Từ rất lâu, khi nói đến văn hóa làng – nét văn hóa của nông thôn người Việt, ai cũng liên tưởng đến những hình ảnh rất đặc trưng làm nên biểu tượng của làng quê. Đó là những hình ảnh “cây đa, bến nước, sân đình…”. Từ bao đời nay, đình làng là hình ảnh thân quen, gắn bó với tâm hồn của mọi người dân Việt; là nơi chứng kiến những sinh hoạt, lề thói và mọi đổi thay trong đời sống xã hội của làng quê qua bao thế kỷ. Ngôi đình làng trang trọng và thiêng liêng, nó gần như là đại diện, là biểu tượng của quyền lực làng xã; cùng với ngôi chùa làng, đình làng là hình ảnh tiêu biểu cho mỗi làng quê trên khắp mọi miền đất nước.

Cổ xưa ngôi đình làng 800 năm tuổi | | Kiến thức xây dựng

Nhiều tư liệu cổ sử đã ghi chép về nguồn gốc ngôi đình của người Việt. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: năm 1156 nhà Lý làm hành cung Ngự Thiên, trong tổng thể kiến trúc có “đình Thưởng Hoa”.

Theo nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền trong bài viết đăng trên tạp chí Văn hóa nghệ thuật (số 4-1983) thì ngôi đình cổ xưa nhất ở miền Bắc là đình cạnh động Thiên Tôn thuộc khu di tích Hoa Lư; đây là nơi còn lưu dấu tích của thời Đinh, Tiền Lê, Lý. Song đó là dịch đình (đình trạm) chứ không phải là đình làng thờ thần như sau này. Mặt khác, ông cũng cho biết trên văn bia chùa Linh Xứng (Thanh Hóa) dựng năm 1126 có ghi: “Kề sông có một đình nhỏ. Thường thuyền bè qua lại dừng đó để nghỉ ngơi…”.

Điều đó chứng tỏ rằng đình thời xa xưa là đình trạm, mục đích để cho mọi người nghỉ chân. Dưới thời nhà Trần, (Trần Thái Tông 1225-1400), sách Đại Việt sử ký toàn thư chép:

“Thượng hoàng xuống chiếu rằng trong nước ta, phàm chỗ nào có đình trạm đều phải tô tượng Phật để thờ. Thượng hoàng khi còn hàn vi, thường nghỉ ở đấy, có một nhà sư bảo rằng: “Người trẻ tuổi sau này phải đại quý”, nói xong thì không thấy nữa. Đến nay, lấy được thiên hạ, mới có mệnh này”.

Qua đó, ta thấy đến đời nhà Trần, đình cũng chưa có chức năng thờ Thần. Ngoài mục đích để mọi người nghỉ chân; đình đã có thêm chức năng tín ngưỡng thờ Phật, do các vua Trần đều là những vị vua hâm mộ đạo Phật. Cùng với những biến thiên của lịch sử, làng xã trở thành đơn vị hành chánh cơ sở; từ đó hình thành nhu cầu có một ngôi nhà chung đảm nhận chức năng tín ngưỡng lẫn chức năng thế tục của làng xã. Đình làng đã dần được hình thành và trở thành biểu tượng của văn hóa làng xã, là nơi sinh hoạt tâm linh của cư dân mà trước hết, đó là nơi thờ tự Thành hoàng, vị Thần chung của dân làng.

Đình làng Việt Nam là một trong những công trình kiến trúc quan trọng của làng, là bộ mặt của làng nên việc xây dựng đình thế nào cho đẹp, cho uy nghi, bề thế luôn được cộng đồng dân làng chú trọng. Đình làng thường được xây dựng ở nơi không gian quang đãng, rộng rãi, có cây cối rậm mát, gần núi đồi, sông; hoặc là ở nơi trung tâm của làng, thuận đường nối với các ngõ, thôn. Xuất phát từ quan niệm tín ngưỡng dân gian, ngôi đình còn ảnh hưởng đến sự bình an, thịnh vượng hay nghề nghiệp của dân làng, do đó hướng của đình hay vùng đất dựng đình đều theo những quy tắc của thuật phong thủy hay địa lý. Sự an lành, thịnh vượng của dân làng nhiều hay ít đều tùy thuộc vào hướng đình tốt hay không.

Sân đình thường rộng rãi, có giếng nước, cây cổ thụ; phần lớn là cây đa. Cột đình (tán chân cột bao giờ cũng lớn ) bằng gỗ thiết. Các đầu bẫy đều có chạm trổ, tùy theo từng thời kì mà có những hoa văn cổ kính. Câu đối, hoành phi, nghi trượng (trống, chuông, ngai, kiệu, ngựa…) là các vật mà dân làng tự hào về ngôi đình của mình. Nhiều đình có tượng Thành hoàng, có hòm sắt bảo quản kỹ lưỡng cùng với ngọc phả được bảo vệ chu đáo, ít khi mở ra. Giá trị văn hóa và lịch sử của những đạo sắc, thần phả, chuông trống, hoa văn chạm khắc…ở các đình làng là những tài liệu quý báu cho việc nghiên cứu lịch sử làng xã.

Cách thiết kế đình thường thống nhất. Từ ngoài vào là cổng đình, sân đình, hai bên là dãy tả hữu đối diện nhau, rồi đến nhà tiền tế, tòa đại đình, sau là hậu cung. Nghệ thuật kiến trúc độc đáo của đình là ở tòa đại đình. Đình lớn gồm 9 gian hoặc 7 gian, đình nhỏ ít gian hơn, nhưng kiến trúc vẫn bề thế, quy mô so với tất cả đền, chùa, miếu, điện trong làng. Các đình đều là nơi tập trung các tác phẩm điêu khắc độc đáo. Đề tài thông thường là long, ly, quy, phượng (tứ linh) hay thông, mai, cúc, trúc (tứ quý); đặc biệt là hình ảnh về hoạt cảnh dân gian, những hình ảnh thân thuộc ở làng quê.

Như đã viết, đình làng cũng là nơi diễn ra những sự kiện về đời sống xã hội của người Việt. Đình còn là trụ sở hành chánh xã thôn; nơi hội họp của Hội đồng Kỳ mục, là nơi phân chia công điền công thổ; giải quyết các vụ tranh chấp, thu thuế, thúc sưu…Đây cũng là nơi phạt vạ ăn khao. Ngoài ra, đình còn có chức năng không phải làng nào cũng có được, đó là nơi được dùng làm hành cung mỗi khi nhà vua đi qua làng trú ngụ.

Trong những ngày hội làng hay giỗ Thành hoàng, đình trở thành trung tâm văn hóa của làng. Tất cả kho tàng tích lũy văn hóa từ đời này sang đời khác đã được trưng bày ở nơi đây với sự tham gia có tính tự nguyện của người dân trong làng. Điều đó được thực hiện trong tất cả các ngôi đình trải dài khắp đất nước; từ các vùng đất cổ phía Bắc đến các vùng đất Nam bộ mới hình thành. Trong sách Gia Định thành thông chí, cụ Trịnh Hoài Đức (1765 – 1825) đã ghi chép về sinh hoạt của đình Nam bộ như sau:

“Tế của làng xã. Mỗi làng có dựng một ngôi đình, ngày cúng tế phải chọn cho được ngày tốt, đến buổi chiều ngày ấy lớn nhỏ đều nhóm tại đình, họ ở lại suốt đêm ấy, gọi là túc yết. Sáng ngày mai học trò lễ mặc áo, mão, gióng trống khua chiêng làm lễ chánh tế. Ngày sau nữa làm lễ dịch tế, gọi là đại đoàn, lễ xong lui về. Ngày giờ cúng tế tùy theo tục từng làng không đều nhau, hoặc lấy tháng Giêng cầu phúc gọi là Tế xuân; hoặc lấy tháng 8, 9 báo ơn thần là Tế thu, hoặc lấy trong 3 tháng mùa đông là tế tròn năm thành công. Tế chưng, tế lạp chạp là đáp tạ ơn thần. Việc tế đều có chủ ý chung gọi là Kỳ yên. Ngoài tế phẩm ra, có mổ trâu, bò và ca hát hay không ấy là tùy lệ từng làng. Việc ngồi có thứ tự đều nhượng cho vị quan chức ngồi trên, hoặc làng nào có học thức thì làm theo lễ Hương ẩm tửu, cùng giảng quốc luật và hương ước, ấy gọi là làng có tục tốt. Cũng trong ngày ấy, xét sổ sách làng coi trong một năm ấy thâu nạp thuế khóa, tiêu dịch, lúa tiền thiếu thế nào, ruộng nương được mất thế nào trình bày tính toán công khai; rồi cử người chức sự làm việc làng và cũng bàn giao chức vụ trong ngày ấy…”

Có thể nói rằng ngôi đình làng đã có một vai trò hết sức quan trọng trong đời sống văn hóa và tín ngưỡng của người Việt xưa. Nếu ở thời kì đầu, làng mới chỉ là nơi trú ngụ cho người đi đường và là nơi thờ Phật thì sau này, đình đã trở thành một công trình công cộng của làng xã, là nơi ngự trị của Thành hoàng – vị thần mà trong tâm thức mỗi người Việt có một vị trí rất cao quý, đó là đấng thần linh luôn phù trợ, bảo vệ cho làng khỏi những biến cố, khó khăn trong cuộc sống, vị thần này đã mang đến cho người Việt cảm giác yên tâm vững vàng vì cả làng đang sống trong sự phù hộ, che chở của Thành hoàng. Chính vì lẽ đó mà đình làng trở thành nơi linh thiêng, trang nghiêm của làng, và từ đây mọi sinh hoạt văn hóa của làng đều được tổ chức tại đình làng. Đình làng là nơi cố kết cộng đồng, ở đó, dân làng thể hiện tinh thần đoàn kết, trách nhiệm trong việc thờ tế cũng như mọi sinh hoạt văn hóa khác.

Bàn về vai trò của đình làng trong tâm thức của người Việt, nhà văn Sơn Nam trong tác phẩm Đình miếu và lễ hội dân gian đã bày tỏ:

“Muốn vươn đến tương lai, con người phải đứng vững trên cơ sở quá khứ. Nhân hư đạo bất hư. Đến đình làng, nào chỉ mến mộ, quen thân với những người phụ trách tế lễ, họ có đức hạnh thì ta tôn trọng, bằng không thì ta cứ bỏ qua. Ta muốn làm tròn phận sự của con người trước đất nước và vũ trụ, trong hệ thống lớn Thiên, Địa, Nhân, lắm khi linh cảm nhưng không lý luận được, để rồi lo làm ăn, buôn bán.”

Thời gian trôi đi, sự khắc nghiệt của thiên nhiên, sự tàn khốc của chiến tranh và sự thờ ơ, thậm chí cả sự triệt phá vô tâm của con người đã làm cho hầu hết ngôi đình làng không còn giữ được vẻ uy nghi thuở ban đầu. Nhiều đình làng không còn tồn tại, nhưng sự hiện diện của những ngôi đình còn lại vẫn đủ để khẳng định rằng, đình làng là hình ảnh thân quen, gắn bó với tâm hồn của người dân Việt. Đó cũng là nơi thể hiện tính tự trị cao của làng xã; ở đó, tình cảm cộng đồng được gắn kết một cách bền chặt.

Truyền thống tốt đẹp của người Việt là uống nước nhớ nguồn, vì thế không gian kiến trúc cũ của đình làng cần phải được gìn giữ; những vật liệu mang hơi hướng của người xưa cần được bảo lưu cẩn thận. Đừng nghĩ rằng tháo gỡ đi những vật liệu dễ hỏng như gỗ, ngói mà thay vào đó những vật liệu hiện đại đắt tiền, xây thật to và trang trí nhiều liễn, đối là thể hiện sự biết ơn với tiền nhân, bởi ngôi đình không phải đơn thuần chỉ là mái nhà, thân nhà, mà còn có cái hồn; cái không gian chứa đựng biết bao giá trị văn hóa của người xưa…