Vấn đề nguồn gốc của Thục Phán đã gây tranh cãi trong nhiều năm qua, nguồn sử liệu cho rằng Thục Phán là vương tử nước Thục chạy xuống mà lập nước Âu Lạc, nhưng khảo cổ không phát hiện cổ vật Thục tại miền Bắc Việt Nam, cũng như ở bài viết này, tác giả Lam Hồng Ân đã dẫn một hướng nghiên cứu mới về cách gọi của Thục Phán, cho rằng ông là người của dân Việt nói hệ ngữ Tai-Kadai. Nên câu chuyện về Thục Phán và Hùng Vương có thể chỉ là câu chuyện nội tộc của người Việt. 

Vào năm 1995, Lam Hồng Ân viết bài Thục Vương Tử chăng? Hay là Trúc Vương Tử? Đặt vấn đề nghi vấn đoi với nguồn gốc của An Dương Vương ( “Thục Vương Tử chăng? Hay là Trúc Vương Tử? Đặt vấn đề nghi vấn đối với nguồn gốc của An Dương Vương” trong Đàm Nãi Xương (Chủ biên), Tập luận văn về dân tộc ngôn ngữ Choang Đong, Nxb. Dân tộc Quảng Tây, Nam Ninh, 1995 ). Trong đó, tác giả đã điểm lại ghi chép trong các thư tịch cổ Trung Quốc, sau đó dưa ra mấy vấn đề như sau:

– Có thể khẳng định: Thời đại An Dương Vương cùng thời với nước Nam Việt của Triệu Đà, Trung Quốc.

– Có thể khẳng định: Lạc Việt đương thời có Quân trưởng tức là Vương được chép trong sử.

– Nhưng Vương này có phải là An Dương Vương của Thục Vương Tử hay không lại càng rất nghi ngờ. Lý do: phần nhiều sử gia hiện nay thường cho rằng Thục Vương Tử là dòng dõi của Khai Minh Vương, căn cứ vào ghi chép của sách ‘Hoa Dương quốc chí’. mùa Thu năm thứ 5 Chu Thận Vương (tức là niên hiệu Hậu Nguyên thứ 9 đời Tần Huệ Văn Vương, năm 316 TCN), các quan Đại phu của Tần là Trương Nghi, Tư Mã Thác, Đô úy Mặc… từ Thạch Ngưu Đạo đánh Thục, Thục Vương từ Hà Minh chống cự lại, nhưng bị thua trận. Vương chạy trốn, đến Vũ Dương bị quân Tần sát hại. Các quan văn, quan võ, cùng Thái tử lui về Phùng Hương, chết ở Bạch Lộc Sơn. Họ Khai Minh bị diệt vong”. Năm Tần Thủy Hoàng thứ 33 (tức năm 214 TCN) bắt đầu bình định được Lĩnh Nam, đặt ra ba quận, Triệu Đà khi đó mới đóng quân tại Lĩnh Nam, cách thời điểm Khai Minh Vương bị diệt vong đã 102 năm, Vương Tử của họ làm thế nào còn lại trên nhân gian? Tác giả cho rằng Thục Vương Tử đã bị đánh bại, khó có cơ hội tìm được đường thông xuống tận vùng Giao Chỉ xa xôi.

– Tác giả còn nghi ngờ, Thục là một dân tộc có nền văn hóa lâu đời, truyền xuống Lạc Việt đã hàng trăm năm, nhưng cho đến nay, khảo cổ học vẫn chưa phát hiện được các đồ vật của nền văn hóa Thục. Cụ thể, tác giả đưa ra ghi chép trong Hoa Dương quốc chí về phong tục của Thục Khai Minh Vương: “Mỗi khi Vương chết thì dựng hòn đá to (đại thạch) dài 3 trượng, nặng nghìn cân (tương đương 500kg) làm mộ chí, nay là Măng đágọi là Duẩn lí (Cột măng), chưa có đặt thụy hiệu, nhưng lấy năm mầu làm chủ, cho nên miếu đó gọi là Thanh đế, Xích đế, Hắc đế, Hoàng đế, Bạch đế.

Theo tác giả: “Người cổ đại rất coi trọng những đồ vật sùng bái của dân tộc mình, vì thế cho đến nay (1995) tại Bắc Bộ Việt Nam hiện chưa tìm thấy những di chi khảo cổ như trên, do đó khó có thể nói rằng Thục Vương Từ đã từng đến vùng này”.

Tác giả còn đưa ra một cách giải thích về họ cùa An Dương Vương xuất phát từ truyền thuyết lưu hành trong một số địa phương Trung Quốc. Câu chuyện liên quan đến nỏ thần của An Dương Vương được lưu truyền trong một địa bàn khá rộng từ phía bắc khu vực dân tộc Đồng tại tỉnh Hồ Nam, sang đông bắc khu vực dân tộc Bố Y, phía nam đến biên giới hai nước Trung Quốc – Việt Nam.

Nội dung khái quát của truyền thuyết đó như sau: có một thanh niên tài giỏi, được Thần nhân trao cho một cái cung thần và ba mũi tên và yêu cầu người thanh niên đợi đến sáng ngày thứ 49, bắn ba mũi tên vào kinh thành thì có thể làm vua trong thiên hạ. Nhưng người thanh niên này không có tính kiên trì, trong lòng suy nghĩ: nếu là tên thần thì mình thử bắn, chẳng cần đợi đủ ngày. Vì vậy, chỉ mới đến ngày thứ 48, người thanh niên đã đem bắn cả ba mũi tên về phía kinh thành. Khi bắn mũi tên thứ nhất, mũi tên cắm ngay vào trên bảo tọa của nhà vua đương trị vi. Do hôm đó buổi sáng nhà vua chưa tỉnh giấc, nên mũi tên không làm ai bị thương. Mũi tên thứ hai bắn ra cắm đúng vào long sàng, may mắn nhà vua vừa tỉnh dậy và đã xuống giường, vì vậy cũng không làm nhà vua bị thương. Mũi tên thứ ba hướng vào ngực của nhà vua, đúng khi vua đang rửa mặt, mũi tên bay đến xuyên vào khăn rửa mặt. Nhà vua hiểu ngay hiện đang có người muốn làm phản, lập tức sai quân lính đi truy bắt, và kết cục người thanh niên đó bị chém đầu. Trước khi chết, người thanh niên dặn người nhà chăm sóc rặng tre sau nhà. Ngày hôm sau, có chiếc đòn khênh kiệu của một vị quan bị gẫy, sai người đến rặng tre đó chặt làm chiếc đòn mới. Lúc chặt cây tre thấy máu chảy ra xối xả, viên quan liền cho chặt hết cả rặng tre. Nghe nói, nếu nguời thanh niên đợi đủ 49 ngày thì số quân lính và ngựa trong lòng cây tre mới mở mắt, khi đó sẽ có hàng nghìn, vạn quân. Sau khi ba mũi tên bắn trúng nhà vua, người thanh niên sẽ có được thiên hạ.

Câu chuyện trên có một đặc điểm, được lưu truyền ở vùng nào thì thường gắn với họ của các Thổ ty, Thổ tù nơi đó, thí dụ: vùng trung du sông Hồng là địa bàn của họ Vi, người thanh niên đó có họ tên là Vi Hổ Thần, Vi Kim Luân. Lưu truyền ở vùng Tả Giang thì lại mang họ của Thổ ty họ Sầm, có tên là Sầm Tốn, Sầm Thắng, bên Hữu Giang thì là vùng đất cũ của Hoàng Đăng Đồng thời cổ, nên có họ tên là Hoàng Cửu Tiêu, Hoàng Hoa…

Theo tác giả Lam Hồng Ân, câu chuyện trên có nguồn gốc từ câu chuyện Trúc vương của Dạ Lang. Đồng thời, Thổ tù, Thổ ty các địa phương đều chấp nhận câu chuyện này và đưa họ tộc vào vì họ muốn thừa nhận là con cháu của Trúc Vương để đề cao địa vị gia tộc của mình. Câu chuyện của An Dương Vương và của Trúc Vương đều thể hiện chủ đề sùng bái nỏ thần tên thần, tác giả họ Lam cho răng: An Dương Vương là họ Trúc chứ không phải họ Thục, lý do như sau:

a. Từ góc độ sử liệu: sách Giao Châu ngoại vực ký và Quảng Châu ký đều không chép việc An Dương Vương bị giết, chỉ có Nam Việt chí viết: [Người] Việt bèn giết An Dương Vương và chiếm luôn đất đó, nhưng sách Nam Việt chí lại chép nhầm từ chữ Lạc thành chữ Hùng. Hơn nữa, câu chuyện Truyện rùa vàng của Việt Nam cũng không chép An Dương Vương bị giết, mà chép: Rùa vàng rẽ nước, dẫn Vương xuống biển, các đời truyền nhau Dạ Sơn, xã Cao Xá, Diễn Châu là nơi này. Có thể nhận thấy, An Dương Vương không chết mà chỉ bị thua chạy, thư tịch sau này cũng không thấy ghi chép có người Thục ở Việt Nam. Theo sách An Thuận phủ chí có chép: Lang Đãi là Dạ Sơn thời cổ, Dạ Lang tức từ tên Dạ Sơn mà gọi vậy. Dạ Sơn ở địa giới phủ Hưng Nghĩa, sảnh Phủ An, là núi phân chia của Nhị Bàn. Vào thời cổ, mỗi một tộc người khi di cư, để tường nhớ Tổ tiên, họ thường đem địa danh nơi thờ cúng Tổ tiên đặt tên cho nơi cư trú mới. Núi Dạ Sơn ở Diễn Châu, cùng tên với núi Dạ Sơn của Dạ Lang. Vì thế, đây là một minh chứng cho việc An Dương Vương là người Dạ Lang tự xưng hậu duệ của Trúc Vương. Đến đời Đông Hán, Việt Nam hiện nay không thấy sự xuất hiện của người Dạ Lang. Sách Hậu Hán thư, Nhâm Diên truyện chép: đầu thời Kiến Vũ (sách Tư trị thông giám chép: năm Kiến Vũ thứ năm, tức năm 29), sai [Nhâm] Diên làm Thái thú Cửu Chân… Man Di ngoài biên giới Dạ Lang mộ nghĩa bảo vệ biên tái, Diên liền lệnh dừng việc trinh thám đợi quân lính. Phần An Đe kỳ trong cùng sách Tư trị thông giám cũng chép: năm Vĩnh Sơ thứ nhất (năm 107), Man Di Dạ Lang ngoài biên giới dâng đất nội thuộc, mở rộng biên cành đến 1.840 dặm. Sách Nguyên Hòa quận huyện chí chép: Phong Châu, là vùng đắt cổ của nước Dạ Lang, xét trong địa giới huyện Tân Xương nay có khe Dạ Lang (Dạ Lang khê). Những sử liệu trên đều chứng minh: di tích về Trúc Vương ở khắp nơi, mà di tích về Thục Vương hoàn toàn vắng bóng.

b. Từ góc độ ngữ âm học: nếu đọc cả hai từ Trúc Vương và Thục Vương bằng tiếng tộc Choang phương Nam, phát âm giống nhau. Trúc tử tiếng Choang là Gocuk, Lạp chúc là Laocuk, đều đọc là Cuk. Tiếng Choang đọc các âm Thục và Trúc đều phát âm bằng z, không phát âm s. Có thể thấy âm Thục và âm Trúc rất dễ đọc nhầm, người thời cổ khi đến phương Nam, phải qua hai lần phiên dịch mới ghi chép được câu chuyện, vì thế có khả năng xảy ra việc viết chữ Trúc nhầm thành chữ Thục.

c. Giải thích ngữ nghĩa từ tên gọi Phán của Thục Vương Tử cũng có thấy nguồn gốc của nhân vật này theo ngữ hệ tộc Choang.

Theo thư tịch Trung Quốc, chỉ xưng là Thục Vương Tử mà không có tên, cho đến người Việt Nam ghi chép lại câu chuyện này mới bắt đầu xuất hiện cách nói tên Phán. Cách phát âm Phán và Bàn tương đồng, người Thái gọi người đi săn là Bàn. Trong truyền thuyết của dân tộc Thái, loài người phải trải qua thời đại Bàn tức là thời đại săn bắn. Thục Vương Tử tên là Phán, thực sự là người đi săn. Người đi săn có tài thiện xạ, vì thế rất sùng bái cung tên, cung thần, tên thần là những đồ vật mà họ ngưỡng vọng. Nguồn gốc của câu chuyện thần thoại bắt nguồn từ cuộc sống của người đi sàn (ngày nay người tộc Choang còn kiêng kị trong đi săn, lên núi cũng gọi là Bàn).

Trong truyền thuyết dân gian Việt Nam, người đi săn này có quan hệ mật thiết với Hùng Vương (Lạc Vương). Theo thư tịch Việt Nam, sách Đại Việt sử ký toàn thư, Ngoại kỷ chép câu chuyện Sơn Tinh Thủy Tinh. Nội dung chính như sau: Hùng Vương (Lạc Vương) có người con gái tên là Mỵ Nương, Sơn Tinh (Sơn thần) và Thủy Tinh (Thủy thần) cùng đến cầu hôn, Vương gả cho Sơn Tinh. Thủy Tinh tức giận mà dâng nước lên cao để báo thù. Sơn Tinh dạy dân biết dùng tre (trúc) đan thành các dụng cụ ngăn đắp nước lụt, lại dùng nỏ thần bắn các loài thủy quái. Sau này trở thành mối thù truyền kiếp, Thủy Tinh hàng năm đều gây ra cảnh lụt lội để tấn công Sơn Tinh. Từ góc độ câu chuyện dân gian cho thấy Sơn Tinh chính là người đi săn, mà người đi săn cũng có thể là hóa thân của Trúc Vương, vì vậy Thục Phán là người đi săn của Trúc Vương.

d. Dạ Lang là một thế lực chính trị khá mạnh xuất hiện thời Chiến quốc, Tư Mã Thiên trong phần mở đầu của Tây Nam di truyện sách Sử ký đã viết: Quân trưởng Tây Nam di có đến mấy chục, Dạ Lang là lớn nhất. Tướng Đường Mông đương thời khi dâng thư gửi lên vua Hán đã báo cáo: tất cả tinh binh của Dạ Lang lên tới hơn 10 vạn người. Vì thế, sau này khi sứ giả nhà Hán sang Dạ Lang, Quốc quân của Dạ Lang dám đặt câu hỏi: Hán với ta, ai mạnh hơn? Điều này càng chứng minh: Dạ Lang đương thời là một thế lực chính trị khá mạnh. Thế lực này hình thành dựa trên cơ sờ tình thần là thần thoại về Trúc Vương.

Với những lý do trên, tác giả Lam Hồng Ân cho rằng An Dương Vương được gọi là Thục Vương Tử phải là Trúc Vương Tử, không nhất định là người Dạ Lang, mà có thể là một bộ tộc có cùng văn hóa Dạ Lang, cũng có thể xưng là Trúc Vương Tử. Trong truyền thuyết văn hóa Việt Nam cũng tồn tại những chứng cứ như vậy: vùng Tả Giang của Trung Quốc cổ đại có một nước gọi là Nam Cương, Nước Âu Lạc thống hạt 9 bộ, là vùng phía nam Quảng Tây và phía bắc Cao Bằng của Việt Nam ngày nay. Vua nước này tên là Thục Chế, con là Thục Phán. Thục Phán được giao làm vua khi còn nhỏ tuổi, các bộ đều không phục, đem quân bao vây Kinh thành, muốn phân chia đất nước. Thục Phán dùng mưu trí chiến thang cả 9 bộ, chính thức lên ngôi vua. Sau này, Thục Phán đem quân tiến công Văn Lang ở phương Nam, Văn Lang hàng phục, Thục Phán bèn xưng là An Dương Vương.

Tác giả đưa ra kết luận: Thục Vuơng Tử không phải là tộc Thục của Khai Minh thị, mà thuộc các dân tộc ngữ hệ Choang cùng nền văn hóa với Dạ Lang.

Lịch sử Việt Nam, tập 1, Viện Sử học, Viện Hàn Lâm Khoa học – Xã hội Việt Nam, Xuất bản năm 2017