Năm “Canh” sáu “Khắc”, cộng lại mới chỉ mười một ?!

Người Việt xưa tính các giờ trong ngày như thế nào? - Redsvn.net

Theo tính toán của người xưa, để tính thời gian trong một ngày và một đêm, người ta chia ra làm 12 giờ, từ giờ Tý đến giờ Hợi. Ban ngày được tính bằng Khắc; ban đêm tính bằng Canh. Ta thường nghe những câu quen thuộc: Đêm năm canh, ngày sáu khắc.
hay:
Canh Một dọn cửa, dọn nhà
Canh Hai dệt cửi, canh Ba đi nằm…
hoặc:
Nửa đêm giờ Tý canh Ba…

Trước khi tìm hiểu tại sao lại có “Đêm năm canh ngày sáu khắc” thì cũng cần biết cách đo thời gian của người xưa. Dụng cụ để đo thời gian người xưa thường dùng là:

1. Nhật quỹ: Đồng hồ đo bóng mặt trời
2. Lậu khắc hay Lậu hồ: đồng hồ đo bằng nước hay bằng cát.
3. Hương triện: đồng hồ đo bằng hương.

Với câu Nửa đêm giờ Tý canh Ba thì chúng ta có thể đoán được chữ nửa đêm (tức khoảng 12 giờ đêm hoặc 0 giờ), còn giờ Tý canh Ba (tức khoảng 23 giờ đêm đến 1 giờ sáng).

Về nguồn gốc từ canh thì theo Tiết Quý Tuyên, một học giả đời Tống khoảng giữa thế kỷ XII cho rằng: ngoài Lậu hồ và Nhật quỹ là hai dụng cụ để xem giờ, người ta còn dùng Hương triện để xem, nhất là về ban đêm. Hương triện có thể là hương vòng (nhang vòng). Trên hương vòng có vẽ 5 dấu để định 5 canh. Nếu muốn thức dậy canh nào, người ta buộc một vật nặng nhỏ vào vòng hương, vào khoảng giờ muốn dậy. Hương cháy đến đó sẽ làm rơi vật nặng ấy xuống một cái chậu đồng, gây nên tiếng động để đánh thức người dậy. Người ta cũng có thể dùng những hộp hương khắc hình chữ Thọ theo kiểu chữ Triện, hương cháy đến đâu sẽ cho biết đêm đã đến canh mấy.

Nhật quỹ – đồng hồ đo bóng mặt trời

Như thế, canh là đơn vị phổ biến để đo thời gian vào ban đêm đã có từ xa xưa, có thể xuất phát từ Trung Quốc.

Thế còn đơn vị khắc trong câu “Đêm năm canh ngày sáu khắc” có nghĩa là gì?
Học giả Hoàng Xuân Hãn trong cuốn Lịch và Lịch Việt Nam cho biết:

“Theo lịch Á Đông xưa, Khắc có nghĩa là 1 phần 100 của ngày, tức là 14 phút 24 giây. Gốc của danh từ này này là cái thẻ mang nét khắc trỏ giờ và khắc được đặt nổi trên mặt nước của thùng nước dưới của đồng hồ”.

Hai loại lậu hồ

Xem thế thì đơn vị khắc được GS Hoàng Xuân Hãn định nghĩa ở trên không thể là đơn vị tính thời gian của ban ngày – ngày 6 khắc, vì 6 khắc chỉ chưa đầy 90 phút! Vậy khắc ở đây là…bao nhiêu!?

Tự điển Hán Việt của Đào Duy Anh giải nghĩa Khắc là thời gian; Việt Nam tân từ điển của Thanh Nghị ghi rõ hơn:

“Khắc: 1. Một phần tư giờ, mười lăm phút.
2. Theo xưa thì một phần sáu trong một ngày.
Nghĩa rộng: Khoảng thì giờ ngắn”

Như thế, nghĩa của từ khắc được tác giả Thanh Nghị định nghĩa là 1 phần 6 của ngày, tức một ngày bao gồm 6 khắc. Nhưng…nếu tính cứ 1 canh hay 1 khắc là một giờ xưa thì 5 canh 6 khắc mới chỉ có …11 giờ !

Vậy còn đâu 1 (đơn vị) giờ nữa !?

Đã có sự giải thích nghe rất “có lý” như sau: “Để tính thời gian của một ngày đêm, người ta chia từ giờ Tý (tức là từ 23 giờ tối hôm trước đến 1 giờ sáng hôm sau)… và giờ Hợi (từ 21 giờ đến 23 giờ trong ngày).

Giờ Tý: 23 giờ → 1 giờ sáng
Giờ Sửu: 1 giờ → 3 giờ
Giờ Dần: 3 giờ → 5 giờ (Giờ Cọp đi ăn trở về lại rừng)
Giờ Mão: 5 giờ → 7giờ
Giờ Thìn: 7 giờ → 9 giờ
Giờ Tỵ: 9 giờ → 11 giờ
Giờ Ngọ: 11giờ → 13 giờ (đúng Ngọ tức là 12 giờ trưa)
Giờ Mùi: 13 giờ → 15 giờ
Giờ Thân: 15 giờ → 17 giờ
Giờ Dậu: 17 giờ → 19 giờ (Giờ Gà lên chuồng ngũ)
Giờ Tuất: 19 giờ → 21giờ
Giờ Hợi: 21 giờ → 23 giờ

Hương triện (đồng hồ hương)

Người xưa rất chú trọng về thời gian của ban đêm (tối lửa, tắt đèn). Các chính quyền thời phong kiến đặt ra các viên tuần kiểm (tuần tra ban đêm) nhằm báo hiệu giờ, khắc theo từng thời gian trôi qua trong một đêm, bằng tiếng hiệu lệnh của :kẻng”. Họ nghĩ rằng, mỗi đêm chỉ có 10 giờ (từ 7 giờ tối đến 5 giờ sáng), nó trùng với Thập Can, mà Thập Can lại bắt đầu bằng chữ “Canh → 0”, từ đó họ chia một đêm (10 giờ) thành 5 canh (từ canh 1 tới canh 5).

Canh 1: Từ 19 giờ đến 21 giờ tức giờ Tuất
Canh 2: Từ 21 giờ đến 23 giờ khuya tức giờ Hợi
Canh 3: Từ 23 giờ đến 1 giờ sáng tức giờ Tý
Canh 4: Từ 1 giờ đến 3 giờ sáng tức giờ Sửu
Canh 5: Từ 3 giờ đến 5 giờ sáng tức giờ Dần

Vì ban ngày là rõ ràng minh bạch, do vậy phải định vị thời gian cho thật chuẩn xác theo từng giờ, nên vào thời gian nào thì có tên gọi đúng như vậy, chẳng hạn, giờ Ngọ là giữa trưa (từ 11 giờ sáng đến 1 giờ chiều).

Mọi người hay nhầm tưởng là ban đêm tính bằng canh và ban ngày tính bằng khắc, thật ra, không phải là như vậy. ” Đêm 5 Canh, Ngày 6 Khắc” chỉ là nhân cách hóa sự chờ đợi, theo thời gian mà thôi, ở đây là cách phân biệt giữa ban ngày và ban đêm, cũng như người ta nói “49 gặp 50” vậy. Ban ngày không tính bằng “Khắc” mà tính theo từng giờ giấc quy định của thuật Can Chi (Tý, Sửu, Dần Mão..)…”

Điều này cũng được một số nhà nghiên cứu tử vi ra công tính toán theo thời gian của đồng hồ hiện đại như sau:
Sau khi trừ ban đêm 5 canh ( tức 10 giờ), còn lại 14 giờ (tức 60ph x 14 =840 phút), đem chia cho 6 khắc nên mỗi khắc có 140 phút, tức 2 giờ 20 phút !

Có thể nói rằng những sự giải thích trên hoàn toàn chỉ dựa trên sự “suy luận cho có lý” của người đời sau mà thôi ! Đơn giản là từ rất xa xưa, đơn vị thời gian đã được tính bằng đồng hồ, cho dù đồng hồ bằng cát hay đồng hồ nước thì dứt khoát đơn vị phải bằng nhau, không thể có chuyện ban ngày ngắn hơn ban đêm hay ngược lại được !

Phân chia giờ ngày trước

Để lý giải điều này, trong tập thơ Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều (Nxb VHDT, 2004) do tác giả Lý Thái Thuận chú giải có bốn câu:

“Ngày sáu khắc tin mong nhạn vắng
Đêm năm canh tiếng lắng chuông rền
Lạnh lùng thay giấc cô miên
Mùi hương tịch mịch bóng đèn thâm u…”

Trong phần chú thích các câu thơ trên, tác giả đã lý giải:

Xưa, một ngày được chia ra làm 12 giờ, đặt khởi điểm ở giờ Tý. Ban ngày chia làm 6 giờ gọi là 6 khắc, kể từ giờ Mão đến giờ Thân (khoảng 5g sáng đến 17g chiều)
Ban đêm chia ra 5 canh từ giờ Tuất đến giờ Dần (khoảng từ 19g đến 5 g sáng hôm sau).

Riêng giờ Dậu ( khoảng 17g đến 19g) được xem là thời điểm tranh tối tranh sáng, không hẳn thuộc ngày cũng không hẳn thuộc đêm.

Ngày trước, tiếng chiêng thu không (thu cái không gian ban ngày lại ) đánh lên vào thời điểm này để cho người dân biết là đã đến giờ đóng cửa thành. Cũng theo quan niệm của người xưa về quan hệ Âm Dương tuần hoàn sinh diệt, thì Dương phải lấn hơn Âm một điểm để cái diệt không bị diệt hẳn, và cũng từ cái diệt đó mà sinh khởi. Do đó giờ Dậu được coi là không thuộc về ngày cũng không thuộc về đêm.

Trên đây là cách giải thích đúng đắn nhất về “Năm canh sáu khắc” dựa vào triết thuyết m Dương Ngũ hành của người xưa; một triết thuyết lý giải mọi sự tồn tại, vận hành của vũ trụ, của không gian và thời gian…

******
Tài liệu tham khảo:

-Hoàng Xuân Hãn ,phần Lịch & lịch Việt Nam (trong tác phẩm được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh),Nxb KHXH, 2003.
-Đào Duy Anh, Hán Việt từ điển, Nxb Trường Thi, 1957.
-Thanh Nghị, Việt Nam tân từ điển, Nxb Thời Thế, SG, 1952.
-Nguyễn Gia Thiều- Cung oán ngâm khúc,Trần Kim Lý Thái Thuận diễn giảng, Nxb VHDT, 2004.
-Thiên văn học cổ Trung Hoa, Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ, (Bản sách điện tử).