sắc phong thần và cử quan sở tại trông nom tu bổ ngôi đền và đặt lễ tế hàng năm.

Đến đời Trần, phố xá nhà cửa ở phường Hà Khẩu lại càng đông vui tấp nập, buôn bán sầm uất. Lại ba lần nữa, xảy ra hỏa hoạn ở phố chợ cửa Đông này. Thế nhưng, cả ba lần ngôi đần vẫn nguyên vẹn, còn nhà cửa hàng quán xung quanh cháy trụi.

Sự kiện này làm cho mọi người đều kinh ngạc, từ thường dân cho đến cả vua quan. Nhân sắp sửa có giặc Nguyên tràn sang xâm lấn, Thái sư thượng tướng Trần Quang Khải đã cảm khía làm bài thơ ở đền như sau:

Tích văn nhân đạo đại vương linh
Kim nhật phương tri quỷ mị kinh
Hỏa bắc tam khu thiêu bất tận
Phong trần nhất trận phiến nan khuynh
Chỉ huy vọng lượng tam thiên chúng
Đàn áp yêu ma bách vạn linh
Nguyện trượng dư uy thanh Bắc khấu
Đốn linh vũ trụ lạc thăng bình.

Dịch nghĩa:

Trước vẫn nghe người ta nói: Đại Vương thiêng
Nay mới biết: Bọn ma quỷ đều khiếp sợ Đại Vương
Lửa bốc ba lần đều không cháy được đền
Gió bão cho một trận cũng không làm nghiêng được
Chỉ huy ba nghìn quỷ binh
Đàn áp được trăm vạn yêu ma
Muốn cậy dư uy của Đại Vương dẹp giặc Bắc
Để cho vũ trụ được yên bình.

* Thăng Long tứ trấn – Dấu mốc long mạch đất kinh kỳ

Đó là đền Bạch Mã trấn phía Đông, đền Voi Phục trấn phía Tây, đền Kim Liên trấn phía Nam và đền Quán Thánh trấn phía Bắc. Bốn ngôi đền xác định địa giới Thăng Long, thờ bốn vị thần bảo vệ đất kinh kỳ từ bốn phía, đã tồn tại từ bao đời nay trong tâm tưởng người dân Việt.

– | Đền Bạch Mã trấn phía Đông

Đền thuộc phường Hà Khẩu, tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức (nay là số nhà 76 phố Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) – là cửa sông Tô Lịch thông với sông Hồng – hai dòng sông huyết mạch của Hà Nội cổ.

Đền thờ thần Long Đỗ tức Bạch Mã, còn gọi là Tô Lịch giang thần, vị thần bảo hộ kinh thành Thăng Long, trấn giữ hướng Đông. Đây cũng là vị thần đã làm thất bại các pháp thuật của viên quan đô hộ thời Bắc thuộc là Cao Biền.

Ngài là vị thần thiêng, được chúng dân thời xưa ở Thăng Long rất tôn sùng, kính phục. Truyền thuyết kể rằng: Khi vua Lý Công Uẩn định đô Thăng Long (năm 1010), xây thành mà cứ bị sụt lở, nhà Vua tới đây cầu lễ và lạ thay, một buổi sáng chợt thấy có vị ngựa trắng từ trong đền đi ra, chạy vòng quanh khu vực đang xây thành, chạy đến đâu để dấu chân đến đấy rồi trở lại Đền và vụt biến mất. Vua Lý cứ theo vết chân ngựa mà xây, thành không lở nữa. Từ đó thành được đắp cao lên, rất vững chắc. Thành xây xong, nhà Vua xuống chiếu cho chúng dân Thăng Long phong thần Long Đỗ làm thành Hoàng bảo vệ cho Thăng Long. Từ đấy Ngựa trắng là một biểu tượng thiêng liêng của đền.

– Đền Voi Phục trấn phía Tây

Đền còn có tên là Thủ Lệ hay Linh Lang do thờ thần Linh Lang Đại Vương. Đền nằm phía Tây kinh thành Thăng Long cũ, tọa lạc bên hồ Thủ Lệ, nay thuộc phường Cầu Giấy, quận Ba Đình, Hà Nội, ẩn dưới hàng cây cổ thụ rợp bóng quanh năm.  Truyền thuyết ghi lại rằng thần vốn là một Thiên sứ đầu thai làm con nàng phi thứ bảy của vua Lý Thái Tông, được vua cha yêu quý đặt tên là Linh Lang.

Tương tự như người anh hùng làng Gióng, khi đất nước có giặc ngoại xâm, Hoàng tử nhỏ vươn mình trở thành một dũng sĩ cưỡi voi xung trận, diệt quân xâm lượcTống ở phòng tuyến sông Như Nguyệt. Sau chiến thắng, bỗng nhiên hoàng tử lâm bệnh, vua cha đến thăm, chàng cho biết mình không phải là người trần rồi biến thành con giao long trườn xuống hồ Dâm Đàm và biến mất. Vua cho lập đền thờ, phong là “Thượng đẳng thần”.

– Đền Kim Liên trấn phía Nam

Đền vốn được lập để thờ Cao Sơn Đại Vương; trước đây thuộc địa phận phường Kim Hoa, sau thuộc phường Đông Tác, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, nay là phường Phương Liên, quận Đống Đa.

Theo tín ngưỡng dân gian, Cao Sơn Đại Vương là một người con của Lạc Long Quân và Âu Cơ, sau theo mẹ lên núi. Tương truyền Thần đã có công giúp Sơn Tinh chiến thắng Thủy Tinh. Năm 1509, quân đội của Lê Tương Dực từ Thanh Hóa tiến về Thăng Long để lật đổ Lê Uy Mục đã đi qua đây, thấy đền thờ Cao Sơn Đại Vương liền vào xin phù hộ. Sau đó, sự nghiệp của Lê Tương Dực thành công, nhà Lê được khôi phục. Do đó vua Lê cho xây đền, dựng bia để hương khói phụng thờ.

Trong đền vẫn còn long ngai thờ thần Cao Sơn và hai nữ thần phối hưởng: Thuỷ Tinh đệ Tam Tôn nữ và Huệ Minh phu nhân. Đền còn giữ được 39 đạo sắc phong trong đó 26 đạo sắc phong thời Lê Trung Hưng, 13 đạo sắc phong thời Nguyễn.

– Đền Quán Thánh trấn phía Bắc

Đền Quán Thánh thờ Huyền Thiên Trấn Vũ – một vị thần trấn giữ hướng Bắc kinh thành. Đời Lê, đền thuộc phường Thụy Chương, huyện Vĩnh Thuận, phía Nam Hồ Tây.

Theo sử sách, Huyền Thiên Trấn Vũ là thần cai quản phương Bắc giúp dân trừ tà ma, yêu quái phá hoại đời sống yên lành vùng chung quanh thành Thăng Long: trừ rùa thành tinh (đời Hùng Vương 14); trừ cáo chín đuôi ở Tây Hồ; giúp An Dương Vương trừ tinh gà trắng xây thành Cổ Loa; diệt hồ ly tinh trên sông Hồng đời vua Lý Thánh Tông… Đến thời nhà Lê, các vua cũng thường đến đây để cầu mưa mỗi khi có hạn hán. Theo tư liệu cũ, ngôi Đền được xây dựng vào những năm đầu khi Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long. Năm 1823, Vua Minh Mạng lên ngôi đổi tên Đền là Trấn Vũ Quán. Đến đời vua Thiệu Trị năm 1842, đổi tên là Đền Quán Thánh như hiện nay.

Đền đã qua nhiều lần sửa chữa, kiểu kiến trúc hiện nay là của thời Nguyễn, hồi thế kỷ 19, bao gồm: tam quan, sân, ba lớp nhà tiền đế, trung đế, hậu cung. Trong đền có bức tượng Trấn Vũ đúc bằng đồng đen năm 1667, cao 3,69 m, nặng khoảng 4 tấn – đây là một công trình nghệ thuật độc đáo duy nhất tại Việt Nam, khẳng định nghệ thuật đúc đồng và tạc tượng của người Hà Nội cách đây ba thế kỷ. Tượng có hình dáng một đạo sĩ ngồi, y phục gọn gàng nhưng tóc lại bỏ xõa, chân không mang giày, tay trái bắt quyết, tay phải chống gươm thần có rắn quấn quanh và chống lên lưng rùa.

Bốn ngôi Đền xác định địa giới Thăng Long, tạo nên ý nghĩa và tầm vóc của mảnh đất kinh kỳ. Mỗi ngôi đền thờ một vị thần có nguồn gốc và ý nghĩa khác nhau.  Đây cũng là những dấu mốc định hình long mạch đất kinh kỳ, đã tồn tại từ bao đời nay trong tâm tưởng người dân Việt. Trải qua biết bao biến cố thăng trầm của lịch sử, Tứ trấn vẫn trường tồn cùng thời gian, trở thành niềm tự hào của dân tộc Lạc Hồng.

* Kết luận về kinh đô Thăng Long

Như vậy, ta thấy rất rõ hiệu quả tốt từ việc dời đô về kinh thành Thăng Long, triều đại nhà Lý tồn tại một thời gian rất dài so với đa số các triều đại khác. Trên thế giới ngày nay, không chỉ riêng Châu Á chúng ta, mà đến cả các nước Âu, Mỹ cũng đã xác nhận tính khoa học của thuật phong thủy. Có thể thừa nhận minh thị hay thừa nhận mặc thị thì đa số các quốc gia đều ngầm xem Trung Quốc là cái nôi phát nguồn của thuật phong thủy. Thế thì ở một đất nước mà thuật phong thủy đã đạt đến trình độ tạo được tiếng tăm trên thế giới, mà các triều đại vua chúa của họ đa số không kéo dài bằng triều đại nhà Lý nước ta, vậy thử hỏi kinh thành Thăng Long của chúng ta như vậy là phong thủy tốt hay xấu? Có lẽ câu hỏi này tự trong thâm tâm của tất cả quý vị đã có câu trả lời rồi vậy.

Như vậy thông tin việc Cao Biền xây thành Đại La để trấn yểm Long Mạch vùng Hà Nội là thế nào? Điều này có hai cách giải thích: Một là, việc Cao Biền xây thành Đại La để trấn yểm Long Mạch ở Hà Nội không thành công bởi nếu trấn yểm thì đất Thăng Long không thể phát triển mạnh mẽ như vậy được. Vì vậy, mới dẫn đến ý thứ hai là, Cao Biền có trấn yểm thật, nhưng khi xây dựng kinh thành Thăng Long, các Đại Sư phong thủy nước ta thời ấy như Sư Vạn Hạnh – người có công tìm ra long mạch cho đất Thăng Long đã hóa giải đi rồi.

Tóm lại, theo chúng tôi, thì việc trấn yểm gì đó hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến kinh thành Thăng Long của chúng ta cả. Đến đây sẽ có người đặt ra hàng loạt câu hỏi “thế thì Phong Thuỷ bảo các đất Kinh Đô phát dương quang đại cả ngàn năm, sao mới vài trăm năm đã thay triều hoán vị, như thế không phải là phong thủy không đáng đáng tin hay sao”.  Trả lời câu hỏi này thì “Thiên hạ là của chung, của mọi nhà. Từ ngày Lý Thái Tồ dời đô về Thăng Long năm 1010, đến nay đã hơn 1000 năm các triều đại Lý, Trần, Lê, Mạc đều lấy Thăng Long là nơi đóng đô, đất nước ổn định, độc lập giữ vững chủ quyền, các triều đại tồn tại lâu dài. Khi nhà Hồ dời đô về Tây Đô, chỉ bảy năm, đất nước bị ngoại bang đô hộ. Triều nhà Nguyễn dời đô về Phú xuân (Huế) được hơn 70 năm thì đất nước lai bị người Pháp đô hộ. Mặc dù triều đại này vẫn tồn tại đến năm 1945 mới chấm dứt. Qua các triều đại sơ lược trên đây, chúng ta thấy Nhà Lý là một triều vua nhân đức hơn hết, do đó cũng được thịnh trị hơn hết, lâu dài hơn hết.

Lý Công Uẩn lên ngôi không giết một sinh mạng, trong khi Nhà Trần, Trần Thủ Độ giết gần hết hoàng tộc nhà Lý. Nhà Hồ, Hồ Quý Ly giết vua Lê Thuận Tông, công thần Trần Khắc Chân cùng 370 người. Nhà Lê, Lê Lợi giết Trần Cao, công thần Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo. Nhà Mạc, Mạc Đăng Dung giết vua Lê Chiêu Tông, vua Lê Cung Hoàng, bà Hoàng Thái Hậu và vô số triều thần Nhà Lê khác. Nhà Nguyễn, Gia Long trả thù vua tôi nhà Tây Sơn, đào mộ Nguyễn Huệ, giết hại công thần Nguyễn Văn Thành, Đặng Trần Thường. Lịch sử đã chứng minh rằng: “Thiên hạ không của riêng ai. Người có cái Tâm, cái Đức thì được thiên hạ. Người vô Tâm, thiếu Đức thì mất thiên hạ”. Triều đại nào tài đức hơn thì sẽ thay thế cho triều đại ít tài đức. Âu cũng là quy luật của lịch sử đúng như câu thơ của cụ Nguyễn Du trong Truyện Kiều:

Thiện căn ở tại lòng ta
Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài.

Chú thích:

[1] Dẫn theo Việt Điện u linh.

[2] Đại Việt sử ký toàn thư  – Tập 3.

[3] Theo Đài truyền hình Việt Nam VTV1 ngày 17/10/2010 lúc 8g.

[4] GS.TS Cao Ngọc Lân, Bàn về Kinh đô các triều đại Việt Nam, Tạp chí Lịch sử (Khoa Sử học – Đại học Quốc tế Thành Công, Đài Loan), số 1/2011.