Nguyễn Du là một tài năng trác tuyệt, một nhân cách sáng ngời.  Tên tuổi và sự nghiệp thơ ca của ông đã, đang và sẽ mãi tỏa sáng. Người đời ngưỡng mộ cụ Nguyễn  bởi rất nhiều lẽ. Trong đó, ấn tượng sâu sắc là trái tim nhân đạo mênh mông thấm trên từng trang viết, như có “máu chảy ở đầu ngọn bút”, như “ nước mắt thấm ở trên tờ giấy”. Những khúc đoạn trường ngân lên trong thi phẩm của ông xuất phát từ niềm tri âm sâu sắc với bao kiếp tài hoa bạc mệnh. Từ đấy đến hơn hai trăm năm sau, tiếng thơ Nguyễn Du vẫn tạo nên sự cộng hưởng, đồng điệu  của rất nhiều thế hệ. Phải chăng sức sống vĩnh cửu của thơ Nguyễn Du là những niềm tri âm?

Viết về Nguyễn Du, đã có hàng trăm bài thơ, hàng ngàn công trình nghiên cứu về cuộc đời cũng như thơ chữ Hán và chữ Nôm của ông từ các  độc giả trong và ngoài nước. Nhưng đề tài  Nguyễn Du vẫn là nguồn cảm hứng chưa bao giờ vơi cạn. Vì thơ Nguyễn Du là minh chứng sinh động cho sức sống vĩnh hằng của giá trị nghệ thuật đích thực. Vì trái tim nhân đạo mênh mông của ông vẫn thổn thức cùng nỗi đau con người. Nhân kỷ niệm 250 năm năm sinh Nguyễn Du, người viết xin được góp đến hội thảo đề tài nhỏ: Nguyễn Du- Những niềm tri âm, qua một số bài thơ của Nguyễn Du và hậu thế viết về ông. 

Câu thơ còn đọng nỗi đau nhân tình…

Nguyễn Du sinh ra và lớn lên trong một giai đoạn đầy biến động của lịch sử. Rường mối phong kiến Việt Nam đã đến lúc rệu rã. Xã hội nhiễu nhương, quyền sống con người bị chà đạp. Bản thân ông cũng không thể thoát ra khỏi vòng xoáy của sự biến động, khủng hoảng ấy. Sinh trưởng trong gia đình quý tộc, nhưng triều Lê sụp đổ, Nguyễn Du trở nên mất phương hướng , đành “ ngẩn ngơ trông ngọn cờ đào”. Ông phải sống những năm tháng gian truân, trôi dạt, vất vả, long đong (Trải qua “mười năm gió bụi” Nguyễn Du lang thang hết ở quê vợ, rồi quê mẹ, quê cha trong nghèo túng, hết sức khổ cực và tủi nhục). Nhưng chính sự trải nghiệm bất đắc dĩ ấy lại đem đến cho ông một vốn sống, vốn hiểu biết thật sâu rộng, phong phú. Ông thấu hiểu nỗi đau của con người ở cả môi trường quý tộc lẫn bình dân. Ông đã nhìn đời với con mắt của người đứng giữa giông tố cuộc đời. Từ một quý tộc, Nguyễn Du đã trở thành nhà nhân đạo chủ nghĩa, đồng cảm sâu sắc với mọi kiếp người bất hạnh. Điều đó  đã tạo nên một phương diện nổi bật trong sáng tác của Nguyễn Du : chủ nghĩa nhân đạo, khiến tác phẩm của ông hàm chứa một chiều sâu chưa từng có trong văn thơ Việt Nam. Bởi vậy, thơ ông là niềm tri âm sâu lắng, có sức sống và sức lan tỏa diệu kỳ…

Tri âm là sự đồng cảm, thấu hiểu sâu sắc, là sự vang ngân của những trái tim, những tâm hồn đồng điệu… Có rất nhiều giai thoại về những mối tình tri âm làm lòng người xúc động, như câu chuyện Bá Nha – Tử Kỳ, Trần Phồn – Từ Trĩ, Lưu Bình – Dương Lễ, Nguyễn Khuyến – Dương Khuê… Trong văn chương, niềm tri âm thường mạnh mẽ, sâu sắc và có thể vượt mọi khoảng cách không gian, thời gian. Hầu hết sáng tác của cụ Nguyễn Tiên Điền đều chứa chan tinh thần nhân đạo cao cả, đều là tiếng nói tri âm. Đó là những khúc đoạn trường, xót thương cho biết bao “kiếp hồng nhan bạc phận”  như Đạm Tiên, Thúy Kiều, xót thương cho sự tàn úa của những ca nữ tài danh một thời. Đó là nỗi  đau xé lòng trước thân phận bi đát của những con người nghèo khổ vô danh sống ngắc ngoải bên bờ vực của cái chết. Đó là nỗi đau vượt không gian và thời gian để “khóc người đời xưa”, khóc cho cả những linh hồn mồ côi…  Nói về tiếng lòng tri âm trong thơ Nguyễn Du, người đọc nghĩ  đến rất nhiều thi phẩm, trong đó có “Độc Tiểu Thanh ký” và “Long Thành cầm giả ca”.

Con người đầy tài năng, mang hoài bão lớn mà luôn gặp hoạn nạn, trắc trở trên đường đời gập ghềnh giữa đêm đen của xã hội phong kiến đã tìm được sự đồng điệu với người đã khuất hơn 300 năm trước. Đó là nội dung “ Độc Tiểu Thanh ký”. Thi phẩm này là tiếng khóc mà Thanh Hiên dành cho kiếp “hồng nhan đa truân” vì đau khổ, phẫn uất, “ Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương”. 

Tây Hồ cảnh đẹp hóa gò hoang
Thổn thức bên song mảnh giấy tàn

Câu thơ đầu là tiếng thở dài trước sự biến cải của cuộc dời dâu bể. Trái tim nhà thơ thổn thức trước di chỉ của Tiểu Thanh, thấm thía nỗi đau nhân tình. Ba trăm năm sau, cùng bao biến cải, ảnh hình Tiểu Thanh gần như rơi vào quên lãng. Vậy mà Nguyễn Du vẫn nhớ tới nàng, viếng hồn nàng với lòng thương cảm vô bờ. Ông càng ngậm ngùi, xót xa hơn nữa khi:

Son phấn có thần chôn vẫn hận
Văn chương không mệnh đốt còn vương

“Son phấn” và “ văn chương” là hai hình ảnh hoán dụ, gợi liên tưởng đến sắc đẹp, sự thông tuệ và tài năng của Tiểu Thanh. Son phấn, văn chương làm gì có thần, có số mệnh, vậy mà đối với Nguyễn Du, chúng cũng biết hận, biết vương vấn, biết lụy trước nỗi oan khuất của kẻ tài hoa. Cái đẹp cao khiết bị dâp vùi một cách không thương tiếc. Sao có thể tránh khỏi nỗi đớn đau,oán hận?

Từ tiếng khóc Tiểu Thanh, tác giả đã khái quát thành nỗi khắc khoải:

Nỗi hờn kim cổ trời không hỏi
Cái án phong lưu khách tự mang

Nỗi hờn, nỗi hận của Tiểu Thanh đã nằm trong chuỗi hận triền miên day dứt mãi khôn nguôi tự cổ chí kim. Điều đó thật khó mà hỏi trời. Bởi “ trời thăm thẳm xa vời không thấu”, sao có thể hỏi được? Sao có thể lý giải được? Như vậy, từ nỗi hận riêng cho số phận Tiểu Thanh, Nguyễn Du nâng lên thành nỗi hận truyền kiếp từ xưa tới nay của những bậc giai nhân tài tử. Tài hoa bạc mệnh có phải là định mệnh oan nghiệt, vô lý, khắt khe của số phận? Mấy ngàn năm trôi qua, nỗi oan lạ lùng này chưa tìm được nguyên do nên nó tích tụ thành mối hận lớn, thành “một câu hỏi lớn không lời đáp”. Vì thế, nỗi hận của Tiểu Thanh qua vần thơ Nguyễn Du vừa có sức mạnh tố cáo xã hội phong kiến bất công, vừa lay động lòng người… Khóc Tiểu Thanh, thi nhân còn nhỏ lệ cho những kiếp “phong vận kỳ oan”. Đó là những người tài hoa, là tinh túy của đất trời, vậy mà số phận lại lắm truân chuyên. Bởi thế, phong lưu đã trở thành cái án chung thân mà khách ( kẻ tài hoa- những người cùng hội cùng thuyền) phải mang nặng suốt đời. Trớ trêu là vậy mà bao thế hệ văn nhân tài tử vẫn tự mang nó vào mình, trong đó chắc chắn không thể thiếu Nguyễn Du.  Nên “trông người lại ngẫm đến ta”, giọt lệ của thi nhân đã kết tụ thành những vần thơ nhói buốt:

Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa
Người đời ai khóc Tố Như chăng?

Với Tiểu Thanh, 300 năm sau, ở một đất nước xa xôi còn có Nguyễn Du xót xa, thương cảm và trân trọng. Liệu ba trăm năm sau nữa, người đời có ai khóc cho Tố Như? Từ khóc người, thi nhân chuyển qua lời tự thương chính mình. Chứng tỏ, ông đang rất cô đơn, đang thiếu vắng tri âm tri kỷ. Còn gì đớn đau hơn khi trong đời, con người không tìm được sự đồng điệu, không còn bạn tri âm? Bá Nha từng đập vỡ cây đàn khi mất Tử Kỳ; Nguyễn Khuyến sau này cũng mất cả hứng làm thơ khi Dương Khuê qua đời. Nhưng nghĩ cho cùng, Bá Nha và cụ Tam Nguyên Yên đổ vẫn hạnh phúc hơn Nguyễn Du, vì họ đã từng có tri âm. Đến khi mất bạn, họ mới thấy hụt hẫng, trống vắng không gì khỏa lấp nỗi.  Còn Nguyễn Du chỉ biết khóc cho chính mình quá cô độc giữa cuộc đời. Và tiếng khóc ấy hướng về hậu thế. Ông băn khoăn không biết về sau, và nhiều năm sau nữa, còn ai nhớ đến Tố Như, khóc cho Tố Như? Câu thơ kết còn mang ý nghĩa như một lời dự cảm, một lời tiên tri: Ba trăm năm sau, hậu thế khóc Tố Như, nghĩa là khóc thương cho những kiếp tài hoa bạc mệnh không chỉ trong quá khứ mà trong cả hiện tại. Câu thơ mang nỗi buồn sâu lắng về cuộc đời, cũng chính là một triết lý sâu sắc về thuyết tài mệnh tương đố. Nguyễn Du thương người đời xưa, thương chính mình và thương cho cả hậu thế. Đó chính là dòng tri âm xuyên thời gian. Con mắt trông thấu sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời của Nguyễn Du là đấy.

Trong suốt đời mình, điều làm cho đại thi hào day dứt nhất là thân phận người phụ nữ:

Đau đớn thay phận đàn bà
Kiếp sinh ra thế biết là tại đâu?

Số mệnh đã dập vùi Tiểu Thanh, mối hận nghìn đời đành vùi chôn dưới lớp cát mỏng. Nhưng “thân ấy”, tài năng, thanh sắc ấy vẫn còn nhan nhản trong đời- “biết là mấy thân?” Mà “ càng tài năng, càng thanh sắc”, con người lại càng bị hủy diệt nhanh chóng. Cảm hứng đó còn được thể hiện trong “Long Thành cầm giả ca” ( Bài ca về người gảy đàn ở đất Long Thành)- bài thơ chữ Hán đặc sắc mở đầu tập “Bắc hành tạp lục”. Thi nhân xúc cảm vì “nhân sinh bách niên, vinh nhục ai lạc, kỳ khả lượng da” (Cõi đời người trăm năm, chuyện vinh nhục, vui buồn khó lường được). Bài thơ này là những suy tư đầy đau đớn về một người lừng danh một thời, sau nhan sắc tàn phai, dáng hình tiều tụy, không còn ai nhớ đến, trở thành ảnh hình rơi vào quên lãng. 

“Long Thành cầm giả ca” thấm đượm tình yêu thương mênh mông, sự trân trọng rất mực và nỗi cảm thông vô bờ của tác giả với người ca nữ tài hoa. Vẻ đẹp tấm lòng thi nhân trong tác phẩm là thái độ trân trọng đến nâng niu người ca sĩ tài danh, bị xã hội phong kiến hắt hủi, khinh miệt. Tri âm người ca nữ, tác giả đặc tả bàn tay tài hoa với những ngón đàn tuyệt diệu:

Xuân độ ấy đương hồi ba bảy
Ánh hồng trang lộng lẫy mặt hoa
Não người vĩ rượu ngà ngà
Năm cung dìu dặt nảy qua phím đàn
Tiếng khoan thoảng thông ngàn gió thổi
Tiếng trong như hạc gọi xa xăm
Mạnh như Tiến Phúc sét gầm
Buồn như tiếng Việt Trang nằm đau rên

Đúng là một bữa tiệc âm thanh với biết bao cung bậc cảm xúc, bao nỗi niềm được giãi bày trên từng ngón xuân: dìu dặt, khoan nhặt, đục trong, mạnh mẽ mà cũng buồn da diết. Thưởng thức tiếng đàn, ai cũng ngỡ như “một khúc đàn hay tuyệt từ trời đưa xuống thế gian”. Người người đắm chìm trong sự mê hoặc của những điệu nhạc, quên cả mệt nhọc, quên cả thời gian:

Ai nấy nghe nhường quên mệt mỏi
Rõ tiếng đàn đai nội trung hòa
Tây Sơn quan khách la đà
Mảng vui quên cả tiếng gà tan canh

Người ca nữ chính là báu vật độc nhất vô nhị của đất Long Thành. Nhưng trớ trêu thay, cái đẹp, sự tài hoa ấy bị “trời đất ghen”, nó chỉ được trân trọng, nâng niu nhất thời. Càng quý trọng tài năng, nhà thơ càng bàng hoàng, thảng thốt khi hai mươi năm sau, ông gặp lại cô gái ấy với một dáng điệu khác hẳn:

Mé cuối tiệc một người nho nhỏ
Tóc hoa râm mặt võ mình gầy
Bơ phờ chẳng sửa đôi mày
Tài hoa ai biết đất này không hai

 Có ai nhận ra con người tài hoa nhất thành, lộng lẫy khoe hương tỏa sắc đêm nao, giờ đây lại già nua, võ vàng, chìm khuất thu mình ngồi cuối chiếu? Đâu rồi nét trẻ trung phong nhã năm nào? Đâu rồi sự ngẩn ngơ đến mê mẩn của những người thưởng thức bữa tiệc âm thanh? Thực ra ngón đàn tài hoa ấy không tàn phai theo thời gian như dáng vẻ con người. Nhưng không còn ai hiểu và trân trọng nàng như trước nữa. Chỉ có Nguyễn Du thấu cảm nên càng xót xa “lệ thương tâm ướt vạt áo là”. Có phải cái đẹp đã nhuốm màu phôi pha???

Như vậy, tiếp cận hai bài thơ chữ Hán đặc sắc “Độc Tiểu Thanh ký” và “Long Thành cầm giả ca”, người đọc cũng có thể hiểu được tài năng, tấm lòng nhân đạo vô biên của đại thi hào dân tộc. Nhà thơ đã bày tỏ niềm băn khoăn về lẽ đời biến thiên dâu bể,  nỗi đau đớn về thận phận người nghệ sĩ phương Đông thời phong kiến tài sắc nhưng bị số phận dập vùi. Ông xót xa vì những giá trị tinh thần lẽ ra được tôn vinh, lại bị chà đạp một cách phũ phàng. Khóc người, khóc mình là tiếng khóc của những tâm hồn đồng điệu. Sợi tơ lòng của Nguyễn Du đã ngân rung, chạm đến cõi thẳm sâu của tâm hồn người, lay động đất trời qua từng con chữ. 

Tình thương nối nhịp suốt nghìn năm sau

Sinh thời, Nguyễn Du đã từng day dứt, lo lắng: 

Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa
Người đời ai khóc Tố Như chăng?

Câu thơ bày tỏ  nỗi cô đơn đến rợn ngợp và niềm mong mỏi sự đồng điệu, tri âm hướng về hậu thế. Trong cuộc đời đầy trái ngang của mình, cụ Nguyễn Tiên Điền đã khóc cho biết bao kiếp người, đã đau cùng nỗi đau của nhân thế. Vì vậy, với tài năng trác việt, những thông điệp tình thương bằng thơ của ông đã chạm đến trái tim hàng trăm thế hệ. Chưa đến ba trăm năm sau, hậu thế đã hiểu và trân trọng cái Tâm, cái Tài của ông. Sức sống, sự lan tỏa của truyện Kiều, của thơ và nhân cách Nguyễn Du thời nay đã khẳng định điều đó. Người đời lẩy Kiều, tập Kiều, bói Kiều. Người đời không ngừng viết về Nguyễn Du và nghiên cứu các giá trị thơ ca của ông. Vì: “Hoàng Hà đã cạn, thơ Người vẫn sâu

Trong dòng  cảm xúc tri âm của hậu thế dành cho cụ Tố Như, người đọc bắt gặp thi sĩ núi Tản sông Đà khái quát cuộc đời đầy bi kịch của nàng Kiều rồi kết lại  bằng nỗi xót thương:

Bơ vơ nấm đất ven sông đó
Hồn có nghe chăng một tiếng đàn!
(Vịnh Kiều- Tản Đà)

Và không ai có thể quên được bài thơ ra đời giữa lúc giặc Mỹ mở rộng cuộc chiến tranh ra miền Bắc nước ta: “ Kính gửi cụ Nguyễn Du” của Tố Hữu. Bài thơ lục bát độc đáo này vừa gợi lại không khí truyện Kiều, vừa bày tỏ tiếng lòng hậu thế với bậc tiền nhân: 

Nửa đêm qua huyện Nghi Xuân
Bâng khuâng nhớ cụ, thương thân nàng Kiều
Hỡi lòng tê tái thương yêu…

Với sự cảm thông sâu xa tấn bi kịch của Tố Như và Thúy Kiều, Tố Hữu thể hiện tình yêu chân thành và ngợi ca thiên tài Nguyễn Du, đồng thời, huy động sức mạnh tinh thần của cha ông Nguyễn Du vào cuộc “Ra trận” hôm nay. 

Tiếng thơ ai động đất trời
Nghe như non nước vọng lời nghìn thu
Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du …

Thơ Nguyễn Du còn là nguồn sức mạnh tiếp cho hậu thế, để đấu tranh chống “quân Ưng Khuyển, bầy Sở Khanh” của thời hiện đại. Đó chẳng phải niềm tri âm sâu sắc và sự trân trọng? Đó chẳng phải thơ Nguyễn Du theo thời gian lại mang thêm những vẻ đẹp mới để trường tồn? Còn với Chế Lan Viên: “Nguyễn Du viết Kiều đất nước hóa thành văn” (Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?), và Mỗi trang Kiều rung một bóng trăng thanh” (Đọc Kiều). Kiệt tác “Truyện Kiều”, trong cảm nhận của tác giả “Ánh sáng và phù sa” luôn thấm đẫm tinh thần dân tộc, và mỗi trang thơ đẹp lung linh như bóng trăng thanh.

Có một mảng thơ mà rất nhiều người viết khi đến thăm mộ Nguyễn Du, kính viếng hương hồn thi nhân như nén tâm nhang, như ly rượu ấm, như vòng hoa thắm, như ngọn lửa hồng. Phan Trung Hiếu bày tỏ niềm tri âm sâu sắcvới nỗi đau đời của đại thi hào:

Truyện Kiều viết tự xa xưa
Tiếng kêu xé ruột bây giờ còn đau
Mộ thi nhân cỏ rối nhàu
Rượu ai rưới đẫm một màu tâm tư…
(Gã bán tơ)

Nhà thơ Hoàng Trung Thông cũng đã thắp nén tâm hương trong “Thăm mộ Nguyễn Du”:

Đời nay đẹp gấp mấy lần thuở trước
Giở trang Kiều còn rung động ý thơ
Thơ Người sống mãi cùng đất nước
Dù mai sau, dù có bao giờ…

Nguyễn Hữu Chỉnh đã “Nhớ cụ Nguyễn Du”:

Về Tiên Điền chiều nay
Cỏ xanh bên mộ cụ
Cùng truyện Kiều bất hủ
Trải màu xanh cuối trời…

Những thi nhân thời hiện đại vẫn thấm thía nỗi đoạn trường của Nguyễn Du, cùng Nguyễn Du. Không những thế, họ còn khẳng định thơ Người sẽ mãi dạt dào sức sống như “cỏ non xanh tận chân trời”. Đến nay, những niềm tri âm đối với cụ Tố Như đã trở thành không biên giới. Đặc biệt, kiệt tác “Truyện Kiều”, nỗi đau đứt ruột của tác giả đã làm nhói buốt trái tim bạn đọc thế giới. Nhà thơ Hunggari Hollo Andrase đã viết một tứ thơ độc đáo, vừa triết lý cô đọng, vừa ấm nồng sức gợi, sức ngân vang:

Anh đừng nói : rêu xanh
Xin hãy nói: ký ức không tàn

….

Anh đừng nói: suối vàng
Xin hãy nói: tơ đời không thể dứt
(Từ những điều Nguyễn Du dạy – Trương Đăng Dung dịch)

Hậu thế đã khóc Tố Như, đã trân trọng trái tim nhân đạo mênh mông và ngưỡng mộ tài năng bậc nhất của đại thi hào. Những tâm hồn đồng điệu lan tỏa và đan kết thành nguồn cảm xúc thấm đẫm chất nhân văn. Nguyễn Du và thơ ông mãi sống hôm nay và mãi mai sau.

…Trong kiệt tác “Truyện Kiều”, đại thi hào từng khẳng định:

“Thiện căn ở tại lòng ta
Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”

Câu thơ đề cao cái Tâm của người nghệ sĩ, cái Tâm với nghiệp văn chương và với đời. Nhưng thực ra, sự bất hủ của tác phẩm Nguyễn Du chính là sự kết hợp hài hòa, vi diệu của cả Tâm và Tài. Để từ đó, thơ ông đã ra đời từ những bể dâu ngang trái và bao quằn quại đớn đau của kiếp người. Nếu “nghệ thuật là nỗi buồn về cái đẹp” thì thi  phẩm Nguyễn Du là những điệu buồn da diết, mênh mang về bao kiếp tài hoa bị “trời đất ghen”, về cái đẹp bị số phận dập vùi phũ phàng, là tiếng khóc tức tưởi về thế thái nhân tình. Trái tim Nguyễn Du đã vỗ nhịp trong những vần thơ, tạo nên sự hòa cảm và sức lay động diệu kỳ. 

Tri âm Nguyễn Du, sự đồng điệu của những tâm hồn sẽ góp phần làm cho tên tuổi của ông ngày càng chói sáng và vươn xa hơn nữa. Tri âm Nguyễn Du, những tấm lòng nhân hậu, bao dung sẽ phát tán khắp nơi cho giá trị nhân văn được tôn vinh, cho văn chương mãi bồi đắp hồn người.